Ngâm cứu hay cần cấp cứu?

Vũ Kim Hạnh

19-12-2019

Ảnh: internet

Trong tuần vừa qua, đặc biệt trong các ngày 12-13/12, Hà Nội đã có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng của Air Visual về nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, với màu nâu – mức vô cùng độc hại cho sức khỏe. Đỉnh điểm là vào khoảng 06:15 sáng 13/12, nồng độ PM 2.5 tại Hà Nội là 361, đạt đỉnh ô nhiễm cao nhất toàn cầu. Chính quyền Hà Nội mới đây đưa ra 12 nguồn phát thải.

CHỈ CẦN TẬP TRUNG 3 NGUYÊN NHÂN CHÍNH?

Các chuyên gia môi trường gợi ý vào ba nguyên nhân chính sau đây:

1- NHIỆT ĐIỆN THAN

Nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018, cho hay công suất lắp đặt nhiệt điện than VN đã tăng mạnh từ 13 GW lên 18,5 GW năm 2018. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Hít bụi mịn, ắt chết sớm. Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam về phát thải nhiệt điện hiện gấp 5-10 lần so với các nước có các tiêu chuẩn tốt.

Một nghiên cứu khác mang tên Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay “Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam”. Ước tính các nhà máy điện than đã gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.

2- XE MÁY

Cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nặng tại Hà Nội. Các nhà khoa học cho rằng xe máy đang đóng góp 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi.

3- CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, cho rằng việc chưa kiểm soát tốt phát thải của các công trình xây dựng, để bụi phát tán vào không khí, công trình không quây kín, xe ra vào xốc bụi bẩn khiến nhiều tuyến đường thành phố luôn mù mịt.

CÁC NƯỚC ĐANG CHỌN NHỮNG GIẢI PHÁP “TẦM THƯỜNG” CÓ TÁC DỤNG NGAY VÀ KHÔNG QUÁ HOÀNH TRÁNG

Một hành động tượng trưng: Mỹ vừa phá hủy một nhà máy điện than hơn 100 năm tuổi ở thành phố Detroit của bang Michigan ở Mỹ đã bị phá hủy hôm 13/12 sau khi bị đóng cửa năm 2008.

Quốc hội Hàn Quốc gần đây đã thông qua tám dự luật liên quan tình trạng bụi mịn nồng độ cao có lúc đã chạm ngưỡng cao kỷ lục kể từ năm 2015. Trước tình hình cấp bách này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất thành lập ngân sách bổ sung nhằm đối phó bụi mịn, cũng như yêu cầu các ban, ngành xem xét việc đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than đã hoạt động hơn 30 năm.

Nội các Thái Lan hôm 2/10 đã nhất trí thông qua 3 biện pháp do Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) đề xuất nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok và các vùng lân cận. Theo đó, trước mắt, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã công bố kế hoạch lắp đặt tháp lọc không khí cỡ lớn đầu tiên tại bến tàu điện trên cao Siam máy trong tháng 10 này. Tháp lọc không khí trị giá 5,3 triệu baht (4 tỷ đồng) này, có chiều cao 4m, rộng 1,5m, nặng khoảng 200kg, có thể lọc không khí trên diện tích 1.000m².

Hội đồng thành phố đang thảo luận việc mua 6 xe phun nước để giúp giảm khói bụi. Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ bàn giao lô lọc không khí đầu tiên cho 37 trường công tại thủ đô và vùng phụ cận trong vòng 2 tuần tới. Đồng thời đặt hàng Văn phòng Ủy ban Giáo dục nghề nghiệp sản xuất 10.000 máy lọc không khí giá rẻ, có giá 2.000 baht (hơn 1,5 triệu đồng), để phân phát cho các trường học ở những khu vực dễ bị ô nhiễm bụi… Họ triển khai vòi rồng phun nước thường xuyên vào không khí, đồng thời cung cấp khẩu trang cho người dân. Thái Lan cam kết sẽ tận dụng hệ thống giao thông công cộng, sử dụng năng lượng sạch.

Còn tại Ấn Ðộ, chính quyền thành phố Niu Ðê-li cho biết, sẽ tích cực áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm như hạn chế các hoạt động xây dựng, cấm xe tải đi vào thành phố, tăng tần suất hoạt động của giao thông công cộng, cấm đốt rác và rơm rạ,…

Đáng chú ý là, Tổ chức tư vấn y tế công cộng Vital Strategies (có trụ sở tại Mỹ), sau khi phân tích hơn 500 nghìn bài báo và các bài đăng trên mạng xã hội về ô nhiễm môi trường tại 11 nước thuộc khu vực Nam Á và Ðông – Nam Á đã phát hiện các nước này chủ yếu tập trung vào các phương tiện giao thông. Trong khi đó, những nguyên nhân nặng nề chính là khói bụi từ nhà máy nhiệt điện, các công trường xây dựng, đốt nương rẫy, cháy rừng… lại không được đề cập nhiều. Cũng vậy, báo chí thường nói đến tác động gây bệnh hô hấp, dị ứng khói bụi, cảm cúm… chứ không đề cập các nguy cơ lâu dài như ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Khi xác định 03 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: 1/Nhiệt điện than; 2/Xe máy, 3/Các công trỉnh xây dựng thì biện pháp chính là phải ngăn chặn quyết liệt ngay tại gốc của 03 nguồn gây ô nhiễm này. Thí dụ: Các nhà máy nhiệt điện phải có giải pháp ngăn bụi phát tán ra môi trường như: màng lọc, hệ thống hút bụi, phun sương tạo độ ẩm,…kiểm tra các thông số chỉ tiêu môi trường ko đạt thì yc Nhà máy tạm ngưng hoạt động để xứ lý. Các xe máy yc lắp ống xả có ngăn bụi mịn & lọc khí độc, khuyến khích sd xe điện. Phạt nặng từ vài trăm triệu đến vài tỷ các công trường xd gây ô nhiễm vv…vv…Còn việc ”lắp đặt tháp lọc không khí” trong đô thị; “xe phun nước để giúp giảm khói bụi”; trang bị “máy lọc không khí giá rẻ”; “cung cấp khẩu trang” chỉ là các biện pháp thụ động. Ko lẽ Ta sd các biện pháp này là Ta chấp nhận “sống chung với ô nhiễm”, chấp nhận 03 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường cứ hoạt động thoải mái?

  2. VN ô nhiễm là do nhân dân dốt rơm rác, còn cá chết nổi lềnh bềnh là di bị “ngộp….nước”.

Leave a Reply to Trúc Bạch Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây