Nước sạch Hà Nội: Không chỉ là lợi ích nhóm

Nguyễn Ngọc Chu

23-11-2019

Ảnh: internet

AQUA ONE CŨNG LÀ NHÀ BÁN LẺ ĐẾN TỪNG HỘ GIA ĐÌNH

1. Như trong bài “NHÀ MÁY NƯỚC SÔNG ĐUỐNG: SAO LỜI NÓI LẠI KHÁC VỚI VIỆC LÀM?” đã viện dẫn:

“Chiều ngày 15/11/2019 trả lời báo chí sau khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP tại địa bàn quận Hoàn kiếm, ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định: TP Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch suông Đuống cả. Và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ.Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả”.

2. Ngay sau đó, theo tìm hiểu của PV báo Dân Việt thì: “Không chỉ mời và chấp thuận cho Tập đoàn Aqua One đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống, TP.Hà Nội còn “giao” cho tập đoàn này thực hiện dự án nước sạch Xuân Mai. Dự án này có mức tổng đầu tư là 1.255 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư 251 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn 1.004 tỷ đồng là vay”.

“Dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng Hòa chưa có hệ thống cấp nước.Tiến độ thực hiện 2017 – 2020. Dự án nhà máy nước Xuân Mai dự kiến hoàn thành vào quý 4/2020”.

“Địa điểm thực hiện dự án xây dựng ống truyền tải nước sạch là tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa và quận Hà Đông. Còn thực hiện xây trạm bơm tăng áp tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Công suất trạm tăng áp dự kiến đạt 120.000m3/ngày đêm”.

“Tại Quyết định chủ trương đầu tư số 3846/QĐ-UBND ngày 24/6/2017 UBND TP.Hà Nôi cũng đã giao Liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai xây dựng mới hệ thống cấp nước cho 5 xã: Dương Quan, Kim Sơn, Lệ Chi, Trung Mầu và Văn Đức và những khu vực còn lại chưa có hệ thống mạng lưới cấp nước tại huyện Gia Lâm; Nâng cấp, cải tạo, chuyển nguồn cấp nước và đấu nối hoàn chỉnh cho 100% dân số thuộc các xã đã có hệ thống cấp nước nhưng chưa hoàn chỉnh. Dự kiến hoàn thành hệ thống cấp nước cho khu vực còn lại của huyện Gia Lâm trong năm 2019”.

“Trả lời trên báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết do được Hà Nội mời chào đầu tư (nhà máy nước sông Đuống) với cam kết sẽ bao tiêu đầu ra, đồng thời mua nước với giá 10.246 đồng/m3” (DanViet.vn, ngày 18/11/2019).

3. Như vậy công ty Aqua One đã trở thành một đầu nậu về xây dựng nhà máy nước, xây dựng hệ thống cấp nước và cung cấp nước cho Hà Nội. Nghĩa là Aqua One trở thành người cung cấp nước trọn gói từ A-Z: Là nhà sản xuất nước sạch, nhà bán sỉ và nhà bán lẻ đến từng hộ gia đình.

AN NINH NGUỒN NƯỚC

Một vấn đề khác rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sự an toàn số phận người dân – là người nước ngoài đã thâu tóm một phần hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân Hà Nội và TP HCM.

Đừng phản biện rằng việc chuyển nhưng cổ phần xuyên quốc gia là quy luật đương nhiên của kinh tế thị trường, nhất là trong thời kỳ tích hợp toàn cầu. Đó là điều đúng. Nhưng phải trừ những trường hợp ngoại lệ – là những lĩnh vực đặc thù không cho phép chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Cung cấp nước sạch cho người dân nhất thiết phải là một lĩnh vực ngoại lệ như vậy.

Theo một vài nguồn tin thì hiện nay ở TP HCM đã có các công ty nước ngoài thâu tóm cổ phần trong hệ thống cung ứng nước sạch. Thí dụ như Manila Water South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWSAH) có 38% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn. MWAP cũng mua 24,5% cổ phần tại Công ty Cấp Thoát nước Củ Chi.

Ngoài MWAP ra còn có VIAC (No.1) Limited Partnership. Đây chính công ty có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016 (với 27%) của CTCP Nước mặt Sông Đuống. VIAC hiện nắm giữ 10,9% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn; Và có 10,17% cổ phần của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) – là doanh nghiệp chiếm tỷ phần đáng kể trong hệ thống cấp nước tại TP HCM.

Ở nhà máy nước sông Đuống, cổ đông người Thái gốc Hoa bà Jareeporn Jarukornsakul chiếm 34% cổ phần. Nếu câu chuyện nước sạch sông Đuống chưa bung lên mặt báo, thì chắc chuyện thôn tính cổ phần của người nước ngoài sẽ còn tiếp diễn.

Nhưng có thực ở nhà máy nước sông Đuống chỉ 34% cổ phần là của nước ngoài hay không? Câu hỏi này dẫn đến các câu hỏi sau:

Trong 51% cổ phần nhà máy nước sông Đuống thuộc Aqua One có bao nhiêu % thuộc sở hữu người nước ngoài? Nói cách khác, bà Liên có được mấy % cổ phần trong Aqua One? Có công ty nước ngoài nào đứng sau bà Liên hay không?

Đây không phải là hoài nghi. Bởi người nước ngoài đứng sau người Việt trong các dự án đầu tư và các thương vụ đã là một hiện tượng phổ cập. Sự thiếu vốn của người Việt là nhược điểm để người nước ngoài tận dụng. Họ khoác cho nhiều doanh nhân Việt cái áo “đại gia” để thâu tóm các dự án kếch sù. Bản thân người Việt vì cái lợi nhỏ mà đứng tên cho người nước ngoài thao túng nền kinh tế Việt. Trong đó có nhiều dự án nguy hiểm cho an ninh quốc gia mà người Việt hoặc không biết, hoặc nhắm mắt bất chấp.

Sự giàu nhanh của một nhóm người do đứng tên cho các nhà đầu tư nước ngoài, do tham nhũng hối lộ, do cướp bóc các dự án nhà nước, do buôn bán tài nguyên đất đai, do ký sinh trên các lỗ hổng cơ chế… tất cả đã thổi bùng lên một dòng thác khát vọng giàu nhanh. Dòng thác khát vọng giàu nhanh này đã làm khánh kiệt đất nước, làm cho xã hội băng hoại, làm cho bao thế hệ trẻ ăn xổi ở thì hoang tưởng vào điều không có nền tảng, và vô cùng nguy hiểm là làm cho đất nước mất an toàn.

Dòng thác khát vọng giàu nhanh ở một góc độ nào đó kéo theo trào lưu muốn khoác áo CEO. CEO là chức danh dành cho lãnh đạo các tập đoàn lớn, không dễ gì mà tự phong. Nhưng nhiều người Việt ngộ nhận mình là CEO.

Việc khuyến khích lớp trẻ nuôi chí lớn để trở thành CEO là điều đúng. Nhưng xây dựng các chương trình truyền thông dễ dãi thành CEO với các CEO không đích thực, lại có tác dụng ngược – làm cho nhiều người mộng tưởng sau 1 đêm trở thành tỷ phú.

Đó là điều tai hại. Vì làm sao có thể trở thành tỷ phú khi không có siêu tài năng cùng với sự trả giá bằng nhiều chục năm lao động cùng kiệt? Chỉ có cướp bóc mới qua một đêm thành tỷ phú.

KẾT LUẬN

1. Không nghi ngờ gì về sự tồn tại lợi ích nhóm ở nhà máy nước sông Đuống và trong lĩnh vực cấp nước sạch cho Hà Nội.

2. Để chấm dứt hiện trạng này, cùng với giảm giá thành nước, và quan trọng nữa là bảo đảm an toàn mạng sống cho người dân Thủ Đô:

– Phải xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực cấp nước sạch;

– Phải công khai kế hoạch phát triển hệ thống cung ứng nước sạch;

– Phải đấu thầu tự do.

3. Chắc chắn rằng, khi đấu thầu tự do thì giá nước sẽ không tăng hơn giá nước đang bán cho người dân hiện nay, nhà nước sẽ không phải lấy tiền của dân để bù giá cho các nhóm lợi ích, và quan trọng nữa – nguồn nước được đảm bảo về chất lượng, ổn định về cung cấp, và an toàn cho người dân.

GỬI GẮM

ĐẤT và NƯỚC theo nghĩa đen và nghĩa bóng chính là ĐẤT NƯỚC. Nay ĐẤT đem đi bán mọi nơi có thể, bán cho cả người nước ngoài. Rồi đến NƯỚC cũng không tự sở hữu nổi, mà cũng lại phải bán cho người nước ngoài. Một thực tế chưa thời nào có!

Nguồn nước là sự sống còn của con người, cỏ cây động vật. Nguồn nước là tài sản số 1 của quốc gia. Không thể để các nhóm lợi ích thao túng đồng tiền, thao túng quyền lực, rồi thao túng cả tính mệnh đồng bào.

Ở địa vị người quản lý, xin hãy cẩn trọng cho.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Làm sao thầy Chu phải lo. Hãy kệ tự diễn biến. Nếu thày bỏ qua noiif cơm của thầy thì chắc chắn sẽ ra vấn đề. Thày hãy rủ cả bầy nhân sĩ trí thức thủ đo. Được vậy tôi tin thày không đói mà còn vẻ vang. Trí thức là dấn thân chứ khoing phả uống rượu ngâm húp mắm tôm, nói lảm nhảm

  2. Tôi hy vọng với nghế nhà giáo như bác Chu và Chu Mộng Long hãy nói với sv về xh dân chủ. Liệu các bác có dám bớt đi cái nồi cơm hay thậm chí bỏ cả nồi cơm của mình không ???? Hay lệnh ông không bằng cồng bà. Với tôi sẵn sàng say good bye nếu mụ vợ cằn nhằn.

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây