Bàn một chút về sai phạm của ông Hoàng Trung Hải

Nguyễn Thái Nguyên

13-12-2019

(Nhân kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với các sai phạm của ông Hoàng Trung Hải: “Đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO2”)

1/ Khoảng năm 1998, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải ở Trung Quốc, mang theo ý kiến chỉ đạo của ông Đỗ Mười về việc đề nghị Chính phủ Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ cho VN nâng cấp khu Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Trong hội đàm, sau khi nghe đề xuất của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Chu Dung Cơ nói (tôi cho rằng đó là ý kiến rất chân tình) đại ý: Theo tôi, các đồng chí Việt nam không nên tiếp tục đầu tư vào 2 cơ sở công nghiệp này. Trung Quốc đến nay chưa có được công nghệ luyện thép chất lượng cao nên có giúp các đồng chí nâng cấp khu Gang thép Thái Nguyên cũng không hiệu quả. Đạm Hà Bắc cũng thế. Không phải chúng tôi không muốn giúp, nhưng các đồng chí VN phải tìm kiếm những hướng đầu tư khác với công nghệ hiện đại hơn.

Thế nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn kiên trì đề xuất nên Chu Dung Cơ hứa sẽ xem xét. Đúng là Chính phủ TQ đã xem xét và có sự “viện trợ” đối với hai cơ sở “công nghiệp nặng” này. Theo tôi hiểu, không chỉ ông Đỗ Mười mà từ thời ông Lê Duẩn, lãnh đạo đảng và nhà nước VN đã hình thành một tư tưởng khá nhất quán, đó là phải có các cơ sở công nghiệp nặng “làm nền tảng” cho nền kinh tế XHCN độc lập, tự chủ, do đó mà đầu tư với bất cứ giá nào cho Cơ khí, Sắt, Thép, Xi măng… đều được coi như thực hiện kiên định Cương lĩnh, Chiến lược của đảng. Sự kiên định của Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện tư tưởng chiến lược đó. Nếu nói rộng ra, không cứ Việt Nam mà Mao Trạch Đông cũng là một lãnh tụ có tư tưởng vĩ cuồng về “Đại nhảy vọt” mà nền tảng cơ bản nhất phải có vẫn là sắt thép!

Khu Gang thép Thái Nguyên là một sản phẩm đặc trưng của tư duy lý luận đó. Không phải đến TISCO 2 thì mới xẩy ra tình trạng lãng phí, tổn thất cỡ vài bốn ngàn tỷ mà TISCO 1 là hoàn hảo. Không có chuyện như thế. Không ai thanh tra, đánh giá cái TISCO 1 ấy cả mà mặc nhiên “cái tồn tại là cái hợp lý” vậy thôi. Thế thì vì sao bây giờ lại thanh tra TISCO 2? TISCO 2 là 1 trong 12 “dự án khủng” bởi quy mô vốn đầu tư khủng, tổn thất khủng và mức độ bê bối cũng khủng, vậy vì sao TISCO 2 có vẻ bỗng nhiên trở thành vụ việc trọng điểm? Có lẽ có cả những vấn đề đã ở ngoài phạm vi kinh tế mà người viết không có hiểu biết thấu đáo nên xin không trình bày ở đây mà chỉ nêu các căn cứ kinh tế và luật pháp mà thôi.

2/ Tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Ban quản lý Dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn lên750.000 tấn (Gọi tắt là TISCO 2). Khoảng 6 tháng sau, ngày 1/4/2005, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư với tổng vốn được duyệt chi cho dự án là 3.843 tỷ đồng (tương đương 242,5 triệu đô la theo tỷ giá 2005, 15.850 VN/1USD). Năm 2007, dựa vào “kết quả đấu thầu”, TISCO chọn và ký hợp đồng với nhà thầu, Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện gói thầu lớn nhất của dự án là EPC (Thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) với giá trị xấp xỉ 161 triệu đô la. Cùng với đó là sự cam kết mức giá này là “trọn gói, không thay đổi”. Sau một thời gian tiến hành đủ các thủ tục đầu tư và tiến hành triển khai dự án, đến năm 2012, dự án không những không được triển khai đúng theo kế hoạch mà còn xuất hiện nhiều “trục trặc” chủ yếu do nhà tổng thầu TQ không thể triển khai vì… “thiếu vốn”!

3/ Tháng 8/2012, TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) đã có báo cáo lên Bộ Công thương về khó khăn và đề nghị được điều chỉnh vốn lên mức 8.104 tỷ đồng (tăng thêm 4.261 tỷ, gấp 2,1 lần tổng mức đầu tư đã duyệt chi của Thủ tướng trước khi đấu thầu). Không lâu sau, Bộ Công thương đã có báo cáo trình Thủ tướng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ như đề nghị của TISCO và VNS.

Từ văn bản này của Bộ Công thương, theo chỉ đạo của PTTg Hoàng Trung Hải, VPCP đã có công văn gửi các cơ quan: Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngành này cho ý kiến để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét quyết định. Tuy mức độ có khác nhau, nhưng cả 4 cơ quan này đều không đồng tình việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn như vậy. Bộ KH&ĐT còn khẳng định việc điều chỉnh nhiều hạng mục đầu tư do nhà thầu đưa ra không hợp lý và không có cơ sở pháp lý. Bộ Xây dựng khẳng định, dự án được triển khai theo hợp đồng EPC vì vậy, việc quản lý thực hiện hợp đồng phải theo đúng hợp đồng đã ký, không tùy tiện thay đổi các hạng mục đầu tư và nâng mức đầu tư được. Trong công văn trả lời của Bộ Tài chính cũng khẳng định chi phí tăng thêm như đề nghị của Bộ Công thương là không hợp lý. Ngân hàng Nhà nước cho rằng hơn 72% số tiền xin điều chỉnh tăng, chủ yếu là tăng thêm hơn 3.000 tỷ cho gói thầu EPC số 1 do nhà thầu Trung Quốc MCC thực hiện là “bất thường”…

Trong khi các bộ ngành chức năng đều có ý kiến không đồng tình với đề xuất của TISCO, VNS và Bộ Công Thương thì không hiểu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải căn cứ vào đâu, đã đưa ra quyết định: “Giao HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm về điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành đảm bảo hiệu quả, nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét”. Văn bản cũng nói rõ: Giao cho ngân hàng Phát triển Việt nam Vietinbank, Ngân hàng Công thương cho vay tiếp (Thông báo của VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng CP Hoàng Trung Hải, số 3136 ngày 22/2/2013). Đây là một hiện tượng rất bất bình thường ở VPCP vì nó trái với các quy chế và trình tự thủ tục mà VPCP phải chuẩn bị để Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ ra các quyết định xử lý công việc thường xuyên. Mặt khác, VPCP là một cơ quan Tham mưu giúp việc Thủ tướng và Chính phủ, không hề có quyền bất chấp ý kiến không đồng tình của các bộ ngành chức năng để tham mưu sai lầm cho lãnh đạo Chính phủ.

Theo tôi, ở đây rất có thể đã có một “Quy trình ngược”: Ý kiến quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có trước, VPCP đã không nghiêm túc trong vai trò tham mưu của mình với Phó Thủ tướng. Thông thường, những trường hợp tương tự như vậy, VPCP phải báo cáo ý kiến của các ngành và cả của Phó Thủ tướng lên Thủ tướng chứ không được phép “hợp thức hóa” ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bằng các văn bản dưới luật như trên. Đây là điều cấm kỵ đối với bất cứ chuyên viên và lãnh đạo nào của VPCP. Tôi không nghĩ VPCP đã thay đổi quy chế làm việc truyền thống đó.

Dù nội dung văn bản này rất tù mù về việc “chịu trách nhiệm điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án” là bao nhiêu và “nếu vượt hạn mức…” là hạn mức nào? Dù là thế, nhưng những người “trong cuộc” hay “trong nhóm” đều hiểu rõ, hiểu hết. “Được lời như cởi tấm lòng”, ông Chủ tịch đã không để lâu, ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO đã ký quyết định nâng tổng mức đầu tư của dự án từ 3.843 tỷ lên 8.104 tỷ. Trong trường hợp này, ông Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp, được PTTg cho phép đã có quyền hạn to hơn cả Thủ tướng. Với quy mô số tiền tăng thêm so với tổng mức đầu tư một dự án 4.261 tỷ đồng (tương đương 269 triệu đô la theo thời giá 2015) thì không Thủ tướng nào tự quyết một mình như thế mà Thủ tướng sẽ yêu cầu VPCP đưa vào nội dung họp Chính phủ và xử lý vấn đề ấy ở tầm Chính phủ.

Với cách làm này, không chỉ đối với một dự án TISCO mà xẩy ra ở hàng chục dự án còn to hơn TISCO thì ai cũng hiểu vì sao nợ công tăng nhanh và cao ngất ngưởng mà hiệu quả nền kinh tế lại rất thấp. Chỉ có điều, những người thực thi công vụ bừa bãi gây tổn thất rất lớn cho đất nước như đối với dự án TISCO không hề phạm tội tham nhũng. Những tài sản và tiền bạc họ tham nhũng được đều an toàn vô sự. Với tổng mức đầu tư lớn như vậy, nhưng dự án này đã “tạm dừng” từ năm 2013, “hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư” (Kết luận của Thanh tra Chính phủ). Cái còn lại hoành tráng nhất, đáng giá nhất liên quan đến dự án TISCO có lẽ là ngôi biệt thự của ông Chủ tịch HĐQT TISCO.

4/ Mặc dù phía nhà thầu Trung Quốc MCC đã vi phạm nhiều khoản mục đầu tư, chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị đã hư hỏng, sai lệch về xuất xứ, nhà cung cấp cũng như về thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam… (Kết luận của Thanh tra Chính phủ) nhưng điều lạ lùng là TISCO đã được Phó Thủ tướng “đồng ý để TISCO thanh toán các khoản chi phí cho MCC” (Thông báo 196 của VPCP ngày 11/6/2015). Tất nhiên thông báo này cũng không nói rõ “thanh toán” những khoản mục nào và bao nhiêu. Nhưng căn cứ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ thì bất chấp phía MCC đã vi phạm hợp đồng, triển khai dựa án, kể cả việc cung cấp thiết bị chậm, thiếu nhiều hạng mục, dự án đã phải “đắp chiếu” từ năm 2013, vậy mà TISCO lại rất hào phóng thanh toán gần hết tổng chi phí dự án: tổng số gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng… Nghĩa là đã thanh toán gần 93% giá trị hợp đồng (Phần E-Thiết kế là 2,9 triệu đô la/3,1 triệu đô la, chiếm 92,77%; Phần P là 106,6 triệu đô la/114,8 triệu đô la, chiếm 92,89%) . TISCO còn “thanh toán hộ” cho MCC 11,6 triệu đô la tiền thuế và khoảng 5 tỷ đồng các khoản chi phí bốc xếp, bảo quan thiết bị…

Với ông Hoàng Trung Hải, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ dám kết luận “có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO 2” và vi phạm này “đến mức phải xem xét kỷ luật”. Còn ông Tổng Bí thư, dù phải cân nhắc nhiều bề, dù có chịu sức ép của các đồng chí của ông từ Trung Nam hải thì chắc cũng không thể bỏ qua những sai phạm tày đình này, nhất là Đại hội 13 đã cận kề. Nếu cứ dung túng những con người và những hành vi vi phạm này thì kỷ cương phép nước sẽ không còn được tôn trọng, công cuộc chống tham nhũng rất được lòng dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc chắn còn nhiều vấn đề “chưa rõ” trong việc thực hiện dự án này không khó để làm rõ trong thời gian tới.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. -Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý I/2021, tính lại thời gian chỉ còn 01 năm là ko đủ để loại xong bọn tham nhũng, bất tài khóa XII (bọn chúng còn tại vị là dịch virus sẽ làm tha hóa 184 nhân sự quy hoạch khóa XIII. Tại TQ, UVTW và UVTW dự khuyết khóa 18 ĐCSTQ bị điều tra lên đến 43 người nhưng TW khóa 19 có 204 người chính thức + 172 người dự khuyết lại bắt đầu đang có vấn đề, mặc dù họ đều do đích thân ông Tập Cận Bình lựa chọn, còn qua Ủy ban thẩm tra do ông Vương Kỳ Sơn dẫn đầu thẩm tra nghiêm ngặt). Vậy thời gian còn ít thì ta gom củi to đốt trước, còn củi nhỏ để qua Đại hội gom lại đốt tiếp thì lò vẫn cháy & cháy đều.

  2. “Nếu cứ dung túng những con người và những hành vi vi phạm này thì kỷ cương phép nước sẽ không còn được tôn trọng, công cuộc chống tham nhũng rất được lòng dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.”

    Chắc chắn rằng kỷ cương phép nước thì không bao giờ có, chỉ có loạn lạc 63 sứ quân.
    100% công cuộc chống tham nhũng rất không được lòng dân và sẽ không bị ảnh hưởng gì cả bởi đến tận giờ tên thủ tướng quyết liệt X vẫn rung đùi, tham nhũng chết 1 nhưng đẻ ra tới 10, cái lò chỉ là mị dân.

    • cái lò chỉ đốt củi rừng. Hoàng Trung Hải là củi nhà nên đến hôm nay mới bị phe kia quăng vào miệng núi lửa.
      Mong là quăng mẹ nó cái lò và thằng đốt lò lẫn cái kho củi đảng nó vào miệng núi lửa luôn cho xong

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây