Hị hị và cơ chế chọn người tài

Trần Quang Vũ

26-10-2019

Kết luận điều tra vụ AVG có chi tiết, do Nguyễn Bắc Son hứa đưa Trương Minh Tuấn lên làm Bộ trưởng (tất nhiên là phải vào TW) nên biết sai, Tuấn vẫn ký. Do đã ký, Tuấn thêm một cái sai chết chính Tuấn nữa là nhận hối lộ 200.000USD, khung của tội chết.

Tuấn từng qua quân đội. Tuấn học lên đến TS chứ không phải khai gian, mua bằng. Tuấn là đảng viên ĐCS. Tuấn chủ biên cuốn sách rất hợp thời: Chống diễn biến và tự diễn biến. Nếu không bắt, không khởi tố, không điều tra thì trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân… Tuấn là người không chỉ tài mà rất tài và rất đức.

Không chỉ Tuấn, Đinh La Thăng cũng vậy, 70 cán bộ cao cấp khác, 20 tướng lĩnh quân đội và CA mới bị xử lý cũng vậy. Tổ chức, cấp trên của những nhân vật này coi là tài, là đức… mới đề bạt, mới đưa vào quy trình, mới cất nhắc. Nhưng, khi dùng lăng kính kỷ luật Đảng và pháp luật thì họ là phản bội lý tưởng, là tội phạm.

Khi không có chuẩn mực giá trị thì tài, đức và tội phạm lẫn lộn nhau. Thậm chí tài phục vụ tội chứ không phục vụ ĐCS và nhân dân. Đóng dấu mật để che dấu tội phạm chẳng hạn. Cái sai lớn nhất là quy trình mang tính hình thức và cười nịnh, hị, hị.

Ai đó muốn được lựa chọn vào quy hoạch phải được cấp trên để ý, được người xung quanh ủng hộ và bộ máy làm quy trình sốt sắng. Cấp trên có cần người tài không? Vừa cần, để nó làm thay mình và đơn vị thăng tiến. Vừa không cần, thậm chí còn đề phòng nó sẽ khinh mình và lật mình.

Chưa hết, không chỉ mỗi lần đề bạt hoặc tái bổ nhiệm mà hàng năm mỗi người lãnh đạo phải được cấp dưới trực tiếp giơ tay biểu quyết trong bình bầu thứ hạng và xếp loại đảng viên. Lãnh đạo sẽ chọn ai trong: Người có tài đồng nghĩa với có chính kiến và người sẽ biểu quyết cho mình bằng lòng trung thành cá nhân.

Đến lượt người lãnh đạo, không ai muốn thiếu một vài trong 100% số phiếu ủng hộ. Mỵ dân, hị hị có nguyên nhân từ đây.

Gia đình trị, chọn đồng hương, xây dựng ê kíp, chọn tay sai cho mình chứ không phải làm công tác cán bộ cho Đảng và nhà nước là từ đây.

Còn nhiều chuyện để nói về lĩnh vực này trong mối quan hệ con người – chức tước – cấp trên – cấp dưới… biến các mối quan hệ lẽ ra phải lành mạnh thành thủ đoạn, mưu mẹo và phản trắc.

Ở quy mô tổ chức, nhà nước cũng phải nuôi nhiều tổ chức mang tính hội hè, chỉ để làm hai việc: Lên tiếng theo định hướng và khống chế hội viên mỗi lần bầu cử chứ không phải chăm lo hội viên. Bằng chứng đâu? Rất nhiều.

Ai chịu để tâm phân tích sự kiện dân Đồng Tâm (Mỹ Đức) nhốt mấy chục cán bộ, chiến sỹ CA thì Đảng bộ đâu, Chi bộ đâu, Mặt trận, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… đâu? Lặn tất, không sủi tăm. Cuối cùng Nhà nước phải đối diện và kể cả đối trọi với dân chứ không phải các tổ chức hội vận động, thuyết phục hội viên. Và, dường như, người ta cần người đứng đầu hội trung thành chứ không phải cái hội đó.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tiêu chí về người tài của Trần Quang Vũ thông qua lý lịch học vấn của Trương Minh Tuấn . Quite interesting, to say the least

    Giáo dục

    4/1980 – 6/1984: Học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

    7/1985 – 7/1986: Học viên Chuyên Ban Triết học, Trường Sỹ quan Chính trị.

    Ông có bằng tiến sĩ Chính trị học và bằng Cao cấp lí luận chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam

    7/1985 – 7/1986: Trung úy, Học viên Chuyên Ban Triết học, Trường Sỹ quan Chính trị.

    7/1986 – 7/1987: Thượng úy, Giảng viên Triết học Marx-Lenin

    Tớ trích Trần Quang Vũ về phần TQV cho là dzách lầu của Trương Minh Tuấn “Tuấn học lên đến TS chứ không phải khai gian, mua bằng. Tuấn là đảng viên ĐCS”

    Chỉ nhắc nhỏ, tiến sĩ xây dựng Đảng & tiến sĩ Mác-Lê, thời Trương Minh Tuấn, chưa có bằng giả . Rất có khả năng TMT đã không có sự lựa chọn nào khác, chứ nếu có thì chưa chắc .

    Tiến sĩ Mác-Lê & xây dựng Đảng mà ẵm cả triệu đô! Chắc là nhờ “đột phá” chủ nghĩa Mác, cộng với “sáng tạo” cho phù hợp với thực tế nước ta vv … vv … Mắm Masan quả có khác!

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây