Việt Nam lấy cái gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Trương Nhân Tuấn

18-7-2019

Để trả lời câu hỏi này người ta cần xác định tranh chấp ở Biển Đông là loại tranh chấp gì?

Có ít ra bốn loại tranh chấp: 1/ tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 2/ Tranh chấp do đối nghịch lập trường về cách diễn giải Luật Biển (UNCLOS 1982). 3/ Tranh chấp do thiếu nghĩa vụ của một bên về những cam kết có giá trị ràng buộc pháp lý. 4/ Tranh chấp đến từ sự bất tuân của một (hay nhiều) bên đối với sự áp đặt về quyền (lịch sử) của bên kia.

Vụ lùm xùm TQ cho tàu nghiên cứu địa chất đến thăm dò địa chấn khu vực biển thuộc vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của VN (trong vòng 200 hải lý tính từ đường cơ bản) từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, về cơ bản, đến từ những yêu sách của TQ (mà yêu sách này) liên quan đến cả 4 vấn đề nói trên.

Thứ nhứt, về tranh chấp “chủ quyền”. Từ sau Hội nghị San Francisco 1951 TQ cho rằng họ có chủ quyền “bất khả tranh biện” đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến thập niên 70 thì họ tuyên bố có chủ quyền đối với “vùng nước chung quanh”. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử và pháp lý, TQ không có những bằng chứng thuyết phục để chứng minh (chủ quyền của họ tại HS và TS). TQ chiếm Hoàng Sa của VN bằng vũ lực (19 tháng giêng năm 1974). TQ chiếm một số bãi, đá thuộc Trường Sa của VN bằng vũ lực (tháng ba năm 1988). Tập quán quốc tế loại trừ hành vi khẳng định chủ quyền bằng phương pháp chinh phục lãnh thổ bằng vũ lực. Tức là hành vi xâm lăng HS và TS không đem lại danh nghĩa chủ quyền cho TQ.

2/ Sau khi tiếm nhận chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, TQ diễn giải Luật Biển 1982 bằng cách có lợi nhứt. TQ yêu sách hai quần đảo HS và TS có hiệu lực biển “nội hải” trường hợp “quốc gia quần đảo” đồng thời mỗi đảo có hiệu lực “đảo” theo tiêu chuẩn của UNCLOS (điều 121 khoản 3). Với 2 yêu sách này vùng biển EEZ của HS và TS rộng lớn, phù hợp với “đường chữ U chín đoạn” mà đường này “chống lấn” với hải phận kinh tế độc quyền của các quốc gia chung quanh, như VN, Phi, Mã Lai… Tuy nhiên hai yêu sách này bị loại trừ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết tháng 7 năm 2016. Theo đó các đảo HS và TS không có qui chế “nội hải” theo qui ước riêng dành cho các quốc gia quần đảo đồng thờ icasc đảo ở TS không có cái nào có đủ tiêu chuẩn “đảo”, theo điều 121 UNCLOS.

3/ Phía TQ luôn vịn vào công hàm 1958 của cố thủ tướng VNDCCH là ông Phạm Văn Đồng, nội dung công nhận và tuân thủ “tuyên bố đơn phương về hải phận và chủ quyền” của TQ tháng 9 năm 1958. Qua công hàm này TQ cho rằng VN đã chính thức nhìn nhận HS và TS thuộc TQ. Ngoài ra ta không thể loại trừ các “cam kết miệng” giữa các lãnh đạo cộng sản, như sự trao đổi lãnh thổ lấy viện trợ (vũ khí, đạn dược, thực phẩm, nhân sự..) phục vụ cho cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”… Ngoài ra, một tài liệu công bố cách đây hơn 10 năm, ta biết rằng VN “công nhận có 3 vùng biển tranh chấp” với TQ.

4/ TQ yêu sách “quyền lịch sử” ở Biển Đông theo bản đồ “U chín đoạn”. Yêu sách “quyền lịch sử” cũng bị loại trừ. Phán quyết Tòa trọng tài tháng 7 năm 2016 không nhìn nhận yêu sách “quyền lịch sử” vì quyền này không phù hợp với Luật Biển 1982.

Trở lại câu hỏi: VN lấy cái gì để bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông?

Có 3 phương cách: 1/ chiến tranh (pháp lý), 2/ chiến tranh (ngoại giao, kinh tế…) và 3/ chiến tranh nóng.

Ngoài phương cách thứ nhứt, sử dụng “luật”. VN không có phương cách nào khác để tự bảo vệ mình tốt hơn phương pháp này.

VN làm gì có đủ khả năng ngoại giao để thuyết phục các quốc gia Mỹ, Pháp, Anh, Nga…, các đại cường có thẩm quyền quyết định các lãnh thổ mà Nhật phải từ bỏ sau Thế chiến II, nhìn nhận VN có chủ quyền ở HS và TS? VN cũng không có trọng lượng kinh tế để “cấm vận” trừng phạt TQ. Thực tế cho thấy ngược lại, VN quá lệ thuộc kinh tế vào TQ, khiến những yêu sách hợp tình hợp lý của VN bị che dưới nhu cầu phát triển kinh tế.

Còn “chiến tranh nóng”, VN làm gì có đủ khí tài để ngăn chặn lực lượng hải quân, không quân, hùng hậu của TQ ở Biển Đông? Ta thấy sau khi thử nghiệm thành công (?) hỏa tiễn chống hạm, chống tiếp cận đời mới phóng từ lục địa ra vùng biển Trường Sa, TQ gia tăng áp lực chèn ép VN trên vùng biển của mình như đã thấy những ngày gân đây. VN cũng không thể “nghiêng” về Mỹ, vì nước Mỹ thời TT Trump chủ trương “co cụm” với “bảo hộ chủ nghĩa”, bất cần thế giới bên ngoài hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé ra sao.

Cuối cùng chỉ có “chiến tranh pháp lý” mới có thể giúp VN khẳng định được quyền và lợi ích của mình trước những áp lực từ TQ. Nhưng để đạt được chiến thắng, VN phải “hóa giải” thành công những tuyên bố đơn phương, những cam kết “mật” giữa lãnh đạo cộng sản VN và TQ. Mà việc này, tôi đã từng nói đi nói lại nhiều lần, là đảng CSVN phải “hòa giải quốc gia” thông qua một đạo luật, mục đích “kế thừa” di sản của VNCH.

Hòa giải quốc gia là gì? những người “trong cuộc” đã chết. Hòa giải với ai? Vấn đề là “người ” chết nhưng “di sản” của VNCH vẫn không (hay chưa) “tàn” đi. Hòa giải quốc gia thực ra là cách nói khác của “dân chủ hóa đất nước”. Phải trả lại chủ quyền đất nước thực sự cho người dân định đoạt.

Chớ nếu không làm, như bây giờ, thì không lâu nữa TQ sẽ chiếm trọn Biển Đông, chiếm trọn tất cả những gì lý ra là của người VN. Lãnh đạo đảng CSVN có thể bị gò bó trong mục tiêu sao cho sự lãnh đạo của đảng được trường tồn. Nhưng đất nước không phải chỉ là của thế hệ hôm nay. Thế hệ hôm nay không thể ăn tàn phá nát đất nước, bất kể hậu quả để lại cho thế hệ mai sau.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. “Cuối cùng chỉ có “chiến tranh pháp lý” mới có thể giúp VN khẳng định được quyền và lợi ích của mình trước những áp lực từ TQ”. Đồng ý với quan điểm này của tác giả bài viết.
    Cám ơn tác giả về bài viết.

  3. “Việt Nam lấy cái gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?”

    Lấy…LƯNG!

    Các chiến sĩ Hãi quân nhân dân VN đã từng anh dũng đưa “lưng” ra, hiên ngang ..….thách thức cho BẠN bắn để bảo vệ Trường Sa trong trận Hãi Chiến ở Gạc Ma đó mà !

  4. Tôi rất ủng hộ TG Trương Nhân Tuấn và từ xưa tới nay cũng luôn cổ xúy cho cách đấu tranh pháp lý, trước khi có thể ủng hộ các cách thức đấu tranh bảo vệ biển đảo khác như mới đây bạn đọc cho là phải làm vuôn vàn cách, nhưng trước hết là hiện đại hải quân để có thể ra đối đầu với Trung Quốc theo cách „đâm, phun vòi rồng …“. Thử theo dõi người dân Thủ Thiêm nếu cũng bắt chước chị Hằng của Bộ ngoại giao cứ tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình ở Thủ Thiêm thì chắc chắn cho đến hôm nay cứ việc hùng hồn tuyên bố chủ quyền tiếp, nhưng sẽ rất ít người quan tâm đến việc „tự tuyên bố“ đó, vì nó là cách thức làm chẳng giống ai và không hiệu quả! Cách đấu tranh của bà con là muôn vàn khổ cực, diễn ra trong bao nhiêu năm để đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải – nhưng lại hiệu quả 8vì giả thử có kiện tụng thì cơ chế Việt Nam chắc cũng dễ thua – Tòa hành chính ủng hộ chính quyền là nhiều) nên rốt cuộc đến lúc này cả nước đã hiểu khá tốt vụ việc Thủ Thiêm và đang ủng hộ hết lòng. Nếu những người có quyền lực hiện nay ở Việt Nam đầu tư và mạnh dạn đi con đường này thì nếu đã đúng như thường tuyên bố: „Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.“ thì chính quyền CẦN TRẢ LỜI TRƯỚC HẾT CHO DÂN ViỆt và cho cả Thế giới là hà cớ gì mà không khiếu kiện NÓ ra các tổ chức quốc tế – hay Tòa án Quốc tế – NGAY CẢ KHI NÓ TIẾN VÀO KHUẤY ĐẢO LÀM LOẠN SÂN NHÀ MÌNH? Còn cứ bá vai bá cổ với chúng, rồi vì „đại cục“ … thì Thế giới sau này cứ đứng nhìn nếu Trung Quốc bắt nạt Việt Nam. Lúc đó họ nghĩ: 2 anh em nhà họ lại cãi nhau, đánh nhau rồi. Tuy nhiên đánh nhau 1 hồi chán chắc rồi họ lại hòa thuận thôi. Vả lại họ (VN và TQ) đâu có muốn có người khác tham gia can thiệp nếu đọc, nghe về chính sách “ba không” của Việt Nam: (không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không để căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không dựa vào nước này để chống nước kia)!

Leave a Reply to HUYẾT THƯ TỪ BIỂN ĐÔNG. Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây