Biểu tình ở Hồng Kông truyền cảm hứng cho giới trẻ Macau và dạy chính phủ của họ phải thận trọng như thế nào

South China Morning Post

Tác giả: Raquel Carvalho

Dịch giả: Vũ Ngọc Chi

16-8-2019

* Những người trẻ tuổi từ Macau bị lôi cuốn vào các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vì xã hội bảo thủ hơn của họ thiếu một diễn đàn để họ bày tỏ quan điểm chính trị.

* Chính quyền địa phương cũng đã rút ra bài học từ phong trào này, và đang tránh các biện pháp gây tranh cãi có thể đưa tới bất ổn.

Một số người trẻ tuổi Macau tham gia vào các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Photo: Sam Tsang

Bosco Wong, 23 tuổi, người gốc Macau, nói đến các cuộc biểu tình chống chính quyền tại Hồng Kông, “Cuộc chiến vì tự do và dân chủ của họ cũng là cuộc chiến của chúng tôi”.

Vùng đất trước đây thuộc Bồ Đào Nha, đi bằng phà mất khoảng 1 tiếng để tới Hồng Kông, luôn được xem như Khu vực Hành chính Đặc biệt, hành xử tốt hơn dưới sự cai trị của Trung Quốc – phần lớn là vì xã hội bảo thủ hơn.

Trong khi giới trẻ Macau không tham gia chính trị như những người đồng sự của họ ở Hồng Kông, một nhóm thanh niên nhỏ nhưng ngày càng có tiếng nói đang xem các cuộc biểu tình như một sân khấu để bày tỏ sự bất bình và đấu tranh cho một mục đích chung.

Các bất ổn chính trị và xã hội ở Hồng Kông cũng khiến cho chính phủ Macau cảnh giác hơn với các biện pháp có thể gây náo động, các nhà hoạt động và nhà phân tích nói.

Wong lớn lên theo dõi chính trị Hồng Kông: “Trường học của tôi ở Macau không bảo thủ cho lắm, nhưng nó không dạy tôi nhiều về chính trị … Hồng Kông luôn là nguồn cảm hứng của tôi”.

Anh gia nhập một nhóm dân chủ ở Macau và giúp đỡ trong một cuộc tranh cử hội đồng lập pháp vào năm 2017. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm ngoái tại Hồng Kông, anh quyết định nhận một công việc ở đó – nhưng ít biết rằng năm nay thành phố đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Một nhóm thanh niên nhỏ ở Macau nhưng ngày càng có tiếng nói, đang xem các cuộc biểu tình như một sân khấu để bày tỏ sự bất bình. Photo: EPA

Wong hiện đang là chuyên viên công nghệ thông tin, đang tham gia vào các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển thuộc địa của Anh trước đây, trong hai tháng qua.

Anh nói: “Tôi thường giúp xây dựng các chướng ngại vật bằng cách di chuyển các hàng rào khỏi đường phố. Tôi cũng giúp các việc hậu cần, như chuyển các vật liệu cho mọi người, và cũng giúp đỡ tiền bạc, như mua thêm mặt nạ chống hơi độc và đưa chúng cho người biểu tình”.

‘Sống còn ở Hồng Kông’

Nhiều cư dân Macau chỉ trích mức độ bạo lực ngày càng tăng trong các cuộc biểu tình và ủng hộ cảnh sát Hồng Kông – một lập trường mà Wong giải thích bằng cách lưu ý việc họ thiếu tiếp cận các nguồn thông tin cân bằng. “Họ đang đọc rất nhiều thông tin sai lệch và thiên vị, và họ hiếm khi đọc về quan điểm của người biểu tình”, anh nói.

Bối cảnh truyền thông ở Macau kém sôi động hơn nhiều so với Hồng Kông, với chính quyền địa phương có quyền kiểm soát tài chính lớn hơn đối với các cơ quan báo chí. Truyền thông địa phương nói tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh thường có những quan điểm chỉ trích chính phủ, nhưng chúng không truyền đạt tới đa số dân chúng nói tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Quan Thoại.

Tuy nhiên, Wong nói rằng, các cuộc biểu tình đang chạm đến trái tim của những người trẻ tuổi ở Macau. Theo số liệu có được mới nhất, khoảng 24% dân số Macau, gần 700.000 người, dưới 24 tuổi, tương tự như Hồng Kông, nơi có khoảng 22% trong số 7 triệu dân dưới độ tuổi này.

Anh nói: “Các giá trị Hồng Kông được giới thiệu ở Macau. Những người trẻ có cảm tình với Hồng Kông và điều đó có thể sẽ khiến họ tham dự nhiều hơn về mặt chính trị. Tôi thấy nhiều bạn bè, những người trước đây không thể hiện sự quan tâm chính trị, đang chia sẻ tin tức về Hồng Kông. Nhưng nhiều người quan tâm đến những gì đang xảy ra đã quyết định giữ im lặng“.

Bốn cư dân Macau gần đây đã bị cấm vào Hồng Kông, được cho là vì họ mặc áo phông đen – màu áo liên quan đến phong trào phản kháng. Theo truyền thông địa phương, họ tuyên bố họ không tới thành phố để tham gia biểu tình.

Christine Kuok đến từ Macau, đã qua biên giới vài lần, nói rằng, cô có động lực để đứng lên cùng với người Hồng Kông. Cô sinh viên đại học 20 tuổi này, nói: “Những gì Trung Quốc làm ở Hồng Kông, sẽ ảnh hưởng đến Macau. Nhưng đó cũng là vấn đề về sự đoàn kết và đồng cảm của con người … Vụ việc bạo lực cảnh sát xảy ra ở Hồng Kông là điều mà tất cả chúng ta phải phản đối, và thậm chí những tên côn đồ đang đánh người”, cô đề câp tới sự kiện ngày 21 tháng 7 ở Yuen Long.

Kuok nói rằng, cô sẽ không bị thoái chí bởi các sự kiện gần đây tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông, nơi hai người từ Trung Quốc đại lục bị những người biểu tình xua đuổi. “Tôi có thể hiểu được sự tức giận của người biểu tình … và thành thật mà nói, người biểu tình ở Hồng Kông thường không làm như thế“.

Tôi chỉ cảm thấy còn sống khi tôi ở Hồng Kông hoặc Đài Loan

Kuok đã trải qua hơi cay và say nắng, và bị thương tổn trong khi di chuyển một chướng ngại vật để chặn đường hầm xuyên cảng. “Không quan trọng là có vấn đề gì xảy ra hay không, tôi muốn sát cánh cùng Hồng Kông”, cô nói.

Sự tham gia của cô trong các cuộc biểu tình cũng bẳt nguồn từ việc thiếu phương tiện để bày tỏ quan điểm của cô ở Macau.

Kuok nói: “Ở Macau, nếu bạn phản đối hoặc nếu bạn công khai ủng hộ phong trào, có lẽ bạn sẽ mất việc, nhận các đe dọa và bị cảnh sát theo dõi … Thật là đau đớn cho các thanh niên nam nữ như tôi ở Macau. Tôi chỉ cảm thấy còn sống khi tôi ở Hồng Kông hoặc Đài Loan”.


Theo một sinh viên đại học từ Macau, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là “vấn đề về sự đoàn kết và đồng cảm của con người”. Photo: Sam Tsang

Sự thất vọng của cô được chia sẻ bởi Jason Chao Teng-hei, 32 tuổi, một nhà hoạt động người Macau hiện đang học tại London, nơi anh mới tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Chao, người từng lãnh đạo nhóm Hiệp hội New Macau dân chủ, ủng hộ dân chủ, đã bị giam giữ nhiều lần tại Macau và phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý vì các hoạt động chính trị của ông ở đó.

Ông than thở rằng dân chủ và các quyền cơ bản không được xem là ưu tiên của người dân ở quê nhà. Chao cho đó là do sự thất bại của hệ thống giáo dục và sự thiếu vắng văn hóa trọng dụng nhân tài, cũng như cơ cấu kinh tế của thành phố, khiến cho những người trẻ tuổi chỉ có hai lựa chọn chính: Làm việc cho chính phủ hoặc tham gia ngành công nghiệp sòng bạc, nguồn doanh thu chính của thành phố.

Mặc dù có một khoảng cách giàu nghèo đáng chú ý, Macau có một hệ thống phúc lợi xã hội mạnh mẽ và phân phối một khoản tiền mặt hàng năm cho cư dân của mình.

Một bầu không khí buồn thảm ở Macau cho những người yêu thích tự do ngôn luận, Chao nói. Anh nói rằng, anh chắc không quay trở lại thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha và dự đoán rằng sự quấy rối và đe dọa của chính quyền ở Hồng Kông sẽ tiếp tục leo thang.

Chao lập luận, bất kể kết quả như thế nào, “phong trào phi tập trung” này đã là “một bài học về tự do ngôn luận”.


Nhà lập pháp Macau Sulu Sou Ka-hou (thứ hai từ trái sang) nói rằng, ông thất vọng về các phản ứng của chính quyền Hồng Kông và Trung ương đối với các cuộc biểu tình. Photo: Dickson Lee

Chính phủ dè dặt

Sulu Sou Ka-hou, nhà lập pháp trẻ tuổi nhất Macau và là chủ tịch của nhóm tiến bộ Hiệp hội New Macau, nói rằng, ông không tham gia các cuộc biểu tình mà đang theo sát phong trào.

Mặc dù có nền tảng lịch sử, chính trị và văn hóa khác nhau, ông lưu ý rằng hai vùng có chung số phận. Sou cũng lập luận rằng, phong trào ở Hồng Kông đã có tác động tích cực đến giới trẻ Macau, một thành phố ít tiếp xúc với cộng đồng quốc tế. Nó nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi và tự do của họ.

Theo ông, các mối đe dọa ngày càng tăng đối với các quyền tự do và quyền cơ bản của Hồng Kông, dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng và sự chia rẽ trong xã hội.

Hồng Kông không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới khi chính phủ không đáp ứng nhu cầu, mức độ bạo lực gia tăng“, ông Sou Sou nói thêm rằng, chỉ lên án bạo lực và không đưa ra giải pháp không phải là điều ông mong đợi từ một chính phủ. “Tôi rất thất vọng với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh, bởi vì đó là tất cả những gì họ đã làm“.


Những người biểu tình ở Macau xuống đường vào năm 2014 để phản đối luật đề xuất tìm cách che chở Giám đốc điều hành khu vực khỏi bị truy tố hình sự, và cung cấp tiền về hưu cho những người được chỉ định chính trị. Photo: Dickson Lee

Thay vì giao vấn đề này cho cảnh sát hoặc có khả năng cho phép sự can thiệp của quân đội Trung Quốc, Sou nói rằng, chính phủ Hồng Kông nên cố gắng hiểu lý do tại sao thanh niên quyết định phản đối theo cách của họ.

Các nhà hoạt động và các nhà phân tích được chương trình “This Week In Asia” phỏng vấn, đồng ý rằng, chính phủ Macau đã làm tốt hơn trong việc đáp ứng cảm nghĩ của công chúng.

Tình hình chính trị ở Hồng Kông ảnh hưởng đến quyết định được ban ra ở Macau và họ không muốn bất kỳ tia lửa nào có thể bốc cháy thành ngọn lửa … Chính phủ Macau đã khá ‘khôn ngoan’, bởi vì khi có bất kỳ dấu hiệu bất ổn hay bất mãn nào, họ lùi lại, nhà phân tích chính trị Larry So Man-yum, nói. Nếu chính phủ Hồng Kông làm như vậy, sẽ không có biến động chính trị như hiện tại.

Luật dẫn độ cho phép các nghi phạm từ Macau được đưa đến Trung Quốc đại lục và Hồng Kông bị xếp xó, ít nhất là bây giờ, sau cuộc tranh cãi về luật tương tự ở Hồng Kông.

Khi được hỏi, liệu có ý định đẩy nhanh luật này vào cuối năm nay hay không, phát ngôn viên Văn phòng Bộ trưởng Hành chính và Tư pháp  Macau cho biết, chính phủ không có kế hoạch nào liên quan đến luật này.

Đầu tháng này, chính phủ đã đình chỉ một dự luật gây tranh cãi khi đề xuất chuyển 60 tỷ patasin (7,4 tỷ USD) từ quỹ dự trữ tài chính để thành lập một quỹ đầu tư và phát triển, nói rằng họ sẽ lắng nghe công chúng trước khi tiếp tục ý kiến này.

Cảnh sát hạ gục một người biểu tình chống luật dẫn độ ở Mong Kok vào ngày 3/8. Photo: Felix Wong

Năm 2014, chính quyền đã bỏ kế hoạch cung cấp các chương trình hưu trí xa hoa cho Trưởng Đặc khu và các quan chức cấp cao của thành phố sau khi 20.000 người – một con số chưa từng có – đã xuống đường biểu tình.

Thứ bảy tuần trước, Ho Iat-seng – ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu của Macau, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 25 tháng 8 – đã hứa rằng, chính phủ của ông sẽ thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc một quốc gia, hai hệ thống. Ông cũng cho biết các biện pháp tăng cường lòng yêu nước trong giới trẻ địa phương sẽ được đưa ra.

Wong, chuyên viên CNTT 23 tuổi đến từ Macau, lập luận rằng, các cuộc biểu tình hiện nay có liên quan nhiều đến lòng yêu nước.

Anh nói, “điều này cho thấy sự không thức thời của các chính quyền Hồng Kông, Ma Cau và trung ương như thế nào. Không phải vì lòng yêu nước hay thiếu yêu nước, dẫn đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, mà chính là sự áp bức người dân Hồng Kông đang cảm nhận… Không phải họ không yêu thích [Trung Quốc]. Một số người trong đó có tôi, muốn yêu đất nước, nhưng đất nước này không yêu tôi. Chúng tôi đang chiến đấu chống lại một chế độ“.

Anh cũng hy vọng rằng, nhận thức của người Hồng Kông về người Macau có thể thay đổi. “Nhiều người chỉ trích người Macau và nghĩ rằng chúng ta giống như người dân ở Trung Quốc đại lục. Nhưng một số người ở Macau thật ra đang cố gắng giúp đỡ Hồng Kông“, Wong nói.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Trong khi đó, biểu tình ở Hồng Kông truyền cho giới trẻ Việt Nam… mối đe dọa về “nồi cơm”?!?

    • Tinh hoa tri thức đc đảng và chế độ ưu viêt dạy dỗ. Nồi cơm nhà mình tuy có to nhưng chưa bằng nhà thằng x. Mộ tổ nhà nó to hơn mộ tổ nhà mình mà. Còn bậc nhân sĩ tri thức nhà mình thì nhìn xa hơn, trách nhiệm với dân hơn” mình phải lo cho con cháu, giòng họ xong đã rồi tính chuyện dân tộc” kiểu tôi sẽ tu Phật khi lo xong cuộc sống.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây