9-11-2019
Nhân 30 năm ngày phá bỏ bức tường Berlin, một số ý kiến trên mạng Việt ngữ cho là chỉ có ít người Đức coi công cuộc thống nhất đất nước là thành công. Có ý kiến còn cho là đa số người Đông Đức bị coi là công dân hạng hai.
Tiều phu tôi thì coi kỳ tích đầu tiên của người Đức là thống nhất đất nước mà không đổ máu, sau đó không có trả thù nhau như kiểu “đòi nợ máu”. Thành tích đáng kể nữa là tình đoàn kết giữa hai miền đã giúp miền Đông khắc phục những hậu quả của 40 năm bị kiệt quệ, lạc hậu về mặt xã hội và tinh thần. Tuy Đông Đức vẫn còn kém miền Tây, nhưng khoảng cách đang ngắn dần lại. Tất nhiên cũng có những khuyết điểm trong chính sách, khiến cho sau 30 năm, vẫn còn một bộ phận người Đông Đức chưa thỏa mãn và tâm lý thua thiệt vẫn còn tạo nên “Bức tường trong đầu”.
Năm ngoái tôi có viết ba bài liền, cố giải thích nguyên nhân của thành công và tồn đọng trong quá trình xây dựng nước Đức mới.
1- Ngày 9.11 – Nghĩ về những bức tường (1)
2- Ngày 9.11 – Nghĩ về những bức tường (2)– Mối tình Đông-Tây
3- Ngày 9-11 -Nghĩ về những bức tường (3) – Bức tường trong đầu
Hôm nay đài truyền hình ZDF đưa ra kết quả thăm dò ý kiến người dân về ngày thống nhất nước Đức.
92% dân chúng cho là từ 1989 đến nay, hai miền Đông-Tây đã tiến sát lại gần nhau, chỉ có 6% cho là không phải. 41% cho là giữa hai miền, sự khác biệt vẫn là chủ yếu, trong khi 53% cho rằng sự hòa hợp là chủ yếu. (Ảnh 1)
Trả lời câu hỏi: Người Đông Đức có bị đối xử như công dân hạng hai không? 17% người Tây Đức cho là đúng vậy, 79% nói là không có điều đó. Ở miền Đông 46% dân chúng khẳng định rằng mình bị coi là công dân loai 2, trong khi 47% không công nhận điều đó. 7% không biết trả ra sao cả. (Ảnh 2)
Thăm dò của viện xã hội học Allensbach cho thấy 42% người miền Đông có cảm giác mình là công dân loại 2, nhưng 49% dân miền Đông lại công nhận công cuộc phát triển kinh tế ở đó là thành công, chỉ có 21% coi là thất bại, còn 31% không có ý kiến. Trên toàn quốc, 47% coi việc xây dựng kinh tế miền Đông là thắng lợi, 23% cho là thất bại và 30% không có ý kiến. (Ảnh 3)
Trang mạng Statisca.com thì đưa ra bảng thống kê tỷ lệ người Đức vừa lòng với tình hình phát triển đất nước từ sau ngày thống nhất. Màu xanh nhạt là vừa lòng, màu xanh đậm là không vừa lòng (nói theo kiểu Việt Nam là “bất mãn”). (Ảnh 4)
Năm 1999, chỉ có 65% dân chúng vừa lòng với các loại đảng và chính phủ bạn, 34% là “bất mãn”. 20 năm sau, bọn yêu “các đảng” bạn tăng lên 75%, trong khi tỷ lệ “bọn xấu”, bọn “bị lợi dụng” chỉ còn có 23%!
Sự hoà hợp chưa hoàn hảo giữa Đông và Tây Đức do yếu tố xã hội là chính. Một trong những yếu tố này đến từ khác biệt tư duy chính trị trên những người lớn tuổi ngày nay, nhưng vẫn bị tác động từ quá khứ.
Nhiều khảo sát trên những đứa trẻ sanh ra sau này và đang đi nhà trẻ ở Bá Linh, nghĩa là không vướng vấn gì về chính trị, những đứa trẻ của người đến từ Đông và Tây Bá Linh mà bây giờ phải sống trà trộn với nhau. Điều các nhà quan sát thấy được là chúng vẫn e dè và không hoàn toàn Hòa hợp với nhau. Vết đen của chủ nghĩa nhồi sọ CS có lẽ vẫn còn vương vất và bám vào những đứa trẻ phía Đông.
Trái hẳn với VN. Sự khác biệt giữa Bắc và Nam vẫn còn đến từ chủ nghĩa duy vật không tưởng và sự phân biệt từ chính trị đem lại.
Ba mươi năm giữa Đông và Tây Đức còn sự khác biệt, nhưng càng ngày càng nhỏ đi. Còn VN sự khác biệt có thể trông thấy ở mọi chỗ, mọi nơi trong xã hội càng ngày càng lớn hơn.
Do cách giáo dục ở Đông Đức nên người dân ở đây khó thích nghi khi hòa nhập (Tây Đức và toàn cầu) nên nhiều người gặp khó khăn trong mưu sinh, do vậy có ý kiến khác nhau khi điều tra thái độ
Tôi quan tâm điều khác: Phe Thắng Cuộc ở VN và ở Đức đối xử rất khác nhau với Phe Thua Cuộc.
CNCS không bao giờ có thể khoan dung, ngay cả trong nội bộ.