AVG là… ‘trận đánh đẹp’ hay ‘trận đánh… cuội’?

Blog VOA

Trân Văn

7-9-2019

Ảnh minh họa. Nguồn: VIR

Thoạt nhìn, Kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”, xảy ra trong thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, có vẻ như một… “trận đánh đẹp”.

“Trận” này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thắng “đẹp” vì là lần đầu tiên trong quá trình chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng, “ta” xác định có hai Ủy viên Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng, đồng thời là hai cựu bộ trưởng “nhận hối lộ”.

Trước nay, tuy cuộc chiến “chống tham nhũng” kéo dài ngót nghét hai thập niên, chưa có “trận” nào “ta” đánh… “đẹp” như thế. Tất cả các viên chức có liên quan, từ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đến Lê Nam Trà,… đồng loạt tự thú đã “nhận hối lộ”.

Thậm chí Nguyễn Bắc Son còn thành khẩn đến mức cung khai cả con gái, xác định cô như một đồng phạm, tham gia tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Tiếc là cô con gái ông Son không thừa nhận nên công an bó tay (1). Nếu không, mức độ “đẹp” sẽ còn cao hơn nữa.

Cho dù việc Bộ Công an trao Kết luận điều tra vụ AVG cho hệ thống truyền thông chính thức công bố rộng rãi ngay sau khi hoàn tất điều tra có khiến dư luận dậy lên thành bão, không hay lắm cho đảng nhưng nhìn một cách tổng quát thì “trận đánh” này vẫn… “đẹp”.

Công cuộc chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng vốn vẫn bị bỉ bôi là thiếu thực chất, chưa bao giờ tìm ra viên chức nào “nhận hối lộ” giờ đã có ít nhất… một câu trả lời và sự thành khẩn của Son, Tuấn, Trà,… đã góp phần đập tan sự bỉ bôi ấy.

Đâu phải tự nhiên mà hệ thống truyền thông chính thức được tạo điều kiện khai thác tận tình Kết luận điều tra, hỗ trợ công bố những thông tin làm nức lòng công chúng như hệ thống tư pháp đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của những viên chức “nhận hối lộ” (2).

Thậm chí hệ thống truyền thông chính thức còn… dám bước… xa hơn: Chất vấn những viên chức hữu trách xem có nên thu hồi tác phẩm “Phòng chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên”, do Trương Minh Tuấn chủ biên hay không (3).

***

Chắc chắn là không quá lời khi bảo rằng, kết quả “đẹp” của “trận đánh” vào thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, giống như son phấn, giúp đảng ta tô điểm lại diện mạo, tẩy xóa cho bớt nhem nhuốc trước khi tiến hành “đại hội 13” để đảng ta chứng tỏ vẫn còn xứng đáng duy trì vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam.

Chưa kể quy hoạch nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc, lãnh đạo các ngành, các cấp trước các đại hội đảng toàn quốc luôn luôn diễn biến… phức tạp, vì các băng, nhóm áp dụng đủ thứ chiêu, trò nhằm triệt hạ lẫn nhau, song lần này hi vọng sẽ khác. Có “đồng chí” nào mà tay không nhúng chàm? Đã dính chàm mà còn ti toe ư? Son đó, Tuấn đây,… nhìn đi!

Có ai ngờ đồng chí Nguyễn Bắc Son, nhân vật từng là thư ký riêng của đồng chí Lê Đức Anh – oai trấn giang hồ, giờ bị cáo buộc là chính phạm trong trong thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone. Đồng chí Son không chỉ bị xác định là “đạo diễn” toàn bộ vụ án (4) mà còn được sắp đặt cho mất hết… oai phong.

Trong mắt công chúng, nhân vật từng “phun ra lửa, mửa ra khói”, hóa ra lại tệ hại tới mức toan kéo cả con gái vào vòng lao lý để… chia sẻ trách nhiệm hình sự. Chẳng lẽ Bộ Công an – nơi lờ đi trách nhiệm của những đồng đội từng đem nhãn “an ninh quốc gia” dán vào thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone – lại… vô ý đến thế?

Ai dám bảo tình tiết vốn thừa, chẳng đem lại chút lợi ích nào trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ấy, không chỉ khiến công chúng xúm vào phỉ nhổ bản lĩnh, tư cách đồng chí Nguyễn Bắc Son – nhân vật mà tiến trình thăng tiến gắn chặt với tầm ảnh hưởng của chủ – không làm đồng đội của đồng chí Son nản lòng trong cuộc chiến giành, giữ ảnh hưởng của cả nhóm?

Từ giờ trở đi, liệu công chúng có còn cơ hội được nhìn thấy nhiều đồng chí mang hàm tướng, đa số đã nghỉ hưu “tả xung, hữu đột” vì bảo vệ thanh danh đồng chí Lê Đức Anh mà chống từ những thứ bị các đồng chí cho là “lật sử”, đến chất vấn cả giới lãnh đạo đảng vì đổi cách gọi “ngụy quân”, ngụy quyền”, nữa hay không (5)?

***

Cho dù “trận đánh” vào vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone có một số nét… “đẹp”: Lần đầu tiên có hai Ủy viên BCH TƯ đảng thú nhận nhận hối lộ. Lần đầu tiên Ủy viên BCH TƯ đảng bị cáo buộc là chính phạm của một đại án liên quan tới tham nhũng. Lẩn đầu tiên, công an nhấn nhá, bôi bẩn “thanh danh” uy tín Ủy viên BCH TƯ đảng,… song vẫn còn khá nhiều tình tiết khác khiến người ta phải tự hỏi đảng ta có tổ chức đánh… cuội hay không?

Chẳng hạn tại sao thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone đã được các cá nhân, các bên có liên quan đặt hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ như đã biết mà Phạm Nhật Vũ vừa vui vẻ hủy hợp đồng mua bán, “ói” ra toàn bộ khoản bạc khổng lồ đã nuốt gọn, vừa tự nguyện trả thêm lãi cho khoản bạc khổng lồ đã nhận đủ (6)? Xưa nay, dưới gầm trời này, có thương vụ nào kỳ quặc như thế không?

Tại sao phải chờ Phạm Nhật Vũ hoàn tất việc thanh lý hợp đồng mua bán giữa AVG với Mobifone, công an – kiểm sát mới nhất trí khởi tố vụ án “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”? Có phải vì khởi tố sớm hơn – sau khi Thanh tra xác định thương vụ AVG/Mobifone sai phạm đặc biệt nghiêm trọng – sẽ không còn cơ sở đề nghị cho Phạm Nhật Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” (7)?

Phải chăng đảng ta có vô số viên chức như Son, Tuấn, Trà,… nhưng lại chẳng có bao nhiêu… “doanh nhân” thành thạo “hối mại quyền thế” như Phạm Nhật Vũ, thành ra hệ thống tư pháp mới thản nhiên sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” biến ông Vũ – một trong các chính phạm thành anh hùng để buộc “các đối tượng” còn lại phải “rất thành khẩn” như đại diện công an, kiểm sát mới khoe với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (8)?

Khoan bàn đề nghị cho ông Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” có đúng pháp luật hay không (?), với những đặc điểm như đã biết về hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, việc biến ông Vũ từ kẻ phạm đại tội thành có công (chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi, chi phí dự án, góp phần giảm thiệt hại cho nhà nước,…) sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Khi những “doanh nhân” chuyên “hối mại quyền thế” được khuyến khích “thay chủ giữa dòng” và chỉ cần ưng thuận “hoán đổi chủ” là có thể xoay chuyển tình thế từ bất lợi thành có lợi cho mình, sẽ có bao nhiêu viên chức cao cấp trót nhúng chàm bị biến thành “con tin” vì không múa may theo lệnh của những “doanh nhân” ấy chắc chắn sẽ “thân bại, danh liệt, mà Son, Tuấn, Trà,… chính là gương tày liếp?

Một khía cạnh khác cũng cần xét tới là vì sao ông Vũ và thân hữu có thể sắp đặt để cả hệ thống ưng thuận mua AVG gấp 14 lần giá trị thực, lại dễ dàng ói sạch khoản đã nuốt và tự nguyện trả thêm tiền lãi? Những kẻ có thể điều khiển Bộ Công an đem nhãn “an ninh quốc gia” dán lên thương vụ, chẳng lẽ không thể thúc hệ thống tư pháp soạn kịch bản giúp Phạm Nhật Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt”?

***

Thương vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone là một ví dụ nữa cho thấy, chính đảng ta khiến chỉnh đốn đảng, phòng – chống tham nhũng trở thành khó khăn, phức tạp đến mức bất khả thực thi.

Có những giải pháp vốn dĩ rất đơn giản như: Công bố bản kê khai tài sản của các viên chức cho công chúng xem xét, giám sát. Xác định “giàu có bất minh” (không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, đương sự vừa bị phạt tù, vừa bị tịch thu tài sản nhưng đảng ta cương quyết khước từ.

Cũng vì thế, hệ thống tư pháp chưa bao giờ điều tra vì sao viên chức giàu có bất thường mà chỉ tìm – xử những kẻ tiết lộ các bản kê khai tài sản. Sau ba năm nâng lên, đặt xuống, tháng 11 năm ngoái, tất cả các hình thức xử lý “giàu có bất minh” đều bị gạt khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng trước khi Quốc hội thông qua dự luật này! Vậy là “chống” hay “trống” như các gánh mãi võ bán thuốc trị bá bệnh?

Cũng vì thế, công an mới không biết tìm ở đâu cho đủ ba triệu Mỹ kim mà ông Son thừa nhận là đã nhận. Cũng vì thế, “đối tượng” không “thành khẩn” là hệ thống tư pháp bị “bó toàn thân” và mới có cơ hội đồng thanh “tri ân” những cá nhân như Phạm Nhật Vũ.

Cũng vì thế những “trận đánh” trong cuộc chiến chống tham nhũng như trận tiễu trừ tham quan trong vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone, tuy ly kỳ, thậm chí phảng phất nét “đẹp” nhưng làm sao dám tin đó là “trận đánh” thật? Thế mới khổ!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/con-gai-ong-nguyen-bac-son-phu-nhan-viec-nhan-3-trieu-usd-tu-bo-20190903152054737.htm

(2) http://www.sggp.org.vn/ke-bien-phong-toa-tai-san-2-ong-nguyen-bac-son-va-truong-minh-tuan-614892.html

(3) https://baosuckhoecongdong.vn/sach-cua-ong-truong-minh-tuan-co-bi-thu-hoi-sau-khi-co-quyet-dinh-truy-to-khong-134453.html

(4) https://tuoitre.vn/cuu-bo-truong-nguyen-bac-son-dao-dien-thuong-vu-avg-de-nhan-trieu-do-nhu-the-nao-20190903120222603.htm

(5) https://thongtinchongphandong.com/trung-tuong-nguyen-thanh-tuan-nguyen-cuc-truong-cuc-tuyen-huan-tong-cuc-chinh-tri-gui-thu-ngo-den-vtv/
(6) https://tuoitre.vn/cac-co-dong-avg-hoan-tat-viec-tra-lai-tien-cho-mobifone-20180502200552008.htm

(7) https://thanhnien.vn/thoi-su/bi-can-pham-nhat-vu-duoc-de-nghi-ap-dung-chinh-sach-dac-biet-do-khai-bao-thanh-khan-1121679.html

(8) https://nld.com.vn/chinh-tri/vu-mobifone-avg-moi-bo-truong-uy-vien-trung-uong-vao-trai-giam-rat-kho-khan-20190904130448823.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Anh em nhà Phạm

    Ông cư sĩ hổ mang a hộ(1)
    Dùng đô la phổ độ các quan
    Tưởng rằng có thể khai man
    Nào hay trời chẳng dung gian bao giờ

    Tội của ông sờ sờ ra đấy
    Ít ra thì cũng phải tử hình
    Tịch thu tài sản bất minh
    Mới xứng tội ác tày đình ông gây

    Người anh bèn ra tay cứu giúp (2)
    Bỏ công ra mua chuộc yếu nhân
    Tiền bao nhiêu chẳng ngại ngần
    Tội to bằng núi cũng bằng cây kim

    Chuyện công lý giống in trong trại (3)
    Chuyện công bằng phải trái ầu ơi
    Bắc thang lên hỏi ông trời
    Sao thần công lý bỏ rơi đất này ?

    (1) Phạm nhật Vũ vờ vịt sống tu hành, đạo hiệu là cư sĩ Từ Vân.
    A hộ là giúp đỡ
    (2) Phạm Nhật Vượng  là một doanh nhân và tỷ phú người Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup. Theo Forbes vào cuối tháng 7 năm 2019, tài sản của Phạm Nhật Vượng có giá trị 8,3 tỉ USD. Vượng là anh của Phạm Nhật Vũ.
    (3) Animal farm, truyện của  George Orwell 

    8.9.2019
    Cử Hai

Leave a Reply to Cử Hai Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây