Câu chuyện đặt tên đường

Lê Nguyễn

27-11-2019

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660). Ảnh: internet

Mấy ngày qua rộ lên chuyện thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên hai giáo sĩ phương Tây là Francesco de Pina và Alexandre de Rhodes để đặt cho hai con đường, với nhiều dư luận trái chiều nhau đang râm ran trên khắp ngõ ngách truyền thông. Trong một xã hội mà lắm khi kẻ khủng bố và người anh hùng chỉ cách nhau một nhận thức mong manh thì sự thận trọng của cộng đồng trước những nhân vật đã thuộc về lịch sử cũng là điều dễ hiểu.

Cách đây hơn 20 năm, trên tạp chí Thế Giới Mới, người viết bài này từng phản bác một dự định dựng tượng cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes, với lập luận căn bản là một khi muốn vinh danh ai, về một công việc gì, thì trước hết phải xác định rõ, người ấy làm việc đó nhắm vào những mục đích gì. Bài viết nhắc lại lời mở đầu của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong quyển từ điển Việt-Bồ-La năm 1651 nêu rõ hai mục đích chính mà ông nhắm đến:

– Giúp cho hàng giáo sĩ dễ dàng truyền thụ giáo lý Thiên chúa cho giáo dân

– Giúp cho giáo dân dễ tiếp thu các bài giảng bằng tiếng Việt từ các giáo sĩ.

Không thấy ông nhắc đến một mục tiêu cao cả hơn nhắm vào lợi ích chung của cộng đồng dân Việt.

Cách đây hơn 20 năm trở về trước, bằng một quán tính đã được thực dân Pháp tạo ra từ hàng trăm năm, nhiều người vẫn nghĩ rằng Rhodes là người khai sinh ra chữ quốc ngữ và thứ chữ mà ông đặt ra từ cách nay gần 370 năm đã có hình hài của ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng hiện nay. Họ không biết rằng trước Rhodes một vài chục năm, đã có những công trình khởi thủy về thứ chữ la tinh hóa mà chúng ta gọi là chữ quốc ngữ hôm nay. Những Cristofori Borri, Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa… là những người tiên phong trước Rhodes, đưa thứ chữ còn rất lạ lẫm vào trong các bài viết của họ, chỉ riêng điều này đã phủ nhận ý tưởng cho rằng Rhodes là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ.

Từ đó, vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là nếu không có những thế hệ sau Rhodes góp phần công sức lớn lao trong việc hoàn thiện dần chữ quốc ngữ thì liệu sách “Phép giảng tám ngày…” của Rhodes có đủ sức lan tỏa để chúng ta có được thứ chữ quốc ngữ như ngày nay hay không? Tất nhiên là không, nếu không có giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) ở nửa sau thế kỷ XVIII và giáo sĩ Taberd ở nửa đầu thế kỷ XIX với những bộ từ điển tiếng Việt khoa học hơn, chi tiết hơn.

Một trang sách “Phép giảng 8 ngày ….” bằng tiếng La tinh và tiếng Việt la tinh hóa của A. de Rhodes. Ảnh: internet

Song nếu chỉ dừng lại ở Taberd, chúng ta cũng chẳng có được chữ quốc ngữ như ngày nay, nếu không có thế hệ người Việt đầu tiên làm báo bằng chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… (Gia Định Báo), nếu không có thế hệ tiếp nối của Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, với những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn,… không có thế hệ những nhà văn Tự Lực văn đoàn khai sáng một nền văn chương bằng tiếng Việt mềm mại, tinh tế và ngày càng được hoàn thiện cho đến ngày nay.

Từ bao lâu nay, trong tâm tưởng của mọi người vẫn tồn tại ý thức cho rằng đặt tên đường là một hình thức công nhận sự đóng góp của một nhân vật lịch sử đối với xã hội mà họ đang sống. Sau ngày 30.4.1975, tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác ở miền Nam, việc các bảng tên đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Thoại, Trương Minh Giảng, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu… bị đồng loạt gỡ xuống được hiểu là sự gián tiếp phủ nhận công lao của họ đối với dải đất miền Nam, thậm chí có lúc còn coi họ là tội đồ của dân tộc. Điều này phát xuất từ một thiên kiến hẹp hòi, hệ quả của cuộc chiến ý thức hệ tồn tại giữa hai bộ phận không thể tách rời của một dân tộc đã thuần nhất từ ngày lập quốc.

Sau một thời gian dài gần nửa thế kỷ, nhận thức của cộng đồng xã hội, kể cả công chúng lẫn chính quyền, đã có những chuyển biến đáng kể, công sức đóng góp cho việc mở mang đất nước, phát triển dân sinh của các chúa Nguyễn và nhiều công thần triều Nguyễn đã được nhìn nhận qua những tác phẩm xuất bản viết về họ, những cuộc hội thảo khoa học được tổ chức qui mô.

Song đến nay, những bảng tên đường ghi danh họ trước 1975 vẫn chưa được phục hồi, điều này góp phần không nhỏ trong việc khiến cho thế hệ mới lớn sau 1975 nhận thức và đánh giá lệch lạc về công sức của tiền nhân. Thiển nghĩ, khi mà những việc cần thiết và hợp lẽ như thế vẫn chưa làm được thì chuyện đặt tên đường cho những De Pina, De Rhodes… vẫn còn lạc lõng trong nhận thức lịch sử của con người hôm nay.

Tóm lại, chúng ta không hẹp hòi khi nhận định về công sức của các giáo sĩ phương Tây trong giai đoạn phôi thai của chữ quốc ngữ, cho dù với mục đích gì, song việc đặt tên đường cho họ cần được thực hiện trong tinh thần tôn trọng tính công bằng lịch sử và lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân nói chung.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Mặc cho lũ ghen ăn tức ở đi!
    Francesco de Pina hay A. De Rhodes ở suối vàng cũng chả quan tâm đến việc dân nhà Sản lấy tên các ông đặt tên cho những con đường của xứ Đông Lào. Ngộ nhỡ mai này con đường Pina hay đường A Rhodes tại là điểm nóng về hạ tầng, trật tự hay tệ nạn thì dân chúng cứ lôi mấy ổng ra mà chửi. Mấy ổng cũng không vui gì đâu. Điển hình là đường Huyền Trân Công Chúa ở Sài Gòn được xem là con đường mại dâm và HIV. Thiệt là hồng nhan bạc phận mà.
    Nhận xét công hay tội thường do quan điểm chủ quan của người đặt. Ở đây là bên thắng cuộc. Võ Thị Sáu có thể là anh hùng của nhà sản nhưng với quan điểm ngược lại là một con khùng bị lợi dụng để khủng bố đẫm máu dân thường. Phạm Văn Đồng được coi là nhà văn hóa lớn, nhà cách mạng lỗi lạc, một chiến sĩ quốc tế vô sản kiên trung thì trong chiều ngược lại là tên đớn hèn, tham quyền cố vị, ngu xuẩn và là tác giả của công hàm máu mà cho đến nay nhà Sản vẫn còn há miệng mắc quai.
    Túm lại, nhìn nhận công và tội của một danh nhân thì phải đứng trên lập trường nhân văn, văn hóa và công bằng. Chứ còn đứng trên quan điểm thù địch, vô văn hóa và tính duy ý chí phản động của nhà Sản thì cả đời cũng không thoát khỏi tấm khố máu của loài Sản giật.
    Mà nghĩ cũng ngộ. Dân Đà đặt tên đường thì làm gì dân Huệ nhảy lên như động kinh.

  2. “Tóm lại, . . . , song việc đặt tên đường cho họ cần được thực hiện trong tinh thần tôn trọng tính công bằng lịch sử và lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân nói chung.”

    Đó là kết luận của tác giả. Nhưng khi tác giả nói chung gọi tôn trọng tinh thần công bằng lịch sử cho chuyện đặt tên đuờng thì chỉ là chuyện nhỏ. Lịch sử Việt Nam cận đại còn vô số vấn đề trọng đại phải soi sáng để cho hậu thế tri ân đúng mức, mà các sử gia chuyên nghiệp không quan tâm. Đây là một công việc cực kỳ to lớn, mà chỉ có bia miệng còn truyển tụng mà thôi. Tiểu sử của Bác Hồ là một thí dụ điển hình. Bác ra đi là tìm đường cứu nước hay lo chuyện mưu sinh bản thân và giúp cho thân phụ. Việc xin vào học trường Thuộc Địa để đem lại lợi ích cho Pháp đã chúng minh. Bác thông thạo 29 thứ tiếng mà tại sao tiếng Việt lại quá sai phạm. Bác là ai? Đem lại sự thật cho vấn đề này là vô cùng khẩn thiết cho hậu thế. Dĩ nhiên, việc thảo luận về vai trò của Đại Lão Thích Trí Quang là một thí dụ mới nhất. Công bình cho lịch sử là một nhu cầu của thời đại dành cho những ai còn tha thiết với lịch sử

  3. Khởi phát từ cái mở đầu của người đi trước mà những người đi sau vun đắp cho chữ Quốc ngữ mỗi ngày thêm trong sáng, phong phú, giàu đẹp. Vậy thì vinh danh ai, người nào có công lớn hơn cả xin dành cho những nhà nghiên cứu. Nhưng chuyện lột hết bảng tên đường có tên những những danh nhân lịch sử ( ví dụ ở SG ) trước 1975 để thay bằng những anh A, chị B …vì có công giết bao nhiêu tên Mĩ , ngụy hoặc đánh bom giật sập cầu nọ, đánh bom nhà hàng kia lại là chuyện khác.
    Đó là “cái lý của kẻ mạnh” hay nói cách khác là việc làm tùy tiện của “bên thắng cuộc” mà không cần ý kiến của công chúng.

Leave a Reply to Dân miền Tây Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây