Toàn văn bức thư tuyệt mệnh của Tổng thư ký Hội nhà văn Liên Xô A.Fadeev gửi Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô

Vũ Tuấn Hoàng

28-6-2019

13.05.1956. Peredenkino.

Tôi không thấy cơ hội để tiếp tục sống. Nghệ thuật mà tôi hiến dâng cả cuộc đời mình đã bị vùi dập bởi tầng lớp lãnh đạo vô học và tự mãn của Đảng. Giờ đây, mọi việc không thể cứu vãn được nữa. Những cán bộ văn nghệ xuất sắc, trong đó có những tài năng mà dưới thời Nga hoàng không dám mơ ước. Họ đã bị hủy diệt, bị ám hại dưới bàn tay tội ác của giới quyền lực. Những tài năng kiệt xuất của văn học đã ra đi ở lứa tuổi rất trẻ. Số còn lại không nhiều, có khả năng tạo nên được những giá trị thực sự, cũng bị chết trong độ tuổi 40-50.

Văn chương – Điều thánh thiện trong những điều thánh thiện – bị đem ra cho những kẻ quan liêu, những phần tử lạc hậu nhất băm vằm, thóa mạ từ trên các diễn đàn ”cao quí” như: Đại hội đại biểu toàn Moskow hay đại hội Đảng lần thứ XX. Ở đây, vang lên khẩu hiệu “Xiết cổ văn chương lại!”. Đó chính là cách mà người ta định ”sửa chữa” tình thế. Nó đã gây nên sự phẫn uất, tức giận. Một nhóm những kẻ gà mờ được thành lập, trong đó cũng có một số người trung thực nhưng bị lâm vào một tình trạng o ép nên không dám mở mồm nói lên sự thật. Những kết luận được họ đưa ra hoàn toàn đi ngược lại tư tưởng của Lênin hoặc bắt nguồn từ thói quen quan liêu, kèm theo những lời đe dọa và ”dùi cui”.

Thế hệ của tôi bước vào văn đàn dưới thời Lênin với bao tình cảm tự do, cởi mở dạt dào! Biết bao sức lực trong tâm hồn! Bao tác phẩm tuyệt vời được sinh ra và chúng tôi còn có thể sáng tác nhiều hơn thế nữa!

Nhưng sau cái chết của Lênin, người ta đã hạ nhục chúng tôi như đám trẻ ranh. Người ta đã hủy diệt, đe dọa chúng tôi và khoác cho việc làm này một cái tên “Tính đảng”. Giờ đây, khi mọi sự nếu có thể được sửa chữa thì lại bộc lộ ra sự thô lậu, vô học, kiêu căng hợm hĩnh với liều lượng đáng phẫn nộ của những kẻ được cho là phải thực hiện công việc chỉnh đốn này.

Văn học được trao vào tay của những kẻ bất tài, nhỏ mọn, có tính thù dai. Chỉ còn lại một số rất ít ỏi văn sĩ giữ được trong tâm hồn ngọn lửa thiêng, nhưng lại trong tình trạng bị cô lập hoặc tuổi tác đã gần đất xa trời. Hoàn toàn không có một chút động lực nào trong tâm hồn để sáng tạo…

Từ năm mười sáu tuổi, tôi đã gắn bó với Đảng, với giai cấp Công – Nông, được trời ban cho tài năng nổi trội để thực hiện những sáng tác to lớn vì Chủ nghĩa Cộng Sản. Tâm hồn tôi tràn đầy những ý tưởng và tình cảm cao cả mà chỉ có thể có được dưới ảnh hưởng của cuộc sống đất nước trong mối liên hệ với những tư tưởng tuyệt vời của chủ nghĩa Cộng Sản.

Nhưng, người ta đã biến tôi thành một con ngựa thồ hàng, cả đời phải lê bước dưới sức nặng của những kẻ bất tài nhưng quyền lực vô biên, để thực hiện vô số những việc làm quan liêu mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Thậm chí, cho đến ngày hôm nay, khi tính sổ cuộc đời mình, tôi thật không thể chịu đựng nổi khi nhớ lại khối lượng những việc được giao, những lời an ủi, khiển trách, hay chỉ đơn giản là sai lầm về vấn đề ý thức hệ… đã trút xuống đầu tôi. Nhân dân tuyệt vời hoàn toàn có quyền tự hào vì sự trung thực cũng như khiêm tốn của tài năng cộng sản sâu sắc trong tôi.

Văn học – thành quả cao nhất của chế độ mới – bị hạ nhục, truy sát và chà đạp. Sự tự mãn của những kẻ giàu nhờ học thuyết vĩ đại của Lênin đã khiến tôi mất hết niềm tin vào họ, cho dù họ thề thốt sùng bái học thuyết này. Chỉ có thể chờ đợi những điều tồi tệ hơn từ đám người này, còn tệ hơn cả Stalin bởi vì ông ta còn có học vấn, còn bọn này chỉ là một lũ mặt nạc đóm dày.

Cuộc sống của tôi với tư cách một nhà văn đã mất hết ý nghĩa. Tôi thấy vô cùng sung sướng được giải thoát khỏi sự tồn tại ô nhục này, nơi mà chỉ có sự dối trá, hèn mạt và vu khống đổ xuống đầu. Tôi ra đi.

Hy vọng cuối cùng của tôi chỉ là bộc lộ những điều này cho những người đang điều hành quốc gia. Song, suốt ba năm trời, mặc cho những lời thỉnh cầu của tôi, họ thậm chí không thể tiếp tôi.

Tôi mong được an nghỉ bên cạnh mẹ tôi.

A.Fadeev. 13.05.1956

(Theo hồ sơ mật vừa được bạch hóa “Stalin và giới văn sỹ” – Vũ Tuấn Hoàng chuyển ngữ).

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hoá ra trong hội nhà văn Liên xô cũng có nguời còn liêm sỉ và can đảm. Nhưng hội nhà văn quốc doanh Việt nam thì chẳng thấy có ai.

  2. Ngu thì chịu thôi, than cái gì. Cũng như cái gọi là văn chương văn hóa Việt Nam vậy. Không có thằng Pháp nó dạy cho thì vẫn cởi truồng. Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu và các “nhà văn hóa nhớn”… chẳng qua cũng chỉ là trí thức tú tài… Miền Nam giỏi hơn nhiều nhờ 20 mươi năm khai phóng mà người ta đành ngậm ngải qua sông. Nhược tiểu mà… Hồi tui còn bé mấy ông thày nói: “Ngu đại quốc, khôn nhược tiểu,” giờ càng thấm thía… Tui thách bọn nhân danh trí thức VN nêu rõ trong chỉ trong vài câu “tầm vóc tư tưởng” của các danh nhân văn hóa thương dẫn có gì để cho con nít tiểu học “ấn tượng”… Cả trường hợp triết gia Trịnh Công Sơn” cũng thế, dù chỉ bị lợi dụng, ru ngủ… nhà tư tưởng phải có hệ thống tư tưởng chớ… (trừ triết gia duy nhất là Kim Định).

    • Từ hồi còn ở tiểu học, tôi “ấn tượng” với tất cả các tên tuổi thượng dẫn. Bây giờ vẫn thế, dù tầm mức “ấn tượng” đã bị hạn chế đôi chút, và nhất là tôi đã đủ hiểu biết để chỉ đánh giá họ trong lãnh vực riêng của từng người. Tôi hoàn toàn không, hay chưa bao giờ, đánh giá Trịnh Công Sơn trong lãnh vực… triết học.

      Bốn chữ “trí thức tú tài” đủ nói lên mặc cảm tự ti ăn tới tận xương của người bình luận.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây