Chính sách “0 thứ tư” của quốc phòng Việt Nam viết ra cho ai và với mục đích gì?

Nguyễn Ngọc Chu

30-11-2019

1. Chiều ngày 25/11/2019 trong khi các ĐBQH ầm thầm thông qua Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài đến các đặc khu kinh tế ven biển, thì ngẫu nhiên hay cố tình, một động thái khác là dưới sự chủ trì của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng bộ Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 đã được công bố.

Điểm thay đổi của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 là chuyển từ “3 không” sang “4 không”. Đó là:

– Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự;

– Không liên kết với nước này để chống nước kia;

– Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;

– Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

2. Như vậy, chính sách “0 thứ tư” của Quốc phòng Việt Nam là “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Vậy chính sách “0 thứ tư” của Quốc phòng Việt Nam có giá trị cho ai?

Để trả lời câu hỏi này, phải nhìn thấy bối cảnh Việt Nam loan báo cho quốc tế biết “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Rõ ràng hiện nay (và từ năm 2009 khi công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần trước), Việt Nam không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bất cứ nước nào. Quan trọng hơn, là các nước trong khu vực Đông Nam Á không có nước nào lo sợ Việt Nam sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực cả. Còn đi xa hơn ngoài khu vực Đông Nam Á, thì rõ ràng Việt Nam không có khả năng dùng vũ lực để đe dọa được ai.

Từ đó thấy được là Việt Nam loan báo với thế giới “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, để nhằm mục đích nhắn gửi đến thế giới “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” với Việt Nam.

Đến đây thì đã rõ. Điểm “0 thứ tư” của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 là nhắn gửi tới Trung Quốc.

4. Đó là một điều nhắn gửi không đúng vai!

Một nước tuyên bố “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” phải là nước có thể làm được điều đó với nước mình gửi thông báo. Việt Nam hoàn toàn không có khả năng “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” trong quan hệ với Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc mới là nước đủ năng lực để tuyên bố “Không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực”.

Trước đây, Liên Xô và tiếp đó là nước Nga đã tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Nhưng sau này, ở trong tình trạng yếu thế, ông Putin đã thay đổi bằng tuyên bố dành cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trước để bảo vệ nước Nga. Đó là đòn đánh phủ đầu làm cho các nước khác phải lo sợ và đề phòng. Nhưng đó là quyền ra đòn phủ đầu của một nước thực sự có khả năng đánh phủ đầu.

5. Vậy mục đích thông báo Chính sách Quốc phòng “0 thứ tư” để làm gì?

Để mong Trung Quốc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực với Việt Nam ư? Đó là điều không tưởng. Không tưởng hơn cả Chủ nghĩa Xã hội!

Trung Quốc sẽ làm điều họ đang làm “kẻ mạnh là kẻ đúng”, “kẻ mạnh làm điều họ có thể làm, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu.”

Chính sách “0 thứ tư” không có giá trị cho ai, nhưng lại là cái cớ có điều thay đổi để ra Sách trắng Quốc phòng mới, mà mục đích là để khẳng định lại với Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn giữ nguyên chính sách “ 3 không” – bất chấp các sự cố đã xẩy ra, bao gồm việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Bãi Tư Chính, bất chấp các cuộc viếng thăm của các tướng lĩnh Hoa Kỳ và đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, rằng:

Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.

6. Điều mà Việt Nam cần làm không phải ra Sách trắng Quốc phòng vào thời điểm này, với sự bổ sung chính sách “0 thứ tư” không có giá trị cho ai.

Điều Việt Nam cần làm là gấp rút tăng cường Quốc phòng, đưa lực lượng Quốc phòng Việt Nam tới mức đánh bại mọi kẻ xâm lược, làm chùn bước mọi ý đồ muốn dùng vũ lực để xâm chiếm Việt Nam.

Trong số các biện pháp rất hữu hiệu nâng cao nhanh năng lực Quốc phòng Việt Nam – chính là thay đổi Chính sách Quốc phòng “3 không”.

Việt Nam “không liên kết với nước này để chống nước kia”, nhưng Việt Nam phải liên kết với các nước để chống lại kẻ xâm lược Việt Nam. Đó là điều bắt buộc!

Con nai van xin con hổ đừng dùng vũ lực là điều không tồn tại trong tự nhiên.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Việc đảng CSVN (thề) không sử dung vũ lực – mà theo tác giả là nhằm nhắn gởi đến Trung cộng – thực ra là đã được “đảng ta” thực hiện từ 1988 , đó chính là lúc mà các anh hùng trong lực lượng HQQĐND/VN – theo lệnh của đồng chí đại tướng bộ chưởng quốc phòng Lê Đức Anh – đã “hiên ngang nơi ….xạ trường”, đứng hàng ngang, đưa lưng cho “bạn” bắn mà không thèm nổ lại một phát súng nào trong “sự cố” đày bi hùng ở Gạc Ma….rồi. Mời xem lại để thấy:

    https://www.youtube.com/watch?v=YFxLeNVLRoM

  2. Thứ nhất liên minh quân sự như Nato là phải chi tiền theo quan điểm Mỹ hiện nay nên Việt nam hiện tránh từ này, vì ít nhất là sợ chi tiền – chưa kể về chế độ Việt Nam cũng thừa hiểu Phương Tây có thể „hợp tác“ với Việt Nam, chứ coi là „bạn đáng tin cậy“ để đưa vào khối như Nato chẳng hạn thì hiện nay Phương tây chưa thể đưa VN vào „cùng giường“ được! Chỉ cần nhìn ông bạn Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy rắc rối thế nào cho Nato khi vẫn tồn tại những bất đồng trong tư tưởng, văn hóa, pháp luật … Tóm lại việc không có Liên minh (kiểu Nato) là đúng với tình hình thực tế – tuy nhiên nên dùng từ ngữ cẩn thận nghĩ trước, nghĩ sau như: „Hiện thời Việt Nam chưa tính tới chuyện Liên Minh“ thì còn được, chứ đến lúc nào đó Việt Nam lại liên minh thì nhận định hôm nay sẽ trật lấc. Và điều Nhà nước cần hiểu ý nguyện của dân là trước sau Việt Nam cũng cần có liên minh hay hình thức gì cũng được với 1 kẻ mạnh hay 1 tập thể đủ sức mạnh bảo vệ Việt Nam (phù hợp với Hiến chương LHQ Đ. 52, chứ không như tình hình hiện nay, cứ bị ăn hiếp, xâm phạm nhưng „chỉ tuyên bố chủ quyền, nếu như không im lặng … – hay nghiên cứu…“, mạnh mẽ nhất Vụ giàn khoan là có cho tàu bè húc nhau, nhưng dễ hiểu toàn thua thiệt (tàu bé đâm sao lại tầu to!), còn không „chỉ theo dõi“ kẻ xâm lược đi lại trong vùng biển chủ quyền của mình.
    Thứ hai: „Không liên kết với nước này để chống nước kia“ thì là câu cơ bản trong nguyên tắc quan hệ QT, nên không cần nói ra làm gì hay là thừa!
    Thứ ba: „Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;“ Tương tự cũng như câu 2 trên trong quan hệ QT. Như vậy lúc nào cần và lí do „Bảo vệ Tổ Quốc“ sẽ chớ ai ngạc nhiên khi ở Việt Nam xuất hiện những phương tiện quân sự như tàu (như Liên Xô ở Cam Ranh trước kia) và nhân viên quân đội nước ngoài trên lãnh thổ VN giúp Việt Nam bảo vệ tổ quốc, vì „bảo vệ tổ quốc“ chắc ai cũng hiểu được là không thể hiểu được sang ý xấu là „để chống nước kia“. Kể cả không có điều đó thì phát huy truyền thống VN có thể sử dụng vũ khí, quân trang, quân dụng của nước ngoài viện trợ vẫn có khả năng chống kẻ thù mạnh hơn hẳn.
    Thứ tư: Câu này mới là câu đáng bàn, vì bản thân câu nói đã tự mâu thuẫn với chính nó (có thể xem thêm bài trên BBC: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50600455):
    „Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.“. Nội dung này là nội dung mang tính: „mong muốn, chờ đợi hay yêu cầu“ của Cộng đồng Quốc tế trong Hiến chương Liên hiệp Quốc tới các nước tại Điều 2 – tuy nhiên để giữ được hòa bình thì Hiến chương ngay tại Đ.1 có nêu: „để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả…“ – cụ thể hơn là Đ. 33: „„Các bên trong các vụ tranh chấp … mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường …trọng tài, toà án …“. Điều ngạc nhiên của tôi (tôi tin của cả đông đảo dân Việt) là để khẳng định chủ quyền một cách hòa bình mà việc tranh chấp xảy ra đã lâu thì sao Việt Nam cứ chọn cách „nhẹ nhàng“ với Trung Quốc (tên cũng không dám nhắc tới? Vì sao nghe lời họ để rồi rất chậm trễ gần đây mới tỏ ý có thể đưa ra Tòa án Quốc tế? Còn 1 nước bất chấp lẽ phải, đe dọa hay dùng vũ lực xâm phạm vào lãnh thổ nước khác thì hiển nhiên quyền tự vệ của 1 quốc gia nếu thấy sử dụng „vũ lực“ là cần thiết và hợp lý thì không bao giờ Liên hiệp quốc lại cản ngăn, chưa kể cũng không có quyền ngăn cản quyền chính đáng tối thiểu đó. Còn quả thực nếu có 1 quốc gia nào tuyên bố không bao giờ sử dụng vũ lực thì chỉ có trước đó phải hiến định cụ thể và sau đó giải tán quân đội thì mới có thể tin được, chứ lẽ nào quân đội lại sử dụng cho nội tình trong nước?!

  3. Tác giả (TS Nguyễn Ngọc Chu) phân tích cái “không” thứ 4 của sách trắng Quốc phòng VN… rất hay.
    Đó là VN không đe dọa cùng vũ lực với nước khác.
    “Nước khác” là nước nào? Sau khi loại trừ, “nước khác” chính là TQ. Thật là vô lý. Chả lẽ VN có đủ vũ lực để dọa TQ…
    Nhưng thôi! Dù tác giả viết hay (hoặc dở) đến đâu, nhưng cái tên Nguyễn Ngọc Chu đã được ruồi muỗi nhớ kỹ rồi.

Leave a Reply to Cong anh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây