Chuyện cho Trung Quốc nhưng ‘Đảng ta’ nên học

Blog VOA

Trân Văn

23-10-2019

Đại sứ Terry Branstad (trái), tại Bắc Kinh, 2018. Ảnh: AP

Nhiều cơ quan ngôn luận trong hệ thống truyền thông của “đảng ta” vừa dịch – giới thiệu rộng rãi câu chuyện mà ông Terry Branstad – Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc kể với AP (1)…

Theo đó, các viên chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc: Muốn gặp bất kỳ ai ở Trung Quốc (từ viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Trung Quốc đến học giả, sinh viên,…) cũng phải… xin phép và thường thì không… được phép! Thậm chí trên đường đến một quán cà phê tại Tây Tạng, các viên chức ngoại giao Mỹ còn bị chặn lại, chờ an ninh Trung Quốc vào quán cà phê lọc lựa – dặn dò khách không được trò chuyện với người Mỹ xong, các viên chức ngoại giao Mỹ mới được bước vào!..

Sở dĩ ông Branstad phải lên tiếng về thân phận của các viên chức ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc vì Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cáo buộc chính phủ Mỹ vi phạm các điều ước và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực ngoại giao. Tuần trước, chính phủ Mỹ loan báo, kể từ 16 tháng 10, các viên chức ngoại giao đại diện cho Trung Quốc tại Mỹ phải báo trước cho chính phủ Mỹ kế hoạch của họ nếu họ có ý định tiếp xúc các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Mỹ hoặc các học giả, các cơ sở nghiên cứu… tại Mỹ.

Trong lĩnh vực ngoại giao, chưa có viên chức ngoại giao đại diện cho quốc gia nào tại Mỹ bị chính phủ Mỹ khống chế hoạt động theo kiểu như thế. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thay mặt chính phủ Mỹ giải thích tại sao: Mỹ xử sự khác thường như vậy vì muốn Trung Quốc thay đổi cách đối xử với các viên chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc. Từ nay, Trung Quốc đối xử với các viên chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc như thế nào thì Mỹ cũng sẽ đối xử với các viên chức ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ… y như vậy!

Theo ông Brandstar thì yêu cầu mà chính phủ Mỹ vừa đặt ra với các viên chức ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ tuy khác thường nhưng chưa thấm vào đâu so với cách mà Trung Quốc đối xử với các viên chức ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Sắp tới, có thể chính phủ Mỹ sẽ tiến thêm một bước: Yêu cầu các tổ chức, công dân Trung Quốc tại Mỹ phải đăng ký với chính quyền Mỹ theo qui định về đăng ký làm đại diện cho ngoại quốc, nếu những tổ chức, công dân đó có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu ý tưởng vừa kể được thực thi, Mỹ chỉ là quốc gia thứ hai làm điều đó. Sau khi phát giác chính phủ Trung Quốc sử dụng nhiều tổ chức, cá nhân, tiếp cận các chính trị gia của Úc để tác động tới việc hoạch định chính sách của Úc theo hướng có lợi cho Trung Quốc, cuối năm ngoái, Úc đã chính thức yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân mà hoạt động nhằm gây ảnh hưởng đến chính trường Úc theo hướng có lợi cho một chính phủ ngoại quốc, phải đăng ký tư cách đại diện cho chính phủ đó.

Từ trước đến nay, quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có ngoại giao, luôn theo phương thức “có qua, có lại”. Cách đối xử của chính phủ Mỹ đối với các viên chức ngoại giao Trung Quốc, đại diện cho chính phủ Trung Quốc tại Mỹ có thể chỉ là bước khởi đầu cho việc thay đổi cách đối xử với các viên chức ngoại giao đại diện cho chính phủ Trung Quốc trên… toàn thế giới, theo đúng cách chính phủ Trung Quốc đối xử với các viên chức ngoại giao đại diện cho các chính phủ không cộng sản trên lãnh thổ Trung Quốc.

Nhiều người tin rằng, không sớm thì muộn, có muốn hay không, Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi cách đối xử với những viên chức ngoại giao đại diện cho chính phủ các quốc gia khác trên lãnh thổ Trung Quốc. Nếu các viên chức ngoại giao đại diện cho Trung Quốc trên khắp thế giới bị đối xử y hệt như đồng nghiệp tại Trung Quốc, “thể chế ưu việt” của Trung Quốc sẽ trở thành trò cười, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi vị thế, gia tăng ảnh hưởng trên chính trường quốc tế sẽ là ảo vọng.

Dường như luận điệu mà các chính phủ cộng sản biện bạch cho việc hành xử khác đời, khác người và lý giải đó là… bản sắc, đặc điểm riêng đã tới lúc hết xài!

***

Trước nay, nhận thức và cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn y hệt Trung Quốc, cả trong lĩnh vực ngoại giao và lối biện bạch, phản bác.

Cho dù từng phải thoái bộ vì thiếu sòng phẳng nhưng chính phủ Việt Nam chưa tỉnh. Việt Nam cũng giống Trung Quốc: Chỉ ưa… nặng!

Giữa thập niên 2000, khi nhận lại visa cho phép nhập cảnh Mỹ, công dân Việt Nam luôn nhận thêm một lá thư, nội dung cho biết, chính phủ Việt Nam thiếu sòng phẳng khi cấp visa cho công dân Mỹ và công dân Việt Nam nên nhắc chính phủ của mình phải sòng phẳng vì điều đó có lợi cho tất cả mọi người, kể cả chính họ! Tuy nhiên nhắc nhở này không hiệu quả. Thêm mười năm nữa, khi Mỹ chuẩn bị áp dụng phương thức “có qua, có lại” trong cấp visa cho công dân Việt Nam, việc cấp visa cho công dân Mỹ mới thay đổi.

Tuy Mỹ thường cấp cho công dân Việt Nam visa có thời hạn một năm, đương sự được phép ra vào nhiều lần, mỗi lần nhập cảnh được cư trú đến sáu tháng nhưng đến năm 2015, Việt Nam mới dỡ bỏ việc khống chế visa dành cho công dân Mỹ (chỉ trong vòng ba tháng và không chấp nhận gia hạn cư trú). Thay đổi chỉ diễn ra khi Mỹ chuẩn bị thực hiện “có qua, có lại” – cấp cho công dân Việt Nam loại visa mà giá trị sử dụng hạn chế y như visa Việt Nam cấp cho công dân Mỹ (2).

Vì một số lý do, nhiều cơ quan ngôn luận trong hệ thống truyền thông của “đảng ta” tỏ ra hết sức hào hứng với những qui định mà chính phủ Mỹ vừa áp dụng đối với các viên chức ngoại giao đại diện cho chính phủ Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, thậm chí hết sức hoan hỉ khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với hàng loạt cá nhân là viên chức, tổ chức, bao gồm cả doanh nghiệp ở Trung Quốc dính líu đến việc đàn áp các sắc tộc thiểu số, tín đồ Hồi giáo tại Tân Cương (3)…

Thái độ đó không sai nhưng hình như chưa… đủ. Vì “tình hữu ái giai cấp” các cơ quan ngôn luận trong hệ thống truyền thông của “đảng ta” nên nhắc những “đồng chí” của mình “trông người, ngẫm ta”. “Ta” đối xử với các viên chức ngoại giao đại diện cho nhiều xứ khác trên lãnh thổ của “ta” cũng chẳng tử tế gì hơn, nhất là khi họ muốn tiếp xúc với các cá nhân tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Về tính chất cũng như mức độ tàn bạo khi đàn áp đồng bào, “ta” cũng chẳng kém gì Trung Quốc.

Khi sòng phẳng, “có qua, có lại” vẫn là phương thức chung trong quan hệ với phần còn lại của nhân loại, liệu “ta” có may mắn hơn Trung Quốc, tránh được hậu quả? Khó lắm!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/dai-su-my-ke-kho-o-trung-quoc-di-uong-ca-phe-cung-bi-lam-kho-20191021184206688.htm

(2) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-se-cap-visa-1-nam-cho-cong-dan-my/3098795.html

(3) https://vietnamfinance.vn/sat-gio-g-my-lai-trung-phat-loat-quan-chuc-trung-quoc-20180504224229956.htm

 

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đáp lại bác Muỗi
    Bài này (tác giả Trần Văn) có một câu (nguyên văn) phê phán Chính quyền CS VN như sau:
    Trước nay, nhận thức và cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn y hệt Trung Quốc, cả trong lĩnh vực ngoại giao và lối biện bạch, phản bác.
    Cho dù từng phải thoái bộ vì thiếu sòng phẳng nhưng chính phủ Việt Nam chưa tỉnh. Việt Nam cũng giống Trung Quốc: Chỉ ưa… nặng!

    Ba chữ cuối: CHỈ ƯA… NẶNG là từ câu tục ngữ VN “già lừa, ưa nặng”
    Nếu chưa mất gốc, ai cũng biết câu tục ngữ này. Bọn nhãi con không được học đầy đủ, chỉ giỏi dùng tiếng Anh đường phố… làm sao hiểu nổi? Định khoe trình độ Anh ngữ, nên khoe cách khác.

    Comment của tôi chỉ bàn vào một ý nhỏ trong bài của Trần Văn. Tuyệt đối không lạc đề.
    Mọi người ở diễn đàn này rất dễ vạch mặt những bác cố ý lạc đề, bởi vì mục đích duy nhất là rình mọi cơ hội thể hiện quan điểm cố hữu của cá nhân.
    Mosquito hãy chỉ tên kẻ nào ở diễn đàn này luôn luôn chỉ có một giọng điệu, một thứ suy nghĩ, một thứ quan điểm… dù là comment vào bất cứ đề tài nào.
    Làm như vậy có tôn trọng tác giả viết bài hay không? Bàn luận bài của người ta, lại éo tôn trọng nội dung mà người ta vắt óc ra để viết cống hiến bạn đọc. Nhân cách nào vậy? Cách giáo dục gia đình từ thuở ấu thơ ra sao?
    Tôi sẽ không chấp nhận những kẻ “tự coi mình chiếm MỘT MÌNH-MỘT CHỢ” lũng đoạn diễn đàn này.
    Liệu mà sửa đổi, tu tỉnh lại.

    Hãy đọc kỹ bài mà mình định comment và bàn luận không lạc đề.
    Tôi rất hòa bình với mọi quan điểm. Nhưng rất biết ứng xử thẳng thừng, quyết liệt với giọng điệu ruồi muỗi, chỉ rình phá thối không khí trao đổi lành mạnh.

  2. Do Van có vẻ hết dỗi rùi . Mặt dày lên chút nào chưa hả bác ?

    “liệu “ta” có may mắn hơn Trung Quốc, tránh được hậu quả? Khó lắm!”

    Thật ra rất dễ . Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng . Việt Nam cậy gần Trung Quốc .

    Còn không thì 2 đảng sáp nhập . Ngày xưa Giang Thanh làm mưa làm gió chính trường Trung Quốc vì bà là vợ chính thức của Bác Mao ta đó chính là Bác Hồ . Nghe nói bà vợ của ông bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đòi hỏi nhiều không kém . Đảng CSVN mà có Đảng Cộng Sản Trung Quốc che chở … làm gì mà chả được .

  3. Già lừa, ưa nặng. Đó là câu tục ngữ của ta.
    Để những con lừa già tuân theo quy định, cần nặng tay với chúng.

    Đó chỉ là cách ứng xử cụ thể trong những tình huống cụ thể.
    Nhưng cần tìm nguyên nhân từ cái gốc.
    Thể chế của TQ thiếu nhân bản, do vậy tiếp cận với những gì có tính nhân bản đều bị đe dọa đổ vỡ thể chế.

Leave a Reply to Do Van Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây