Loài người luôn mất cảnh giác

Trương Quang Đệ

26-7-2019

Nhìn cách ứng xử của nhiều quốc gia hiện nay đối với hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ta nhớ lại tình hình châu Âu những năm 30 thế kỷ trước.

Biếm họa về bá quyền Trung Quốc. Ảnh: TP

Khi đội quân áo nâu của Hitler nổi lên như một lực lượng sẵn sàng hủy diệt các nền văn minh thế giới, các nước châu Âu trong đó có Liên Xô đáng ra phải liên kết hợp tác hiệu quả với nhau để tìm cách ngăn chặn làn sóng độc hại đó, thì trái lại, mỗi nước âm thầm sử dụng bọn áo nâu để làm hại nước khác.

Pháp, Anh với thỏa ước Munich bật đèn xanh cho Đức chiếm Tiệp Khắc rồi gặm dần các nước Đông Nam châu Âu, tràn trề hy vọng Hitler sẽ tiêu diệt nước Nga cộng sản.

Liên Xô cũng khôn ngoan không kém, ký hiệp ước với Đức để đẩy mũi nhọn tấn công sang phía khác, cho Đức chiếm Ba Lan, còn mình thì chiếm lấy ba nước Ban Tích, đồng thời phát động chiến tranh chống Phần Lan nhưng không có kết quả.

Mỹ đứng ngoài xem, cứ đóng vai trò trung lập chờ sự thể ra sao rồi sẽ tính sau. Mỹ còn làm ăn với Chính phủ Vichy, tay chân của Đức ở Pháp, làm ngơ việc giúp phái kháng chiến của tướng De Gaulle, khiến mãi về sau vị tướng này luôn xung khắc với Mỹ trong suốt các nhiệm kỳ làm Tổng thống.

Do thái độ lừng khừng, đầy suy tính khôn vặt của các quốc gia mà Đức gặm nhắm hết lãnh thổ này đến lãnh thổ khác, xé bỏ Munich tiến vào Tây Âu không gặp kháng cự gì đáng kể, chỉ có Biển Manche ngăn được bước tiến sang Anh.

Khi Đức phá bỏ hiệp ước, đánh thẳng vào Nga, khiến Nga không kịp phòng bị, chịu tổn thất lớn, các nước châu Âu mới liên minh với nhau đánh trả Đức.

Mỹ cũng thấy nguy cơ bị đe dọa nên nhảy vào tham chiến, lập ra Khối Đồng Minh chống trục phát xít Đức-Ý-Nhật. Thế giới đã phải trả giá nặng nề vì sự mất cảnh giác và sự tính toán ích kỷ sai lầm phiến diện có tính lịch ssử đó.

***

Nhìn cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược hiện nay trên thế giới mà nản lòng. Ông Trump từ bỏ vai trò “sen đầm quốc tế” để phục vụ mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, làm rạn nứt các khối liên minh truyền thống, khiến các thế lực bành trướng rảnh tay tung hoành.

Thủ tướng mới của Anh nghe nói muốn nghiêng về Trung Quốc để bù trừ thiệt hại vụ Brexit về phương diện kinh tế. Nước Ý tham gia vào cái thòng lọng “vành đai và con đường” của Tập.

Các chế độ độc tài ở Trung Cận Đông và Trung Mỹ muốn giữ quyền lực của mình trước sự phẫn nộ của dân chúng, phải dựa vào các chế độ toàn trị ở Phương Bắc, chủ yếu dựa vào Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á, lập trường của Philippines chao đảo khi thế này, khi thế khác, Campuchia không rõ thân ai, ghét ai v.v…

Nếu tình hình như vậy tiếp diễn, nhân loại khó tránh khỏi kịch bản tương lai sau đây có dấu hiệu sớm bước vào giai đoạn đầu.

Giai đoạn 1: TQ đánh chiếm hầu hết các nước thuộc ASEAN, làm chủ tuyệt đối Biển Đông và Eo biển Malacca, khống chế giao thông hàng hải, hàng không trong khu vực. Trong giai đoạn này Nga hoàn toàn đứng về phía TQ, Mỹ thì chỉ la ó ở các diễn đàn LHQ mà không có hành động gì đáng kể, ngoài các mục cấm vận không thực chất.

Giai đoạn 2: TQ sử dụng Pakistan làm quân xung kích đánh chiếm toàn bộ vùng Kashmir của Ấn Độ, thôn tính Afghanistan và chiếm trọn các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, lập ra Khu Tự Trị “Con đường tơ lụa” liền một dãy với Tây Tạng, Tân Cương. Đến lúc này Nga mới hoảng, rút chân khỏi liên minh ma quỷ với TQ, âm thầm liên kết với châu Âu và Mỹ.

Giai đoạn 3: TQ bất ngờ đánh chiếm vùng Viễn Đông của Nga, lập ra Khu Tự Trị Viễn Đông có thủ phủ là Vladivostok. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga chạy thoát sang phía Mỹ. Nga củng cố lực lượng, chuẩn bị phản công, giành lại lãnh thổ bị mất.

Giai đoạn 4: TQ bắt đầu chiến dịch lớn đánh chiếm Đài Loan, ngày đêm bắn tên lửa và không kích lãnh thổ này nhưng gặp sự kháng cự quyết liệt. Nhiều cuộc đổ bộ bất thành. Đến lúc này Mỹ không thể lừng khừng trung lập nữa, mà nhảy vào cuộc, trước hết ra sức bảo vệ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Cần lưu ý là trong cuộc xung đột dữ dội này không bên tham chiến nào muốn dùng vũ khí hạt nhân vì sợ hậu quả khôn lường của những vũ khí ấy. Nhờ vậy mà nhân loại tránh được thảm họa ngàn vạn lần kiểu Hiroshima.

Giai đoạn cuối: Toàn thế giới tập hợp dưới ngọn cờ LHQ phản công trên toàn bộ vành đai bao vây TQ. Đúng lúc này một số tướng lĩnh yêu nước hợp tác với các chính khách trung thực phát động các cuộc biểu tình khổng lồ trong nội địa TQ, lật đổ chính quyền Mao-ít và Quốc xã mới. Một chính quyền dân chủ lâm thời được thành lập và cùng LHQ ký văn bản Hiến chương hòa bình, chấm dứt chiến tranh bành trướng phi nghĩa. Theo hiến chương này TQ sẽ:

– Xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa quốc xã mới.

– Thành lập Tòa án quốc tế xử các tội diệt chủng ở Tân Cương, Tây Tạng, tội Cách mạng Văn hóa, tội thảm sát Thiên An Môn và tội cướp nội tạng của tù nhân, tội xâm lược các nước láng giềng.

– Tây Tạng, Tân cương được độc lập, Nội Mông về với Mông cổ qua trưng cầu dân ý, Đài Loan, Hồng Kông vĩnh viễn thoát khỏi kìm kẹp của đại lục.

– Trả lại cho Việt Nam các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đường biên giới phía Bắc theo như Hiệp ước Pháp –Thanh thế kỷ 19.

Một TQ mới dân chủ, văn minh chẳng mấy chốc chiếm được cảm tình của các dân tộc khắp năm châu và đóng vai trò tích cực trong HĐBA của LHQ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc thấy buồn cười :
    Pháp, Anh thỏa hiệp với Munich….
    Hai bên có ký kết gì không ? Nguồn ?
    Liên xô ký hòa ước với Đức quốc xã, việc này đéo chối cãi được thì lại trở thành sự khôn ngoan không kém hử ?

    Hết muốn đọc tiếp.
    .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây