Chữ quốc ngữ và 12 ‘tông đồ’ của phi nhân, phản khoa học

Blog VOA

Trân Văn

29-11-2019

Bão lại nổi lên trên mạng xã hội sau khi thành phố Đà Nẵng thông báo, chưa lấy tên hai linh mục Công giáo là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này.

Đà Nẵng dự tính dùng tên hai linh mục vừa kể đặt cho một vài con đường vì trước nay, hai ông vẫn được xem như những người tiêu biểu trong việc giúp người Việt chuyển đổi chữ viết từ hệ thống ký tự tượng hình sang hệ thống ký tự La tinh (chữ quốc ngữ).

Tuy nhiên dự tính đó đã bị 12 cá nhân mang những học hàm như Phó Giáo sư, những học vị như Tiến sĩ hoặc vẫn được gọi là “nhà nghiên cứu” về lịch sử, văn hóa phản đối kịch liệt, tất cả lập luận bài bác đều có màu sắc chính trị. Ví dụ: Alexandre de Rhodes là tội phạm. Chữ quốc ngữ là công cụ xâm lăng. Chữ quốc ngữ là cách thực dân khiến người Việt phải ghi ơn mẫu quốc vì có công khai phá. Phải xem Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có xứng tầm để hậu thế noi theo hay không?..

Đó cũng là lý do chính quyền thành phố Đà Nẵng phải tạm dừng ý định dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes làm tên cho hai con đường ở thành phố này. Cứ như tự sự của ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng thì quyết định tạm dừng không phải do lập luận của những người bài bác hữu lý. Ông Hùng nhắc nhở, không phải tự nhiên mà tiền nhân, giới sĩ phu yêu nước thúc giục truyền bá chữ quốc ngữ, xem đó là yêu nước (1)…

Dẫu nhận thức như thế song các viên chức hữu trách ở Đà Nẵng vẫn không vượt qua được sự ngán ngại về những rắc rối chính trị theo sau kiểu mà họ gọi là “bỏ bóng đá người” – đem “quan điểm, lập trường” cột vào cổ Pina và de Rhodes!

***

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đã giúp Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia ở châu Á có hệ thống ký tự La tinh, nhờ vậy người Việt dễ học đọc, viết, tiếp cận các ngôn ngữ khác ở phương Tây hơn.

Tuy thù hận Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes và được xem như những nhân vật có thứ hạng trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử nhưng 12 người tiên phong trong việc chống ghi công Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes lại chỉ rành… chữ quốc ngữ. Vốn liếng của họ về Hán Nôm – một trong những công cụ hữu dụng để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, nâng cao tri thức và hiểu biết cả về tiền nhân lẫn tự hào dân tộc, có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi phân biệt “tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã,… tốt”!

Đó cũng là lý do có những facebooker như Hoàng Linh gọi 12 nhân vật này là “12 tông đồ”. Dùng kiểu tư duy đó, Hoàng Linh đề nghị nghiên cứu xem “Kênh Nước Đen” – tên một con đường ở TP.HCM có… làm gì cho chế độ cũ hay không? Gia đình có ai… định cư ở nước ngoài không? Vợ có phải là… “Kênh Tàu Hũ” không? “Kênh Nhiêu Lộc” có phải con không, tại sao không khai trong lý lịch?.. Chưa làm rõ thì không nên dùng để đặt tên đường và cần làm rõ ý đồ chính trị, tôn giáo của người đã chọn tên ông… “Kênh Nước Đen” (2)!

Cũng dùng kiểu tư duy đó – xem chữ quốc ngữ như một công cụ xâm lặng, Nguyễn Thiện đề nghị đập bỏ Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vì nơi này vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương, trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao vì đó từng là nơi thực dân xét xử nhân dân ta, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đập bỏ tất cả những công trình kiến trúc mà thực dân Pháp xây dựng vì tất cả các công trình này đều đã từng được sử dụng để thống trị nước ta, đàn áp nhân dân ta (3)!

Hoàng Mạnh Hà thì đề nghị xem lại tư cách “nghiên cứu” của 12 cá nhân phản đối dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này. Chuyện Alexandre de Rhodes không phải là “ông tổ” của “chữ quốc ngữ” đã được xác định cách nay năm, sáu thập niên. Sở dĩ giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề cao vai trò của Alexandre de Rhodes vì ông có công xuất bản hai cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày), như “giấy khai sinh” cho chữ quốc ngữ.

Hà cho rằng, tới giờ mà còn viện dẫn “Alexandre de Rhodes không phải người tạo ra chữ quốc ngữ” như một “kết quả nghiên cứu” thì phải nghi ngờ về tư cách, khả năng “nghiên cứu”. Tương tự, Alexandre de Rhodes tới Đà Nẵng từ tháng 12 năm 1624 và 234 năm sau (tháng 9 năm 1858), thực dân Pháp mới nổ súng xâm lược. Qui kết Alexandre de Rhodes “âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp xâm lược nước ta” là một suy diễn hàm hồ, phản khoa học. không ai làm công việc “nghiên cứu” lại hồ đồ như thế (4)…

***

Ai cũng biết khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực: Tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Tại Việt Nam, nhiều ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tuột từ từ xuống đáy và dù liên tục được cảnh báo nhưng vẫn đi xuống, không có điểm dừng.

Vì sao học – nghiên cứu về tương quan giữa con người với xã hội (triết học, tôn giáo, văn chương, ngôn ngữ, tâm lý, chính trị, xã hội, truyền thông, giáo dục, kinh tế, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, lưu trữ,…) tại Việt Nam lại trở thành lệch lạc và thảm hại đến như vậy?

Vì sao chỉ có ngôn ngữ, kinh tế, truyền thông thu hút được nhân lực? Vì sao giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không đủ tầm để nhận diện các hiện tượng, lý giải, dự báo, khuyến cáo để bảo đảm Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, tăng trưởng trong ổn định?

Lập luận của 12 nhân vật ký tên vào thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này chính là phác họa chân dung của rất nhiều cá nhân đã cũng như đang hoạt động trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.

Những “tông đồ” của u mê, thiển cận ấy không chỉ làm tổn thương những người thật sự dành thời gian, trí lực, sức lực cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, 12 “tông đồ” còn cho thấy, kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với vô số vấn nạn khó lường cả về tính chất lẫn mức độ và khó mà tìm ra lối thoát vì các “tông đồ” vẫn là những nhân vật có… “thế giá”, vẫn chi phối toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng của 12 cá nhân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này, chính là bia tưởng niệm cho khoa học chân chính vốn đã bị khai tử từ lâu!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-phan-doi-dat-ten-duong-2-giao-si-co-cong-voi-chu-quoc-ngu-20191126151416452.htm

(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2474631789324003

(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10216017028838624

(4) https://www.facebook.com/hmh2904/posts/2884950981523311

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng bị CQ CSVN chuyển giao một cách nhanh chóng cho Trung cộng. Vậy xin các quí học giả nếu còn tự cho rằng mình có tâm hãy lo lắng và tìm cách đển thoát khỏi cảnh Bắc thuộc hôn là ngồi bàn những chuyện chữ nghĩa hay đặt tên ai cho đường phố nào. Nó không mang tính thiết thực tí nào cả!

  2. KHI LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO KÍCH ĐỘNG SỰ HẬN THÙ
    (Nguồn: Dân Làm Báo)
    Liên quan đến việc 11 học giả tại Huế phản đối việc Đà Nẵng đặt tên đường Alexandre de Rhode, một lãnh đạo tôn giáo được nhà nước Việt Nam công nhận là Thượng toạ Thích Nhật Từ đã có bài giảng bằng hình thức livestream kích động sự hận thù, phỉ báng đạo Công giáo. Đây là bằng chứng rất rõ cho thấy các tập đoàn sư quốc doanh được thành lập để định hướng tư tưởng của cả xã hội.
    Trong các bài giảng liên quan đến việc đặt tên đường tại Đà Nẵng, Thượng toạ Thích Nhật Từ luôn nhấn mạnh việc tuân thủ Nghị định 91 của Chính phủ nước CHXHN Việt Nam với tiêu chí “Có công với việc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc…”, nói về học thuật, về lịch sử mà dẫn nghị định của Cộng sản thì không cần bàn cãi người ta đã biết điều thầy tu này nói ra sẽ phục vụ cho lợi ích của ai rồi.
    Một vị lãnh đạo tôn giáo như thượng toạ Thích Nhật Từ lại tỏ ra quá sân si bằng các status viết trên mạng xã hội chỉ trích đạo Công giáo. Từ câu chuyện đặt tên đường và quyết định của UBND tỉnh Đà Nẵng là đợi thêm ý kiến, dẫn tới các bài thuyết pháp kích động sự thù hằn dân tộc, phân thị tôn giáo của Thích Nhật Từ trong liên tiếp 3 ngày gần đây cho thấy khi lịch sử được viết lại để phục vụ chính trị, và các nhà tu hành sử dụng tôn giáo để phục vụ cho các mục đích liên quan đến chính trị cho thấy tín ngưỡng không còn tồn tại trong những con người như thầy tu Thích Nhật Từ.
    Trong quá khứ, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã từng đưa ra những thông tin vô căn cứ, sai sự thật về môn khí công Pháp Luân Công và khi vấp phải sự phản đối thì ông đính chính là chỉ căn cứ vào những thông tin và chứng cứ từ chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công nên ông chỉ lặp lại những nhận định đó.
    Ở vai trò là một lãnh đạo tôn giáo, những bài giảng, lập luận của Thích Nhật Từ sẽ rất nguy hiểm khi dẫn dắt người nghe rơi sâu vào sự sân si, thù hận, kỳ thị tôn giáo.
    Xã hội Việt Nam rồi sẽ trở nên mê muội khi các con nhang đệ tử nghe và coi những lý lẽ của Thích Nhật Từ là chân lý.
    30.11.2019

    CTV Danlambao
    danlambaovn.blogspot.com

Leave a Reply to Small Paul Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây