Vài ý kiến với học giả VN về vùng biển Tư Chính…

Trương Nhân Tuấn

7-10-2019

Xưa nay ý kiến của tôi về các vấn đề biên giới lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo… luôn “ngược dòng chảy” với ý kiến “chính thống”, thậm chí trái ngược với ý kiến của phần lớn học giả, nhà nghiên cứu trong nước. Có lẽ là vì tôi “biết cái gì thì viết cái nấy” và “biết tới đâu thì viết tới đó”. Vừa phi chính thống vừa phản hàn lâm. Tôi viết không nhằm “câu like”, không nhằm thỏa mãn thị hiếu độc giả hay để làm “vừa lòng” lãnh đạo nhà nước…

Về vấn đề Tư chính cũng vậy. Ban đầu các ý kiến của tôi không được “dòng chính” để ý và học giả chia sẻ. Thậm chí có người chụp tôi cái mũ “hán nô” (sic!) khi tôi có chủ trương “không đi kiện” TQ.

Ý kiến của tôi về “án mẫu”, mô hình “Diego Garcia”, trường hợp đảo quốc Maurice vận động Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu Tòa Công lý quốc tế (ICJ) cho “ý kiến tư vấn” về vấn đề “giải thực năm 1965” chưa hoàn tất. Đảo quốc Maurice có mục đích thu hồi chủ quyền quần đảo Chagos (Diego Garcia) và yêu cầu Anh bồi thường cho việc di dân.

VN có thể làm tương tự để yêu cầu Tòa ICJ cho một “ý kiến tư vấn – avis consultatif” về hiệu lực phán quyết PCA 12-7-2016.

Cuối cùng thì ý kiến này của tôi cũng được nhiều người để ý tới.

Cụ thể bài viết của học giả Phạm Ngọc Minh Trang đăng trên báo chí (trong và ngoài nước) hồi cuối tháng 9. Bài viết này mặc dầu nại ra đủ thứ khó khăn cho việc vận động Đại hội đồng LHQ cho tới việc yêu cầu Tòa ICJ ra “ý kiến tư vấn”.

Nhưng quan trọng là cuối cùng tác giả cũng nhìn nhận (ý kiến của tôi) là một “chiến lược khả thi” của VN.

Ý kiến các học giả VN thể hiện qua buổi Hội thảo về “Vùng biển Tư chính và luật pháp quốc tế” vừa tổ chức hôm kia tại Hà nội cũng có đề cập với nội dung tương tự, nhưng qua Hội đồng Bảo an LHQ. (Theo tôi, điều này không khả thi vì TQ có quyền VETO. VN mất thời gian và công sức mà không đạt được kết quả).

Theo tôi, nếu mục đích của VN là làm thế nào để TQ nhìn nhận và tuân thủ các quyền thuộc chủ quyền của VN tại khu vực biển EEZ của VN. VN có thể đạt được mục đích này mà không cần “kiện TQ”, như ý kiến của nhiều học giả trong và ngoài nước. VN có thể sử dụng những thủ tục pháp lý khác mà kết quả cũng có “giá trị pháp lý ràng buộc” mà TQ không thể phản đối.

Theo tôi, VN không thể “kiện” TQ. Có hai điều cần làm rõ.

Thứ nhứt, nguyên tắc kiện tụng của Công pháp quốc tế đặt trên sự “bình đẳng về chủ quyền” và sự “đồng thuận” giữa các quốc gia. Trong một vụ kiện tụng, nếu một bên không đồng ý giải quyết bằng tòa án quốc tế, phiên tòa sẽ không xảy ra. Các đại cường như Mỹ, TQ, Nga… thường hay vịn vào tiêu chuẩn này để tránh việc kiện tụng trước tòa quốc tế.

Chi tiết cần nhắc, Mỹ đã vịn vào yếu tố này để chống Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết về quần đảo Chagos (Diego Garcia). Lý do của Mỹ là nếu Anh không đồng thuận thì việc Tòa Công lý quốc tế cho “ý kiến tư vấn” sẽ không có ý nghĩa. Hiển nhiên ý kiến của Mỹ không được chấp thuận, như mỗi khi có một bên hội viên thường trực của Hội đồng bảo an nại quyền VETO. Vì mỗi phiếu trong Đại hội đồng là “bình đẳng”.

Về điểm này TQ có sẵn sàng cùng VN ra trước tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp hay không ? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG! Tức là, nếu TQ không đồng ý, VN không thể kiện TQ ở một Tòa quốc tế.

Thứ hai, VN chỉ có thể “đơn phương” kiện TQ, theo mô hình của Phi. Tức là theo “thủ tục bắt buộc” qui định của UNCLOS trong mục VII. Làm theo kiểu này, nếu thắng, VN sẽ có một phán quyết y chang phán quyết 11-7-2016 của PCA theo đó TQ không tham gia và không nhìn nhận (thẩm quyền của tòa và phán quyết). Làm theo mô hình này VN vừa mất thời gian (3 đến 4 năm) vừa tốn tiền (vừa lợi bất cập hại).

Ý kiến của tôi, đã từng trình bày, là làm thế nào để phán quyết PCA 11-7-2016 có hiệu lực trên vùng biển EEZ của VN.

Tác giả Phạm Ngọc Minh Trang, cũng như các học giả VN, cho rằng phán quyết chỉ có hiệu lực giữa Phi và TQ mà thôi. VN có thể sử dụng những “phán lệ” trong phán quyết này để biện luận trong vụ kiện của mình.

Theo tôi điều này không (hẵn) đúng. Việc này tôi đã nói qua. Nhắc lại là phán quyết 11-7-2016 của PCA không phải nhằm phân định thắng thua mà nhằm “giải thích và cách áp dụng luật biển” ở Biển Đông. Đây là “jurisprudence” đầu tiên cho lịch sử án lệ thuộc Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982).

Theo tôi, phán quyết vì có mục đích “giải thích và cách áp dụng” luật Biển, phán quyết vì vậy cũng là “luật”, có hiệu lực cho VN và tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS.

Nội qui của ITLOS, điều 32 khoản 1, khi Tòa nhận được một câu hỏi có nội dung liên quan đến việc “giải thích và cách áp dụng luật biển” được một bên đặt ra, Tòa tức thời phải thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên của công ước.

Tòa phải thông báo tức khắc cho tất cả các quốc gia thành viên là vì việc giải thích và cách áp dụng “Luật biển” liên quan đến tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS, không chỉ riêng hai quốc gia liên quan.

Tác giả Phạm Ngọc Minh Trang cho rằng ý kiến vận động Đại hội đồng LHQ để yêu cầu Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn là “lợi bất cập hại” nhưng lại là một “chiến lược khả thi”.

Hôm trước tôi có nói, VN “cô đơn” là vì VN như “con chiên ghẻ” ở LHQ. VN luôn đi ngược, nếu không nói là “ngồi xổm” trên các giá trị phổ cập về quyền con người. TQ cũng có thành tích “bất hảo” tương đương như VN nhưng TQ có sức mạnh do “mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Các quốc gia độc tài ủng hộ TQ trong khi VN lại không được các quốc gia tự do dân chủ ủng hộ.

Tôi đã viết, VN có thể dễ dàng “dân chủ hóa chế độ” để không còn bị “lợi bất cập hại” nữa.

Theo tôi, việc vận động ĐHĐ LHQ dễ hơn là “đi kiện” TQ. Vừa không tốn tiền, vừa không mất thời gian. Quan trọng hơn hết là ý kiến tư vấn của tòa ICJ làm cho phán quyết 11-7-2016 của PCA có tính “pháp lý ràng buộc” đối với TQ.

Xác suất rất cao cho VN đạt được nguyện vọng ở Tòa ICJ. Tòa có thẩm quyền vì thỉnh nguyện của VN “hợp lý hợp pháp”. Một phán quyết liên quan đến việc “giải thích và cách áp dụng luật tại Biển Đông” có giá trị phổ cập cho các quốc gia chung quanh Biển Đông chớ không chỉ cho hai nước Phi và TQ.

VN cũng có thể yêu cầu tòa ICJ cho ý kiến tư vấn về việc “quân sự hóa” của TQ ở các đảo nhân tạo đe dọa đến an ninh khu vực…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây