Ngũ Giác Đài cố gắng duy trì quan hệ với đồng minh tại châu Á

Jackhammer Nguyễn

27-11-2019

Người đứng đầu Ngũ giác đài (Bộ Quốc phòng Mỹ) Mark Esper, vừa hoàn tất chuyến đi châu Á, đến các nước: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, từ ngày 13 đến 21-11-2019.

Chuyến đi này rất quan trọng cho những người chịu trách nhiệm trong quân đội Mỹ, vì họ ý thức được rằng những đồng minh và bạn bè của Mỹ ở châu Á rất quan trọng để chống Trung Quốc, nhưng hơn hai năm qua, chính sách ‘Nước Mỹ Trên Hết’ của Tổng thống Donald Trump đã phần nào làm xói mòn lòng tin của các đồng minh khắp nơi trên thế giới.

Trước khi ông Esper lên đường, Ngũ Giác Đài có ra một thông báo, rằng “mạng lưới” các đồng minh của Mỹ là một điều hết sức có lợi cho nước Mỹ, và Ấn Độ – Thái Bình Dương là ưu tiên số một của Mỹ.

Cùng lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà phân tích về bang giao quốc tế tại Washington DC, trích lời một số quan chức Mỹ, nói với báo Người Việt tại California, rằng các đồng minh, các đối tác của Mỹ nên hợp sức lại với nhau để chống Trung Quốc. Nhưng Giáo sư Hùng bình luận, đó là một điều khó khăn với chính sách hiện nay của ông Trump.

Ngay chặng dừng chân đầu tiên là Nam Hàn, đã bắt đầu có lời bàn tán không hay cho nước Mỹ, khi ông Esper đề nghị Seoul, một đồng minh lâu năm và tin cậy, tăng tiền đóng góp vào việc phòng thủ chung lên đến năm tỉ dollars.

Khi ông Esper vừa kết thúc chuyến thăm Nam Hàn thì nhà bình luận Ankit Panda của báo The Diplomat, nói rằng, ông Esper ở Nam Hàn đã không có chọn lựa nào khác phải kêu gọi người Hàn tăng ngân khoản lên năm tỉ dollars một năm, dù ông Esper biết rằng, nói như vậy sẽ gây khó cho đồng minh. Nhưng biết làm sao, vì người sếp của ông là Donald Trump, từ hơn hai năm nay lúc nào cũng American First.

Chuyến đi của ông Esper bao gồm tới ba nước Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines, và Việt Nam. Điều đó cho thấy Ngũ giác đài đánh giá cao vị trí của khu vực này, trong đó có hải lộ Biển Đông quan trọng nhất thế giới đối với thương mại toàn cầu. Và cũng chính tại Biển Đông người ta chứng kiến sự tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc, cũng như thái độ của nước này lấn lướt các quốc gia nhỏ Đông Nam Á (lớn nhất là vụ tàu Trung Quốc vào quậy phá trong khu vực thềm lục địa Tư Chính của Việt Nam).

Thế nhưng, ngay trước chuyến đi của ông Esper, nước Mỹ đã làm cho Đông Nam Á rất thất vọng khi chỉ gửi đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN một viên chức cấp thấp, một sự xuống cấp thấy rõ từ hai năm nay: Năm 2017 Tổng thống Trump tham dự, 2018 Phó Tổng thống Pence dự.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ông Trump không biết được tầm quan trọng của Đông Nam Á.

Ông Panda thì hy vọng rằng, chuyến đi của ông Esper sẽ đền bù sự thiệt hại vì sự vắng bóng đó của nước Mỹ. Sự thiệt hại đó bao gồm việc Bắc Kinh rủ rê các nước ASEAN vào một tổ chức kinh tế do họ dẫn đầu.

Tại Đông Nam Á, ông Esper đã ký tầm nhìn chung với Thái Lan về hợp tác quốc phòng, tuyên bố với Philippines sẽ xem xét lại hiệp định phòng thủ chung để có thể cứu giúp người Phi nếu họ bị tấn công ở Biển Đông. Ông hứa chuyển giao một tàu tuần duyên cho Việt Nam, và một lần nữa, như các viên chức Mỹ khác, ông Esper kêu gọi Đông Nam Á đoàn kết để chống Trung Quốc.

Cũng khó biết được thiệt hại có được đền bù hay không. Báo chí Đông Nam Á cũng đưa tin chuyến đi này một cách chừng mực, ngoài Việt Nam. Báo chí Việt Nam đề cập cả chuyện ông Esper dẫn lịch sử Hai Bà Trưng để mô tả tinh thần quật khởi của người Việt, rất giàu cảm xúc.

Tuy nhiên chuyến đi của ông Esper thành công hai chuyện sau đây:

Hàn Quốc quyết định tiếp tục hiệp định chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản. Đây là điều rất quan trọng cho liên minh Nhật – Hàn và cũng là Nhật – Hàn – Mỹ tại vùng Đông Bắc Á. Người ta cho rằng người Hàn Quốc đã lắng nghe ông Esper.

Việc chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam cũng được xem là một thành công của Mỹ. Chiếc Hamilton Cutter sẽ chuyển cho Việt Nam tuy là một chiếc tàu cũ, nhưng có trang bị radar và vũ khí tốt, có thể hoạt động như một tuần dương hạm. Mặc dù kích thước của nó còn nhỏ hơn nhiều chiếc tuần duyên Hải Dương của Trung Quốc xâm phạm Tư Chính vừa qua, nhưng việc sở hữu nó cũng nâng cấp hải quân Việt Nam lên rất nhiều, và việc chuyển giao này có vẻ cũng không làm đụng chạm tới chính sách đu dây của Hà Nội giữa Mỹ và Bắc Kinh, vì nó là một chiếc tàu cũ, chứ không phải là một hợp đồng mua vũ khí lớn.

Tóm lại chuyến đi công du châu Á của ông Esper lại đang chứng minh một sự vất vả của các viên chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ, tìm cách duy trì sự tin tưởng với các đồng minh, trong chính sách thu mình lại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Từ trước năm 2016, trước khi ông Donald Trump là Tổng Thống Mỹ, các tổ chức LHQ, EU, WTO, IMF,…đã làm những gì mà hệ quả là TQ lớn mạnh nhưng ko trở thành 01 nc lớn có trách nhiệm với cộng đồng Quốc tế. TQ lại rất hung hăng đi xâm chiếm (cứng & mềm), áp đặt tư tưởng Đại Hán, Giấc mộng Trung Hoa trên Thế giới. Song song đó, các nc Nga (xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraina), Triều Tiên, Iran cũng làm tình hình Thế giới thêm bất ổn hơn. Vậy thì, khi ông Donald Trump là Tổng Thống Mỹ, bắt buộc Ông ko đi theo con đường cũ nữa vì đi theo chỉ làm tình hình thêm tồi tệ, Thế giới mất kiểm soát. Suy nghĩ đơn giản trước làm vậy ko tốt thì bây giờ làm ngược lại là phải tốt hơn (đàm phán lại các thỏa thuận, chỉ đàm phán song phương để các điều khoản đàm phán phù hợp với năng lực KT của nc đàm phán).
    -Nc Mỹ hiện nay ko có đủ nguồn lực thực hiện công tác “sen đầm Quốc tế” như trước nên :
    *Tại Châu âu, EU phải tự bảo vệ dc mình trước hiểm họa của Nga (tăng ngân sách QP 2%GDP). Nước Anh tách khỏi Châu Âu làm hậu phương cho EU khi tình hình Châu Âu biến động.
    *Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan phải tự bảo vệ trước hiểm họa của TQ, Triều Tiên (Hàn Quốc phải trả tiền cho việc binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để thấy có trách nhiệm hơn, trụ đứng dc khi Triều Tiên xâm lăng). Úc làm hậu phương cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan khi tình hình Đông Á có biến động.
    *Dĩ nhiên Israel tự đứng dc tại Trung Đông để ngăn chặn Iran.
    Mỹ hiện đã tham chiến trước bằng các cuộc chiến thương mại, cấm vận, nhân quyền,…với TQ, Nga, Iran, Triều Tiên. Mỹ cần đảm bảo nền KT Mỹ bớt phụ thuộc xuất nhập khẩu vào nền KT TQ & làm cho nền KT TQ phải phụ thuộc vào Mỹ để TQ giảm sức mạnh, bớt hung hăng, đồng thời Mỹ cần tích tụ đủ nguồn lực (‘America First’) làm hậu phương lâu dài cho các nc có nền dân chủ khi Thế giới biến động (Mỹ đã là hậu phương cho Thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ 2).

  2. Jackit nguyen
    Nước Mỹ cần đồng minh, chứ không cần đám đệ tử. Trump đã làm tốt trong việc nâng cao trách nhiệm của các đồng minh. Nếu cứ ” ôm xô” như LBXV Nga lợn, thì cũng tới ngày giãy ĐÀNH ĐẠCH.

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây