Sửa Luật đất đai nhìn từ Thủ Thiêm

Huy Đức

28-8-2019

Chính quyền vừa tuyên bố sẽ dành trên 2000 tỷ để bồi thường cho các hộ dân bị giải tỏa lố khi quy hoạch Thủ Thiêm. Những người có đất nằm trong khu 4,3 hecta “ngoài ranh” này được nói là sẽ nhận đền bù “theo giá thị trường hiện tại”. Sửa sai là cần thiết, kể cả việc bỏ tù những lãnh đạo TP đã cố ý làm trái, giải tỏa trắng nhà cửa của 331 hộ dân “ngoài ranh”.

Nhưng, nếu quyết định đúng đắn này được thi hành, mức đền bù mà các hộ dân “ngoài ranh” nhận được có thể gấp hàng chục lần mức mà hơn 14 nghìn hộ dân “trong ranh” nhận được. Quy hoạch chứ có phải là “ông thần đèn” đâu mà để chỉ vẽ một lằn ranh là có thể làm mất giá hàng ngàn hecta và làm khốn đốn hàng vạn người dân đang yên, đang ổn.

Những người đang chuẩn bị sửa Luật Đất Đai mà không xem xét kỹ những “trường hợp điển cứu” này để thay đổi cách tiếp cận các chính sách liên quan đến đất đai thì việc sửa Luật chỉ có giá trị giải ngân một dự án.

Không thể có một thứ có thể bán được rất nhiều tiền mà lại không được đối xử như tài sản; không thể có loại tài sản nào (như đất) mà chỉ cần một quy trình hành chính (phê duyệt quy hoạch hoặc cho các hộ nông dân được chuyển đất trồng lúa thành đất xây dựng) là có thể làm cho tài sản đó mất giá hoặc tăng lên rất nhiều lần giá.

Cho dù vẫn giữ nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu” toàn dân, khái niệm này nay chỉ còn ý nghĩa như một tuyên ngôn chính trị. Hiến pháp và Luật Đất Đai đã trao cho người sử dụng đất các quyền. Và, Bộ Luật Dân Sự đã coi các quyền này của người sử dụng đất là tài sản (Điều 174). Sở dĩ chính sách đất đai luôn tạo ra ức chế cho người dân, nuôi dưỡng các nguy cơ bất ổn cho Chế độ, vì Luật Đất Đai đã không tuân thủ các nguyên tắc Hiến định, đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như tài sản.

Hãy coi “chính sách đền bù” được áp dụng ở Thủ Thiêm để thấy sự áp đặt hành chính đã làm méo mó một quy trình, bản chất là, dân sự này (nhà nước “mua” lại quyền sử dụng đất của người dân).

Cho dù hiện trạng khi giải tỏa chủ yếu đang là vườn nhà thì việc đền bù ở Thủ Thiêm được phân theo loại đất: thổ cư & đất nông nghiệp. Giá đền bù với đất thổ cư, mặt tiền là 3,6 triệu/m2, mặt hẻm là 2,3 triệu/m2; với đất nông nghiệp là 150 nghìn đồng/m2.

Có lẽ vì chính quyền cũng từng thấy giá đền bù phi lý ngay từ đầu, nên ngoài mức giá chính thức này, TP còn có một khoản “hỗ trợ” cao hơn rất nhiều so với giá chính thức. Với đất thổ cư, được “hỗ trợ” thêm 16 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp được “hỗ trợ” 720 nghìn đồng/m2. Tuy nhiên, cho dù một hộ đã có sổ đỏ cấp 1.000m2, chính quyền cũng chỉ công nhận không quá 200m2, phần ngoài 200m2 này không được nhận “hỗ trợ” thêm 16 triệu đồng.

Có ai trong chúng ta đi mua nhà đất mà phải cò kè miếng mông, miếng mỡ như mua thịt ngoài chợ thế không.

Đất đai hiện có thể đang là ở dạng tài nguyên (đất hoang hóa, sông núi…), đất công và đất đã giao cho người dân. Việc nhà nước giữ một diện tích đất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực là cần thiết. Nhưng, một khi đã quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng (như trong trường hợp Thủ Thiêm) thì ao hồ ruộng vườn đều trở thành một mặt bằng, chúng chỉ khác nhau ở chỗ tốn ít hơn hay nhiều hơn công san lấp. Cách phân loại đất để đền bù như Thủ Thiêm vừa rối rắm vừa phi lý; nghe qua thấy đền bù gần 20 triệu một mét vuông thì tưởng là cao, trên thực tế, nhiều gia đình chỉ nhận được giá ấy trên một phần rất nhỏ.

Đành rằng, đời bộ trưởng nào cũng muốn ghi dấu ấn về chính sách. Nhưng, nếu tham vọng viết lại toàn bộ luật đất đai thì rất dễ xảy ra tình huống, có một luật mới mà không có chính sách nào mới. Từ những trường hợp như Thủ Thiêm, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường nên làm rõ các chính sách nào đang tạo ra tham nhũng, tạo ra những bất bình trong dân chúng, rồi lựa chọn những vấn đề ưu tiên để sửa.

Đã rất chín muồi để sửa điều 62, thay quyền thu hồi đất (chủ yếu của cấp huyện và cấp tỉnh) bằng quyền trưng mua (theo điều 32 của Hiến pháp). Thay vì phân chia đất thành 20 loại như hiện nay, chỉ cần xác lập quyền của nhà nước đối với đất đai đang ở dạng tài nguyên; sử dụng quy hoạch để giữ những vùng đất màu mỡ cho nông nghiệp (ví dụ như không cho chuyển sang đất xây dựng ở những nơi ruộng vườn tốt tươi như Văn Giang, Ecopark…); đưa ra các quy chuẩn để chỉ trong trường hợp hạ tầng như thế nào mới cho xây dựng thay vì “ăn ở thế nào” ông huyện mới cho xây dựng.

Luật cũng nên tính tới tình huống cho dân chúng ở những vùng quy hoạch (như Thủ Thiêm, Văn Giang…) được bầu ra các ban đại diện để đàm phán trực tiếp với các chủ đầu tư. Những trường hợp như Ecopark, Văn Giang… cấm nhà nước địa phương can thiệp, chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân chúng. Ở những nơi đụng chạm đến hàng chục vạn dân như Thủ Thiêm, Nhà nước làm trọng tài cho các chủ đầu tư đàm phán với ban đại diện được dân bầu ra tự nguyện và minh bạch.

Trong mọi trường hợp, không bao giờ được nhân danh lợi ích chung, lợi ích quốc gia… để o ép lợi ích của người dân trong vùng quy hoạch. Khi nhà nước trưng mua, người dân ở đó không chỉ xứng đáng được nhận một khoản tiền bằng giá giao dịch phổ biến cùng thời, mà còn cần được bồi thường các thiệt hại bất an cư ngoài ý muốn. Để sự phát triển trước hết mang lại lợi ích cho người dân nên có thiết chế để dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các đô thị như Thủ Thiêm và nhiều khu đô thị mới.

Những người sửa Luật Đất đai không nên tiếp cận các chính sách theo hướng coi nó như một công cụ quyền lực gắn với những chiếc ghế mình đang ngồi mà phải tiếp cận theo hướng nó sẽ tác động tới làng xóm, tới ông bà, cha mẹ mình và chính mình (không ai ngồi trên ghế đó cả đời). Cũng đừng tự đóng đinh Luật Đất đai trong các ràng buộc của ý thức hệ.

Cần cảnh giác với những kẻ nhân danh bảo vệ chế độ khi làm những chính sách nhạy cảm như đất đai. Lý luận thì rất mơ hồ nhưng các công cụ chính sách thì rất dễ quy thành tiền bạc. Có thể, chính những kẻ đang muốn giữ các chính sách làm vừa lòng những người bảo hoàng đã và đang khai thác những chính sách đó, lấy đất của dân cho các nhóm lợi ích, tích lũy ức chế, đẩy dân đối đầu với chế độ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Chuyện Thủ Thiêm

    Dân Thủ Thiêm vui mừng hớn hở
    Nhà cầm quyền hứa sẽ bồi thường 
    Chịu chi theo giá thị trường
    Hai ngàn tỷ bạc rõ ràng biết bao

    Tiền bồi thường lấy đâu ra thế
    Xin thưa từ tiền thuế của dân
    Tiền tham nhũng đã chia phân
    Cùng nhóm lợi ích giao ngân hết rồi

    Mừng hơn cả mấy ngài cán bộ
    Khi mấy ngài làm khó mạnh tay
    Là phong bì sẽ có ngay
    Vài trăm tỷ chạy đằng trời thoát sao

    Bọn dính trấu rủ nhau chạy án
    Rồi bao nhiêu hoạn nạn cũng qua
    Sau mưa nắng lại chan hòa
    Cái lò biết né phe ta nhằm gì

    28.8.2018
    Cử Hai

  3. Cùng là “đền bù” nhưng nơi bị rơi vào quy hoạch thì được đền bù như bố thí.
    Còn nơi nằm ngoài quy hoạch thì áp dụng giá thị trường.
    Thứ chính quyền này phải đổ thì vấn đề bất công mới được giải quyết

Leave a Reply to Cử Hai Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây