Tòa, Hải và luật sư

Nguyễn Thông

2011-2019

Phiên tòa quốc doanh xử luật sư Trần Vũ Hải “tội trốn thuế” đã khép lại. Nó đang bị chìm vào quên lãng như mọi sự kiện nẩy ra ở trên đời, ở mọi nơi cũng như ở xứ này. Nhưng lòng người liệu có yên có quên?

Tôi cũng như hầu hết mọi người đều không thích tòa án. Chả ai dại gì để tòa mời tòa gọi tòa triệu tập. Các cụ xưa dặn rồi “Vô phúc đáo tụng đình” (chỉ những kẻ vô phúc mới tới tòa). Sống ngoài tòa còn chửa yên, đáo tòa để thân tàn ma dại, tù tội, nhận cái kết quả “thân thể tại ngục trung”, ai mà muốn.

Về lý thuyết, tòa án là nơi tượng trưng cho công lý, thực hành công lý, nhưng lâu nay tòa ở xứ này cóc cần công lý. Tòa chỉ cốt cho có, để đe dọa con người, làm công cụ của nhà cai trị. Hiếm có phiên tòa quốc doanh nào xử thắng cho người bị oan ức. Rất nhiều người sau khi bị tòa phán quyết án, thụ án, tới khi được minh oan thì đã tàn tạ sống dở chết dở, gia đình tan nát, khổ đau ngút tận trời.

Tòa quốc doanh không cần luật, bất chấp pháp luật có tồn tại hay không. Xử công khai nhưng cứ lôi vào phòng kín, cấm người tham dự, thậm chí cấm cả nhà báo, sẵn sàng cúp điện khi có “sự cố”, chặn đường ngăn phố không cho ai lai vãng, bịt mồm bị cáo, đuổi cả luật sư… là những chuyện phổ biến trong lịch sử tư pháp xứ này.

Án của tòa hiếm khi căn cứ vào pháp luật mà chủ yếu là thứ án bỏ túi, án chỉ đạo, tuân theo chủ quan của những kẻ cầm quyền. Dù xử trong 1 ngày, thậm chí một tiếng đồng hồ, hay kéo dài vài tuần, thì án cũng đã có sẵn trước khi tòa tuyên. Luật chả là cái đinh gì. Một chế độ đã từng xóa sổ trường luật thì những kẻ hậu sinh của nó cần gì luật.

Phiên tòa xử Trần Vũ Hải thực chất không phải để làm nghiêm phép nước (làm gì có mà nghiêm), tuân thủ pháp luật, răn đe những vi phạm, mà thực chất chỉ nhằm cảnh cáo, dằn mặt Trần Vũ Hải nói riêng và giới luật sư nói chung. Suốt bao nhiêu năm, luật sư chỉ là thứ công cụ ngoan ngoãn làm theo chỉ thị của nhà cai trị, nên khi có những luật sư “nổi loạn” thì nhà cai trị đâm hoảng, tìm cách ngăn chặn. Hiệu ứng dominos rất nguy hiểm. Đối với họ, một vạn đứa dân đen làm loạn không nguy hiểm bằng một luật sư thức tỉnh. Đứa cứng đầu mà có học, có hiểu biết, nhất là thông tỏ về luật, cần phải trị.

Tòa án Khánh Hòa thừa hiểu họ bị giao một nhiệm vụ khó khăn, nhưng vốn ngoan ngoãn nên cứ phải thực hiện. Họ biết rằng không dễ gì kết tội vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải với cái tột ất ơ vớ vẫn tức cười như thế. Với đứa dân đen thì án cực dễ, nhưng với “kẻ mình đồng da thép về luật” như Trần Vũ Hải quả không ngon xơi chút nào. Chỉ còn cách liều, bất chấp dư luận, chà đạp pháp luật. Không khép được án tù giam cho luật sư Hải thì chí ít cũng cứ phải có án. Cái án 12 tháng tù cải tạo không giam giữ (còn gọi là tù treo) tất nhiên với Trần Vũ Hải chẳng có ý nghĩa gì, chỉ như một cái nhếch mép, nhưng với tòa nói riêng và chế độ nói chung, nhằm đạt được mục đích tạo ra thứ tiền án tiền sự, bôi nhọ thanh danh, làm mất nhân cách của luật sư Hải. Giam hay không giam, tội hay không tội, án hay không án là chuyện vặt. Họ chỉ cần có thế.

Và rộng hơn nữa, họ muốn làm mất uy tín của giới luật sư, nhất là với những người trung thực, thẳng thắn, khí phách, khí tiết, tôn trọng pháp luật, đứng về phía nhân dân, bênh vực kẻ khốn cùng, những nạn nhân của chính sách cai trị.

Lạ, mà cũng không lạ, ở điều: xứ này tồn tại tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam, mỗi tỉnh đều có Đoàn Luật sư, nhưng khi thành viên của họ bị đàn áp, họ không hề mở miệng lên tiếng, dù chỉ một nửa tiếng “không” hoặc “có”. Cả Liên đoàn lẫn Đoàn luật sư Hà Nội (nơi ông Hải là thành viên) đều ngoan ngoãn, sợ hãi, im thin thít. Tôi nghiệp. Ngay cả việc bảo vệ hội viên của mình còn không xong, nói gì bảo vệ ai. Họ chỉ bảo vệ cái nồi cơm của chính mình.

Sau này, nếu có ai chép sử, nhất là lịch sử tư pháp xứ ta, có nhẽ đừng quên sự kiện hơn 3 chục luật sư tử tế đứng ra bảo vệ cho đồng nghiệp Trần Vũ Hải. Các luật sư ấy thừa hiểu hành động của họ cũng chả đi đến đâu nhưng chỉ việc thách thức cường quyền vô pháp đáng là nét son trong nền pháp luật đen tối.

Tôi từng ngồi với Trần Vũ Hải và nhà báo Nguyễn Việt Chiến sau khi anh Chiến ra tù, luật sư Hải chính là người cãi cho anh Chiến. Cũng đôi lần trò chuyện với Trần Vũ Hải dịp này dịp khác. Trong tôi chỉ có một Trần Vũ Hải – luật sư của người khốn cùng, một Hải của công lý và pháp luật. Hải không kết án ai thì thôi chứ làm sao có chuyện kết án được Hải.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Khi tên trùm đảng trưởng đã phát biểu “hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ 2 của quốc gia, chỉ đứng sau cương lĩnh đảng của tui” thì còn mong gì luật pháp khi đất nước còn dưới tay của bè lũ đứa đảng trưởng vô pháp, vô thiên, vô giáo dục này ?
    Hắn ta tưởng đảng của hắn là cái gì thiêng liêng, trường tồn, quan trọng hơn dân tộc, đất nước của hắn ?
    Bọn điếm đàng, gian ác nhất của VN rất khôn khi chọn 1 tên lú làm đảng trưởng. Vì chỉ có lú thì mới dám phát biểu như vậy.

  2. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc…
    Đó là phong uế vào nền tư pháp của nước CHXHCNVN.

  3. Chắc không ít người đã đọc ngay trên các báo chính thống như: „Án hình sự là án bỏ túi, án dân sự xử sao cũng được, án hành chính chỉ một đường thua“. Tôi không có thời gian lục tìm nhưng có thể đưa ra đây 1 bài về án hình sự với những câu chuyện „không giống ai“ chỉ có ở VN nên mới sinh ra nhiều chuyện kỳ lạ https://dantri.com.vn/xa-hoi/lam-ban-ve-an-bo-tui-1385235317.htm.
    Để hiểu vì sao thẩm phán VN không thể có vị thế như thẩm phán các nước pháp quyền cao thì thứ nhất do truyền thống lâu đời „phép vua thua lệ làng“. Tuy nhiên tôi hiểu điều quan trọng nhất chính là Hiến pháp có nhắc tới tính độc lập của thẩm phán, nhưng „chỉ độc lập khi xử án“ – cho thấy đã khác ngay với thế giới – vì họ độc lập là chung chung, độc lập cả trước và sau khi xử án. Còn ai thích ra bản án để sau đó ít thì lên bờ xuống ruộng, còn không là bay chức với mọi lí do của người có quyền (nhất là cấp ủy). Thêm nữa Hiến pháp các nước để bảo vệ tính độc lập của thẩm phán thì còn có biện pháp cụ thể nêu ngay trong Hiến pháp như chỉ có Hội đồng thẩm phán có thẩm quyền bãi miễn … 1 thẩm phán – cho thấy thẩm phán xứ họ sống cách ly với đảng hay bất kỳ tổ chức xã hội nào và không ai dùng thủ đoạn thâm hiểm để gây ảnh hưởng nổi tới họ, chứ điều kiện VN khác hẳn – đại biểu QH phải dùng khái niệm „vòng kim cô“ để nói về sự bất lực không bảo vệ nổi thẩm phán khiến VN có câu chuyện „không bình thường“ tiếp là án hành chính về xử lý đất đai cấp quận huyện không còn để Tòa án huyện quận xử mà phải tìm cách chuyển cho Tòa án tỉnh, thành phố xử sơ thẩm.
    Riêng về câu „Cái án 12 tháng tù cải tạo không giam giữ (còn gọi là tù treo)“ thì tôi sợ rằng TG nhầm lẫn giữa „cải tạo không giam giữ“ (theo tôi hiểu đây cũng là chế tài Việt Nam có chứ các nước pháp quyền bình thường không có) và bị án tù nhưng cho hưởng „án treo“ (với thời gian thử thách). Có 1 bài trên mạng khá rõ về nội dung này https://luatvietnam.vn/hinh-su/an-treo-khac-cai-tao-khong-giam-giu-the-nao-569-19849-article.html

Leave a Reply to Tám Tàng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây