Bàn tiếp chuyện hòa giải dân tộc

Tạ Duy Anh

5-7-2019

Sau khi đăng bài VĂN HỌC VÀ SỨ MỆNH HÒA GIẢI DÂN TỘC, tôi đã nhận được nhiều sự đồng tình từ bạn đọc, cả trong và ngoài nước. Tuy thế cũng còn không ít ý kiến cho rằng tôi ảo tưởng; rằng khi còn chế độ cộng sản thì việc hòa giải dân tộc là không tưởng, mọi đề xuất đều chỉ vô ích.

Tôi tôn trọng tuyệt đối quan điểm cá nhân của người khác. Tôi chỉ muốn bàn tiếp chủ đề này theo cách suy nghĩ của mình (chưa có cơ hội nói trong bài trước).

Với tôi, quá trình hòa giải trong điều kiện Việt Nam sẽ diễn ra ở hai cấp độ: Hòa giải giữa Nhà nước hiện nay, với những người thuộc về Nhà nước Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và cấp độ hòa giải cao hơn là hòa giải giữa những người Việt.

Cấp độ thứ nhất tôi gọi là hòa giải chính trị, còn cấp độ thứ hai tôi gọi là hòa giải đồng bào.

Mặc dù mục tiêu tôi hướng tới là cấp hòa giải thứ hai, nhưng tôi không thể phớt lờ thực tế rằng, ở cấp độ hòa giải chính trị, nếu nó diễn ra một cách thực chất, sẽ tạo hiệu quả tích cực ngay tức thì và góp phần thúc đẩy quá trình hòa giải giữa các đồng bào Việt.

Chẳng hạn, bỗng hôm nào đó, Nhà cầm quyền hiện nay ra tuyên bố rằng, Tổ quốc Việt Nam, do các Vua Hùng lập ra, do các liệt tổ liệt tông gìn giữ suốt hàng ngàn năm, là của chung mọi con dân Việt, dù họ sinh sống ở đâu trên địa cầu này, không phân biệt giới tính, tôn giáo, nghề nghiệp, quan điểm chính trị; rằng bất cứ ai không gây hại đến người khác, không đe dọa tính mạng và quyền sinh sống bình yên của cộng đồng, đều mặc nhiên được quyền tự do đi lại, tìm nơi sinh sống trên toàn bộ lãnh thổ đất nước và mọi ngăn cản nào việc thực thi quyền hiến định đó đều bị nghiêm cấm… thì trường hợp như anh Nguyễn Hưng Quốc bị đuổi trở lại Úc khi đã về đến sân bay Nội Bài (tôi coi đó là một bi kịch văn hóa, bi kịch dân tộc) sẽ không xảy ra; chị Phạm Thị Hoài, anh Uyên Thao, anh Trần Phong Vũ, anh Mặc Lâm, anh Đinh Quang Anh Thái… những người bạn mà tôi kính trọng, có thể bay về Hà Nội uống bia hơi với bạn văn chương bất cứ lúc nào (tất nhiên là nếu các anh chị muốn).

Đất nước sẽ không phải mỗi năm dốc túi nhiều triệu USD cho việc trả lương đội ngũ an ninh trong và ngoài nước chỉ để theo dõi canh chừng những trí thức hàng đầu; thế giới khi đó sẽ ngả mũ Hello Vietnam nhiều hơn, tương lai đất nước vì thế sẽ tốt đẹp hơn.

Là nhà văn, đồng thời cũng là nhân chứng, là thủ phạm, là nạn nhân của một lịch sử chia cắt giữa những con dân Việt, tôi có nghĩa vụ phải gánh vác một phần trách nhiệm hòa giải. Tôi có quyền mơ điều đó lắm chứ. Và không chỉ mơ, ngay giờ phút này, tôi vẫn tha thiết kêu gọi, mạnh mẽ yêu cầu chính quyền hiện nay hãy hành xử cao thượng và trung thực, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể cứ chơi mãi trò ban phát, biểu diễn trong chuyện hòa giải! Với tôi, không có người Việt nào là kẻ thù của đất nước, kể cả khi họ vẫn nuôi trong lòng niềm uất hận chế độ hiện hành.

Tôi biết còn nhiều người Việt ngoài nước, khi đọc đến đây sẽ nổi cáu nói rằng, “Mày nói cái gì đấy, ngay cả khi Nhà nước (của mày) dỡ bỏ mọi rào cản, chúng tao cũng không thèm về”. Tôi thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với định kiến ấy. Lịch sử đã khiến người Việt đau thương đến mức mỗi người rời bỏ đất nước, đều có lý do chính đáng để quay về hay tuyệt tình tuyệt nghĩa với quê cha đất tổ.

Nhưng điều đó không ngăn được tôi vẫn rất sốc khi đọc trên trang cá nhân của một nữ nhà văn bạn bè rằng, khi nhà thơ Tô Thùy Yên biết người ngồi cạnh chị là thầy Hoàng Ngọc Hiến đáng kính của tôi, tác giả của bài thơ Trở về đã lịch sự xin phép bỏ ra ngoài (nói thẳng ra là không thèm gặp?). Rất tiếc là Tô Thùy Yên đã mất, vì thế không còn cơ hội để tôi hỏi ông: Vì sao ông lại hành động như vậy? Tôi rất muốn biết khi đó Tô Thùy Yên, một thi sĩ lớn, nghĩ gì về người đồng bào của mình, một nhà phê bình nổi tiếng và theo những gì tôi biết, rất hâm mộ ông? Nếu không phải là thầy Hoàng Ngọc Hiến, nếu không phải là Tô Thùy Yên, có lẽ tôi đã không đau buồn dai dẳng đến thế?

Chỉ cần nhìn MỘT VÀI CUỐN SÁCH MÀ TÔI TRƯNG BÌA RA DƯỚI ĐÂY, sẽ thấy có thể tôi hơi quá lạc quan nhưng chắc chắn không ảo tưởng như mọi người nghĩ. Cuộc chia rẽ dân tộc vẫn đang tiếp tục diễn ra, dưới muôn vàn hình thức, ngay trong lòng nước Việt. Nhưng tôi dám khẳng định, mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta hãy cùng nhau khiến sự thay đổi diễn ra nhanh hơn.

Nhưng điều tôi muốn nói là có vẻ một số người đang quên mất rằng, ngay cả những kẻ đáng căm ghét nhất, cũng là đối tượng của cuộc đại hòa giải dân tộc. Hơn nữa, chế độ nào thì cũng chỉ là một chớp mắt, so với sự tồn tại mãi mãi của một Dân tộc, dù chế độ đó có khả năng sống sót cao đến đâu đi nữa (Chữ Dân tộc mà tôi dùng trong trường hợp này để chỉ những người có chung một cội nguồn địa lý).

Khi nói vậy, tôi không có ý nguyền rủa bất cứ thế lực nào, mà chỉ khẳng định tính quy luật của sự phát triển. Cờ đỏ hay cờ vàng, xét từ thực tế lịch sử nước Việt, rồi/sẽ chỉ là một thứ logo chính trị để nhận dạng chế độ! Hãy nhìn vào lịch sử tên các đường phố ở Việt Nam trong khoảng một trăm năm qua, cũng đủ cho chúng ta suy nghĩ về cái chốc lát và cái vĩnh cửu. Những tên tuổi rực rỡ hào quang một thời, bỗng chốc vào sọt rác trong chớp mắt và ngược lại? Lấy gì đảm bảo điều đó (và dù nhân danh điều gì thì cũng là bi kịch) không lặp lại?

Nhưng mảnh đất hình chữ S của chung mọi người Việt thì sẽ mãi trường tồn. Lịch sử đã xác quyết điều này. Chúng ta chỉ có một cội nguồn thôi. Vì thế, người Việt cần phải- và hoàn toàn có thể-hòa giải với nhau một cách phi chính trị.

Tôi mong muốn có thêm nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi viễn kiến này và nếu không tán thành/không thể tán thành với ý kiến của tôi, cũng xin đừng miệt thị.

Bình Luận từ Facebook

14 BÌNH LUẬN

  1. Nhà văn TDA.nên đọc bài của nhà thơ Phan Nhiên Hạo viết “Hoà giải phẫu”
    từng được đăng trên Talawas,nay vẫn còn lưu lại ở đó.
    Nếu ông đọc được thì ông sẽ hiểu vấn đề “hoà giải dân tộc” rất phức tạp mà
    nhà thơ PNH.đã phân tích cặn kẽ nên PNH.mới gọi là giải phẫu…vấn đề !

    • Cám ơn anh dã giới thiệu. Phan Nhiên Hạo, nhà thơ đã cầm bút giải phẫu đề tài…thật tuyệt vời!!

  2. Khi những công dân nước Việt lên tiếng chống bạo quyền, tham nhũng, và tội ác bán đất hại dân…Tôi hỏi,”sứ mệnh” hoà giải của các anh nằm ở đâu?
    Khi đất đai bao đời của người dân ngụ cư và sinh sống bị chiếm đoạt tức tưởi… “sứ mệnh” hoà giải của các anh trốn chỗ nào?
    Khi tù nhân lương tâm còn bị ngược đãi, bỏ tù vô cớ, láo khoét và bị đá đít ra nước ngoài để khỏi gây ảnh hưởng trong nước…”sứ mệnh” hoà giải của các anh sao lại im thin thít?
    Khi những anh chị em đấu tranh cho dân chủ nhân quyền bị phiền nhiễu, chọi đá, bao vây và khủng bố gia đình bố mẹ con cái…”sứ mệnh” hoà giải của các anh bước được bước nào chưa?
    Và còn tài sản giáo hội bị chiếm đoạt, các tôn giáo bị bẻ cong và sự hành đạo bị ngăn chặn, nữa?

    Sứ mệnh hoà giải dân tộc. Chế độ nào rồi cũng phải suy. Quy luật phát triển tất yếu. Xin thưa bà con những từ này hoàn toàn ngụy biện và chỉ có thể làm mềm lòng đến người thích nghe mật ngọt. Phải. Mật ngọt thì chết ruồi. Những câu hỏi trên mọi người đều có thể thấy câu trả lời cho bốn chữ Hoà Hợp Hoà Giải. Tác giả là một nhà văn cộng sản, không biết bao nhiêu tuổi đảng và đang lợi dụng chữ dân tộc- quê hương- xoá hận thù- xây dựng lại- bla bla…lại còn uống bia nữa thì không hiểu tác giả có nước mắt để ăn năn về tội ác cộng sản đã và đang gây ra cho nước Việt Nam không?

    Tôi nghĩ rằng không. Người Việt đã hai lần đi cư vĩ đại 1954, 1975 và đang di tản âm thầm từ 2005 đến nay vẫn chưa dứt- là vì cái gì? Người ta muốn xây, nhưng các anh lại phá…Thế đấy!

  3. Trích: “khi nhà thơ Tô Thùy Yên biết người ngồi cạnh (chị) anh là thầy Hoàng Ngọc Hiến đáng kính của tôi, tác giả của bài thơ Trở về đã lịch sự xin phép bỏ ra ngoài (nói thẳng ra là không thèm gặp?). Rất tiếc là Tô Thùy Yên đã mất, vì thế không còn cơ hội để tôi hỏi ông: Vì sao ông lại hành động như vậy?”

    Có thể nhà thơ Tô Thùy Yên đã “rơi” vào trường hợp thứ hai trong câu châm ngôn bất hủ của nhà văn Nga Alexandre Soljenitsym :

    – Khi thấy thằng CS nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo.

    – Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo.

    – Nếu ta không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại những lời nó nó láo với người khác!

  4. Thương cho ông Tạ Duy Anh, muốn hoà giải dân tộc giữa những người Việt, nhưng ông chỉ nhận định dưới nhãn quan của người cộng sản (tiến bộ) hay của người không thấu hiểu về tâm tư của người Việt hải ngoại thì làm sao ông hiểu được tâm tư của một kẻ sĩ có lòng và chiều sâu tâm hồn tầm cỡ như nhà thơ Tô Thuỳ Yên.
    Nếu ông muốn biết tại sao ông Tô Thuỳ Yên tránh xa ông Hoàng Ngọc Hiến thì mời ông đọc bài này trong số rất nhiều bài đọc nhận định về lập trường của ông Hiến trong vụ William Joiner Center năm nào trong đó ông Hiến góp công “dán nhãn” người Việt hải ngoại là thành phần ” tị nạn kinh tế” thì ông sẽ thấy nên đau buồn dai dẳng hay nên “tẽn tò” và tìm phương hướng khác mà đề cập thì hay hơn:
    http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=6511

  5. Nói chuyện hòa giải hời hợt như cỡi ngựa xem hoa, 44 năm bản mẫu sơ yếu lý lịch vẫn khét mùi nhân thân. Tạ duy Anh đã từng rêu rao người lính ngụy là loài chuyên ăn thịt người, ai ăn thịt ai giờ đã quá rõ.
    Muốn hòa giải, trước tiên phải xuống các buôn làng Tây Nguyên, họ sẽ cho biết sự thật về mối quan hệ cộng sản nói và cộng sản làm.
    KHông ai có gan tin vào lũ người cộng sản.

  6. “Lấy gì đảm bảo điều đó (và dù nhân danh điều gì thì cũng là bi kịch) không lặp lại?”

    Trả lời câu hỏi này của Tạ Duy Anh, chỉ còn cách duy nhất là Đảng Cộng Sản luôn là lực lượng chính trị duy nhất nắm quyền lực ở đất nước này thì chiện “tên tuổi rực rỡ hào quang một thời, bỗng chốc vào sọt rác trong chớp mắt” sẽ không lập lại & cũng chả có “bi kịch” nào kiểu đó xảy ra . Bi kịch khác xảy ra thui, chứ bi kịch văn hóa Cộng Sản bỗng chốc bị quẳng vào sọt rác chẳng bao giờ xảy ra nếu Đảng Cộng Sản còn lãnh đạo . Đảng Cộng Sản nào cũng được, miễn là Đảng Cộng Sản .

  7. Bắt chồng bỏ tù, đuổi vợ con ra khỏi nhà rồi bốc thăm chia nhau. Hàng triệu trường hợp còn độc ác và kinh tởm hơn thế. Chắc là để cho thỏa 20 năm chưa biết cái bàn chải đánh răng, núp vào rừng, lẫn trong dân… pháo kích, ám sát… Chừng nào của cải của “ngụy” như những nhà trong khu Trần Quốc Toản, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi… trở về với chủ cũ thì nói chuyện tiếp… Một thằng “anh em” mọi rợ, dốt nát vào giải phóng thằng văn hóa, văn minh… vào đến Saigon mua cá nhốt trong bồn cầu, sáng ra hô hoán là ai trộm cá… Thử đặt các đoạn văn của nhà văn nhớn Bảo Ninh trên đây bên cạnh “Dấu binh lửa”, “Mùa hè đỏ lửa”… hay thơ Tô Thùy Yên… mới thấy Bảo Ninh đớn hèn, thảm hại thế nào…

    • Mà nếu văn không kinh tởm như trên không của Bảo Ninh mà của Tạ Duy Anh thì cũng rứa… Thông cảm khi có ai đó không bao giờ đọc cái thứ văn chương gây ói mửa ấy…

  8. Ông TT Thiệu, với những tài năng cùng những tánh hư tật xấu, có nói một câu để đời: “Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

    Tạ Duy Anh là một người cộng sản. Tạ Duy Anh kêu gọi hoà giải dân tộc thì cũng tốt thôi, nhưng hãy đọc những gì người cộng sản đó viết trong sách:

    “…quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa hết hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe “thụt “một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giẫy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ… ”

    và:

    “Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào vừa bóp cò. Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận…”

    Hoà giải với người cộng sản viết ra những câu như vậy? Còn lâu.

    • Hoá ra là “bịa đặt” (chứ không phải hư cấu) như vậy !
      TDA.”Róc thịt uống rượu” thì cũng không khác gì Anh Đức (trong Hòn Đất)
      đã mô tả cha xứ và giáo dân hả hê “ăn thịt người” sau khi đi lễ về nhà !
      Thực ra “người” ở đây là chỉ các cán bộ và du kích VC.nhưng được bịa đặt
      vô nhân tính như thế cốt để kích động dân chúng chống lại VNCH.

    • Hòa giải dân tộc, cho tôi xin hỏi anh Nguyễn Hữu Tấn và 226 người chết trong đồn công an sẽ tính thế nào
      ? Thằng nào con nào sẽ chịu trách nhiệm cho những cái chết đó.
      Hòa giải không có nghĩa là tất cả mọi việc trước đây bỏ qua.
      Sinh mạng đồng bào chúng tôi không phải cỏ rác. Có án mạng thì phải có đền mạng. Đó là công lý, một chế độ chỉ là rác rưởi nếu như chấp nhận nhắm mắt bỏ qua những cái ác. Cho dù có biện hộ bằng các lý tưởng cao đẹp nào đi nữa.
      Một chế độ người dân Việt Nam đang cần là một chế độ bảo vệ được người dân. Nay có người nhân danh vì lợi ích dân Việt mà chấp nhận hòa giải (tôi nói bên cờ vàng) nhưng lại sẵn sàng bỏ qua các tội ác của vẹm để hòa giải. Chưa gì đã bắt đầu bằng việc gạt bỏ các sanh mạng của đồng bào đã bị vẹm sát hại qua một bên, thì liệu cái chánh quyền mới đó có thật sự chú ý đến lợi ích người dân.
      Đây là cái phao, hay còn gọi là các chiêu bài do vẹm thả xuống với mục đích là cho bọn hèn nhát trong và ngoài nước một lý do để ngụy biện cho sự hèn nhát mà thôi.

Leave a Reply to Đinh Trọng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây