Thùng nhân vs Thuyền nhân

Larry De King

3-11-2019

Người dân Anh cầu nguyện cho 39 nạn nhân xấu số trong thảm nạn Essex. Ảnh: internet

Câu chuyện 39 thùng nhân nay đã ngã ngũ. Tất cả là 39 phận người còn rất trẻ, đều là Việt Nam. Giờ là lúc không cần phải phán xét người đã chết. Hãy thương họ như thương những kẻ xấu số nào đó trên cõi đời này. Và hãy thương luôn cả những người phán xét (không tính DLV), vì họ có một góc nhìn khác, từ những khổ đau bất hạnh mà đất nước tội nghiệp này phải gánh chịu từ rất lâu. Họ có lý do để giận dữ.

39 con heo con gà chết cùng một lúc đã thấy ghê rồi, còn đây là 39 con người nằm xếp lớp, đông cứng trong thùng, gương mặt chắc còn biểu cảm sợ hãi tiếc nuối chốn trần gian, và những ước mơ rất đời thường không đành dang dở.

Tin nhắn cuối cùng của cô Trà My là tin nhắn của thần chết, ai đọc cũng phải rùng mình. Có lẽ đó là tin nhắn khủng khiếp nhất trong lịch sử điện thoại.

***

Câu chuyện thùng nhân đau thương này làm gợi nhớ thân phận thuyền nhân của thập niên 80 còn rùng rợn, khổ đau gấp nhiều lần.

Ai từng một lần trên biển cả mới hiểu hết cảm giác nhỏ bé mong manh của phận người. Chiếc thuyền cứ tưởng là lớn lắm lúc chưa ra khơi, nhưng khi đã ra khỏi hải phận VN, nghĩa là đã thoát được nạn công an, mới bắt đầu nỗi lo khác, phải chiến đấu với biển cả âm u khó lường, và thuyền giờ đây chỉ là một chấm nhỏ li ti. Lúc đó, xung quanh chỉ một màu nước xanh thẳm, bao la, không cùng không tận, không bờ bến. Chỉ có mặt biển và phía cuối chân trời.

Vào ban đêm, biển đen sẫm màu chết chóc, sóng vỗ bì bạch mạn tàu cứ tưởng là tàu sắp vỡ. Nhưng người tài công cứ bảo vậy là may mắn rồi. Khi biển nổi giận mới thấy kinh hoàng chết chóc. Biển thật không hề thơ mộng như trong thi ca.

Biển có lúc im lìm như mặt hồ. Nhưng đó là sự im lặng trước một cơn bão dữ. Đã có biết bao chuyến tàu vượt biên vùi sâu trong lòng đại dương, mang theo hàng chục ngàn thân phận xấu số như những thùng nhân trên kia. Bi kịch này cũng là bi kịch của một quốc gia thiếu lòng bao dung lại chồng chất thù hận, dối trá, phân ly, dị biệt.

***

Dân vượt biên ở Sài Gòn và miền tây thường chọn điểm đến là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, hoặc xa hơn là Singapore. Và như vậy bắt buộc phải băng qua vùng vịnh Thái lan, nơi bọn cướp biển đang chờ chực những miếng mồi ngon.

Cướp biển là ai? Đôi khi chỉ là những tàu đánh cá của Thái, động lòng tham thì trở thành cướp, và cũng quá dễ dàng, vì người vượt biên đang chơi vơi, thiếu dầu, thiếu nước, thiếu ăn, thấy tàu nào cũng kêu cứu. Họ thoạt đầu đến như những thiên thần cứu tinh, nhưng sau đó hiện nguyên hình là quỷ dữ. Thường dân vượt biên luôn luôn có vàng thủ thân, lại có thêm phụ nữ để họ thỏa mãn thú tính trong những chuyến đánh cá lênh đênh hàng mấy tháng trời trên biển.

Bi kịch bắt nguồn từ đây. Cướp và hiếp xong thì phải phi tang, và chỉ còn cách giết toàn bộ để bịt đầu mối. Đôi khi cũng có những tên cướp còn chút lòng nhân. Chúng cướp và hiếp xong rồi thả cho đi, để biển cả, đói khát gián tiếp kết liễu họ, còn may thì sống sót.

***

Ai từng đến đảo Bidong, Mã Lai năm 1989 sau ngày đóng cửa đảo (và bắt đầu một giai đoạn khốn cùng nhất lịch sử thuyền nhân) sẽ nghe nói đến một người thanh niên tên Sơn. Tàu của Sơn gần 100 mạng, bị cướp và hiếp. Bọn cướp sau đó đụng chìm tàu, ai bám vào những mảnh tàu vỡ thì chúng tiếp tục dùng lao đâm cho chết.

Sơn bị đập đầu bằng búa và xô xuống biển. Nhưng phép màu xảy ra. Sơn trôi trong vô thức mà không chết. Lại thêm một phép màu thứ hai: Vài giờ sau một chiếc tàu vượt biên khác tình cờ thấy Sơn và vớt lên cấp cứu. Biển cả mênh mông dường ấy mà gặp được Sơn trôi bềnh bồng thì quả là một điều kỳ diệu. Có lẽ thượng đế không cho Sơn chết.

Tàu cập đảo Bidong, Sơn được cứu sống. Nhưng từ đó anh trở thành người mất hồn. Không thích giao du với ai cả. Thỉnh thoảng Sơn được đưa sang Thái để nhận diện cướp biển. Sơn được đặc cách đậu thanh lọc và được tái định cư. Giờ không biết Sơn phiêu bạt nơi nào.

Còn một Sơn nữa, biệt danh là Sơn ba ke, đá banh rất giỏi, từng đá cho đội CSC. Bạn nào ở trại Sungei Besi thời đó chắc chắn biết.

Tàu của Sơn thấy được giàn khoan Mã Lai thì chìm, tức còn phải vài cây số nữa. Nhiều người nhẩy xuống biển bơi. Sơn và một người bạn đi chung cùng ôm một tấm ván và bơi về hướng giàn khoan. Cả hai cùng động viện nhau cố gắng. Vài giờ sau khi gần tới giàn khoan, bạn của Sơn bảo “thôi, mày cố gắng thêm tí nữa, tao đi đây”. Nói xong anh buông tay, và chìm xuống. Anh đã sức tàn lực kiệt. Còn Sơn ba ke cuối cùng đến được giàn khoan, cũng vừa lúc anh ngất xỉu.

***

Câu chuyện về hai Sơn nói trên chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện thương tâm mà cá nhân mình được biết khi ở trại tỵ nạn. Đó là chưa kể nỗi long đong sau đó của những năm dài ở trại, phải kêu gào, đổ máu cho khát vọng tự do.

Mình muốn quên đi nỗi tang thương của quá khứ vượt biên vì nhắc lại chỉ thêm sầu thảm. Đó là lý do bạn bè tỵ nạn ít khi thấy mình tham gia hội Bidong hay Sungei Besi này nọ.

Xin để quá khứ ngủ yên. Nếu có còn kỷ niệm xin hãy sống với lòng biết ơn và chia sẻ. Vì những năm tháng tỵ nạn chúng ta được cưu mang bởi những tấm lòng từ khắp nơi trên thế giới.

Lời cuối, thuyền nhân Larry xin gửi lời chia buồn đến 39 thùng nhân xấu số như hàng trăm ngàn nạn nhân khác còn gửi lại một chút xương tàn đâu đó dưới lòng đại dương.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hiện giờ bọn đảng cướp Pác Bó Trường Sơn chỉ biết kêu gào lên án bọn buôn người, coi như chúng hoàn toàn trắng án. Tất cả tội lỗi tang thương 39 người đã chết tự lãnh nhận, csvn dưới sự dẫn dắt tài tình của đ/c CTN và TBT Trọng Lú không liên can gì. Nhà lầu xe hơi quê hương Thanh Nghệ Tĩnh chắt chiu từ Tây phương đem về mà có là công ơn của đảng, còn các tai nạn này bị cho là sai quy trình.
    Đảng tuyệt đối sáng suốt để cho “nhân dân” đi tàu suốt!

Leave a Reply to hoàng tự minh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây