Hạn hán hoành hành khắp nơi

BTV Tiếng Dân

25-7-2019

Báo Tiền Phong có bài: Miền Trung quay quắt trong nắng hạn lịch sử: Sinh tồn trong ‘chảo lửa’. Chủ tịch xã Quảng Lưu, ông Hồ Thăng Long cho biết, tình hình hạn hán ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, như sau: “Anh biết không, xã tui có 295ha lúa nước, nhưng giờ chỉ còn 51 ha, nắng hạn kiểu này không biết còn trụ lại được mấy ha đây?”

Một nông dân ở xã này chia sẻ: “Tui năm nay đã 76 tuổi, nhưng chưa có mùa nào lại nắng nóng, hạn hán như năm nay. Lo miếng cơm, nước uống cho người đã khó, nay phải lo thêm cho 7 con bò khiến tui bở hơi tai. Chú xem, cả cánh đồng mênh mông như rứa mà không có một cọng cỏ, chỉ còn lại lún phún hai bên bờ ruộng, bò ăn không đủ no”.

Hàng nghìn hộ dân Bình Định, Phú Yên thiếu nước sinh hoạt vì nắng hạn, theo VOV. Bài báo cho biết, tại tỉnh Bình Định, chính quyền địa phương đang tính đến phương án sử dụng xe chuyên dùng chở nước về cung cấp cho người dân. Còn tại tỉnh Phú Yên, địa phương phải dùng máy bơm, bơm nước từ sông vào hệ thống kênh nội đồng chống hạn.

Cánh đồng lúa chết cháy ở Phú Yên. Ảnh: VOV.

Từ Phú Yên, Bình Định, trở ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, người dân đều bị nạn nắng nóng, hạn hán hoành hành, như:  Quảng Nam khô khát: Dân “đói” nước, hồ chứa thủy điện khó vận hành, theo báo Dân Việt; Quảng Bình: Hạn hán kéo theo nhiều hệ lụy, theo VTV; Người dân xã vùng sâu Hà Tĩnh vật vã trong hạn hán lịch sử, theo báo Hà Tĩnh;  Hạn hán dai dẳng: Cây chết khô, hồ trơ đáy ở Nghệ An, theo báo Tiền Phong.

Còn trở vào miền Nam, thì: Đồng bằng sông Cửu Long đối diện hạn hán kỷ lục, tệ hơn năm 2016, theo VOA. Bài viết cảnh báo, các hãng tin và các tờ báo lớn như Tân Hoa Xã, Bangkok Post, Chiang Rai Times… mới đây đều thừa nhận, “mực nước sông Mekong đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây ở vùng biên giới Thái-Lào-Myanmar”, trong khi theo đúng mô hình thời tiết thông thường thì thời điểm này đã là mùa mưa.

ThS Nguyễn Hữu Thiện phân tích: “Sau Tết là qua mùa khô, đỉnh điểm của mùa khô là khoảng tháng 3. Bây giờ cái dấu hiệu mà lũ nó không về thì chứng tỏ là rất đáng báo động cho cái chuyện tháng 3 năm sau sẽ xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nếu tình trạng này tiếp diễn, không thay đổi, thì rất nguy hiểm cho đồng bằng. Có thể sẽ là một trận hạn lịch sử, còn nặng hơn năm 2016 nữa”.

Hạn hán bất thường không chỉ diễn ra ở Đông Nam Á, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An nói về tình hình châu Âu: “Hà Lan và Bỉ cùng chạm mức nhiệt cao nhất trong lịch sử ghi nhận nền nhiệt của mình, sau khi cơn sóng nhiệt thứ hai tấn công châu Âu liên tiếp trong hai tháng. Dịch vụ Dự báo Khí tượng của Hà Lan (KNMI) cho biết, nhiệt độ đạt 39,1°C tại căn cứ không quân Gilze-Rijen. Còn ở Bỉ, nhiệt độ chạm mức 38,9°C tại căn cứ không quân Kleine-Brogel”.

Nạn hạn hán, nắng nóng kỷ lục đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam, mà khắp nơi trên thế giới. Đây không phải là ngẫu nhiên, mà theo các nhà khoa học, đó là do nạn biến đổi khí hậu, gây ra nạn hâm nóng toàn cầu. Thiên nhiên đang phản ứng lại với những gì con người đã và đang gây ra cho trái đất này. Con người sẽ nhận lấy hậu quả thảm hại, nếu không biết giữ gìn trái đất, “ngôi nhà chung” để sống.

______

Mời đọc thêm: Nắng nóng gay gắt ở miền Trung: Nhiều kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ (TP). – Gần 140 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt (TP). – Hàng loạt thủy điện cạn kiệt nước, EVN khẩn cấp huy động nhiều nhà máy chạy dầu (24h). – Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó hạn hán tại Trung Bộ (TNMT).

Nắng nóng kỷ lục, hạn hán hoành hành khắp nơi trên thế giới (MTĐT). – Sóng nhiệt “càn quét” châu Âu; lũ lụt hủy diệt Bangladesh (TNMT). – Sau đợt nóng khiến phụ nữ khỏa thân, Pháp đón sóng nhiệt mới (Zing). – Sau đợt nóng kỷ lục, Pháp đón sóng nhiệt mới (HNM). – Thái Lan đề nghị hoãn gieo trồng lúa vì hạn hán (VNBiz).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây