Câu trả lời của một sự im lặng

Nguyễn Văn Dũng

8-8-2019

Chàng thanh niên giơ cao khẩu hiệu đó đã đứng bất động trước tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn ngày 5/6/2011, từ 10h45′ đến 13h30′, hướng biểu ngữ chống Tàu xâm lược Việt Nam về phía lãnh sự quán Tàu, khi công an ngăn chặn không cho đoàn biểu tình tiếp tục diễu hành tới đó.

VÀ ĐÂY LÀ THƠ CỦA MỘT THẰNG NÔNG DÂN VỀ CHÀNG THANH NIÊN:

Bạn Là Ai?

Bạn là ai, hỡi người bạn trai trẻ
Không một lời, bạn đứng thẳng hiên ngang
Mắt đăm đăm, bạn nhìn về một phía
Bóng quân thù, đang dày xéo quê hương
Mặc gió mưa, mặc nắng cháy thiêu người
Tay vươn thẳng, với lời nguyền yêu nước
Dáng đứng đó, đã đi vào ký ức
Tuổi trẻ hào hùng, của thế hệ hôm nay
Trường Sa ơi, tôi sẽ mãi cùng người
Dẫu có chết, không một lời nuối tiếc…

***

CÒN ĐÂY LÀ TÂM SỰ CỦA ANH ẤY NGÀY HÔM NAY: CÂU TRẢ LỜI CỦA MỘT SỰ IM LẶNG

Bãi Tư Chính nóng không? Rất nóng! Chủ quyền đất nước nóng không? Rất rất nóng! Tình hình biển Đông căng thẳng không? Rất rất rất căng thẳng!

Vậy tại sao tôi còn im lặng?!
Hay lòng tôi nguội lạnh rồi chăng?!
Tôi vô cảm với quê hương, tổ quốc rồi sao?!
Hay lẽ nào chí khí tôi đã bạc nhược rồi?!
Liệu tôi đã khuất phục trước kẻ thù và bạo quyền?!

KHÔNG!
KHÔNG!
KHÔNG!
Tuyệt đối KHÔNG!
Vậy tại sao tôi còn im lặng?!
Vậy tại sao tôi còn im lặng?!

Vậy tại sao tôi còn im lặng?!

“Xuống đường đi, tổ chức xuống đường đi. Dù đảng cộng sản không giữ, nhưng chúng ta nhất định phải giữ nước”. KHÔNG! “Phải biểu tình, không thể để mặc đảng cộng sản muốn làm gì thì làm được”. KHÔNG! “Im lặng sẽ mất nước, biểu tình đi, tôi theo cậu”. KHÔNG!

Mất nước. Chắc cũng sắp. Rất nghiêm trọng. Rất khủng khiếp. Rất kinh hoàng. Di họa muôn đời. Lầm than. Khổ ải. Đói rách. U tối. Chà đạp. Phỉ nhổ. Nguyền rủa. Đọa đày. Nô lệ. Nhục nhã. Khốn nạn. Dày vò…

Vậy tại sao tôi còn im lặng?!
Vậy tại sao tôi còn im lặng?!
Vậy tại sao tôi còn im lặng?!
Vậy tại sao tôi còn im lặng?!

Vì thứ tôi cần và phải chuẩn bị bây giờ, là một cuộc chiến tranh vệ quốc, là một cuộc chiến tranh khẳng định, kiến thiết, bảo vệ nền độc lập, là một cuộc chiến tranh gìn giữ chủ quyền và đòi lại lãnh thổ.

Biểu tình trong lòng một chế độ im lặng trước ngoại xâm thì được cái gì?

Quốc tế nhìn thấy và giúp đỡ ư? Suốt cuộc tranh đấu bảo vệ chủ quyền hàng chục năm nay, qua biết bao những cuộc biểu tình lớn nhỏ, bị đàn áp đến đổ máu, tù tội bao phen, quốc tế có thấy không? Có! Nhưng họ cũng chỉ giúp được đến thế thôi.

Hay còn muốn bắt họ đem quân đội đi đánh Tàu cộng cho ta? Đừng ảo tưởng viễn vông thêm nữa. Vấn đề nằm ở chính chúng ta, họ thực sự đã giúp đỡ hết khả năng có thể, chỉ là chính chúng ta không có đủ năng lực, sức mạnh, trình độ tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ đó. Chính chúng ta kém cỏi và vô dụng, không phải là thế giới tàn nhẫn thờ ơ.

Biểu tình để tập cho quen với ý thức đòi hỏi quyền biểu đạt ư? Vô nghĩa, dân này khoe mẽ thì thích, chứ nghiêm túc, tử tế thì chưa. Tôi là một kẻ có mặt trong nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Tôi cũng là một trong rất ít những người trong các cuộc biểu tình ấy phải chạy đôn chạy đáo để kết nối các nhóm nhỏ luôn sẵn sàng tách rời nhau vì phấn khích, vì thiếu tập trung, vì không quan sát.

Tôi cũng là một trong rất ít những kẻ chạy tới chạy lui dẹp đường và xin lỗi người dân lưu thông vì đã cản trở và làm ảnh hưởng đến họ. Tôi cũng là một trong rất ít người đã đạp tung dải barrier chắn ngang đường Nguyễn Văn Chiêm và càn lấn vượt qua lớp bảo vệ để 2 đoàn biểu tình nhập vào làm một tiến về Nhà thờ Đức Bà.

Nhưng trong những cuộc biểu tình lên đến cả ngàn người ấy, có được bao nhiêu kẻ như tôi? Hay được bao nhiêu kẻ như những người chạy vòng quanh phát nón, phát nước cho đoàn người?

Chẳng mấy, các cuộc biểu tình đã diễn ra của chúng ta đều mang nặng tính phô diễn cá nhân, đi cho sướng chân, gào cho sướng miệng, và chụp hình đăng facebook cho sướng với nhau. Những người như tôi, chỉ khi nào tình cờ lọt vào ống kính của một ai đó, thì người ta mới biết rằng chúng tôi có xuất hiện ở đó, trong khi hầu hết người biểu tình thì điểm danh và vỗ ngực bằng những tấm hình. Để làm gì?

Biểu tình để tập luyện cho quen, để trở nên chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, để chuẩn bị cho những cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu? Không, hoàn toàn không cần thiết. Điều cần thiết duy nhất chỉ đơn giản là mỗi người phải minh định được ta có mặt ở nơi đó, thời khắc ấy với mục đích tối thượng là gì. Tâm sáng, tự khắc sẽ thấy đường và tự khắc sẽ biết phải hành động thế nào. Không ai trở nên chuyên nghiệp cho dù có tập luyện bao nhiêu nhưng với một tâm thế nửa vời, mông lung, hờ hững. Ngược lại, hãy xác tín mục tiêu cuối cùng, thì tự khắc sẽ biết cách để đi đến đích.

Chúng ta biểu tình cũng đông đấy, cũng dữ dội đấy, cũng can trường trước đàn áp bạo lực đấy. Nhưng tiếc thay chúng ta chẳng đồng lòng, yếu tố cần thiết và quan trọng nhất. Nên chúng ta tan rã, và chúng ta nhận lãnh hậu quả. Tôi cũng từng bị đập đến vẹo cả sống mũi, những người nặng hơn thì toác đầu, sứt trán, gãy tay, gãy chân, nặng hơn cả là tù tội. Nhưng rồi chúng ta được gì sau khi đã trả một cái giá đắt như vậy?

Không, chẳng gì cả, chẳng gì ngoài một chút ảo giác tự hào, một chút hưng phấn và an ủi cho chính bản thân mình. Chứ ta có thực sự thấy tự hào không, khi mà giặc ngoại xâm vẫn ngày càng lấn sâu vào bờ cõi. Không. Ta có tự hào được không khi nhìn thấy quê hương vẫn từng ngày rệu rã, mục nát, tang hoang. Cũng không.

Chất lượng của phong trào đấu tranh quá thấp, và có xu hướng ngày càng suy giảm, thụt lùi. Đôi khi tôi tự hỏi, những người đang đối lập với nhà cầm quyền cộng sản hôm nay, có điều gì khác biệt không? Mâu thuẫn quan điểm thì có đấy, nhưng sự văn minh, tinh thần tiếp thu, cởi mở, tiến bộ thì có khác gì? Vậy thì có khác chăng chỉ là một bên có toàn bộ quyền lực, một bên thì không mà thôi?!

Chúng ta thậm chí khiếm khuyết trầm trọng tư duy tổ chức, trình độ quản lý và năng lực kiến thiết để đảm đương trọng trách phục hưng quốc gia nếu như chế độ cộng sản sụp đổ nữa kìa. Chỉ có những kẻ biết phải làm gì và biết cách thức để làm những việc ấy sau cộng sản, mới sẽ có thể kết thúc chế độ cộng sản.

Mấy ngày trước, tôi có tình cờ theo dõi vụ việc xung đột dẫn đến ẩu đả và tấn công nhau trên đất Thái giữa anh Đỗ Đức Hợp và anh Đoàn Huy Chương. Tôi từng gặp anh Hợp một lần khi cùng về An Giang dự đám cưới. Dù không trực tiếp kết nối và chưa trò chuyện riêng bao giờ, nhưng qua những gì thể hiện, tôi đánh giá anh Hợp là một người nhiệt huyết và có chiều sâu, nhưng cũng nóng tính và bộc trực.

Trước đây anh Hợp cũng từng mâu thuẫn với anh Long Trần – một người bạn của tôi, nhưng vì vốn dĩ không ưu tiên tâm sức và thời gian cho những chuyện cá nhân của người khác nên tôi cũng không theo dõi và nắm rõ. Và quan điểm của tôi rất rõ ràng, là một người đàn ông bước ra xã hội thì phải tự xử lý được những vấn đề xảy đến với mình. Nên dù có nghe phong phanh chuyện ấy nhưng tôi cũng cho qua một bên và không dùng nó để phán xét ai cả. Với những mâu thuẫn cá nhân, nếu không được nhờ thì tôi sẽ tuyệt đối không chủ động can dự hay can thiệp.

Khi Đoàn Huy Chương ra tù, tôi đã từng đến đón anh ở phòng Công Lý & Hòa Bình dòng Chúa Cứu Thế. Tôi trân trọng anh Chương vì sự tỉnh thức rất sớm của anh, và dù không được ăn học nhiều, anh đã can đảm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người công nhân lao động. Nói thế để hiểu rằng tôi không có ác cảm hay thiên lệch cho bất kỳ ai. Và sau vụ việc vừa xảy ra thì cảm xúc duy nhất của tôi là thất vọng. Cũng là tại tôi thôi, thất vọng bởi vì đã từng tôn trọng, tin và kỳ vọng, là tự mình chứ có ai bắt đâu.

Sau sự việc này, sau khi nghe những câu thách thức của anh Chương trên các livestream và nhìn những cú đá của anh Hợp với một người đã bị khống chế ngồi bệt bên đường thì cả hình ảnh anh Hợp và anh Chương trong tôi đều không còn nhiều giá trị và ý nghĩa. Anh Chương đã từng phải ngồi tù đến 9 năm chỉ vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân, tôi luôn cảm kích và trân trọng điều đó. Song điều đó không có nghĩa rằng, anh không cần phải nỗ lực hơn, gia tăng thực lực và trình độ bản thân hơn.

Tôi thấy điều gì qua sự vụ, những sự cáo buộc đầy cảm tính mà thứ được gọi là bằng chứng thì chỉ là những lời qua tiếng lại vu vơ. Như thế thì làm sao mà trách tòa án VN xét xử chúng ta cũng với những bằng chứng kiểu như thế được. Rõ ràng ở đây có những nhầm lẫn nghiêm trọng giữa bản chất thực của sự việc và suy diễn về sự việc/ lời kể về sự việc/ đồn đoán về sự việc/ thông tin một chiều về sự việc. Chứng cứ mà như thế, thật chẳng khác gì tòa án cộng sản Việt Nam.

Anh Chương và những người bạn đi cùng đã tị nạn ở nước ngoài một thời gian dài, nhưng khi gặp sự cố vẫn không thể giao tiếp một cách căn bản nhất được với người khác bằng ngôn ngữ bản địa hay tiếng Anh thì thực sự là một điểm rất đáng phải nhìn lại. Phải chăng bấy lâu nay, chúng ta vẫn chiến đấu như những đứa trẻ trần truồng xông lên võ đài?! Không thực lực, không vũ khí, không giáp chắn, không võ nghệ…

Nhưng tôi không nhắc đến để tấn công hay chỉ trích cá nhân ai. Ở đây, tôi chỉ muốn dùng hình ảnh cụ thể này để nói về thực trạng đáng buồn của phong trào đấu tranh dân chủ – mà theo quan điểm riêng tôi thì gọi là phong trào đối lập thôi, chứ dân chủ hay không, dân chủ bao nhiêu thì còn chưa biết.

Chúng ta đã từng thấy những công an, dân quân, thanh niên xung phong đánh người biểu tình ôn hòa không phản kháng, hôm nay chúng ta cũng đã thấy rằng chúng ta cũng hành xử với nhau như vậy. Chúng ta đã từng lên án người cộng sản, nhà cầm quyền cáo buộc, đấu tố chúng ta không bằng chứng, không lý lẽ, hôm nay chúng ta cũng đã thấy được chính mình đối đãi với nhau như thế. Chúng ta cáo buộc ban tuyên giáo cộng sản thao túng truyền thông, dắt mũi dư luận, nhưng hôm nay chúng ta đã thấy chính chúng ta tự xỏ dây qua mũi mình rồi chạy theo sau họ.

Lại nhớ, năm 2009 tôi bị tạm giam vì in áo chống Bauxite Tây Nguyên. Thay vì bảo vệ tôi, một phe phái và bộ phận đấu tranh khi ấy lại quay sang tấn công và cho rằng tôi là mật vụ cộng sản cài cắm, rằng tôi là kẻ chỉ điểm để 2 người in áo khác ở miền Trung và miền Bắc cũng bị bắt. Trong khi, tôi thực tế còn không biết là có người khác cũng in áo giống như mình.

Năm 2011, khi tôi đứng bất động nhiều giờ trong cuộc biểu tình chống Trung cộng trước lãnh sự quán của chúng ở Sài Gòn, những kẻ đã từng vu cáo tôi tiếp tục luận điệu rằng tôi nhận nhiệm vụ của cộng sản để làm như thế, chứ không thì làm sao tôi dám… và nhiều vụ việc khác nữa, cho đến tận bây giờ, ngay lúc này thì cũng vẫn có một luồng dư luận âm ỉ sau lưng, cáo buộc tôi là gián điệp cộng sản.

Và những người đưa ra cáo buộc ấy, họ vẫn tự nhận mình là người đấu tranh cho Việt Nam tự do, dân chủ, cũng vẫn đang sinh hoạt cùng với phong trào đấu tranh dân chủ vậy. Cũng giống như vì tôi không chọn lựa cách thức khoe khoang những giấy mời, giấy triệu tập, kể lể những chuyện bị khó dễ, sách nhiễu, hành hạ thì người ta nghiễm nhiên cho rằng tôi không hề bị, và họ sẵn tiện khẳng định luôn rằng bởi tôi là an ninh cộng sản nên như thế.

Bạn biết không, khi người ta không thực sự can đảm, họ nghĩ mọi hành động họ không dám làm, không làm được thì cũng sẽ không có ai làm được. Và khi người ta không thực sự công tâm, nếu bạn chưa bị bịt miệng hay thoát nạn, họ nói bạn là tay sai của cường quyền, còn nếu bạn bị hãm hại, truy bức, trả thù, họ sẽ nói rằng đó chỉ là diễn kịch, bạn vẫn phải là tay sai của cường quyền, trong mắt họ.

Tôi chẳng minh oan hay giãi bày cho mình, nhưng tôi nói ra để nghiêm túc nhìn nhận xem nhận thức của chúng ta đang hạn chế đến mức nào, chúng ta thiển cận và cực đoan, cố chấp ra sao.
Cũng như người ta sẵn sàng lao vào sát phạt, tấn công, hủy hoại, lăng mạ, chém giết nhau khi bất đồng, xung đột hay bêu rếu, hạ bệ, triệt tiêu nhau khi cho rằng người này trục lợi ít tiền trợ giúp, người kia tiêu pha mấy đồng từ sự đóng góp của cộng đồng trong khi chính bản thân mỗi người thì vẫn hàng ngày đóng đủ các sắc thuế để nuôi dưỡng và chăm bẵm, vỗ béo cho cái chế độ mà họ vẫn cực lực lên án và chống lại. Không một chút phàn nàn.

Thanh lọc phong trào là tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là tận diệt những người túng thiếu, khổ sở đang lên tiếng cùng với mình. Những kẻ lừa đảo, trục lợi, nhân danh phong trào thì cần phải vạch mặt, tẩy chay, nhưng đôi khi có những tình huống thực sự khó khăn, chẳng đặng đừng cũng lôi nhau ra tận diệt thì thật là nhỏ nhặt.

Bản thân tôi từng có những lúc khốn đốn, cùng kiệt nên tôi rất hiểu. Cũng may là tôi chỉ nhờ cậy những người vô cùng thân thiết, gần gũi với mình và hoàn toàn trên danh nghĩa cá nhân chứ chưa ngửa tay ra xin xỏ hay đón nhận một sự giúp đỡ nào của cộng đồng nhân danh này nọ, không thì chắc cũng đã trở thành nạn nhân và bị hủy diệt bởi những vụ lùm xùm như thế.

Năm 2012, tôi bị tai nạn giao thông tưởng chết, phải nằm cấp cứu hơn tháng trời trong bệnh viện, và tưởng sẽ vĩnh viễn bị liệt cả hai chân. Bạn bè tôi đều cho rằng, đó là do an ninh cộng sản làm, nhưng tôi thì không tin như vậy. Vì kẻ thù thực sự của tôi chỉ có Trung Cộng, và vì sau những cuộc biểu tỉnh năm 2011 mà lãnh sự quán Trung cộng ở Sài Gòn phải cay cú dời đổi từ vị trí đắc địa 4 hướng tụ về ở ngã 4 Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai sang một vị trí bên đường ở Hai Bà Trưng. Không cay cú, tức tối sao được, thế nên nếu muốn giết chết tôi, thì chỉ có Trung Cộng.

Bạn bè nói tôi công khai sự việc vừa để vạch trần sự tàn ác vừa để kêu gọi sự giúp đỡ, viện trợ của cộng đồng nhưng tôi từ chối. Tôi không có chứng cứ gì, và tội thực sự hiểu cộng đồng này. Cũng như từ khi bắt đầu, thì tôi đã xác định chấp nhận. Nên tôi kiên quyết tự gánh chịu và giải quyết một mình. Người ta cùng nhau nuôi quan tham chế độ cộng sản cả ngàn tỷ mỗi ngày, nhưng không thể bao dung cho những người cùng chiến đấu với mình chỉ vài đồng lẻ. Vì thế mà người cộng sản cũng coi thường chúng ta, họ nhìn thấy và càng tin tưởng hơn rằng, chúng ta cũng chỉ là những kẻ tranh giành quyền lợi mà thôi.

Ai bao dung, tha thứ được đến đâu, thì người ấy có thể làm những việc to lớn đến đó. Ai chấp chiếm đến cỡ nào, thì kẻ ấy cũng nhỏ nhen như vậy. Tôi tin là như thế. Tiếc rằng, lòng hận thù và chấp chiếm của chúng ta dành cho nhau quá lớn, lớn hơn cả so với những kẻ thù thực sự. Thật là một nỗi oan khiên, đày đọa.

Tổ quốc là lòng biết ơn, tổ quốc là tinh thần trách nhiệm, tổ quốc là tình yêu thương, đùm bọc, tổ quốc là sự bao dung, tha thứ và cứu chuộc. Thế chúng ta có tổ quốc không? Nếu không có tổ quốc, thì lấy cái gì để mà yêu nước?!

Năm 2014, trước hiểm họa ngoại xâm đến từ Trung Cộng, tôi đã từng dự định và lên kế hoạch tự thiêu để bảo vệ tổ quốc. Tôi đã định lập một tế đàn dưới tượng Trần Hưng Đạo, đọc diễn văn tạ tội với tiền nhân, cha ông, cắt máu mình để rửa sạch mọi thù hận và nguyền rủa đã đeo bám suốt bấy lâu trong lòng dân tộc và hỏa thiêu mình, hòng thổi lên ngọn lửa đoàn kết, đồng lòng của tất cả người Việt Nam để chống ngoại xâm. Điều này những anh em thân thiết nhất với tôi biết rõ, bởi tôi đã nhờ sự hỗ trợ của họ nhằm thực hiện cho bằng được. Bởi tôi biết nhà cầm quyền, hay thậm chí là người đi đường cũng sẽ không để yên cho tôi hành động và đạt được mục đích cũng như không thể lan tỏa thông điệp nếu tiến hành chỉ một mình.

Tất cả anh em đã phản bác và từ chối hỗ trợ. Thế là tôi vẫn sống, lại tiếp tục sống để nhận ra rằng, nếu lúc đó tôi có chết như vậy, thì cái chết đó cũng sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Bởi lòng thù hận của dân tộc này quá khủng khiếp và người ta thậm chí sẵn sàng hủy diệt nhau chỉ vì những thứ rất nhỏ nhặt, tầm thường. Có lẽ, đó là oán khí ngút trời của hàng triệu triệu những linh hồn đã ai oán nằm xuống suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước, tranh đoạt, xâm lấn và giữ nước. Từ ngày đó đến nay, tôi đã chứng kiến rất rất nhiều điều. Những điều rất đáng buồn.

Tôi không xem bất kỳ người Việt Nam nào là kẻ thù. Điều này không có nghĩa rằng mọi sai trái, tội lỗi, bất công đều được thứ tha và xóa bỏ. Mà nó có nghĩa là tôi muốn tất cả mọi tội trạng được xét xử nghiêm minh trước một hệ thống luật pháp văn minh, công bằng và nhân bản. Tất cả chúng ta nợ nhau, nợ xã hội này bản khế ước ấy, vì đã quá lười nhác, mê muội, ươn hèn.

Chúng ta nợ chính những cảnh sát, những công an, dân phòng, bảo vệ đã phang dùi cui vào mình lúc biểu tình, bởi chúng ta đã quá thờ ơ để cho một lũ chính trị gia salon ngồi làm trò hề trong phòng lạnh của tòa nhà Lập Pháp. Đó chính là những kẻ tội đồ đã được tiếp tay bởi chúng ta để nguệch ngoạc, trây trét ra một cái hệ thống pháp luật kệch cỡm, xuẩn ngốc, phi lý, thiển cận, bất công đến mức cần phỉ nhổ. Chúng ta trút giận lên kẻ thừa hành mệnh lệnh mà lại bỏ qua những kẻ cầm đầu, và quên luôn bổn phận của chính mình.

Thế nên, tôi bây giờ không muốn thấy người Việt tiếp tục đánh đập nhau, bỏ tù nhau, triệt hạ nhau. Tôi muốn nhìn thấy những thiện chí, hơn là những xung đột. Tôi muốn thấy những người tù được thả, chứ không muốn thấy ai bị bắt giữ thêm. Tôi muốn thấy kẻ quyền lực phải biết nhún nhường, và kẻ mạnh phải biết dùng sức mạnh của mình để bảo vệ chứ không phải để tiêu diệt.

Tôi muốn nhìn thấy sự đồng lòng, chứ không muốn nhìn thấy sự lợi dụng và mưu tính. Bao nhiêu tù nhân chính trị được trả tự do, sẽ có bấy nhiêu triệu người xuống đường biểu tình thậm chí là cầm súng chống quân xâm lược. Chỉ khi đó, việc biểu tình mới thực sự có giá trị và ý nghĩa. Bằng không, tôi sẽ tiếp tục im lặng. Vì chiến tranh đã là điều chắc chắn phải xảy đến rồi.

Hãy lớn lên đi những con người Việt Nam, dù muộn nhưng nếu thực sự nỗ lực thì vẫn kịp. Đất nước này cần những bản lĩnh Hồng Kông, Đài Loan, Israel để kiến dựng nền độc lập, đòi lại đất đai và bảo toàn chủ quyền, lãnh thổ của mình. Điều đang thiếu và cần phải có ở nơi này, ngay bây giờ, là những con người trưởng thành có thể hóa giải được thù hận và đem thương yêu gieo rắc vào mỗi tâm hồn.

__________

* Vì người chụp ảnh, thằng nông dân, và chàng thanh niên đều không quan trọng chuyện tên tuổi nên tôi cũng không nêu tên của họ. Các bạn copy đăng lại cũng không cần ghi nguồn từ fb tôi. Chúng ta đều có tên là VIỆT NAM.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Những giãi bày, những suy nghĩ, những trăn trở,…bác Nguyễn Văn Dũng đã viết ra cho nhẹ lòng, đầu óc thoải mái là tốt quá, vì để lâu trong tâm trí dễ làm tinh thần dần trầm xuống ko tốt, làm mất đi sự năng động thì cũng mất luôn tính sáng tạo. Bác cũng ko nên buồn lòng khi các anh em trong “phong trào đấu tranh dân chủ” đang có nhiều vấn đề cần phải thay đổi để tốt hơn, do xét cho cùng đây cũng chỉ mới là “phong trào”, nên có lúc lên có lúc xuống.
    -Như đảng CSVN, họ có Cương lĩnh, hiểu đơn giản Cương lĩnh gồm có: (theo suy nghĩ cá nhân)
    *Mục tiêu: đặt ra các mục tiêu a,b,c,d,…để mọi Đảng viên cùng thống nhất tư tưởng về các mục tiêu đã vạch ra, ko suy nghĩ đi lệch mục tiêu đã vạch.
    *Đường lối: vạch ra con đường cùng thống nhất đi đến các mục tiêu.
    *Nhiệm vụ và phương pháp: các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện & phương cách thực hiện để đạt mục tiêu .
    Trong quá trình thực hiện, tùy theo tình hình đất nước, thế giới thay đổi, họ sẽ sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh cho phù hợp. Ngoài Cương lĩnh, họ còn có Điều lệ mà mọi Đảng viên phải tuân thủ.
    Vậy, khi “phong trào” chỉ là tập hợp quần chúng (chưa có Cương lĩnh, Điều lệ?) nên đương nhiên phải phát sinh ra những vấn đề mà bác Nguyễn Văn Dũng nêu ra. Hy vọng theo thời gian mọi việc dần tốt hơn, ko xấu đi.

  2. (Xin trích)
    Điều đang thiếu và cần phải có ở nơi này, ngay bây giờ, là những con người trưởng thành có thể hóa giải được thù hận và đem thương yêu gieo rắc vào mỗi tâm hồn.
    (Hết trích).
    Yêu thương và hận thù là hai thái cực đối lập nhau. Nhưng chúng tôi, những người được nuôi lớn bằng hận thù trong chế độ vẹm, vì thương yêu đồng bào nên biết căm thù bọn vẹm.
    Nếu ai đó đang cố gắng nhân danh cùng chống giặc Tàu để hòa hợp hòa gỉai thì lầm to.
    Giặc là do các anh rước vào, các anh tự mà liệu.

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây