Phía sau cái chết của Trần Bắc Hà (Kỳ 3)

Hồng Hà

24-7-2019

Đây là loạt bài tác giả Hồng Hà viết độc quyền cho Tiếng Dân. Các trang khác đăng lại, xin ghi rõ nguồn.

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Phải công nhận Trần Bắc Hà tuy tạo nên một “đế chế tài chính”, song là người rất nặng lòng với quê nội Hoài Ân, Bình Định. Đó cũng là lý do dễ hiểu vì sao dàn nhân sự chủ chốt của BIDV có nhiều người quê Bình Định.

Những gói tài trợ vốn vay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, Bắc Hà dành cho tỉnh nhà và các tập đoàn, công ty đầu tư vào Bình Định. Sẵn tiền bạc lẫn quyền lực trong tay, Bắc Hà bỏ ra hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ để xây Khu văn hoá tâm linh, xây chùa, tôn tạo đình làng, xây Khu lưu niệm gia đình và làm công tác từ thiện xã hội.

Mỗi năm Bắc Hà thường về quê hai, ba lần, trong dịp giỗ bố mẹ và các việc quan trọng trong gia đình. Lúc ấy, dân tình tha hồ chiêm ngưỡng đoàn xe bóng lộn, sang trọng kéo dài hàng kilomet trên đường quê. Bắc Hà làm đường, xây cầu cho quê, bỏ hàng chục tỷ tôn tạo đình An Thường trên nền cố cựu, khởi công vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 năm Tân Mão (2011) và kịp khánh thành vào đúng 42 năm ngày giỗ bố mình, Liệt sĩ Trần Đình Châu (13/8/1969 – 13/8/2011).

Có người đặt câu hỏi: Bắc Hà có can thiệp vào nhân sự chính trường VN? Có. Bắc Hà thừa sức làm điều đó. Bắc Hà sai khiến được các đại quan đương chức và “điều động” được cả các nguyên lão tuổi già sức yếu.

Sáng 19/4/2012, UBND huyện Hoài Ân tổ chức Lễ hội kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 – 19.4.2012). Trần Bắc Hà được huyện nhà mời về dự. Để khẳng định “số má” và phô trương thanh thế, Trần Bắc Hà đưa cả nguyên lão, lẫn chính trị gia, tướng lĩnh về, gồm:

– Cựu TBT, Thượng tướng Lê Khả Phiêu,

– Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội;

– Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tất nhiên, ra đón Trần Bắc Hà và các VIP tại sân bay Phù Cát, có đủ lãnh đạo Bình Định, như:

– Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;

– Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;

– Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh;

– Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân.

Điều không thể tin nổi, ở tuổi 81, cựu TBT Lê Khả Phiêu cùng tuỳ tùng lặn lội về tận đình làng An Thường để thăm và thắp hương cho bố Trần Bắc Hà tại khu lưu niệm của gia tộc.

Lê Khả Phiêu cùng đoàn tuỳ tùng tại quê nhà Bắc Hà. Photo Courtesy

 Ngày 27/9/2015, huyện Hoài Ân tổ chức Lễ công bố Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 27.7.2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc đặt tên 8 tuyến đường tại thị trấn Tăng Bạt Hổ và gắn biển tên đường. Điều mà tất cả quan chức và nhân dân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, thật sự bất ngờ là, chỉ có việc gắn biển tên đường mà có sự hiện diện của các quan chức sau đây trong buổi lễ:

– Nguyễn Minh Triết – cựu UV BCT, Chủ tịch nước;

– Trương Vĩnh Trọng – cựu UV BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Vương Đình Huệ – UV Trung ương đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;

– Nguyễn Văn Thiện – UV Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy;

– Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.

– Đại tăng thống, Vua sư Vương quốc Campuchia Tep Vong.

Lý do thật dễ hiểu, bởi vì trong 8 tuyến đường được đặt tên, có một tuyến đường mang tên liệt sĩ Trần Đình Châu – bố ruột của Trần Bắc Hà.

Còn nhớ tháng 6/2009, khi về Bình Định cắt băng khánh thành đường bay thẳng Phù Cát – Hà Nội, của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Minh Triết khi đó là Chủ tịch nước, đã về tận xã Ân Thạnh để tặng quà cho… gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu.

Ông Nguyễn Minh Triết ngày khai trương đường bay Phù Cát – Hà Nội. Photo Courtesy

Nếu như nhà nước Cộng sản Trung Quốc “đẻ ra” những tên tuổi như Giang Thanh, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… là những kẻ tham chính mà quyền lực vô song và tiền chất cao như núi, thì ở Việt Nam, thể chế tương đồng này, cũng sản sinh ra những Nguyễn Bá Thanh, Trần Bắc Hà, Đinh La Thăng, Vũ Nhôm…

Cuộc đời Bá Thanh và Bắc Hà giống nhau đến kỳ lạ. Cả hai cùng trưởng thành và được đào tạo trên đất Bắc, đều có bố tập kết ra Bắc và quay về rồi chết ở miền Nam. Một kẻ là “lãnh chúa miền Trung” và người kia là “Vua buôn tiền số 1 Việt Nam”. Bá Thanh bán hết công sản tài nguyên đất nước, thậm chí xới luôn hàng trăm ngàn mồ mả tổ tiên của người ta để lấy đất bán, thế mà một bộ phận dân chúng vẫn mê muội tôn thờ, rơi nước mắt khi Bá Thanh chết. Trần Bắc Hà ném hàng chục ngàn tỷ đồng của quốc gia “qua cửa sổ” vậy mà khối kẻ vẫn tung hô.

Các vòng hoa viết tang lễ Trần Bắc Hà, trong đó có vòng hoa ghi rõ hàng chữ “Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar”. Ảnh: VNN

Bá Thanh vắn số ở tuổi 61. Bắc Hà trút hơi thở cuối ở tuổi 63. Con trai duy nhất của Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, bị cách hết chức vụ, đuổi ra khỏi chính quyền. Con trai duy nhất của Bắc Hà là Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, đã bị bắt giam.

Nguyễn Bá Thanh đã làm mọi cách để bố mình, liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào tháng 7/2012; thì trước khi nghỉ hưu, Trần Băc Hà còn kịp làm một việc quan trọng. Đó là vào ngày 24/01/2016, tại Khu lưu niệm liệt sĩ Trần Đình Châu, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã tổ chức lễ Công bố Quyết định của Chủ tịch nước về việc điều chỉnh mức khen thưởng từ Huân chương Độc lập hạng Ba lên Huân chương Độc lập hạng Nhì cho liệt sĩ Trần Đình Châu.

Vợ con đã bỏ hơn trăm tỷ, làm cho Bá Thanh một khu lăng mộ trên diện tích 3 hecta, có nhà thủy tạ, lầu bát giác, vườn hoa và nhà lưu niệm chả kém gì các “tứ trụ triều đình”. Không biết rồi đây vợ con Trần Bắc Hà sẽ xây lăng tẩm cho ông ta thế nào.

Cuối cùng, sau khi vơ vét hàng chục ngàn tỷ cho bản thân và gia đình, cái chết của Bá Thanh và Bắc Hà đều để lại ẩn số, mọi bí mật xem như đã theo hai nhân vật này xuống suối vàng. Không biết rồi đây, gặp nhau dưới âm phủ, “lưu manh chính trị số 1 VN” và “lưu manh tài phiệt có một không hai” sẽ tâm sự những gì?

Trần Bắc Hà sẽ được đình chỉ điều tra bị can, nhưng Vụ án Trần Bắc Hà và đồng bọn thì vẫn tiếp tục. Ngày 23/7/2019 Bắc Hà đã nằm dưới mộ, và vì nhiều lý do khác, chúng tôi tạm khép lại loạt bài tại đây.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tưởng phân tích sâu sắc về cái chết cua TBHa, thì ra cả một đống số liêụ khô cứng. Nếu chịu khó theo dõi báo mạng thi khôi nơi viết rồi, chán! Chi được cái tit giât gân.

  2. Bọn gian thương và quan chức chóp bu ký sinh lẫn nhau để bóc lột
    đến tận xương tủy nhân dân lao động chân chính !
    Đó chính là hiện thực khốn nạn trong chế độ CS. !

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây