Nỗi xót xa nghề nghiệp

Trung Bảo

27-9-2019

Càng đọc những bài viết trên báo Phụ Nữ về Sun Group tôi càng thấy xót xa cho cái nghề mà mình trót lỡ chọn để làm nghiệp.

Sự lên tiếng cô đơn của báo Phụ Nữ là một minh chứng cho sự lụi tàn của nghề báo. Dường như những gì xảy ra ở Bà Nà, Tam Đảo hay Sơn Chà, Fanxipang… đã trở thành câu chuyện của riêng hai nhóm người trong xã hội: Nhóm hưởng lợi từ đó và nhóm phản đối điều ấy. Nhóm đầu tiên tuy ít nhưng tiền đông còn nhóm kia tuy có đông hơn nhưng chẳng có gì ngoài sự thật.

Trong bài viết trước, tôi gọi việc phản đối Sun Group bành trướng cưỡng chiếm thiên nhiên là bảo vệ quyền tự do ít ỏi còn sót lại của chúng ta. Thứ quyền tự do ấy chẳng đáng cho các nhà báo trong hệ thống báo chí nhà nước phải lưu tâm ư?

Suốt 4-5 năm qua tôi và nhiều người bạn cứ lầm lũi cóp nhặt thông tin và theo đuổi cái “nhiệm vụ” tranh giành lại cái quyền tự do nhỏ bé ấy. Cái quyền tự do chọn cách lên núi Bà Nà, quyền tự do hưởng thụ vùng biển và mưu sinh của những ngư dân dưới chân núi Sơn Chà, nơi Sun Group chưa bao giờ giấu diếm tham vọng lấp biển để làm công viên giải trí.

Có những lúc chúng tôi mệt mỏi muốn vứt đi cho xong vì nói cho cùng có ai trong chúng tôi phải khổ sở từ các công trình hay hưởng lợi từ việc lên tiếng ấy. Rồi không ngăn được sự tức giận khi thấy mảnh đất của tổ tiên mình bị những kẻ tham tàn cắn xé kiếm lợi. Lại nhắc với nhau rằng, “trời đày thì phải chịu mà làm”.

Không chỉ vấp phải bức tường im lặng của những tờ báo. Thậm chí, tôi nhận lại sự bôi xấu và vu khống từ những người tay cầm bút còn tay kia nhận tiền.

Không, tôi chưa bao giờ thấy buồn vì những điều vu vạ mà họ dành cho tôi bởi tôi biết mình còn nhìn được vào mắt các con của mình và tự hào nói: “Ba là nhà báo”. Tự hào vì chưa bao giờ tôi phản bội lại niềm tin của các con mình dành cho tôi. “Ba con là một nhà báo giỏi”, Rio nói, là lời khen quý giá nhất tôi nhận được từ khi đặt mình ở vị trí của một người làm tin.

Tôi chỉ xót xa khi mỗi khi người ta bỉ bai nghề báo mà tôi cũng không thể nào biện bạch. Cái nghề lẽ ra phải cao quý lắm. Cái nghề thôi thúc người làm cảm thấy mình nợ một món nợ sự thật với cộng đồng.

Sự cô đơn của báo Phụ Nữ trước chính đồng nghiệp (có thẻ) của mình dường như là điều mà mọi nhà báo phải gặp khi quyết đeo đuổi sự thật. Quyết cảnh báo đến đám đông mối nguy cơ đánh mất điều quý giá nhất – tự do. Nhất là khi sự thật ấy, sự tự do ấy đi ngược lại quyền lợi của kẻ có tiền có quyền.

Xót xa, cô đơn là có nhưng sợ hãi thì không. Một nhà báo đích thực không “sợ hãi đám đông” khi theo đuổi sự thật. Không như một cô quen làm báo salon lật lờ giữa chuyện nghiệp vụ và “đóng góp của Sun Group là còn tranh cãi”.

Sự thật có nhiều góc cạnh nhưng chẳng có gì để tranh cãi nữa khi có kẻ vì tiền xâm hại đến tự do của người khác. Chẳng có thứ “nghiệp vụ” nào có thể lấp liếm đi sự thật ấy.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. bởi tôi biết mình còn nhìn được vào mắt các con của mình và tự hào nói: “Ba là nhà báo (tớ thêm) Xã Hội Chủ Nghĩa

    “Quyết cảnh báo đến đám đông mối nguy cơ đánh mất điều quý giá nhất – tự do”

    Tớ đã nói rùi, nếu nhà báo thật sự sẽ chỉ “tưởng tượng” thui, nhà báo xã hội chủ nghĩa “tưởng thật” & “tưởng bở” là ở Việt Nam tồn tại 1 thứ gọi là tự do, nên lúc nào cũng đau đáu về “mối nguy cơ đánh mất”. Hate to burst yr bubbles, không có lấy gì mà “mối nguy cơ đánh mất”?

    Chính cái tư di “mối nguy cơ đánh mất” đó làm cho mấy nhà báo xã hội chủ nghĩa các bác chỉ là những kẻ phụng sự cái ác, không hơn & không kém . Trung Bảo, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Văn Minh … sêm xít thui .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây