Trump dùng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc để tái cử

Jackhammer Nguyễn

Gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco

30-7-2019

Sau khi tấn công bốn nữ dân biểu người thiểu số bằng phát biểu phân biệt chủng tộc, nói rằng bốn vị này nếu không yêu nước Mỹ thì hãy trở về xứ sở của họ, tổng thống Trump lại kích động đám đông tại tiểu bang North Carolina, hò hét đòi gửi bà Omar, dân biểu Mỹ, về Somali, nơi bà sinh ra.

Donald Trump tại buổi nói chuyện trước đám đông ở North Carolina ngày 17/7/2019, kích động đám đông hô khẩu hiệu kỳ thị, đuổi dân biểu Omar về nước. Ảnh: Nicholas Kamm/ AFP/ Getty Images

Tuy rằng, ngày hôm sau ông có nói dối rằng ông cố gắng ngăn cản đám đông hò hét, nhưng không có câu xin lỗi nào cho phát biểu được định nghĩa rất rõ ràng là phân biệt chủng tộc đó. (Tại Mỹ, ai đó nói với anh rằng, hãy trở về xứ của ông/bà đi, là một câu nói phân biệt chủng tộc).

Trong một phóng sự của tờ Washington Post, các cố vấn của ông Trump nói rằng, việc đưa ra các lời lẽ phân biệt chủng tộc có thể giúp ông tái đắc cử vào năm 2020.

Lý lẽ của những người này đưa ra là khi Tổng thống tuyên bố những lời lẽ phân biệt chủng tộc, dĩ nhiên sẽ bị mắng là phân biệt chủng tộc. Và đây chính là cơ hội của những người cố vấn cho ông Trump, họ sẽ la làng lên là chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc. Khi la làng như vậy họ là cho những cử tri da trắng theo đảng Cộng hòa thấy đồng cảm với ông Trump, vì đã rất lâu rồi họ bị dán nhãn là phân biệt chủng tộc, họ rất tức tối, nay thấy người đồng cảm như vậy, họ sẽ đi bầu cho ông Trump.

Bà Kelly Sadler, phát ngôn nhân một tổ chức ủng hộ ông Trump, nói rõ như thế.

Một số viên chức của đảng Cộng hòa cũng có ý nghĩ tương tự.

Một số các cố vấn vận động bầu cử cho ông Trump hiện nay và một số viên chức đảng Cộng hòa khi nói lên những lập luận và chiến thuật dùng phân biệt chủng tộc để chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới, họ không muốn nêu danh tánh.

Ông Trump thắng cử vào năm 2016 nhờ vào hệ thống đại cử tri của Mỹ chứ ông không thắng phiếu phổ thông. Tổng số người Mỹ bầu cho bà Hillary nhiều hơn số người bầu cho ông ta tới gần ba triệu người.

Tuy nhiên, ông lại thắng tại ba tiểu bang: Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania (vùng này cũng được gọi là Rust Belt, khu công nghiệp nặng lâu đời nhất của Mỹ), với qui định là người thắng lấy tất (the winner takes all), tức là khi số người bầu cho ông ở ba tiểu bang này cao, ông được tất tần tật số đại cử tri của ba bang này. Và số phiếu đại cử tri của ba bang này làm lệch cán cân về cho ông Trump hồi năm 2016.

Phần đông dân chúng ở ba tiểu bang này là thợ thuyền, bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa, do các ngành công nghiệp mỏ than, luyện thép, cơ khí, vốn sử dụng nhiều nhân công ở vùng này không có lời nữa nên đã chuyển sang nước ngoài, do thế ba tiểu bang này có nhiều người thất nghiệp. Đa số những người ở đây là người da trắng, họ vốn trước kia bầu cho đảng Dân chủ theo truyền thống, nay thấy ông Trump hứa hẹn việc làm, nên bầu cho ông ta hồi năm 2016.

Đây không phải là cử tri nòng cốt của ông Trump. Nhóm nòng cốt của ông Trump thì dù ông nói ngã nói nghiêng ra sao thì họ cũng vẫn ủng hộ ông. Phần đông họ cũng là người da trắng. Theo một số nhà phân tích, những lời lẽ phân biệt chủng tộc có thể kích thích họ hăng hái đi bầu vào sang năm.

Cả hai đám cử tri vừa kể, thợ thuyền da trắng vùng Rust Belt và đám nòng cốt của ông Trump có một mẫu số chung là bực bội vì cảm thấy bị bỏ rơi đằng sau. Từ đó họ sẽ tin rằng, những cộng đồng nhập cư, cộng đồng thiểu số lấy mất công việc của họ, vì thế những tuyên bố phân biệt chủng tộc của ông Trump không hẳn là không có tác dụng.

Chuyện hăng hái đi bầu đóng vai trò rất lớn ở Mỹ.

Nước Mỹ không phạt vạ những người không đi bầu, mà cử tri thường có hai khuynh hướng, hoặc Dân chủ, hoặc Cộng hòa, thành ra phe nào hăng hái ra phòng phiếu thì cơ may người của phe đó thắng cử sẽ lớn.

Thế cho nên, từ một góc nào đó, kết quả bầu cử lại tùy thuộc vào những người chán nản ở nhà không thèm đi bầu, hoặc chỉ đơn giản là lười biếng, vì không thấy quan trọng. Người ta cho rằng, hồi 2016, có rất nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bầu, vì không thích bà Clinton.

Cũng có những phân tích nói rằng, chiến thuật dùng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc coi chừng sẽ có tác dụng ngược, có hại cho ông Trump.

Các phân tích này nói rằng, những lời lẽ kỳ thị chủng tộc của ông Trump sẽ kích thích cử tri đảng Dân chủ, những người ghét ông, sẽ hăng hái đi bầu. Ngay cả thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa cũng nhận định như thế. Hồi bầu giữa kỳ năm ngoái, ông Cruz xém thua ông Beto tại bang Texas, một bang vốn có truyền thống bảo thủ Cộng hòa. Lý do là vì các cử tri Dân chủ đi bầu đông hơn mọi khi, vì ghét ông Trump.

Hai giáo sư tại đại học Cornell phân tích các số liệu thống kê gần đây về những cử tri độc lập, không thuộc đảng nào, thì thấy rằng những lời lẽ phân biệt chủng tộc của ông Trump sẽ làm cho họ không ủng hộ ông ta nữa, mặc dù nền kinh tế vẫn đang mạnh.

Một ông giáo khác ở đại học Tuft thì nói: những lời nói phân biệt chủng tộc của ông Trump có thể làm nhóm cử tri ruột của ông hứng chí đi bầu, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy những người ghét ông đi bầu còn đông hơn nữa.

Kết quả bầu cử 2020 có phần chắc sẽ vẫn là:

Các tiểu bang hai bờ biển bầu cho đảng Dân chủ.

Các tiểu bang ở giữa và Texas bầu cho đảng Cộng hòa.

Số đại cử tri hai vùng này ngang ngửa nhau, thành ra ba tiểu bang vùng Rust Belt gồm Wisconsin, Pennsylvania, Michigan sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng, tại đây phe nào đi bầu đông thì phe đó thắng.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. -Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà trắng với khẩu hiệu: “Nước Mỹ trên hết”; “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trước 193 đại diện các nước tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/9/2017, Ông phát biểu: “Nơi nào chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chân chính được áp dụng, nơi đó đều phải chịu đắng cay, tuyệt vọng và thất bại. Những ai còn rao giảng về giáo lý của thứ chủ nghĩa đầy tai tiếng này thì chỉ góp phần kéo dài đau khổ cho những người phải sống dưới những chế độ độc ác này”; “Chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau, và sát cánh bên nhau vì hòa bình, vì tự do, vì công bằng, vì gia đình, vì nhân loại và vì Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta tất cả”.
    Khi những phát biểu nêu trên của Tổng thống Donald Trump thực sự luôn là mục tiêu cao nhất mà Ông quyết tâm phải thực hiện dc, thì việc Tổng thống Donald Trump có nhiều hành vi, phát ngôn chưa đúng mực nhưng những hành vi, phát ngôn này chỉ với mục đích dc tái đắc cử nhiệm kỳ 02 để thực hiện lời hứa của mình, sẽ là tốt cho nc Mỹ cũng như các nc còn đang chịu kìm kẹp, khổ đau dưới chết độ CS. Hy vọng suy nghĩ đó là đúng. Cầu Chúa phù hộ chúng ta.

  2. Ông Trump thắng cử vào năm 2016 nhờ vào hệ thống đại cử tri của Mỹ chứ ông không thắng phiếu phổ thông. Tổng số người Mỹ bầu cho bà Hillary nhiều hơn số người bầu cho ông ta tới gần ba triệu người……

    Tác giả bài viết này…có vẻ…không muốn thừa nhận tính hợp pháp của electoral college…

    Từ thời lập quốc…các vị tiền bói đã biết trước tâm lý đám đông…dể bị kích đông…dể gian lận…nên đã nghĩ ra hệ thống electoral college…thật là hoàn hảo…

  3. Tôi không biết tình hình bên Mỹ nên không có lời bàn cụ thể.

    Tôi không ưa việc kỳ thị chủng tộc. Nhưng tôi chắc chắn rằng tâm lý kỳ thị có mặt khắp nơi. Người Việt cũng kỳ thị. Mỹ chắc chắn không phải là ngọai lệ. Cái hay của chế độ dân chủ là một ông tổng thống Mỹ kỳ thị hay có thái độ kỳ thì chủng tộc là bị báo chí lôi ra “đánh”. Nhưng cái dở của chế độ độc tài như CSVN là một viên tổng bí thư kỳ thị ra mặt mà không báo chí nào dám cảnh cáo y. Nhưng ông Trump chắc chắn có người ủng hộ, không chừng là đa số ủng hộ. Vậy thì theo tinh thần dân chủ, các bạn bên Mỹ chấp nhận kỳ thị?

    Tôi thấy một điều hay hay là những kẻ bảo thủ ủng hộ ổng Trump thường sống ở những vùng mà ngày xưa và ngày nay tích cực chống cộng sản. Còn những kẻ chống Trump mang danh “cấp tiến” hay “trí thức” ở New York và California, và chính những kẻ sống ở hai vùng này cũng từng ủng hộ CSVN trong quá khứ.

    Hỏi: Có ai thích sống gần những người Hồi giáo cực đoan? Chẳng ai thích. Chẳng ai muốn họ có mặt ở đất nước mình. Người Mỹ cũng vậy thôi. Theo Al Jazeera thì 2/5 người Mỹ cho rằng các giá trị Hồi giáo không tương thích với giá trị Hoa Kỳ. Điều này chắc đúng. Không ai muốn ở gần những người mà ngoài miệng thì cứ “người anh em” nhưng sau lưng thì kêu gọi giết bọn ngoại đạo. Tôi thấy vấn đề không phải là nhiều người Mỹ không ưa người Hồi giáo cực đoan, mà là người Hồi giáo đã làm gì để cả Âu Châu và Mỹ không ưa họ?

    Các lý thuyết gia Hoa Kỳ như Samuel Huntington dự báo rằng cuộc chiến tương lai sẽ là giữa phương Tây và Hồi giáo. Có thể chính vì vậy mà ông Trump đang được lòng nhiều người Mỹ.

    • Kỳ thị thể hiện ở muôn mặt, kỳ thị màu da, kỳ thị tôn giáo, chính trị v.vv.. Nhưng trong tất cả mọi lãnh vực người ta gặp phải sự kỳ thị là kẻ kỳ thị tổng quát hoá số đông người từ những sai lầm và cực đoan từ một số ít người. Hitler không ưa người Do thái và diệt chủng họ do nhiều bất ổn tâm lý cá nhân của ông ta khi đụng chạm trong đời. Nhiều người không ưa người hồi giáo vì bọn quá khích, đâu phải mọi người hồi giáo là quá khích.
      Do đó đặc thù của người mang tính kỳ thị là thiển cận, không bao dung. Suy nghĩ do tác động nhiều từ cảm tính hơn là lý luận. Người như vậy thường có ít thời gian đi học.
      Người Việt nam có óc kỳ thị tự nó do nhiều nguyên nhân có lẽ ai cũng tìm ra được câu trả lời.

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây