Bản tin ngày 20-7-2019

Tin Biển Đông

Sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân về nước đúng một tuần, Bộ Ngoại giao VN đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về sự việc diễn ra ở Bãi Tư Chính, gây xôn xao dư luận suốt hai tuần qua. Truyền thông trong nước đưa tin: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế.

Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, đã gọi đúng tên kẻ xâm lược, qua thông điệp cứng rắn như sau: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên“.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Nguồn: TTXVN

Dù muộn, nhưng cũng xin ghi nhận điểm tích cực trong thông cáo của Bộ Ngoại giao. Nhà báo Lê Học Lãnh Vân bình luận: “So với ‘quan ngại’ và ‘tàu lạ, nước lạ’ thì tuyên bố này đáng được hoan nghênh! Tuy nhiên, chỉ tuyên bố thì không đủ. Và không thành phần nào trong lòng dân tộc có đủ sức độc quyền chống Trung Cộng xâm lấn.

Tôi hy vọng tuyên bố trên đây mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đoàn kết toàn dân, huy động toàn dân chấn hưng tổ quốc để bảo vệ chủ quyền. Tôi tin rằng đoàn kết nhau, cùng nhau, trăm triệu dân Việt đủ sức phát triển kinh tế, đủ sức xây dựng xã hội dân chủ văn minh, đủ sức bảo vệ nền tự chủ trong hòa bình. Trong hy vọng về đường hướng đó, tôi hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Việt Nam“.

Lâu nay, Việt Nam không chỉ yếu về thực lực trong việc bảo vệ chủ quyền, mà còn thua TQ trên mặt trận thông tin, qua việc ngăn cản báo chí lên tiếng. Nhà báo Phạm Việt Thắng có bài so sánh “báo ta và báo Tàu“, rằng Trung Quốc có Nhân Dân Nhật báo, là tiếng nói của ĐCS Trung Quốc và tờ báo con là Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo với giọng “côn đồ”, chuyên đe doạ Việt Nam và các nước khác.

Tương tự, ĐCSVN có báo Nhân Dân và tờ Thời Nay, phụ trương của Báo Nhân Dân, tốn tiền thuế của dân nuôi, nhưng chẳng làm được việc gì. Ông Thắng đặt câu hỏi: “Những khi Hoàn Cầu Thời báo ra rả đe doạ, vu khống ta, Thời Nay đáp trả ra sao? Mỗi bận ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm va, cướp tài sản, Thời Nay lên tiếng thế nào? Đặc biệt, hiện biển ta đang bị xâm phạm, Thời Nay có thông tin gì đến nhân dân không? Hay lại để tay Cảnh Sảng và tờ Bưu điện Hoa Nam cướp mất trận địa thông tin?

Bình luận về diễn biến căng thẳng vừa qua ở bãi tư chính, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An cho rằng: Thực chất chính quyền Trump không hề chống Trung Quốc, mà đang dung túng cho Trung Quốc “làm mưa làm gió” ở Biển Đông. Cụ thể: “Trump đang dần mở lối thoát cho nền kinh tế Mỹ bằng cách nhẹ nhàng hơn với họ Tập và mở một vài backdoor cho Huawei. Gần đến kỳ bầu cử tổng thống mới rồi, và đấy là một trong nhiều cách để đấu dịu tình trạng căng thẳng của nông dân Mỹ và nhiều hãng doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc”.

Và rằng, “vì Trump quay lưng lại với Hà Nội, nên Bắc Kinh được dịp thử thách người đồng chí cũ, nhất là khi Việt Nam ngày càng tỏ ra vui thích trước tin tức một số hãng Mỹ và mặt hàng Mỹ sẽ dời đại bản doanh sang sản xuất ở Việt Nam”.

BBC có bài: Diễn biến tại Bãi Tư Chính và lô 06-01 qua góc nhìn Luật quốc tế. Bài viết lặp lại hai chi tiết quan trọng trong chuỗi sự kiện diễn ra hơn một tháng qua ở Bãi Tư Chính: 1. “Từ ngày 18/6 đến nay tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc neo đậu cách Bãi Tư Chính 40 dặm về phía tây” đã liên tục quấy phá giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật; 2. “Từ ngày 3/7 đến 17/7/2019 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây. Đi theo bảo vệ tàu này còn có ba tàu hải giám”.

Qua đó có thể thấy, phát ngôn ngày 19/7/2019 của Bộ Ngoại giao dù đáng khích lệ và có phần mạnh mẽ hơn trước, nhưng vẫn rất trễ. Trung Quốc gây sự trong vùng biển Việt Nam cả tháng, Bộ Ngoại giao VN mới chính thức lên tiếng, để cho một số cây bút “lề đảng” trước đó cho rằng chẳng có gì xảy ra ở Bãi Tư Chính, gây nhiễu loạn thông tin.

Mỹ hối lập cơ chế liên lạc ở Biển Đông, Trung Quốc không phản hồi, theo báo Tuổi Trẻ. Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ vừa lên tiếng chỉ trích chuyện Trung Quốc “không phản hồi với lời kêu gọi của Mỹ về việc thiết lập một cơ chế liên lạc ngăn chặn khủng hoảng, vốn cần thiết để giảm nguy cơ xảy ra các tính toán sai lầm”.

Ông Davidson cho biết: “Cạnh tranh không có nghĩa là không hợp tác. Chúng tôi vẫn liên lạc ở cấp độ quân đội. Nhưng Mỹ từ lâu đã đề nghị Trung Quốc cần có cơ chế liên lạc khủng hoảng với Chiến khu Nam Bộ – vốn phụ trách Biển Đông – và Chiến khu Đông Bộ của Trung Quốc… Tuy nhiên, họ chưa phản hồi đề nghị đó”.

Tàu tuần duyên lớn nhất của Philippines sẽ tuần tra ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Chiếc tàu tuần tra BRP Gabriela Silang vừa hạ thủy ở Pháp hôm 17/7, sẽ được bàn giao cho Manila trước tuần đầu của tháng 12/2019. Philippines sẽ sử dụng tàu này để tuần tra khu vực Biển Đông, mà nước này đổi tên thành biển Tây Philippines.

Mời đọc thêm: Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (NLĐ). – Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam (VNN). – Tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (DT). – Tình hình thực địa gần khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây (TN). – Việt Nam chính thức nêu tên Trung Quốc ‘vi phạm vùng đặc quyền kinh tế’Mỹ: ‘Trung Quốc làm ngơ đề nghị lập cơ chế đối thoại về Biển Đông’ (VOA). – Trung Quốc không phản hồi kêu gọi của Hoa Kỳ về thảo luận khủng hoảng ở Biển Đông (RFA). –  Philippines khoe sắp có tàu siêu lớn, siêu hiện đại tuần tra Biển Đông (VTC).

Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị kỷ luật, hình thức cảnh cáo

Ngày 19/7/2019, trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị xác nhận, chuyện ông Vũ Văn Ninh ký giấy để hợp thức hóa thương vụ bán rẻ cảng Quy Nhơn là “trái với Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”.

Không chỉ thế, ông Ninh còn để hai TGĐ Bảo hiểm xã hội VN (năm 2008 – 2009) cố ý làm trái và ký các hợp đồng, cho Công ty cho thuê tài chính II vay 1.010 tỷ đồng. Đến nay, “Công ty cho thuê tài chính II đã phá sản, làm cho Nhà nước thiệt hại lớn số tiền gốc và tiền lãi, hai lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị khởi tố”.

Nhà báo Phạm Việt Thắng bình luận về vụ kỷ luật này: “Kỷ luật như vậy, ông Vũ Văn Ninh đã được yên chưa? Chưa chắc! Và, sau kỷ luật Vũ Văn Ninh có ai bị kỷ luật nữa không? Tôi tin là có thêm ít nhất một nguyên phó thủ tướng. Vì ông ấy cũng ký nhiều quyết định, văn bản vi phạm, ‘làm thất thoát tiền của nhà nước, làm mất uy tín của Đảng cũng như uy tín đồng chí’. Kỷ luật thêm một phó thủ tướng, rồi sao nữa?

Mời đọc thêm: Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (TT). – Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo (VNN). – Bộ Chính trị cân nhắc ‘cống hiến’, cảnh cáo ông Vũ Văn Ninh (BBC). – Hà Nội loan báo Nguyễn Phú Trọng chủ trì việc kỷ luật Vũ Văn Ninh (NV).

Sai phạm ở SAGRI

Báo Một Thế Giới đưa tin: TP.HCM hủy quyết định cho chuyển nhượng dự án Phước Long B của Sagri. Đó là dự án nhà ở tại phường Phước Long B đã được Sagri chuyển nhượng sai quy định cho Tổng công ty Phong Phú gây thất thoát nghiêm trọng. Giờ UBND TP quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định ngày 17/11/2017 của UBND TP về chấp thuận cho chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9.

Vụ chuyển nhượng này được thực hiện vào năm 2016. Công ty SAGRI dưới thời ông Lê Tấn Hùng làm TGĐ đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỉ đồng, nghĩa là hơn 10,5 triệu đồng/m2. Thanh tra TP.HCM xác định, mức giá này thấp hơn một nửa so với mức giá mà Công ty Phong Phú đã huy động từ khách hàng 3 năm trước.

Mời đọc thêm: Hủy bỏ chuyển nhượng dự án liên quan bị can Lê Tấn Hùng (TN). – TP.HCM hủy bỏ dự án chuyển nhượng liên quan đến ông Lê Tấn Hùng (Người Đô Thị). – TP. HCM hủy bỏ chuyển nhượng dự án thời ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc Sagri (VNF). – Không có vùng cấm cho “Danh gia vọng tộc” (GDVN).

Đường sắt Bắc – Nam

VOV đặt câu hỏi về hai phương án đường sắt Bắc-Nam chênh nhau 32 tỷ USD: Chỉ là dựa trên các kịch bản? Theo đó, trong hội thảo giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, diễn ra ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng cho rằng: “Ở đây không có chuyện Bộ KH-ĐT đưa phương án cắt giảm tổng mức đầu tư so với Bộ GTVT mà hoàn toàn dựa trên các kịch bản phương án đầu tư khác nhau nên có tổng mức đầu tư khác nhau. Nói Bộ KH-ĐT ra phương án cắt giảm tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao so với Bộ GTVT là hoàn toàn không phải”.

Bộ KHĐT dự định trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào tháng 5/2020, báo Giao Thông đưa tin. Lãnh đạo bộ này thông báo: “Đây là dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau và hội đồng phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn, nên dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2020”.

Mời đọc thêm: Dự kiến tháng 5.2020 trình dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam (TN). – Đường sắt tốc độ: Thuê tư vấn, lùi thời gian trình Quốc hội (PLTP). – Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch Hội đồng Hội đồng thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao (Đấu Thầu). – Vì sao phương án 26 tỉ USD hiện đại đường sắt lại dậy sóng đến vậy? (NLĐ). – 200 km/h không phải đường sắt tốc độ cao (GT).

Cựu công an tạt axit vợ sắp cưới lĩnh án

Cựu thiếu úy cảnh sát tạt axit vợ sắp cưới lĩnh 6 năm tù, Zing đưa tin. Ngày 19/7, TAND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trương Nam Hải, cựu thiếu úy cảnh sát PCCC Công an Đà Nẵng, 6 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Hải còn có trách nhiệm bồi thường dân sự gần 620 triệu đồng cho gia đình cô Lê Thị Lan Vy, vợ sắp cưới đã bị Hải tạt axit.

Cảnh sát áp giải bị cáo Nguyễn Trương Nam Hải tới tòa. Ảnh: Đoàn Nguyên/ Zing

Ông Lê Quốc Vũ, bố nạn nhân cho biết, sẽ kháng cáo. Ông nói: “Xét xử như thế này thì bất công quá. Nó làm cho con tôi thân tàn ma dại như thế mà chỉ ngồi tù 6 năm là không chấp nhận được. Khi thằng Hải ra tù thì con tôi vẫn còn đau đớn nằm trong bệnh viện”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ thiếu úy công an mua 30 lít axit để tạt vợ sắp cưới: Hai lần ra tay tàn ác? Kể lại sự việc, ông Lê Quốc Vũ khẳng định “Hải đã hai lần tạt axit, một lần ném chai” vào người nạn nhân, nhưng tại tòa, bị cáo Hải một mực cho rằng chỉ tạt axit vợ chưa cưới một lần. Ông Vũ cho biết: “Khi đó tôi ngửi thấy mùi axit nồng nặc, tôi cố gắng lao vào khống chế Hải đưa ra ngoài vì sợ hắn tiếp tục làm hại con gái tôi”.

Mời đọc thêm: Ghen với tin nhắn, cựu thiếu úy cảnh sát tạt axit vợ sắp cưới (PLVN). – Cựu thiếu úy công an tạt axit vợ sắp cưới hầu tòa sáng nay (Zing). – Phút lĩnh án của thiếu úy công an mua 38 lít axít tạt vợ sắp cưới (VTC). – Cựu thiếu úy công an lãnh 6 năm tù vì tạt axít vợ sắp cưới (KTĐT). – Vụ cựu Thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới: “Con tôi bị thân tàn ma dại mà nó bị 6 năm tù là không chấp nhận được” (NĐT).

Tin giáo dục

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Có hay không việc hạ điểm chuẩn để “cứu” con gái phó chủ tịch tỉnh Sóc Trăng? Bài báo cho biết, ngày 19/7, Hiệu trưởng Duy Thiện của Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng, xác nhận, “so với kế hoạch được duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của trường này tăng 28 học sinh. Trong số này có con gái của ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng”.

Một cán bộ trong hội đồng tuyển sinh lớp 10 của trường này tiết lộ, “nếu lấy đúng chỉ tiêu vào Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng) tới những em có tổng điểm 46,9 là dừng, còn con phó chủ tịch tỉnh chỉ đạt 46,2 điểm”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà khẳng định, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, con gái phó chủ tịch tỉnh đậu lớp 10 là ‘ngẫu nhiên’, theo VietNamNet. Bà Hà giải thích vòng vo: “Trường Hoàng Diệu dư 28 đứa, TP Sóc Trăng dư, trường Trần Văn Bảy cũng vượt, thậm chí trường Đại Ngãi dư tới 50 em. Trường Hoàng Diệu hay TP Sóc Trăng tăng thêm chút đỉnh thì trừ hao, với lại cũng không tăng thêm lớp, nên hội đồng họ mới quyết định như thế”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Hiệu phó Trường Chính trị Bình Thuận dùng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận xác nhận, kết quả kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với ông Lê Trung Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Bình Thuận cho thấy “ông Quân đã sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển sinh đầu vào nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Nói đúng ra là ông Quân sử dụng bằng giả và ông đã bị cách chức Phó bí thư Đảng ủy của trường.

Mời đọc thêm: Sóc Trăng hạ điểm đầu vào để ‘cứu’ con gái Phó chủ tịch UBND tỉnh? (KT). – Sóc Trăng tăng chỉ tiêu, hạ điểm chuẩn để con lãnh đạo đỗ lớp 10? (Zing). – Đề nghị UBND huyện Thanh Oai xử lý vi phạm của trường Newton cơ sở 3 (KTĐT). – TS. Hoàng Ngọc Vinh: Tỉ lệ tốt nghiệp THPT giảm, phản ánh đúng thực chất giáo dục (TG&VN). – Hàng chục nghìn thí sinh đỗ đại học bằng xét học bạ có đáng lo ngại? (Zing).

Tin môi trường

Dân “kêu trời” vì ô nhiễm từ các cụm công nghiệp ở Hải Phòng, theo VOV. Bài báo cho biết, cánh đồng thôn Thắng Lợi, ở xã An Hưng, huyện An Dương, rộng 28 ha bao quanh cụm công nghiệp Thắng Lợi đã ô nhiễm nặng. Nước ở một đoạn kênh “đã đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi. Một số thửa ruộng sát khu dân cư, bà con vỡ đất trồng màu nhưng sau mỗi lần các nhà máy trong cụm công nghiệp xả thải hoặc trời mưa, những luống rau cũng ngập trong nước thải đen ngòm”.

Một người dân địa phương cho biết: “Con mương xả thải, nước đặc quánh. Gia đình tôi có cái ao thả cá, cá thường xuyên bị chết. Bà con canh tác không lấy nước ở đây thì cũng không biết lấy nguồn nước ở đâu để tưới”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau vận hành ‘quy trình lụi’. Theo đúng quy trình, tất cả rác sau khi qua máy xé, thì qua băng tải chọn lọc phế liệu đem tái chế; rác qua sàn phân loại và đi ra 3 hướng: rác chôn lấp sẽ được vận chuyển qua bãi chôn lấp; rác đốt được vận chuyển qua hệ thống đốt, còn rác xử lý thì vào ống sinh hóa, ủ vi sinh và sản xuất phân compost.

Nhưng thực tế “quy trình” xử lý rác thải ở TP Cà Mau: “Tất cả rác sau khi qua sàn phân loại được gom vào một nơi và dùng xe vận chuyển ra nhà ủ, tập kết ở đó. Vì vậy, phần số liệu rác đầu ra từ ngày 15.3.2019 đến nay là không có nên hệ thống không phát hiện, không giám sát và ghi nhận tự động để cập nhật số liệu tại hệ thống”.

Mời đọc thêm: Dân tố trại lợn công ty Japfa Việt Nam gây ô nhiễm (KT). – Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm kéo dài, người dân đào ống xả thải của trại vịt (Tin Tức). – 13/65 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng cả về nước, đất, không khí (MTĐT). – Chủ tịch TPHCM ra thông điệp cứng rắn với nhà máy rác gây ô nhiễm (TP). – Ô nhiễm khu vực quanh nhà máy rác TP.Cà Mau là do vỡ bờ bao (TN). – Bãi rác Bình Tú, Bình Thuận quá tải gây ô nhiễm khu dân cư (VOV).

***

Thêm một số tin: Người gốc Việt kỷ niệm 40 năm ngày quốc tế giải cứu thuyền nhân (VOA). – Vì sao Ngân hàng Nhà nước phải ‘thận trọng như đi trên băng mỏng’ khi mua USD? (VNTB). – 50 luật sư kiến nghị bảo vệ quyền cho luật sư Trần Vũ Hải (RFA). – Khai thác nước ngầm quá mức, TP Hồ Chí Minh bị ngập, sụt lún nghiêm trọng (Tin Tức). – Ngân hàng SaigonBank: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm (VTC).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bà này tuyên bố rõ như vậy thì mấy nhà báo như HHV.và đồng hạng
    không biết có biết xấu hổ mà “độn thổ” hay không nhỉ ?
    Chắc không vì da mặt họ dày qúa ! Hơn nữa,họ đã làm tròn vai trò
    “cãi chầy cãi cối” để ngụy biện,trong một giai đoạn nhất định,hòng
    đánh lạc hướng dư luận !

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây