Mỹ đang ở đâu tại Indo-Pacific?

Nguyễn Hòa

19-7-2019

Ảnh minh họa về chiến lược Indo-Pacific. Nguồn: Trung tâm Wilson

Đầu tháng 6/2019 một báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương (gọi tắt là Báo cáo) được Bộ quốc phòng Mỹ ấn hành.

Một số anh em cho rằng việc đưa Báo cáo này ra lúc này đã trễ về mặt tin tức, nhưng tôi cho rằng vấn đề chiến lược Indo-Pacific là rất quan trọng, nó có giá trị lâu dài chứ không phải mang tính Breaking News, nên tôi đem ra mổ xẻ cùng anh em đồng quan tâm.

Từ khi nó ra đời đến nay dường như chỉ được duy nhất đài RFI tiếng Việt của Pháp đề cập tới một cách sơ lược.

Một điều quan trọng nữa, đây có lẽ là lần đầu tiên người Mỹ đưa Indo-Pacific vào một báo cáo chính thức như vậy, từ khi khái niệm này (vốn có lâu rồi) được Tổng thống Trump nêu lên sau khi lên nắm quyền cách đây hai năm. Từ đó đến nay, nó được nêu ra trong những buổi gặp gỡ, những buổi hội thảo, chứ không phải một báo cáo có tính sách lược như vậy.

Xin tóm tắt Báo cáo.

Báo cáo này dài 64 trang, bắt đầu bằng những ý kiến tóm tắt của Bộ trưởng tạm quyền, ông Patrick M. Shanahan, theo đó Mỹ là một quốc gia thuộc vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, đang phải đối đầu với Trung Quốc, nước đang muốn đảo ngược trật tự khu vực có lợi cho họ. Ông Shanahan đề ra hai điểm chính của chiến lược của Mỹ là: thứ nhất phải sẳn sàng ứng phó với những đụng độ có thể xảy ra, thứ hai là tổ chức một mạng lưới các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trong phần chính của báo cáo, có lặp lại quan điểm của Hoa Kỳ nêu ra bấy lâu nay là muốn có một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Phần dài nhất của báo cáo là liệt kê mối quan hệ đồng minh hay đối tác của Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực, trừ hai nước Trung Quốc và Nga, cũng là hai quốc gia vùng Thái Bình Dương nhưng được nêu ra như những quốc gia đối đầu của Hoa Kỳ hiện nay và trong tương lai. Còn Bắc Hàn được xem như một quốc gia vô pháp.

Báo cáo đề cập tới các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines, và Thái Lan là những đồng minh.

Các quốc gia đối tác kế tiếp được đề cập là Singapore, Đài Loan, New Zealand, và Mông Cổ. Việt Nam được kể đến như một quốc gia đối tác trong vùng Đông Nam Á mà Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh, bên cạnh Indonesia và Malaysia.

Trong phần nói về Việt Nam, báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng quan hệ quốc phòng hai nước đã phát triển một cách ngoạn mục dựa trên những lợi ích chung, những nguyên tắc tôn trọng luật pháp, và tầm quan trọng của một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Việt Nam là một động cơ kinh tế đang phát triển mạnh của khu vực.

Báo cáo cho biết Mỹ đã hổ trợ và hợp tác với Việt Nam trong hoạt động của tất cả các binh chủng hải lục không quân hai nước, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam các máy bay huấn luyện T-6, các thiết bị bay không người lái Scan Eagle, tàu tuần duyên loại Hamilton Cutter. Báo cáo cũng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam mang tính biểu tượng rất cao của tàu sân bay Carl Vinson vào Đà Nẵng tháng 3/2018.

Trong giới quan sát người Việt có hai nhận xét đối nghịch nhau về bản báo cáo này.

Anh Lê Hồng Hiệp ở Singapore đánh giá cao, cho rằng Báo cáo làm rõ hơn những quan điểm của Mỹ tại khu vực.

Bác Nguyễn Mạnh Hùng ở Virginia cho nó là bình mới rượu cũ, là một cố gắng của chính quyền ông Trump muốn cho mình khác với chính quyền tiền nhiệm của ông Obama.

Tôi thì tôi không rõ là có quả thật ông Trump muốn xóa đi hình ảnh ông Obama hay không, nhưng quả là trong Báo cáo không một lần nào đề cập đến tên ông Obama, mặt dù có nêu ra chiến dịch tự do hàng hải, tuần ra Biển Đông, thách thức chủ quyền Bắc Kinh. Chiến dịch này được khởi động dưới thời ông Obama.

Tuy nhiên điều tôi đồng ý với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng khi ông nói rằng Báo cáo này là cái mơ ước của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (wish list) khi đưa ra một danh sách dằng dặc những quốc gia mà Mỹ liên kết như là đồng minh, đối tác chiến lược, hay là mở rộng hợp tác tại khu vực Indo-Pacific. Danh sách này bao gồm những quốc gia từ Pakistan trở về phía Đông, bao gồm cả những đảo quốc bé tí teo ít người biết tới.

Thú thật, khi điểm qua danh sách này (chiếm thời lượng dài nhất trong Báo cáo) tôi không khỏi nghĩ tới…. Mặt trận tổ quốc của Việt Nam, bao gồm tất cả các cơ quan đoàn thể, mà trong đó đa số chẳng có trong lượng quan trọng nào.

Giáo sư Hùng nói rằng nói với tôi rằng Bộ quốc phòng Mỹ muốn các đồng minh, các quốc gia Á châu chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong việc chống lại Bắc Kinh, nhưng vấn đề quan trọng hơn, theo GS Hùng là các nước đó nghĩ gì nữa.

Diễn biến trong hai năm gần đây, theo một số nhà quan sát, là các quốc gia Indo-Pacific dần dần ít nói đến khái niệm này hơn. Có vẻ như họ không chống cũng không ủng hộ.

Điều mà thầy Hùng đề cập như là một wish list của Bộ quốc phòng Mỹ, càng rõ hơn nữa khi chúng ta đọc bài phỏng vấn Đô đốc Philip Davidson , đứng đầu lực lượng Mỹ ở Indo-Pacific. Bài này ra ngày 17/7 mang tựa đề: China’s bid for Asian domination: the view from U.S. Indo-Pacific Command.

Ông Davidson tuy có nhắc chút ít đến việc phát triển các loại chiến đấu cơ, vũ khí mới của Mỹ, nhưng phần nhiều ông liệt kê những phát triển đáng lo ngại của người Tàu về mặt quân sự, và nhất là những thái độ ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh, từ việc xây đảo nhân tạo, những đội ngư dân có vũ trang, tuyên bố rất cứng rắn tại Shangri-La,…

Tôi có cảm giác ông Davidson đang tuyệt vọng. Bài viết cũng nhắc tôi nhớ câu hỏi của một nhà quan sát người Pháp trên RFI: Liệu Mỹ sẽ còn là cường quốc hải quân hay không?

Báo cáo chiến lược Indo-Pacific cũng như bài phỏng vấn ông Davidson đều có nói đến quan điểm chính thức của Mỹ là một trật tự khu vực dựa trên chuẩn mực luật pháp đã hình thành bấy lâu nay. Ông Obama từng nói về tổ chức thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) rằng: TPP cho phép nước Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, viết nên luật lệ (của thếgiới) bước vào thế kỷ 21.

Ngay trong tuần lễ đầu tiên của hành pháp Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận này.

Tất cả những điều này không khỏi nhắc chúng ta bài báo của ông David Ignatius viết cho tờ WP trước khi ông Trump lên cầm quyền: Hey coi chừng ông Trump giao thế giới này cho người Tàu!

Một vài người bạn nói với tôi rằng Báo cáo là vậy chứ chưa chắc là vậy, tất cả đều đã được suy tính lâu rồi.

Tôi không bao giờ có quan điểm theo kiểu Deep State Conspiracy đó. Đây là nước Mỹ và tôi tin ở sự minh bạch của nó, chứ chúng ta không phải đang xem báo cáo trình quốc hội của một chính phủ độc tài.

Nhìn lại cục diện Trung Đông và Indo-Pacific, vào cuối thời ông Obama, người ta thấy Mỹ đã giải quyết cái gai Iran (chứng cớ quốc tế cho thấy nước này tuân thủ những thỏa thuận hạt nhân trước khi Mỹ đơn phương rút lui dưới thời ông Trump), và đang nổ lực chuyển trục châu Á.

Nhiều người xem là cái tên Indo-Pacific là một cách sửa lại Pivot to Asia của ông Obama.

Sửa tên, nhưng đáng tiếc nội dung không còn như vậy nữa. Làm sao có thể toàn tâm toàn lực Indo-Pacific khi cái lò lửa eo Hormutz lại nóng lên?

Trong hai tuần vừa qua tàu Trung Quốc tung hoành bãi Tư chính. Có ai đặt câu hỏi rằng lúc này đây có chiếc tàu chiến nào của Hoa Kỳ trong Biển Đông hay không?

Tôi đồng ý với anh Vũ Hồng Lâm ở Hawaii, cũng làm việc có liên quan đến Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, rằng Mỹ (hiện nay) chưa có chính sách gì rõ ràng về Trung Quốc cả.

Trong tình hình đó, có lẽ cũng đừng trách các nhà lãnh đạo Á Châu hờ hững với Indo-Pacific.

Người Pháp cũng hoàn toàn đồng ý chuyện Indo-Pacific tự do rộng mở, nhưng ngạn ngữ của họ cũng có câu: Sauve qui peut!

Mạnh ai nấy chạy.

San Francisco 19/7/2019

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích dẫn một số dòng trong bài viết:
    “thứ hai là tổ chức một mạng lưới các đồng minh và đối tác trong khu vực”.
    “Phần dài nhất của báo cáo là liệt kê mối quan hệ đồng minh hay đối tác của Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực”.
    “Bộ quốc phòng Mỹ muốn các đồng minh, các quốc gia Á châu chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong việc chống lại Bắc Kinh”.
    -Nền kinh tế, quân sự của TQ đã phát triển rất mạnh & Mỹ nhận thấy sức mạnh Mỹ ko thể 01 mình đương đầu với TQ, nên trong Báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương Mỹ rất cần đến các nc đồng minh cùng hợp tác đối phó. Trong sự hợp tác, quan trọng là việc Mỹ hổ trợ nâng cao năng lực quốc phòng và kinh tế cho các nc đồng minh, để họ tự trụ vững trước các mối nguy. Các nc đồng minh phải tự cứu mình trước vì thế giới hiện nay có thể xảy ra những bất ổn mà Mỹ khó có thể lường trước dc và bản thân nc Mỹ cũng còn nhiều việc trong nc phải giải quyết (vấn đề nhập cư, kỳ thị chủng tộc).
    1/Về kinh tế: Việc giảm thâm hụt thương mại với EU, Nhật, Mexico,… là tốt cho các nc đồng minh. Vì khi đó, các nhà kinh doanh của họ sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm thêm thị trường mới, ngoài thị trường Mỹ. Và khi ko phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa sức mạnh KT của các nc này sẽ ổn định hơn.
    Giảm thâm hụt thương mại với TQ cũng đồng nghĩa nền KT Mỹ bớt phụ thuộc vào nền KT TQ, làm suy yếu KT TQ, mở ra nhiều cửa cho các nc bé (đồng minh) có cơ hội đưa kinh tế vào nc Mỹ (chiếc bánh lớn xuất khẩu vào Mỹ trước đây TQ ôm hết thì nay phải chia lại cho nhiều nc cùng hưởng).
    2/Về quân sự: Hổ trợ tăng cường quân sự các nc đồng minh nhằm mục đích: tại Châu Âu các nc EU làm đối trọng với Nga, tại Trung Đông có Israel là đối trọng với Iran, tại Châu Á có Nhật, Hàn, Đài Loan, Úc, Ấn độ & 01 số nc Asean làm đối trọng với TQ.
    -Khi đó nếu xảy ra chiến tranh quân sự thì nc Mỹ là 01 hậu phương vững chắc cho các nc đồng minh. Việc này cũng như Mỹ từng làm hậu phương cho đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây