Tin Biển Đông: Việt Nam từ bỏ chủ quyền ở Đá Chữ Thập?

BTV Tiếng Dân

9-8-2019

Trong cuộc họp báo chiều 8/8/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông báo, nhóm tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 đã rời khỏi thềm lục địa của Việt Nam, báo Tiền Phong đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chiều ngày 7/8, nhóm tàu Hải Dương 8 đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Khi được hỏi, Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, vì nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang lưu lại khu vực Đá Chữ Thập, bà Hằng nói rằng Việt Nam “luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hoà bình”.

Mặc dù Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Đá Chữ Thập, là khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn còn ở khu vực Đá Chữ Thập, nhưng bà Hằng không tuyên bố gì về vụ này. Phải chăng, chính quyền CSVN đã từ bỏ chủ quyền ở Đá Chữ Thập?

Facebooker Đặng Sơn Duân viết: “Tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hộ tống đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và xâm nhập lãnh hải Việt Nam. Nghe thì ngược ngạo, nhưng đúng là như vậy. Vì Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chúng hiện neo ở Đá Chữ Thập là neo trong lãnh hải Việt Nam”.

VOA đặt câu hỏi: Hải Dương 8 rút, tiếp theo là gì? Ông Devin Thorne, nhà nghiên cứu cấp cao, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp tiến (C4ADS) xác nhận, tối 7/8, vị trí của Hải Dương Địa Chất 8 đang ở Bãi Chữ Thập. Ông cho biết thêm rằng, có ít nhất 5 tàu của Việt Nam đi theo nó và 4 tàu lảng vảng ở phía đông ranh giới EEZ của Việt Nam, nhưng vẫn có tối thiểu 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn ở trong khu vực khảo sát.

Cho nên, ý kiến của các nhà nghiên cứu được trích dẫn trong bài đều đồng tình rằng, vụ đối đầu này chưa dừng lại mà chỉ đang ở giai đoạn nghỉ giữa hiệp, Hải Dương Địa Chất 8 có thể còn quay, lại hoặc Trung Quốc sẽ phái đến một tàu khảo sát khác tốt hơn nó.

Facebooker Đặng Sơn Duân lưu ý: “Dựa vào dữ liệu hàng hải thì vị trí của tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hộ tống không cập vào cầu tàu ở Đá Chữ Thập mà chỉ đi vào bên trong vụng biển. Như vậy, có thể chúng không phải về để tiếp tế mà chỉ tạm rút về để tránh thời tiết biển động. Trong khi đó, lực lượng Việt Nam vẫn trấn thủ ở khu vực sóng to gió lớn”.

***

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về bộ SGK Trung Quốc chứa thông tin sai lệch về Biển Đông, theo VOV. Khi được hỏi, quan điểm của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới dành cho cấp PTTH, trong đó cho rằng, khu vực Biển Đông là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, bà Thu Hằng trả lời:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước”.

Bà Hằng còn lên tiếng về việc tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, theo Infonet. Câu hỏi, về sự kiện tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đến Biển Đông, thăm Philippines, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường tôn trọng quyền tự do an ninh, an toàn hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế của các nước trên vùng biển quốc tế”.

Bà Hằng lưu ý: “Duy trì hòa bình, ổn định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; Việt Nam mong muốn các nước có đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu đó”.

Bị sách nhiễu, phạt vạ vì biểu tình chống Trung Quốc

Facebooker Võ Hồng Ly đã đưa tin, ngày 5/8/2019, tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, có bốn người xuống đường, giương biểu ngữ chống Trung Quốc. Ngày 6/8/2019, một trong 4 người là cô Lê Thị Thanh Thuý, nhận được “giấy mời” của công an phường 8, quận 4, tới làm việc lúc 14h, ngày 6/8/2019, nội dung “Hỏi việc có liên quan về tụ tập tại khu công nghiệp Tân Tạo ngày 05/9/2019“.

22h đêm 6/8/2019, cô Thúy bị công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân, lập biên bản vi phạm hành chính, nội dung “tụ tập nhiều (4) người nơi công cộng gây mất trật tự công cộng”. Trong biên bản, cô Thúy còn được hẹn ngày 12/8/2019 nhận quyết định xử phạt. Và cô sẽ phải nộp phạt 750.000 đồng, tội biểu tình chống Trung Quốc.

Bốn người cầm biểu ngữ chống TQ. Ảnh: Võ Hồng Ly

Vụ biểu tình ở tại đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 6/8/2019, một trong những người tham gia là ông Khánh, cũng đã bị công an sách nhiễu. Facebooker Lê Hoàng cho biết, “sau khi về nhà bác bị 2 An Ninh quận Hai Bà Trưng sách nhiễu và yêu cầu bác ngày mai 9/8/2019 đến CA quận để thực hiện mấy lời hứa, không ra ĐSQ Tàu nữa và không đi biểu tình nữa“. Mời nghe clip ông Khánh chia sẻ:

Cũng ở Hà Nội, hôm qua 8/8/2019, Facebooker Vũ Hệ, cư dân Nghệ An, đang chăm con nhỏ bị bệnh, nằm tại bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, đã tranh thủ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược. Anh Hệ đã bị công an Hà Nội câu lưu khoảng 6 tiếng. Đến khuya 8/8/2019, anh Vũ Hệ thông báo, đã được thả về.

Anh Vũ Hệ có clip live stream, khi đang giằng co với công an và bị bắt đi. Trong clip có thể thấy, công an đang cầm biểu ngữ của anh Hệ có dòng chữ: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược bãi Tư Chính của Việt Nam – China gets out of Vietnam“.

______

Mời đọc thêm: ‘Lãnh đạo VN nên chính thức tổ chức biểu tình phản đối TQ’ (BBC). – Nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam (PLVN). – Bộ Ngoại giao: Tàu Hải Dương 8 rút khỏi EEZ Việt Nam (ĐV). – Nhóm tàu Hải Dương 8 đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Zing). – Trung Quốc rút tàu Hải Dương 8 nhưng sẽ đưa tàu khác vào Bãi Tư Chính? (VNTB). – Chiến thuật tinh vi của Trung Quốc ở Biển Đông (TN). – Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam và sức mạnh cộng đồng quốc tế (TP). – Phán quyết Biển Đông trở lại (TT).

Làm SGK mới, Trung Quốc tuyên truyền trái sự thật lịch sử về Biển Đông (VNN). – Phản ứng của Việt Nam trước thông tin trong sách giáo khoa lịch sử mới của Trung Quốc (NLĐ). – Việt Nam phản ứng việc sách giáo khoa Trung Quốc đưa thông tin sai lệch về Biển Đông (Infonet). – Tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông, Việt Nam nói gì? (KTĐT). – Việt Nam nói gì về việc tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông? (DĐDN). – Phản ứng của Việt Nam về việc tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông (ANTĐ).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

Leave a Reply to HUYẾT THƯ TỪ BIỂN ĐÔNG. Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây