Hiện tượng Khá Bảnh: Cần chấn hưng giáo dục đổi mới với giới trẻ hay giáo dục nên tự nhìn lại chính mình?

Chu Mộng Long

14-11-2019

Khá Bảnh giơ tay chào fan. Ảnh: internet

Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tội tổ chức và đánh bạc. Đó là mức án nghiêm khắc. đúng người đúng tội. Hình phạt là một biện pháp giáo dục mạnh dành cho kẻ phạm tội và răn đe những người chưa phạm tội.

Nhưng xem ra vụ án này bị phản ứng ngược, từ kẻ bị hình phạt cho đến những đám đông chưa phạm tội. Khá Bảnh đến và rời tòa với nụ cười và đôi tay vẫy chào kiêu hãnh – kiểu chào của lãnh tụ Hitler đối với dân Đức một thời. Bất ngờ là rất đông học sinh, các fan của Khá Bảnh, tiếp tục ngưỡng mộ Khá Bảnh như ngưỡng mộ một anh hùng. Không chỉ trẻ con. Có thông tin một số trường từng mời Khá Bảnh đến giao lưu với học sinh, hóa ra lãnh đạo nhà trường cũng ngưỡng mộ Khá Bảnh?

Nên nhớ, trước đó có một nhân vật hot khác cũng có kiểu chào như vậy là “soái ca Dương Minh Tuyền”, kẻ đã từng làm cho cả một đám đông, người lớn lẫn trẻ con, ngưỡng mộ.

Bài trước, tôi nói đây là “thất bại thảm hại của giáo dục” là nói cho cả một hệ thống, chứ không đơn thuần là ngành giáo dục. Không ở đâu như ở ta, giáo dục là cả một hệ thống đồ sộ: Từ tuyên giáo, tôn giáo, đoàn thể, báo chí, văn chương cho đến các cơ quan thực thi pháp luật, từ nhà trường cho đến gia đình. Mỗi trẻ em sinh ra được hấp thụ cả một hệ thống tầng tầng lớp lớp giáo dục như vậy.

Tướng công an Nguyễn Hữu Cầu nói đúng. “Khá Bảnh là một thần tượng không chuẩn mực về đạo đức”, “Cần chấn hưng giáo dục đối với giới trẻ”. Nhưng ông lại khá lạc quan khi cho rằng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, “Khi giới trẻ lớn lên một chút nữa, nhận thức khác đi một chút nữa sẽ thấy Khá Bảnh không phải thần tượng của mình và nhận thức khác đi. Do vậy, chúng ta cũng phải thông cảm cho giới trẻ, tại thời điểm này họ thấy đúng nhưng tại thời điểm khác, họ lớn hơn, khôn hơn sẽ thấy cái đó không đúng, phải tránh xa”.

Trong tôn giáo và triết học, tội phạm hiển nhiên là Hiện tượng (cái bị tha hóa) chứ không lẽ là Bản thể (cái khuôn mẫu toàn thiện, toàn mỹ). Chỉ cần nhất thời bọn trẻ học tập và làm theo gương các “soái ca” của chúng là đã làm cho xã hội tan nát, ông Cầu ạ!

Đã đành tuổi trẻ thì đua đòi rất nhất thời, nhưng trách nhiệm của người lớn là phải ngăn chặn kịp thời và định hướng đúng, nếu không, từ nhất thời sẽ gây tác hại to lớn và lâu dài.

Không ít người hỏi tôi, liệu có phải do ngành giáo dục dạy bọn trẻ quá nhiều chữ mà không dạy người, tức dạy đạo đức cho chúng không? Tôi bảo sai hoàn toàn! Bản thân cái “chữ” đã gắn với “người”, vì chữ là người. Ngoài môn giáo dục công dân, gần như mọi môn học trong nhà trường đều gắn với giáo dục đạo đức. Không chỉ bọn trẻ, người lớn cũng “bị” học đạo đức cả đời. Vậy thì tại sao để “thành người” đối với xã hội ta, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, lại khó thế?

“Cần chấn hưng giáo dục đạo đức đối với giới trẻ” ư? Theo tôi, muốn vậy, nên chấn hưng đạo đức đối với người lớn đã, tức kẻ đang làm giáo dục nên nhìn lại chính mình!

Xin lỗi các bạn tuyên giáo. Cơ quan đứng đầu giáo dục của xã hội ta hiện nay được Đảng giao phó cho chính là tuyên giáo, bao gồm hai nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục. Chỉ tuyên truyền và giáo dục giáo điều cùng với sự rình rập chụp mũ những tiếng nói chính trực thì không có tác dụng giúp con người thành người. Hiển nhiên gắn liền với tuyên giáo là báo chí tuyên truyền. Chỉ tuyên truyền một chiều với những lời tung hô, ngợi ca sáo rỗng thì chẳng khác gì nước đổ lá khoai.

Cùng với cơ quan tuyên giáo là các đoàn thể. Các đoàn thể hiện nay hình như chỉ chú tâm hoạt động phong trào với những trò chơi lố lăng, tổ chức cổ vũ những sao to sao nhỏ, tưởng để ru ngủ thanh thiếu niên, nhưng hậu quả là đánh thức căn bệnh sùng bái thần tượng một cách tùy tiện – thần tượng hiện hữu trước mắt bao giờ cũng có sức mạnh hơn các thần tượng siêu hình.

Thứ đến là các cơ quan thực thi pháp luật. Sự xét xử và trừng phạt là biện pháp giáo dục mạnh để trấn áp tội phạm, răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Nhưng pháp luật chưa nghiêm minh, đặc biệt là xét xử không công bằng, ắt dẫn đến hiện tượng người dân không tâm phục khẩu phục. Tội phạm không cúi đầu hối cải mà tươi cười ngạo nghễ là một tác dụng ngược.

Không thể không nói đến tôn giáo khi đất nước ta có một lượng người tín ngưỡng rất lớn. Mục đích của tôn giáo hiển nhiên là giáo dục điều thiện. Nhưng tôn giáo lại tha hóa đến mức biến tín đồ thành kẻ cầu quan, cầu tài, cầu lộc, kể cả cầu bẻ cổ địch thủ thì chỉ làm gia tăng cái ác. Người lớn tin vào điều ác mà nhầm tưởng điều thiện là sự vô minh đã đến tột cùng, trách chi trẻ em tin vào Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền?

Khi người lớn toàn chạy đuổi vào dục vọng, thậm chí tôn thờ dục vọng thì nền tảng giáo dục gia đình ắt đổ vỡ. Khi cả guồng máy xã hội biến thành một trào lưu chạy theo tiền tài, danh vọng, đủ các loại chạy: chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu, chạy việc làm, chạy trường, chạy lớp, chạy điểm… thì còn được mấy gia đình giữ được gia phong để làm gương cho con trẻ?

Giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng, nòng cốt, nhưng xét đến cùng chỉ là một phần trong cái hệ thống tầng tầng lớp lớp trên kia. Các nhà giáo dục quá chủ quan khi thiết kế một chương trình giáo dục toàn những điều to tát, tức cũng giáo điều, trong khi những giá trị làm người căn bản thì rất mờ nhạt. Giáo dục đạo đức mà không thực hành bằng sự điều chỉnh hành vi mà chỉ học bài trả bài thì chữ “trả” đã thực hiện đúng nghĩa của nó, người dạy tự học tập và làm theo hơn là bắt người học phải học tập và làm theo.

Cuối cùng, tôi trả lời câu hỏi mà không ít bạn thắc mắc. Rằng, lý do gì mà giới trẻ lại noi gương những “soái ca” bất hảo, trong khi có nhiều tấm gương sáng chói mà cả hệ thống giáo dục đã đưa vào trong nội dung giáo dục? Liệu những tấm gương ấy có vấn đề?

“Soái ca” Dương Minh Tuyền trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh: internet

Theo tôi, những tấm gương đạo đức trong nội dung tuyên truyền, dạy học không có vấn đề gì. Lẽ nào tấm gương của thần thánh, Phật, Chúa trong tôn giáo, những lãnh tụ, những anh hùng trong lịch sử lại có vấn đề. Huyền thoại, tôn giáo là sản phẩm kiến tạo văn hóa, hiển nhiên luôn có tính hư cấu để tạo dựng niềm tin, tín ngưỡng, không ai đặt ra rằng đó là thật hay giả. Niềm tin chỉ đổ vỡ khi chính người trực tiếp tuyên truyền, dạy dỗ không đảm bảo tư cách.

Một nhà tu nhân danh Chúa, nhân danh Phật dạy điều tốt đẹp, nhưng đầy tham vọng, dục vọng, trước mắt tín đồ chỉ thực hiện hành vi trục lợi, buôn thần bán thánh, cưỡng dâm, hiếp dâm thì Phật hay Chúa chẳng đi vào trái tim của ai. Trong dân gian, một ông thầy cúng thất đức thì đã làm cho thánh thần mất thiêng, huống hồ là một tôn giáo chính tông.

Một nhà tuyên giáo, như trường hợp Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, lời lẽ thì nhân danh chủ nghĩa Marx, đạo đức – tư tưởng Hồ Chí Minh chụp mũ những tiếng nói chính trực, viết sách chống diễn biến, tự diễn biến, nhưng chính mình lại tham ô, hối lộ, phạm tội tày đình thì chính các ông là tấm gương tày liếp bôi nhọ vào những gương sáng mà cả hệ thống tuyên giáo đã gầy dựng nên.

Một nhà giáo, nhà văn, nhà báo hay một ông cha trong một gia đình, có mang hết bao nhiêu tấm gương đẹp đẽ trong quá khứ ra nhồi hết vào đầu người khác, nhưng chính mình lại tham lam, cơ hội, lưu manh, háo danh, háo sắc, ấu dâm, hiếp dâm, nói chung mọi tật xấu có đủ, thì giáo dục tự nó phản tác dụng.

Trong triết học, thần học, người dạy được xem là hiện hữu của những tấm gương siêu hình. Cha đạo là hiện hữu của Chúa, thầy chùa là hiện hữu của Phật. Nhưng một khi sự hiện hữu đó đồi bại thì Chúa sẽ thành Satan, Phật thành ma quỷ.

Chung quy, chính tấm gương người dạy mới có tác động mạnh mẽ hơn những tấm gương trong sử sách. Người dạy thất đức thì những tấm gương đẹp đẽ trong sử sách ắt bị mang ra vẽ nhọ bôi hề và gây hiệu ứng ngược.

Đổ lỗi kinh tế thị trường hay môi trường Internet ư? Chẳng lẽ chỉ Việt Nam ta mới có những thứ này hay sao? Cũng kinh tế thị trường và tự do Internet, nhưng các quốc gia văn minh đã thiết lập nên những giá trị mới cho chính môi trường cuộc sống hiện đại của họ. Trong khi chúng ta có kinh tế thị trường nhưng chưa có đạo đức kinh tế thị trường, chỉ có bạo lực, cướp đoạt và thôn tính theo chủ nghĩa tư bản hoang dã cá lớn nuốt cá bé. Trong khi chúng ta có tự do Internet nhưng tự do tùy tiện, tiếng nói chính trực thì bị vùi dập, bị đe dọa, còn những tiếng nói a dua, nịnh bợ, chụp mũ, vu khống thì lại được biểu dương. Có nghĩa là kinh tế thị trường hay Internet không có lỗi, chỉ là lỗi của cả hệ thống giáo dục đang trở thành vô giáo dục trong hoàn cảnh kinh tế và văn hóa mới.

Tóm lại, muốn giới trẻ không thần tượng Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay những “soái ca” khác, những nhà giáo dục hãy đứng cao hơn Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền đã. “Giáo đa thành oán”, dạy đạo đức nhiều mà vô đạo đức, tức nói một đằng làm một nẻo, thì trẻ con sẽ oán hận hơn là tin tưởng để làm điều tốt.

Bình Luận từ Facebook

12 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. -Thật tội cho Khá Bảnh, em sinh năm 1993, nếu em bị tù 10 năm thì khi ra tù em dc 36 tuổi. Ở trong tù 10 năm, em có biết rằng cũng trong 10 năm đó, bạn bè cùng trang lứa với em ở bên ngoài đã làm dc rất nhiều việc ko? Bỏ lỡ 10 năm trong tù, khi ra tù, ko biết em có theo kịp các bạn dc ko? 36 tuổi là đã chững chạc rồi mà phải làm lại từ đầu, thua bạn 10 năm, sẽ khó khăn lắm em ơi. Ra tù, liệu các Fan của em có còn nhớ đến em hay em chỉ ở tù 3~5 năm là các Fan lại có những thần tượng mới rồi. Bây giờ em chưa nghĩ đến nhưng 10 năm sau, ra tù em sẽ thấy lạc lõng, cô đơn. Ko bạn bè, ko thần tượng. Thật tội nghiệp.
    -Mọi ng sống trong xã hội phải “thượng tôn Hiến pháp, Pháp luật” (▪ Mọi người đều phải tuân theo Luật pháp. ▪ Cả các người lãnh đạo đều phải tuân theo Luật pháp. ▪ Nhà cầm quyền phải tuân theo Luật pháp. ▪ Không ai được ở trên Luật pháp). “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện” mà “Đảng tự cho mình đứng trên Pháp luật” nên xã hội mới loạn về mọi mặt: đạo đức, văn hóa, kinh tế, giáo dục,….. Ko trách Khá Bảnh, em chỉ là 01 trong những nạn nhân của thể chế này.

    • vdk1509 viết: “Ko trách Khá Bảnh, em chỉ là 01 trong những nạn nhân của thể chế này.”

      Tôi cũng thấy như vậy. Tác giả ngay trong đoạn đầu đã khẳng định như một quan tòa về “đúng người đúng tội” nhưng cũng tự mâu thuẫn về “biện pháp giáo dục mạnh” — mạnh quá thì không còn đúng nữa.

      Tội nghiệp Khá Bảnh vẫn chưa biết trọng lượng của bản án ngay sau khi nhận án từ tòa bước ra. Cậu vẫy tay chào một cách hồn nhiên như mọi khi. Và những người lớn như nhà giáo Chu Mộng Long thay vì thấy đây là hình ảnh bi đát của một phận người thì lại run sợ cho là chàng trai ngây ngô nọ đã chiến thắng hệ thống thêm một lần nữa! Kiểu suy nghĩ này tệ quá, nhưng do chưa biết gọi nó là gì, tôi đành gọi nó là “tinh thần chủ bại đặt sai đối tượng”.

      Xin nhắc quý vị nhà giáo rằng, chính là nền giáo dục Việt Nam đã thua đến lở đất khi một nhà giáo xem một án tù là “biện pháp giáo dục mạnh”!

  3. Trong một xã hội mà từ người cao nhứt đứng đầu đảng, nhà nước, quốc hội, đến tướng lãnh, giáo sư đại học, và viên chức đều là những kẻ hoặc là đạo đức giả, hoặc là mua chức, hoặc là bất tài vô dụng, hoặc là mất dạy, thì đừng trách sao Khá Bảnh ngạo mạn xem thường luật pháp và toà án cộng sản.

    Thử hỏi ai trong chế độ cộng sản có thể làm gương cho giới trẻ? Trọng lú? Phúc niểng? Ngân quê? Hồ chí Minh? Không. Kẻ thì lú, người thì ngu, dốt, làm gương cho ai? Chẳng có ai trong họ là tấm gương sáng cho giới trẻ. Hồ chí Minh là một kẻ đạo đức giả, một tên đóng kịch, một nguỵ nhân giả dối lớn nhứt trong lịch sử VN. Phải nhận ra điều đó.

    CMLong là một sản phẩm của cái xã hội đó nên không thấy, mà đòi giáo dục người ta. Kẻ cần thay đổi chính là CMLong. Cái cần thay đổi là cái chế độ cộng sản thối nát mà CMLong đang ngông nghênh dùng chữ “giáo dục”. Ngạo mạn vừa thôi chớ.

    Hai cái cần xoá bỏ là chế độ cộng sản và thần tượng hồ chí minh. Không thấy điều đó thì mọi bàn luận chỉ là thừa thải.

    Thú thiệt tôi không đọc CML, tôi chỉ đọc bình luận của montaukmosquito hay “bác Muỗi”. Bác Muỗi có lý do để nhắc nhở CML đừng ho ra những ý nghĩ bệnh hoạn nữa. Trang TD này là một trạm chữ nghĩa cho những kẻ như CMLong, MQAn, NTTuong, Jackhammer Nguyen, MVPham … mấy người này mửa ra một chữ thì trang TD đều hứng hết! Người đọc nên thấy điều đó để không bị xỏ mũi.

  4. Khá Bảnh là sản phẩm của nền GD Việt Nam đang do CS quản lý và điều hành.
    Chu Mộng Long tố cáo sự thối nát của GD VN, do vậy xứng đáng là trí thức chân chính.
    Cố ý ngu mới không hiểu điều đơn giản này.

    Chỉ có CS (và tất nhiên cả đám Ruối Muỗi tay sai của CS) mới căm ghép trí thức.

    • Vâng kính thua các loại trí thức” ÔM MÂM ĐẢNG GẦN HẾT CUỘC ĐỜI” nay thì ” Cứ thập thò của hang như Chuột” . Đúng là tự do giúm dó hơn, không cô độc. Cô độc làm sao đc khi cả bầy đang ” ĐÀNH ĐẠCH” chống ” ĐỠ” đảng

  5. Tiếp
    Còn hình ảnh Soái ca DƯƠNG MÌNH TUYỀN đang được bà con đứng vây xung quanh, Xem ra OÁCH HƠN bác hồ kính iu của Chu, và Lông. He he.
    Má nó thời rực rỡ mà các NHE SỈ, TRÍ BỈ đã và đang chống ” ĐỠ”

  6. Tớ xem hai hình ảnh đều về hành vi của các chú côn an nhà Tiến Tường
    1. Hình anh các chú côn an, lao vào bẻ tay, xô đẩy luật sư bào chữa
    2. Hình anh các chú côn an vây xung quanh KHÁ BẢNH, như bảo vệ lãnh tụ khi giơ tay chào
    Hahaha

  7. Câu sau cần phải nói lại cho hợp lý hợp tình,nếu không thì chứng tỏ
    tác giả có thể là nguời vô thần hay ác cảm với tôn giáo.
    “Nhưng một khi sự hiện hữu đó đồi bại thì Chúa sẽ thành satan,Phật
    thành ma qủy” Nhà sư hay ông cha đồi bại thì hết còn là sư,cha nữa
    thì làm sao gọi ông ta là Chúa là Phật được cơ chứ ? Bởi vì Chúa,Phật
    không hề liên quan đến HÀNH VI đồi bại của kẻ không phải chân tu
    để tác giả mạnh miệng CÀO BẰNG như vậy được ! Chúa là Chúa,Phật
    là Phật mãi mãi !

  8. “Theo tôi, những tấm gương đạo đức trong nội dung tuyên truyền, dạy học không có vấn đề gì”

    There you have it. Chính vì những người đứng trên bục giảng không nhìn thấy có vấn đề gì thì … mọi chuyện đều tốt cả . Thay đổi nàm gì hỡi Chu Mọng Lông .

    “lời lẽ thì nhân danh chủ nghĩa Marx, đạo đức – tư tưởng Hồ Chí Minh chụp mũ những tiếng nói chính trực, viết sách chống diễn biến, tự diễn biến, nhưng chính mình lại tham ô, hối lộ, phạm tội tày đình”

    Haha, đố ai đếm được toàn bộ phần trên có bao nhiêu nghịch lý, và những nghịch lý đó kết hợp với nhau như thế nào .

    ““Giáo đa thành oán”, dạy đạo đức nhiều mà vô đạo đức, tức nói một đằng làm một nẻo, thì trẻ con sẽ oán hận hơn là tin tưởng để làm điều tốt”

    Chu Mọng Lông viết tới đây có tiếc đã lỡ viết ra mình cũng tiếp tay cho cái ác ?

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây