Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương và Việt Nam

Nguyễn Tiến Trung

21-8-2019

Chuyên gia chiến lược quốc phòng Mỹ Elbridge Colby tại hội thảo ngày 20/8/2019. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân

Hội thảo trình bày bởi chuyên gia Mỹ từng làm việc cho Lầu Năm Góc

Chiều thứ ba ngày 20/8/2019 vừa qua, học giả Elbridge Colby và là chuyên gia chiến lược quốc phòng Mỹ, đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Mỹ ở Diamond Plaza, nói về chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Buổi nói chuyện đã thu hút rất đông người Việt Nam và một số người nước ngoài tham dự, khán phòng chật kín người. 

Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang xua tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu chiến hộ vệ tới khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam, với các mục đích khẳng định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong đường lưỡi bò, khai thác tài nguyên dưới đáy biển, hăm dọa xa gần giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam về một cuộc hải chiến với hải quân Cộng sản Trung Quốc.

Đối với người Việt Nam, cũng như đối với người dân trong khu vực châu Á, quốc gia khả dĩ có đủ tiềm lực để đương đầu với Trung Cộng là Hoa Kỳ. Bản thân các cường quốc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc với tiềm lực kinh tế, quốc phòng hùng mạnh vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ, cho phép quân đội Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ để răn đe Trung Cộng.

Cả tướng Mỹ và chuyên gia Mỹ đều đến Việt Nam khi đang có xung đột ở bãi Tư Chính

Tác giả Nguyễn Tiến Trung tham dự hội thảo. Nguồn: Tác giả gửi tới

Xin được tóm tắt các thông điệp chính mà ông Elbridge Colby đã trình bày tại hội thảo. Ông Elbridge Colby không còn làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ nữa mà hiện tại ông chỉ là một học giả. Tuy nhiên, những gì ông nói ra chắc chắn mang thông điệp từ chính phủ Hoa Kỳ đến với người dân Việt Nam. Ông vừa từ Ấn Độ đến Việt Nam và sẽ còn đi tiếp các nước khác đang bị Trung Cộng đe dọa như Philippines, Malaysia…

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện ông Elbridge Colby đến nói chuyện với người dân Việt Nam ở Sài Gòn lại trùng hợp với sự kiện Đại tướng David L.Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đến Hà Nội làm việc với nhà cầm quyền Việt Nam, trong đó có Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thông điệp của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ dành cho giới lãnh đạo cộng sản và người dân Việt Nam không thể rõ ràng hơn.

Tác giả và ông Colby, chuyên gia chiến lược quốc phòng Mỹ. Nguồn: Tác giả gửi tới

Các thông điệp từ Hoa Kỳ 

Thứ nhất, nếu [lãnh đạo Cộng sản] Việt Nam không tỏ ra mạnh mẽ, kiên quyết (firm) chống Trung Cộng xâm lược thì Mỹ không thể giúp Việt Nam được. Ông Colby có nhắc lại là, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận rõ ràng rằng, Mỹ sẽ giúp Philippines và Nhật Bản trong trường hợp bị Trung Cộng tấn công. Có được sự hỗ trợ của Mỹ là lợi thế vô cùng to lớn của các nước này trong việc bảo vệ chủ quyền.

Thứ hai, ông Colby cũng nói rõ là ông mong muốn Việt Nam mạnh và giàu có, để có thể chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng một cách hiệu quả. Việt Nam cần tự cứu mình trước khi Mỹ cứu. Và Mỹ sẽ giúp Việt Nam bằng mọi cách có thể. Ý này trùng hợp với khẳng định của Đại tướng Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh“. Con đường để Việt Nam có thể phát triển giàu mạnh như thế nào tùy thuộc vào ý chí, nguyện vọng và tài năng của giới lãnh đạo cộng sản và người dân Việt Nam.

Thứ ba, ông Colby cũng nói rõ Mỹ không thể giải quyết mọi vấn đề trên thế giới. Mỹ cũng không thể dàn quân ở mọi mặt trận trên thế giới dù Mỹ là quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất thế giới. Trung Cộng cũng chi tiền nhiều nhưng chỉ chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nga cũng vậy nhưng chỉ chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu. Ngoài ra còn nhiều điểm nóng khác mà Mỹ phải có mặt như Iran, Bắc Hàn, Venezuela…

Do đó, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược hiệu quả riêng, đối phó với Trung Cộng tương tự như chiến lược Chống Tiếp Cận (A2/AD: Anti-Access Area Denial) của Trung Cộng đối với Mỹ. Các loại vũ khí, khí tài quân sự của Việt Nam cần nhắm vào việc không cho quân đội Trung Cộng tiếp cận cũng như có thể răn đe về mặt kinh tế.

Thứ tư, ông Colby giải thích tại sao Việt Nam lại quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Mỹ không muốn Trung Cộng có thể vươn tầm ảnh hưởng ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất từ Okinawa tới Đài Loan và Philippines. Việt Nam là một chốt chặn vô cùng quan trọng ở phía Nam Trung Quốc. Vượt qua được Việt Nam thì cả Đông Nam Á và Úc bị Trung Cộng đe dọa.

Thứ năm, ông Colby cho rằng, không có quốc gia nào có thể đủ sức đối phó với Trung Cộng một mình. Do đó, các quốc gia đang bị Trung Cộng uy hiếp cần có quy chế phòng thủ chung, chữ ông Colby sử dụng là “collective defense”. Đây là điểm mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần cân nhắc và từ bỏ chính sách không liên minh quân sự với các quốc gia khác.

Rõ ràng, dưới “sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình” của đảng Cộng sản Việt Nam, ngân sách Việt Nam đang trống rỗng, không có tiền để mua các khí tài quân sự hiện đại đắt tiền. Hải quân Việt Nam không thể chống giặc Trung Cộng bằng cách hô khẩu hiệu, và ngư dân Việt Nam cũng không thể bám biển bằng cách giơ cờ đỏ sao vàng mà giới lãnh đạo phát cho ngư dân để hù hải quân Trung Cộng.

Thứ sáu, ông Colby cũng khuyên Việt Nam phải chủ động “thoát Trung” về kinh tế, không để Trung Cộng có thể sử dụng vũ khí kinh tế để gây sức ép chính trị, quân sự. Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu để tránh bất kỳ cú sốc kinh tế nào gây ra từ phía Trung Quốc.

Thứ bảy, ông Colby khuyên giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam nên khôn ngoan, có chính sách quân sự hiệu quả chống Trung Cộng nhưng vẫn giữ quan hệ ngoại giao tốt với Trung Cộng. Hãy nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, dù chiến lược quốc phòng của các nước này rõ ràng để chống lại sự đe dọa từ Trung Cộng và Bắc Hàn, nhưng hàng hóa các nước này vẫn có thể bán trên lãnh thổ Trung Quốc. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần học tập sách lược khôn khéo của Nhật – Hàn.

Thứ tám, ông Colby trả lời về nghi ngại của một cử tọa về sự thay đổi trong Chính phủ và Quốc hội Mỹ, ví dụ như Tổng thống Trump đã xé bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà cựu Tổng thống Obama đã thúc đẩy. Ông Colby nói rõ là việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng là việc đã được tranh luận từ lâu trong chính giới và giới học giả Mỹ. Hầu như tất cả mọi người, bao gồm cả hai đảng chính của Mỹ, đều đồng thuận trong việc chống lại cộng sản Trung Quốc. Đó sẽ là điều ổn định xuyên suốt các đời Tổng thống và Quốc hội Mỹ, tương tự như cách mà Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây với Liên Xô. Việc thay đổi chính phủ và quốc hội liên tục không phải là điểm yếu mà là điểm mạnh của chế độ dân chủ.

Thứ chín và cuối cùng, ông Colby cũng nói rõ là việc liên minh với một quốc gia có cùng các giá trị như dân chủ, pháp quyền, tự do, tôn trọng nhân quyền sẽ khiến Mỹ làm việc dễ dàng hơn với các lãnh đạo quốc gia đó. Tuy nhiên, ông Colby cũng nhấn mạnh là cần phải thực tế, nếu trước mắt nhà cầm quyền các quốc gia chưa có ngay các giá trị đó thì vẫn cần hợp tác với Mỹ để bảo vệ chủ quyền.

Ông Colby cũng nhắc lại việc Hàn Quốc và Đài Loan nằm dưới chế độ độc tài khi liên minh với Mỹ nhưng theo thời gian, cả Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng thành công chế độ dân chủ. Đó cũng có thể là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.

Lãnh đạo quốc gia kém cỏi 

Thời tôi đi bộ đội, vào các năm 2008-2009, anh chính trị viên ngoài việc nêu cao khẩu hiệu chống Mỹ, dạy lính rằng “đối tượng tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt nam là quân đội Mỹ và đồng minh”, còn dạy cho lính rằng, mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là hình mẫu cho xã hội tương lai của loài người. Anh này cũng khoe khoang là Việt Nam có cảng Cam Ranh rất lợi hại mà cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều thèm muốn. Ý anh ấy là Việt Nam như cô gái đẹp mà các chàng trai giàu có như Mỹ, Nga và Trung Quốc đều muốn lấy làm vợ.

Có lẽ giờ này anh chính trị viên ấy đã thấm thía về cảnh quân đội Việt Nam bị quân đội Cộng sản Trung Quốc đe dọa, uy hiếp, thậm chí bắn chết như ở Gạc Ma năm 1988. “Tinh thần quốc tế vô sản” chỉ là thứ bánh vẽ mà cộng sản quốc tế bày ra nhưng lại được các lãnh đạo cộng sản Việt Nam tin tưởng một cách mê muội. Rút cuộc là các cuộc chiến tranh của Việt Nam từ sau 1975 toàn là đánh nhau với các “đồng chí” như cộng sản Khmer Đỏ, cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, hiện tại, chỉ có chính phủ và các tướng lãnh Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trước Trung Cộng xâm lược.

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tỏ ra kém cỏi trong việc nhìn thấu bản chất quan hệ quốc tế và ý đồ các nước lớn, không biết phân biệt bạn thù, không biết mình biết người. Đến giờ này họ vẫn kiên trì chính sách “ba không” và không dám liên minh quân sự với nước nào khác để chống lại kẻ thù chung là cộng sản Trung Quốc, không dám kiện cộng sản Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Mâu thuẫn cốt lõi khiến chế độ cộng sản phải sụp đổ

Có lẽ việc công khai phản ứng với cộng sản Trung Quốc sẽ khiến cho toàn bộ sách giáo khoa mà chế độ cộng sản áp đặt lên đầu học sinh Việt Nam phải viết lại và khẳng định: Chế độ cộng sản như ở Trung Quốc là một chế độ mọi rợ, bất chấp luật pháp quốc tế và lương tri loài người, là nguyên nhân gây bất ổn cho khu vực châu Á, đàn áp nhân dân trong nước và  xâm lược các nước láng giềng để chiếm đoạt quyền lực và quyền lợi bất hợp pháp.

Nhưng như thế thì không còn lý do để tiếp tục duy trì chế độ cộng sản độc đảng toàn trị tại Việt Nam, không còn lý do để đi theo mô hình của cộng sản Trung Quốc đang bày vẽ cho Cộng sản Việt Nam. Đó là mâu thuẫn lớn lao dẫn tới sự sụp đổ sắp tới của đảng Cộng sản Việt Nam, họ phải lựa chọn dứt khoát là đứng về phe Trung Cộng xâm lược hay đứng về phe nhân dân Việt Nam. Dù lựa chọn của họ là gì thì họ cũng sẽ không thể nào bình yên để tiếp tục chế độ độc đảng toàn trị được nữa.

Hỡi lãnh đạo cộng sản, hãy chọn đứng về phía nhân dân và trao trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân! Đó là lựa chọn duy nhất đúng!

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Chính sách ngăn chặn Trung cộng bành trướng ở Châu Á của Mỹ đã hình thành ngay khi cái gọi là nhà nước CHNDTH của Mao Trạch Đông được thành lập 1949.

    – Cuộc chiến ở Bán Đảo Triều Tiên 1950 Mỹ đã thành công khi thiết lập được một lằn ranh làm tiền đồn tại Bàn Môn Điếm (vĩ tuyến 38 – 1953), và người Triều Tiên ở cả hai miền đã may mắn khi lãnh đạo CS Bắc Hàn không tiếp tục cuộc “giải phóng miền Nam” bằng “bạo lực cách mạng” như VN, nên Nam Hàn đã trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay.

    – Tại VN – sau 1954 – Mỹ cũng cố thiết lập một lằn ranh ngăn chặn Trung cộng tràn xuống Đông Nam Á ở vĩ tuyến 17, thế nhưng vô phúc cho nhân dân VN và may mắn cho Trung cộng, đảng CSVN đã có lãnh tụ “kiệt xuất” là Hồ Chí Minh – người đã quyết “đánh Mỹ đến người VN cuối cùng….dù phải đốt cả dãy Trường Sơn!”. người đã nương hàng chục triệu sinh mạng VN vào lò lửa chiến tranh trong sứ mạng “thống nhất đất nước” ….thì ít (chỉ là cái cớ), mà để hoàn thành sứ mạng quốc tế vô sản chống chủ nghĩa đế quốc tư bản Mỹ….thì nhiều (mục đích…cao cả)….

    Và thế là Mỹ đành phải thỏa hiệp với Mao để rút êm sau khi đã tạo ra được sự đối đầu giữa hai quan thày của CSVN là Nga (lúc đó là LX) và Trung cộng ngay trên thân xác vốn đã rã rời của một VN vừa thống nhất.

    Cuộc diện đã buộc đảng CS phải lựa chọn giữa Nga và Tàu, lúc này phe thân Nga thắng thế, Lê Duẫn quay 180 độ, chuyển từ phò Tàu sang ôm chân Nga, thế là Việt cộng bị Trung cộng “nện” cho một bài học….nhớ đời, để đến nỗi phải đắt cả lũ sang phủ phục tại Thành Đô, chấp nhận ” thà mất nước còn hơn mất đảng” (Nguyện Văn Linh)

    Nay thì đa số nhân dân Việt Nam (thống nhất) đã sáng mặt trước dã tâm bành trướng không thể ngừng của Trung cộng, và cái đảng CSVN đã thấm đòn trước những cú đá của ông chủ vũ phu ở Bắc Kinh…

    …Và thời cơ đã đến với Mỹ , nhưng không biết Mỹ có thành công trong việc vừa giúp VN không bị TC xâm thực thông qua những tên tay sai trung thành ở Ba Đình…., vừa dùng VN như một bức thành chống TC bành trướng xuống đông nam á và độc chiếm biển Đông hay không ?

    Hy vọng lần này – với kinh nghiệm của quá khứ – Mỹ sẽ thành công trong chính sách chống tham vọng của TC tại đông nam á mà không cần sự hiện diện trực tiếp của quân Mỹ tại VN như trước 1975 tại Nam VN, và cũng hy vọng (lạc quan ?) rằng, trong số những đảng viên đảng CSVN, không có những tên tay sai trung thành với Trung cộng đến nỗi thề sẽ “đánh Mỹ tới người VN cuối cùng….dù phải đốt cả dãy Trường Sơn!”.

  2. Cám ơn bác Nguyễn Tiến Trung “tóm tắt các thông điệp chính mà ông Elbridge Colby đã trình bày tại hội thảo”. 09 góp ý của ông Colby quá rõ, giờ chỉ còn tùy thuộc Chính phủ VN nếu thấy đúng thì sắp xếp 09 ý theo thứ tự ưu tiên trước sau và có lộ trình thực hiện 09 ý, trên cơ sở dự kiến dc sự tiến triển tình hình trong nc & Thế giới.

  3. Lạc đề
    1) Nói năng, thảo luận mà lạc đề là do trình độ.
    Bài này, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung viết về nội dung một Hội Thảo mà ông tham dự. Đó là Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương và Việt Nam.
    Tôi rất chờ đợi những comment (phản đối hoặc tán thành với lý lẽ của cá nhân).
    Buồn vãi chấu! Cả hai comment đều lạc đề.

    2) Lạc đề là do trong đầu óc nung nấu điều của riêng mình – chỉ muốn xổ ra trong bất cứ dịp nào được xổ.
    Cả hai comments trên đều như vậy
    Nếu cứ thế này, không lẽ diễn đàn này sẽ thành nơi trút tâm trạng?

    Bác nào có ý kiến về vấn đề thạc sĩ Trung nếu ra, mong phát biểu không lạc đề, để tôi thêm sáng mắt.

  4. Để bổ xung tính học thuật, tớ -thanks bác Mạc Văn Trang- trân trọng giới thiệu bài

    “Vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ đại hội XVIII đến nay” trên báo lý luận chính trị . Một bài rất kịp thời để Đảng các bác học tập & làm theo

    http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2891-van-de-tang-cuong-xay-dung-van-hoa-chinh-tri-trong-dang-cong-san-trung-quoc-tu-dai-hoi-xviii-den-nay.html

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây