Đà Nẵng, nơi những “con kền kền” ăn trên xác người (Kỳ 5)

Quế Hương

28-11-2019

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3kỳ 4

Từ Bệnh viện Phụ nữ của vợ Lê Thị Quý…

Quay trở lại Bệnh viện Phụ nữ, nơi giết chết hai sản phụ và làm hôn mê một sản phụ khác, nơi mà ĐBQH “kền kền” Ngô Thị Kim Yến đang ra sức “bảo kê”. Nguyễn Bá Thanh lập Hội Bảo trợ Phụ nữ nghèo và Trẻ em bất hạnh, theo mô hình của TP HCM vào ngày 8/11/2002, tất nhiên Thanh là Chủ tịch Hội.

Ấp ủ giấc mơ quyên tiền của thiên hạ, xây BV cho vợ mình cai quản ở trong tầm tay. Bệnh viện Phụ nữ khánh thành ngày 19/5/2009, kinh phí 90 tỷ đồng, hầu hết tài sản của BV Phụ nữ đang quản lý, sử dụng như đất đai, nhà cửa, máy móc thiết bị y tế… đều là tiền dân góp, cộng với tiền ngân sách do Hội Bảo trợ mua sắm, đứng tên chủ sở hữu. Thế là Hội lập ra Cty TNHH MTV Bệnh viện Phụ nữ, do Nguyễn Thị Vân Lan làm chủ tịch HĐTV.

Theo báo cáo số 2989 ký ngày 16/12/2016 của Sở Tài chính TP, cho thấy, năm 2008, UBND TP ứng từ ngân sách 35 tỷ đồng để xây bệnh viện. Năm 2010, Trần Văn Minh mới hợp thức hoá bằng Quyết định 9198/QĐ-UBND cấp 35 tỷ cho Hội Bảo trợ.

Giai đoạn 2007-2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP ép mỗi hộ dân góp ít nhất 50.000 VNĐ, mỗi hội viên phụ nữ góp 100.000 VNĐ để xây dựng bệnh viện. Tổng số tiền góp được là 39,6 tỷ. Còn các tập đoàn, công ty, ngân hàng, tổ chức từ thiện… thì nhiều lắm, riêng Vinacapital đã ủng hộ 1 triệu đô la, theo hồ sơ chúng tôi có được.

Sau khi “kền kền” Vân Lan “kiếm” được một khách sạn 7 tầng trên đường Trần Phú và hai căn biệt thự ven biển trị giá hàng trăm tỷ, bà ta xin thôi chủ tịch Hội Bảo trợ. Huỳnh Văn Hoa, cựu Bí thư các cơ quan Dân chính Đảng, lên thay. Nếu ỏi ông về tài chính đầu tư bệnh viện ra sao? Ông ta chịu, không biết, vì không có hồ sơ bàn giao.

Mang tiếng “Bệnh viện phụ nữ nghèo” nhưng giá dịch vụ y tế hầu hết đều cao hơn từ 10 đến 20 lần so với giá dịch vụ ở bệnh viện công lập và cao gấp 2 lần so với Bệnh viện tư nhân Tâm Trí, Hoàn Mỹ. Và bệnh nhân vào đây, không thể là dân nghèo.

Thông tư liên bộ số 08 ngày 5/6/2007 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, thì bệnh viện này có 50 giường hạng II, tương ứng khoảng 55-71 lao động, nhưng Lê Thị Kim Quý tuyển 105 người. Lương họ lãnh cao ngất ngưỡng, người thấp nhất 10 triệu, có người lương cao khoảng 50-60 triệu.

Theo các bác sĩ từng cộng tác ở đây, lãnh ròng là không đếm xuể. Số tiền này vào túi ai? Túi cô y tá Nông trường sông Kôn, Quảng Nam ngày nào, Lê Thị Quý chứ còn ai khác.

Nguyễn Thị Vân Lan và Lê Thị Quý. Photo Courtesy

Hốt bạc, được miễn thuế hoàn toàn. Vậy mà biên bản làm việc ngày 28/12/2016 của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính TP chủ trì, có nội dung:

– Năm 2009 và 2010, bệnh viện lỗ hơn 6,9 tỷ.

– Từ năm 2013 đến 2015, bệnh viện chỉ lãi… 2,4 tỷ (!)

Bù lãi sang lỗ đến 31/12/2015 còn lỗ hơn 5,2 tỷ đồng.

Lê Thị Quý còn chỉ đạo lập quỹ “khấu hao tài sản” hàng tỷ đồng, trong khi quy định của Bộ Tài chính thì, tài sản cố định của nhà nước cấp, không cần quỹ khấu hao.

Tài sản của nhà nước, của dân, bỗng chốc rơi vao tay gia đình Nguyễn Bá Thanh.

BV Phụ nữ đến nay đã “thuê mướn” ba đời Giám đốc. Tiến sĩ Phan Gia Anh Bảo, người được Nguyễn Bá Thanh cho 2 lô đất, Lê Thị Quý trả lương 60 triệu/tháng, cũng không chịu được tính khí gia trưởng, áp đặt và can thiệp vô lối… của bà Quý, nên xin bỏ bệnh viện mà đi.

Giám đốc thứ hai là bác sĩ Võ Xuân Phúc và người thứ ba mới đến năm 2019 là Phạm Chí Kông, cũng vậy.

Đến Bệnh viện Ung thư của chồng Nguyễn Bá Thanh

Sau khi lo cho vợ có “cơ ngơi” ổn định, hái ra tiền, là BV Phụ nữ, Nguyễn Bá Thanh tính tiếp công việc cho mình khi nghỉ hưu với cái chức Chủ tịch Hội “Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh”. Gọi tắc là Hội Bảo trợ.

Nguyễn Bá Thanh bắt đầu “đánh” vào lòng trắc ẩn của nhân dân và sự cả tin của những lãnh đạo cấp cao, bằng thư kêu gọi xây dựng Bệnh viện Ung thư cho khu vực miền Trung. Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước ồ ạt ủng hộ tiền và trang thiết bị. Trung ương cũng nghĩ đây là mô hình BV nhà nước, nên sẵn sàng cho kinh phí.

Như vậy kinh phí xây dựng bệnh viện từ nhiều nguồn, gồm: ngân sách, trái phiếu Chính phủ và đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các hộ dân đóng góp trước đó.

Ngày khánh thành 19/01/2013, có nhiều Uỷ viên Trung ương tham dự. Điều bất ngờ là BV không trực thuộc Sở Y tế quản lý. Nguyễn Bá Thanh giao BV về Hội Bảo trợ quản lý. BV từ tiền của nhà nước và nhân dân, BV ngày nào tuyên truyền “từ thiện” cho người bệnh ung thư miền Trung, nay trở thành Cty TNHH MTV do tư nhân quản lý, với ngành nghề kinh doanh là hoạt động bệnh viện, dịch vụ y tế, theo Luật doanh nghiệp.

Nguyễn Bá Thanh, Trần Văn Minh, Nguyễn Thị Kim Tiến… ngày khánh thành BV. Photo Courtesy

Chủ tịch HĐQT Công ty là bà Nguyễn Thị Vân Lan. Bà Lan sinh 17/9/1950, quê Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Bà Lan từng học cao cấp chính trị đảng Cộng sản, ĐBQH khoá 11, Ủy viên Ủy ban đối ngoại QH; cựu Ủy viên BTV Thành uỷ, chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng. Vân Lan là “tay hòm chìa khoá” số 1 của Nguyễn Bá Thanh.

Ngày 2/7/2014 Sở Tài chính báo cáo tổng kinh phí xây dựng công trình + thiết bị là 1.305 tỷ.

– Ngày 8/7/2014, Tờ trình của UBND TP cho biết, kinh phí xây dựng BV từ ngân sách trung ương và địa phương là 1.104,9 tỷ.

– Ngày 01/6/2015, Báo cáo số 1012 của Sở KH-ĐT gửi UBND TP lại đưa ra con số khác: Tổng mức đầu tư BV là 1.448 tỷ đồng, trong đó, nguồn vận động từ các tổ chức, nhân dân góp là 95 tỷ 570 triệu, còn lại 1.352 tỷ 430 triệu là do ngân sách nhà nước rót.

– Ngày 01/6/2015, báo cáo của Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em cho thấy: tổng vốn đầu tư là 1.596 tỷ 822 triệu VNĐ. Tổ chức và nhân dân góp 505 tỷ 036 triệu; ngân sách rót 1.091 tỷ 785 triệu.
Những con số mập mờ và không ai giám sát. Tiền ngân sách chi ra, mà không ai nắm rõ, thật vô lý và khôi hài.

Hoạt động từ 19/01/2013, BV báo cáo kinh doanh năm 2013 lỗ 26 tỷ, năm 2014 lỗ 20 tỷ. Trong khi đó, mỗi năm, ngân sách TP chi cho bệnh viên 20 tỷ để trả lương cho đội ngũ y bác sĩ và quản lý.

  • Ngày 21/5/2015, Hội Bảo trợ báo cáo TP, suốt 12 năm (từ 8/11/2002) thành lập Hội, quỹ tiền kêu gọi được là 279 tỷ.
  • Ngày 01/6/2015, Hội lại báo cáo là số tiền kêu gọi được cho BV Ung thư là 504 tỷ 600 triệu VNĐ.

Báo cáo cho biết:

– Doanh thu năm 2014 là 110 tỷ 155 triệu (có một báo cáo khác ghi 113 tỷ 886 triệu). Tổng chi hết 130 tỷ 155 triệu. Thiếu đúng bằng số tiền 20 tỷ của TP hỗ trợ.

Mô hình BV không giống ai, tài chính nhập nhằng, mập mờ, không minh bạch… là hiện trạng nhức nhối dư luận xã hội. Nhân dân phẫn nộ, ngân sách TP “hỗ trợ” BV tư nhân lại càng sai luật. Thu hồi BV về cho nhà nước, thì gặp phản ứng quyết liệt của “kền kền” Nguyễn Thị Vân Lan và bộ sậu trong Hội Bảo trợ của bà ta.

Trước sức ép của dư luận xã hội, chịu hết nổi, ngày 15/8/2015, UBND TP ra quyết định số 5898/QĐ-UBND sẽ công lập hoá, đổi tên thành BV Ung bướu từ ngày 1/9/2015 và tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, tài sản của Bệnh viện Ung thư từ Hội Bảo trợ và giao về Sở Y tế quản lý.

Thông báo số 208/TB-VP ngày 20/8/2015 của Văn phòng UBND Thành phố, trong đó có nội dung chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Chủ tịch TP đề nghị Hội Bảo trợ giao cho UBND TP 47 sổ đỏ của 47 lô đất, mà Hội Bảo trợ đã chi 37 tỷ VNĐ để mua.

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài Chính, số tiền các “mạnh thường quân” trong và ngoài nước tài trợ cho BV qua tài khoản của Hội Bảo trợ, còn chưa chuyển sang BV là 187 tỷ. Tiền tại tài khoản BV là 40 tỷ đồng. Hội Bảo trợ chỉ nộp lại cho Sở Tài chính 147 tỷ. Còn BV thì không nộp lại.

Ngày 31/8/2015, một ngày trước khi giao BV cho nhà nước, GĐ Bệnh viện Trịnh Lương Trân (cựu GĐ Sở Y tế) đã ký chuyển 37 tỷ 200 triệu VND cho Ngân hàng Liên Việt, nội dung “trả lại tiền tài trợ”.

Người ta cho vô điều kiện, sao không xài lại trả? Sau này bị khởi tố, “kền kền” Trân khai với Cơ quan CA, rằng do Nguyễn Thị Vân Lan, chủ tịch Hội Bảo trợ, chỉ đạo. Ý kiến của bà Nguyễn Thị Hường (cựu Bí thư đảng uỷ, GĐ sở Tài chính) chủ tịch HĐQT Cty MTV Bệnh viện Ung thư cũng nhất trí. Trân bèn chỉ đạo Hồ Thị Diễm Phương, kế toán trưởng BV, cũng là “bồ nhí” của Nguyễn Bá Thanh, chuyển tiền trả Ngân hàng.

Con số 37 tỷ mà bọn chúng xem như ổ bánh mì, không cần dùng thì ném trả. Mà tiền ngân hàng tư nhân, cho bệnh nhân ung thư, có cho bọn chúng đâu. Thì ra, những “con kền kền” không ăn được, cũng không muốn con khác mới đến, xơi mồi.

BV Ung thư và phiếu trả lại tiền cho Ngân hàng

***

Dư luận nhân dân Đà Nẵng kêu gọi “con kền kền” Lê Thị Quý nên từ bỏ lòng tham, trả BV Phụ nữ về cho dân, giao UBND TP quản lý. Các cấp chính quyền Đà Nẵng cũng phải mạnh tay ra quyết định thu hồi, như đã thu hồi BV Ung thư, trả nó về công lập và chịu sự giám sát đồng bộ của ngành y tế và chế tài của pháp luật. Có như thế, những cái chết oan nghiệt của phụ nữ thai sản như vừa qua, mới thôi xảy ra.

Chúng tôi chỉ chuyển tải một phần nhỏ, những thông tin có được từ đồng bào, những người đóng BHXH và BHYT, về bọn người khoác áo blouse nhưng đã bán mình cho quỷ sứ. Nhiệm vụ “giăng lưới” những “con kền kền” là trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra, của Thanh tra và cơ quan CA… chứ không phải của người cầm bút. Có như thế, may ra, chúng mới không còn ăn trên những… xác người, và những công dân vô tội mới không còn phải trải qua những cái chết “đúng quy trình”.

Câu chuyện về “lũ kền kền” trong ngành y tế Đà Nẵng, ở Hội Bảo trợ Phụ nữ nghèo và Trẻ em bất hạnh, ở “Thần tượng” Nguyễn Bá Thanh và gia đình, sẽ không bao giờ kể hết trong phạm vi những bài báo. Chỉ riêng với “Thánh Ba”, ai có lương tri cũng đã đủ giật mình, kinh sợ. Thủ đoạn mị dân thâm hậu đến tuyệt chiêu, mưu sự độc ác và khát máu, tham lam và dục vọng không bến bờ… Dùng quyền lực để sắp xếp cả ngàn đệ tử dưới quyền, răn đe, đối phó, khủng bố, ăn trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người dân lao động vốn nghèo khổ, khốn cùng.

Ra tay tàn bạo với ai chống lại mình, thu phục hàng trăm cây bút “lưu manh” ngợi ca, tuyên truyền, xây kịch bản nâng bi và vẽ cho ra một bức “chân dung thần tượng” là tận cùng của khốn nạn.

Kỳ thị tôn giáo, lôi kéo cả bậc chân tu trụ trì Linh Ứng tự, phải đắc tội với Trời, Phật khi tiếp tay cho mình rửa tiền qua cửa thiền môn… như “lãnh chúa miền Trung” đã làm, là điều đất Trời không dung thứ.

Thần tượng là ca sĩ, nghệ sĩ, chính trị gia… nhiều lắm. Hàng ngàn nam thanh nữ tú có thể dầm mưa để đón “thần tượng” ca sĩ, diễn viên điện ảnh của mình xuống sân bay, cũng gấp trăm lần con số như thế, sẽ khóc ngon lành khi “thần tượng” bỗng nhiên chết.

Tội ác như Dung Hà, Năm Cam cũng có người thần tượng. Dân lao động TP HCM cũng từng thần tượng Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Trung tướng AH LLVT Phan Văn Vĩnh… ăn không chừa thứ gì, bảo kê tội phạm, cũng khối kẻ một thời thần tượng.

Một cục gạch vô tri sần sùi rơi ra từ hố xí, ai lỡ nhìn cũng thấy buồn nôn, ghê sợ. Nếu đem nó ra ven đường, nơi ngã ba, ngã tư, thắp vài cây nhang, mọi người đi qua, lại khép nép, cúi đầu. Bạn che tạm thêm cho cục gạch một miếu thờ, khối người đến kính cẩn, nghiêng mình sụp lạy. Nếu được những cây bút “lưu manh” bịa ra lai lịch “cục gạch” ra sao? Đến từ đâu? Nó giúp ích cho đời, nó thần bí, linh nghiệm thế nào, rồi đưa lên mặt báo, bảo đảm khách ba miền Bắc – Trung – Nam sẽ đổ về hành hương và cúng dâng tiền công đức.

“Thần tượng” ở đất nước này, dạng đó, nhiều lắm. Nó lừa bịp được cả đám đông cuồng tín, dại khờ, lú lẫn và ngu muội.

(Hết)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Điểm qua tin tức báo chí dc biết:
    -Thời Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Thành ủy, kiêm luôn Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Đà Nẵng được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” với “Di sản” lớn nhất ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho Đà Nẵng là chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng. Chương trình “5 không” – đó là “không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của”. Chương trình “3 có” – đó là “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
    -Giờ đây, đọc qua 05 kỳ bài viết “Đà Nẵng, nơi những “con kền kền” ăn trên xác người” thì thấy sự thực phũ phàng. Nguyễn Bá Thanh là điển hình của bọn cơ hội. Đúng là CS “Nói vậy nhưng không phải vậy”. Đà Nẵng được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” chỉ đúng với những ai thuộc phe nhóm Nguyễn Bá Thanh.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây