Ngán ngẩm cho đào tạo cao học

Chu Mộng Long

12-8-2019

Có một thầy nói rằng, nên chăng dừng lại đào tạo cao học một thời gian? Bởi vì hiện nay cấp đào tạo này tệ hại đến mức loạn giá trị, thật giả lẫn lộn.

Sắp đến đợt bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi viết bài này để tuyên bố thẳng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì đào tạo trong tình trạng này, thì chính tôi tự dừng đào tạo. Tôi sẽ báo cáo hiệu trưởng, rằng tôi sẽ không hướng dẫn và ngồi các hội đồng nữa. Vì ngán ngẩm hết cỡ!

Đào tạo cao học hiện nay tệ hơn dạy học mầm non và tiểu học.

Thứ nhất, đa số học viên cao học chỉ nhăm nhăm đi lấy bằng hơn là học để hiểu biết tri thức và nâng cao trình độ. Nhiều học viên trốn học, hoặc học đối phó và cuối cùng là đối phó các kỳ thi. Nhưng nếu giáo viên siết chặt quản lý chuyên cần hoặc đánh trượt thì bị giới quản lý không thích, vì cho rằng làm như vậy là mất người học. Mất một người học là mất một khoản thu học phí.

Thứ hai, học cao học là để nâng cao hiểu biết và trình độ. Cho nên học viên không chỉ học các chuyên đề trên lớp mà còn phải học thầy suốt thời gian làm đề tài, học luôn trong lúc bảo vệ đề tài. Nhưng gần như khi hướng dẫn học viên làm đề tài, nếu yêu cầu học viên phải đọc tài liệu và làm đề tài một cách trung thực, sáng tạo thì học viên lại oán trách thầy “gây khó”. Lại có học viên so bì, rằng các bạn khác cũng sao chép (đạo văn), có sao đâu? Trong khi ra hội đồng bảo vệ luận văn, nếu thành viên nào trong hội đồng phản biện, góp ý thẳng thắn thì lại bị cả thầy lẫn trò người làm luận văn đều oán trách, thậm chí chửi bới, không trước mặt thì cũng sau lưng.

Thứ ba, hệ quả là, nhiều thành viên hội đồng biết sai nhưng không dám chỉ ra cái sai, cái hỏng kiến thức của học viên mà toàn khen để lấy lòng người hướng dẫn lẫn học viên. Tai hại là ở đây. Nhiều học viên đã không cầu thị học hỏi, lại tin cái sai thành đúng và còn đem ra truyền bá thứ tri thức đó cho học sinh cấp dưới. Đó là chưa nói nhiều vị chấm điểm cho thầy hướng dẫn hơn là chấm điểm cho học trò, mới khổ thân các thầy.

Tôi vừa nói với học viên, rằng tinh thần cầu thị và học hỏi để nâng cao kiến thức mới là món quà quý nhất mà thầy giáo có lương tâm nhận lấy chứ không phải các loại phong bì phong bao hay quà cáp. Dù phản biện, góp ý thẳng thừng, nhưng điểm là một chuyện. Với tôi, luôn có sự nâng đỡ để các bạn có tấm bằng, nhưng các bạn phải nỗ lực học hỏi. Nhưng chừng như học viên ngơ ngác nhìn tôi bằng con mắt bị chọc phải gai. Học viên chỉ mong mọi thứ trót lọt trong chuyến vượt tàu nhanh gọi là học cao học. Hàm ý họ muốn nói, “tôi cần bằng cấp, danh vọng chứ cần gì tri thức?”

Thật là ngán ngẩm!

Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập hay một xã hội lười biếng để người người chạy đua theo bằng cấp vậy?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài báo chính xác nhưng không chỉ ở cấp cao học mà có thể ở cấp nghiên cứu sinh tiến sĩ, thí dụ, ông bộ trưởng Nhạ đạo văn luận văn cao học của mình vào luận án tiến sĩ. Ở cấp trung học còn tệ hại hơn thế. Vì chỉ tiêu mà gian dối thi cử, trường hợp, thầy giáo Đỗ Việt Khoa là một bằng chứng. Có lẽ, đất nước VN đang trên đà tiêu tan như dân tộc Champa, dân tộc Phù Nam,…

Leave a Reply to Sóc trăng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây