Một hiệp định mở đường cho tội phạm

Chu Vĩnh Hải

14-9-2019

Hàng loạt vụ án động trời do người Trung Quốc thực hiện trên đất Việt Nam diễn ra liên tiếp. Và, rất nhanh chóng, các tội phạm người Trung Quốc được phía Việt Nam dẫn độ- trao trả cho Trung Quốc. Chuyện không thể tin đã diễn ra.

Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ về việc Việt Nam ký kết và thông qua Hiệp ước dẫn độ Việt Nam- Trung Quốc. Điều gì khiến cộng đồng phẫn nộ? Điều thứ nhất, hiệp định này được ký kết mà không có tính công khai và minh bạch. Điều thứ hai, quan trọng nhất, theo hiệp định này, tội phạm Trung Quốc khi thực hiện hành vi phạm tội ở Việt Nam, nếu bị phía Việt Nam phát hiện và bắt giữ, sẽ nhanh chóng được trao trả- dẫn độ về Trung Quốc để phía Trung Quốc điều tra và xét xử.

Điều thứ hai này hoàn toàn đi ngược lại với thông lệ luật pháp quốc tế là, tội phạm người nước ngoài phạm tội ở quốc gia nào sẽ được quốc gia đó xét xử. Bên cạnh đó, cộng đồng còn băn khoăn về việc, nếu người Việt Nam phạm tội ở Trung Quốc liệu có được- bị phía Trung Quốc trao trả- dẫn độ về phía Việt Nam?

Đã có nhiều nghi vấn tại Việt Nam rằng, Trung Quốc đã đưa nhiều tù nhân sang lao động tại các dự án mà Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam nhằm tiết kiệm chi phí nhân công. Nghi vấn này nếu là hiện thực sẽ dẫn đến hậu quả đau đớn: Việt Nam là nơi chứa chấp tội phạm, Việt Nam bị cướp công ăn việc làm. Cũng tại Việt Nam đã có nghi vấn rằng, chính quyền Trung Quốc đang dung dưỡng cho các loại hình tội phạm tràn sang Việt Nam để phá hoại Việt Nam theo

nhiều cách khác nhau, làm cho Việt Nam mất đi sự ổn định về xã hội và trật tự. Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở khi mà số vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam ngày càng diễn ra dày đặc, và hoạt động có tổ chức ngày càng tinh vi.

Khi tội phạm Trung Quốc được trao trả- dẫn độ về Trung Quốc, các tòa án ở Việt Nam đã không thể phán quyết các bản án nghiêm khắc dành cho kẻ phạm tội nhằm răn đe và ngăn ngừa tội phạm.

Khi tội phạm Trung Quốc được trao trả- dẫn độ về Trung Quốc, rất có thể các cấp tòa án ở Trung Quốc sẽ xét xử nhẹ nhàng, để rồi sau đó, các tội phạm này sẽ quay trở lại Việt Nam dưới một cái tên mới với hộ chiếu mới. Và, Việt Nam lại bị các tội phạm Trung Quốc làm thất điên bát đảo, gây rối loạn trật tự xã hội, và bào mòn ngân sách.

Hiệp định dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc rất có thể là một thắng lợi cực kỳ lớn cho chính quyền Trung Quốc và là thất bại cay đắng cho phía Việt Nam.

Theo Tân Hoa xã của nhà nước Trung quốc đưa tin vào cuối tháng 8-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam được ký kết từ năm 2015. Cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đưa ra quyết định hôm 26-8- 2019 khi phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản, trong đó có các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Cũng theo Tân Hoa xã, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu thảo luận về hiệp ước dẫn độ từ tháng 10/2013 và hai quốc gia cộng sản láng giềng đã ký hiệp định này vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.

Truyền thông Việt Nam chưa có ghi nhận nào về việc Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam và cũng không có thông tin về việc hai nước bàn thảo cũng như ký kết hiệp ước này trong những năm qua. Chỉ có hai bài viết trên báo Tuổi Trẻ và Nhân Dân ra ngày 13/11/2017 nói về việc Việt Nam và Trung Quốc tập trung thúc đẩy cho Hiệp định dẫn độ giữa hai nước trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.

Vào tháng 8-2019 vừa qua, khi đường dây đánh bạc trực tuyến do gần 400 người Trung Quốc cầm đầu bị công an Việt Nam bắt giữ ở Hải Phòng và nhanh chóng được phía Việt Nam dẫn độ- trao trả cho Trung Quốc, dư luận Việt Nam đã bùng phát giận dữ. Một số quan chức cấp thấp của Việt Nam đã trả lời công luận rằng, nhanh chóng trao trả- dẫn độ về Trung Quốc vì tuân thủ hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Cho đến thời điểm này, phía Việt Nam không công khai việc phê chuẩn hiệu lực của hiệp định vào thời điểm nào.

Việt Nam có thể hèn, có thể thất bại trước Trung Quốc, nhưng láng giềng của Việt Nam là Cambodia thì không. Cambodia xét xử và giam giữ các tội phạm Trung Quốc, không dẫn độ về Trung Quốc trước khi xét xử.

Tòa án tỉnh Banteay Meanchey, Cambodia vào tháng 6-2019 đã xử 12 công dân Trung Quốc về tội bắt cóc 3 người đồng hương thiếu nợ tiền thua bạc. Dân số Cambodia chỉ bằng 1/6 dân số Việt Nam, nhưng sự công minh và rạch ròi của Cambodia gấp 60 lần Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo tớ thì chả có gì mà ầm ĩ . Người Việt gốc tư bẩn vẫn xử, kết án & lãnh án ở Việt Nam, có thể suy ra Việt Nam nhà các bác không thông qua luật dẫn độ với tư bẩn, mà chỉ thông qua luật dẫn độ với Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, rite in the middle of bãi Tư Chính . Có nghĩa những gì xảy ra ngoài biển Đông … ah, chiện nhỏ còn hơn con thỏ nữa .

    Tớ thì mong Đảng Cộng Sản nhà các bác mở rộng luật dẫn độ với Trung Quốc, cho phép Đảng các bác đem tạm giữ nhân chính chị của Việt Nam giao cho Trung Quốc tạm giữ trong mấy khu đỉnh Trời ở Tân Cương . Cái đó mới là hữu nghị, hợp tác toàn diện .

  2. Khi một cá nhân hay một tập thể ngoại quốc phạm tội trên lãnh thổ VN, mà tòa án VN không “được phép” xử, đồng thời phải “trả” những kẻ phạm pháp ấy về xứ sở gốc….thì có nghĩa là VN không hề có chủ quyền, cái này không phải là dẫn độ, mà là “xin” để đối tác xử… hộ, dĩ nhiên “đối tác” xử công dân của họ thế nào thì VN không được quyền can thiệp; Thế cho nên mới gọi là bị “mất chủ quyền” (*)

    Còn luật dẫn độ do thỏa thuận được ký kết thì có nghĩa là: nếu một tên tội phạm “bị truy nã” (thường là truy nã quốc tế) mà ẩn náu tại VN thì dù y không phạm tội tại VN, nhưng có yêu cầu dẫn độ từ quốc gia đã có thỏa thuận dẫn độ với VN, thì VN có quyền bắt y và trao cho đối tác.

    Trường hợp mới đây: Mạnh Vãn Chu (Huawei) bị Mỹ đưa vào danh sách truy nã, và khi bà này ghé Canada, thì liền bị Canada bắt giữ, tuy nhiên Canada cũng không trao Mạnh Vãn Chu cho Mỹ ngay, mà còn phải qua một cuộc điều tra của tư pháp Canada để xem việc dẫn độ có hợp pháp hay không (tiến trình này cũng phải mất tới cả năm) , và trong khi chờ đợi kết luân của tòa Canada, thì Mạnh Vãn Chu vẫn chỉ bị quản chế tại Canada.

    Trường hợp tòa án Canada – sau khi đã điều tra – mà kết luận Mạnh Vãn Chu không phạm những tội như Mỹ cáo buộc, thì Canada có quyền từ chối dẫn độ và dĩ nhiên phải để Mạnh Vãn Chu được tự do.

    Thêm một trường hợp là nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, sau khi bị bắt tại sứ quán Ecuador ở London, Assange đã bị tuyên án 50 tuần tại nhà tù Belmarsh – Luân Đôn, vì vi phạm luật Bảo lãnh.

    Dù Thụy Điển và Mỹ đều có yêu cầu dẫn độ, nhưng Anh Quốc cũng vẫn giam Assange cho đủ thời gian 50 tuần mà Assange phải thụ án rồi mới tình đến chuyện dẫn độ.

    (*) Cũng có thể giữa CHNDTH (A) và CHXHCNVN (B) đã ký kết một “luật Dẫn Độ” có điều lệ như : Công dân của A mà phạm tội trên đất B thì B không được quyền xử, mà phải “trả” ngay kẻ phạm tội đó cho A để A ….muốn xử thế nào thì xử; Nếu là thế thì xin miễn bàn.

    Thí dụ: Con thằng hàng xóm qua nhà Lú hiếp dâm con Lú, Lú bắt được nhưng đành (nuốt nước mắt ngậm ngùi) trao thằng khốn kiếp cho bố nó để bố nó xử….nó, Hỏi tại sao Lú…ngu vậy, thì Lú nóỉ vì Lú và thằng hàng xóm đã có ký cam kết “dẫn độ” rồi, nên Lú không có quyền “xử” thằng chó đẻ kia, vì – theo cam kết thì chỉ có bố nó mới có quyền xử nó mà thôi.

    Ôi, nếu thế thì em xin miễn ….bàn!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây