Vụ Gia Trang Quán ở Bình Chánh: Khoan thư sức dân hay khoan thủng dân?

Trương Châu Hữu Danh

25-12-2019

Để đánh giá một quốc gia có văn minh, người ta nhìn vào hệ thống pháp luật. Ở quốc gia đó, mọi hoạt động của đời sống xã hội đều được pháp luật điều chỉnh với nguyên tắc: Xử lý các vấn đề kịp thời theo luật định và dự liệu các tình huống pháp lý có thể xảy ra trong tương lai gần.

Từ xa xưa, cha ông ta đã quản trị đất nước bằng các nguyên tắc đó trên nền tảng khái niệm “khoan thư sức dân”.

Khoan theo nghĩa Hán cổ là nương theo, thuận lòng dân. Nó trái nghĩa hoàn toàn với động từ khoan để làm thủng, xuyên lỗ hoặc phá vỡ liên kết của vật liệu có mặt phẳng bằng mũi nhọn trong tiếng Việt hiện đại.

Xin trở lại vụ việc Gia Trang Quán ở huyện Bình Chánh, TP.HCM đang gây chú ý dư luận trong tháng qua mà đỉnh điểm là quyết định cưỡng chế (đập bỏ) của UBND huyện này.

Cũng cần nhắc lại là, huyện Bình Chánh cho rằng, bà Trần Thị Minh Trang tự ý chuyển mục đích đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong khi bà Trang vẫn khẳng định bà không làm vậy!

Thực ra, mấu chốt của vụ việc là xác định nguồn gốc đất và xác định hành vi vi phạm hành chính của bà Trang. Nếu bà Trang mua mảnh đất 8.000 mét vuông là đất nông nghiệp rồi về dựng lên Gia Trang Quán là chuyển mục đích sai phép. Còn nếu bà Trang mua đất đã có nhà sẵn và cải tạo lại trước thời điểm có luật thì không sai phép.

Theo tài liệu, chứng cứ Báo Sạch có được, vợ chồng bà Trang mua 8.000 mét vuông đất từ 7 hộ dân năm 1999. Trên đất đã có sẵn các ngôi nhà.
Năm 2002 đến 2004 vợ chồng bà Trang lập trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn của công ty CP Thái Lan. Một năm sau nữa thì phải ngưng chuồng trại vì dịch cúm gia cầm, nuôi heo gây ô nhiễm…

Năm 2005, vợ chồng bà Trang ly hôn. Bà Trang tiếp quản toàn bộ số nhà đất trên và cải tạo chuồng trại làm nhà ở và kinh doanh Gia Trang Quán như hiện nay.

Tháng 8/2018, UBND xã Tân Quý Tây lập biên bản xử phạt bà Trang vì hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà cụ thể thể là xây dựng hai công trình nhà…

Tiếp nữa, UBND huyện Bình Chánh ban hành hai quyết định: Một quyết định xác định hành vi vi phạm của bà Trang và một quyết định cưỡng chế tháo gỡ đối với các hạng mục ở Gia Trang Quán.

Căn cứ pháp lý chính quyền Bình Chánh áp dụng là Nghị định 102/2014/NĐ – CP ngày 10/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Sau nhiều lần khiếu nại, bà Trang khởi kiện các quyết định đó tại TAND TP.HCM để yêu cầu tòa tuyên hủy các quyết định làm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trang.

Nếu trở lại với nguyên tắc dự liệu khi xây dựng luật thì Chính phủ đã có tính toán rất “khoan thư sức dân” khi ngoài việc ban hành Nghị định 102 như huyện Bình Chánh căn cứ, Chính phủ ban hành thêm Nghị định số 43/2014/NĐ – CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Nghĩa là với hai Nghị định này, Chính phủ một mặt cương quyết tháo gỡ với các hành vi chuyển mục đích đất, xây dựng trái phép. Mặt khác, các công trình đã có từ trước ngày 1/7/2014 của Luật Xây dựng thì cho tồn tại.

Trong khi Chính phủ “khoan thư sức dân” bằng các quyết định hành chính hợp lòng dân thì UBND huyện Bình Chánh lại áp dụng các điều khoản chưa phù hợp với tinh thần ấy.

Càng bất ngờ hơn khi tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định số 872/QĐ-CCXP ngày 13/12/2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ký ban hành với nội dung: “Việc người bị cưỡng chế thực hiện quyền khiếu nại hoặc khởi kiện không đương nhiên làm tạm ngưng thi hành quyết định này, trừ trường hợp có quyết định khác theo trình tự luật định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Điều này là trái với nguyên tắc trong vụ kiện, phán quyết của tòa án phải được tôn trọng tuyệt đối!

Giả sử tòa án nhân dân TP.HCM tuyên hủy quyết định, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trang thì lúc đó UBND huyện Bình Chánh sẽ bồi thường thế nào với toàn bộ số hạng mục của Gia Trang Quán đã được Chứng thư thẩm định ghi nhận lên đến 14 tỷ đồng?

Vận dụng pháp luật để khoan thư sức dân, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rồi đóng góp ngược lại vào ngân sách địa phương mới là việc đáng làm. Vì nếu dụng luật để “khoan thủng” bằng các quyết định sẽ khó tránh khỏi thực trạng tài nguyên đất lãng phí bằng hiện tượng phân lô bán nền đang lan tràn ở khắp nơi, trong đó có Bình Chánh.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thông thường ở các nhà nước pháp quyền khi người dân thấy chính quyền lạm quyền, làm sai 1 vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân – như ở đây 1 vụ có thể ảnh hưởng lớn là có thể gây bất lợi lớn về tài sản cố định, phá không dễ phục hồi hay phục hồi nhanh – thì người dân các nước đều sử dụng quyền khiếu nại khẩn cấp tới Tòa hành chính và Tòa án cũng bắt buộc phải xử lý nhanh. Khi Tòa vẫn chưa chắc chắn chính quyền hay dân ai đúng, ai sai thì Tòa sẽ ra biện pháp khẩn cấp tạm thời và yêu cầu chính quyền phải chấp hành không được tiếp tục cưỡng chế và ở các nước pháp quyền chính quyền phải chấp hành quyết định Tòa (nếu như không ai muốn mất chức). Tuy nhiên đúng là thực tế lâu nay ở Việt nam là nếu chủ tịch huyện (hay cùng cấp là quận, tỉnh, thành phố) đã ra quyết định thì 1 quyết định tạm dừng của 1 thẩm phán huyện chả thấm tháp gì với quyết định của CT huyện kiêm phó bí thư huyện ủy. Tóm lại với cách làm đặc biệt của Việt Nam là quyền lực quyết định và vai trò tư pháp còn yếu ớt, thì nếu bà Trang đã có quyết định dừng của Tòa án huyện mà không ăn thua thì phải chăng người dân thường thấp cổ bé họng lại phải nhờ tới Tòa án thành phố?!

Leave a Reply to Sóng ngầm Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây