Biển Đông mộng thực

Tâm Chánh

26-8-2019

Biển Đông, ngoại trừ trên các tuyên bố ngày càng tỏ ra rắn rỏi của các quốc gia liên quan, trên thực địa dường như chỉ thấy động tịnh rõ ràng của Trung Quốc và Việt Nam.

Tất nhiên, phần động, cứ điềm nhiên di chuyển, mà kết quả khó có có thể đoán định đâu là cuối cùng.

Hiện thực hoá một cách công nhiên đường lưỡi bò hay tiếp tục xác lập các căn cứ thiết yếu ở biển Đông, với Trung Quốc có lẽ cũng đều có mục tiêu trực tiếp là kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới này.

Những nhúc nhích của Việt Nam trong khung cảnh chật hẹp của mối quan hệ 16 chữ, cuối cùng cũng hé sáng một cách nhìn. Việt Nam phải đảm trách nghĩa vụ quốc tế của mình, bảo vệ an toàn tuyến hàng hải trọng yếu này, cũng chính là thiết yếu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển.

Ít ra cũng là một cách đặt vấn đề khác đi sau nhiều năm Trung Quốc một mình ra khơi vào lộng. Còn chúng ta thì rúm ró chờ được biết từ những bản tin mơ hồ trên mạng hay từ đài báo nước ngoài.

Tàu hộ vệ mang tên Hoàng đế Quang Trung xuất hiện ở Biển Đông với những hình ảnh có phần nhập nhoè dường như đã là một khởi động của một quân đội được tái trang bị ở một tiềm lực nhất định nào đó. Cũng có thể là một nhân tố xúc tác thay đổi các cân bằng đang bị “sự trỗi dậy của Trung Quốc” phá vỡ gần đây.

Những chuyển động trong hợp tác quốc tế về quốc phòng, lúc nhặt lúc khoan nhưng đã ráo riết hơn khi Trung Quốc không còn muốn giấu mình chờ thời.

Kết quả của sự hợp tác đó liệu đã đủ duy trì tiếp tục sức mạnh của một quân đội có thể chế ngự các cuộc tấn công trên bộ và từ phía biển?

Từ nhân lực, tổ chức, trang bị, khí tài, cho đến trình độ tác chiến được củng cố từ nhiều năm qua, hay chính xác hơn, chính sức mạnh hiện đại của quân đội Việt Nam đang là mấu chốt để quyết định những thay đổi trên bàn cờ Biển Đông.

Một quân đội có đủ năng lực tác chiến hiện đại, tiếp cận được các lợi thế kĩ thuật quân sự tiên tiến, bảo đảm năng lực phòng thủ, nhất là phòng thủ bờ biển, phòng thủ trên không và một lực lượng tác chiến cơ động trên biển, bên cạnh các ưu thế quân sự truyền thống, chính là tiền đề để hướng tới sự hợp tác với các quốc gia, các liên minh có cùng lợi ích duy trì hoà bình, ổn định, an toàn hàng hải, hàng không đi qua Biển Đông.

Đó có thể cũng là cơ sở cho một sự hợp tác bình đẳng với Mỹ, Úc, Ấn, Nhật… Và cho cả Trung Quốc nếu không muốn duy trì một cục diện tham tàn, độc chiếm Biển Đông bằng kiểu ngông nghênh kẻ mạnh.

Trực cảm của con quân nhân, cùng với câu chuyện với những nhà binh chuyên nghiệp mà tôi tiếp xúc mở cho tôi góc nhìn ấy.

Đó có thể là giấc mơ, như tôi vẫn mơ mộng, nhưng nó không thôi ám ảnh tôi khi những đồng nghiệp lao xao về tín hiệu ẩn hiện của chiếc tàu hộ vệ mang tên Quang Trung Hoàng đế. Cũng như đứa em tôi hậm hực không fly’ in cam được ở cửa ngõ Cần Giờ.

Tôi kể cho em mình năm tôi học Thiếu nhi quân đội ở Vũng Tàu được lên đài rađa trên Núi Lớn. Thế hệ của tôi quay cuồng giấc mơ tên lửa xuyên đại dương một bữa đẹp trời lú ra từ đỉnh núi án ngữ Biển Đông và xuất kích.

Thì mơ đi, những tên lửa đối hải, đối không, sẵn sàng ngăn chặn những cuộc tấn công từ biển. (Ở nước mình, vùng nào mà không có nơi núi thò chân xuống biển).

Mơ thì hẳn. Nhưng cũng ngóng những chuyển động từ chuyến thăm ông Trump của ông Trọng. Thấy tàu bè, tướng tá ngoại quốc có vẻ cũng tấp nập ghé lại Việt Nam.

Mơ biết đâu là thực.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Sóng ngầm Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây