Phản biện muộn một luận án

Nguyễn Đình Cống

16-6-2019

Đó là luận án tiến sĩ của Phạm Mạnh Hùng, đề tài: Thu hút kiều dân trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ – Lý luận chung, thực tiễn Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam.

Luận án còn được công bố thành sách chuyên khảo với dòng ghi trên cùng của tờ bìa: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành – 2019. Phải chăng hai Viện đánh giá cao luận án của Phạm Mạnh Hùng?

Nội dung chính gồm 3 chương:

Chương 1: Lý luận về thu hút kiều dân trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ

Chương 2: Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thu hút Hàn kiều trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ

Chương 3: Một số bài học kinh nghiệm và hàm ý cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ.

3.1- Cơ sở vận dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc. 3.1.1- Bối cảnh quốc tế. 3.1.2- Những điểm tương đồng và khác biệt chủ yếu giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

3.2.- Một số bài học kinh nghiệm và hàm ý cho Việt Nam. 3.2.1- Một số bài học kinh nghiệm. 3.2.2- Một số hàm ý cho Việt Nam.

Tôi đoán rằng luận án được đánh giá rất xuất sắc, rất có giá trị thực tiễn. Nhưng nếu được làm phản biện hoặc chấm tôi sẽ đánh giá luận án chưa đạt yêu cầu. Tạm bỏ qua nhiều lỗi ấu trĩ về hình thức diễn đạt và một số nội dung rơm rác ở chương 1 và một phần chương 2, tôi chỉ chú trọng đến chương 3, là phần mà tôi cho là quan trọng nhất.

Vì không muốn viết quá dài nên tôi không nhắc lại và phân tích những điều tác giả đã viết mà chỉ đề cập đến điều tác giả không viết, vì không biết hay có biết nhưng không dám viết. Đó là điểm khác biệt chủ yếu giữa VN và Hàn Quốc, cũng như hàm ý đối với VN. Nó liên quan đến thể chế chính trị. Từ khác biệt chủ yếu ấy mà Hàn Quốc khá thành công, còn VN tuy cũng có được một vài kết quả nhưng hiệu quả rất thấp và thất bại trong một số trường hợp.

Trong sách Tại sao các quốc gia thất bại (Nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng và nghèo khó), Daron Acemoglu chỉ ra rất rõ vai trò của thể chế chính trị, nó khuyến khích, bồi dưỡng, tôn vinh người tài giỏi, tinh hoa (mà Phạm Mạnh Hùng gọi là người “có trình độ cao”) hay ngăn cản, vùi dập họ. (Trong 191 tài liệu tham khảo, không thấy quyển này),

Đảng CSVN có chính sách rất rõ ràng đối với người được gọi là “có trình độ cao”. Đảng đề ra yêu cầu cho họ là phải kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, phải trung thành với CNXH, phải tuyệt đối tin tưởng và nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nếu không có các phẩm chất trên thì dù tài giỏi đến đâu cũng không thể là trí thức của Đảng, mà không khéo lại bị quy thuộc thế lực thù địch.

Nếu dám phản biện, vạch ra những sai lầm của Đảng thì còn có thể bị tù đày. Đó là đối với người trong nước. Còn đối với kiều bào thì Đảng cũng chỉ muốn họ đem tiền về là chính, còn trí tuệ thì trước hết phải biết ca ngợi Đảng, sau mới là kiến thức khoa học. Hãy xem kỹ trường hợp Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Võ Nhơn Trí, Dương Quỳnh Hoa, Ngô Bảo Châu, Trịnh Vĩnh Bình thì rõ.

Về cách đối xử của Đảng và Chính phủ, Phạm Mạnh Hùng đưa ra, nào NQ 36 (2004), Chỉ thị 45 (2015), NQ 27 (khóa X), NQ 20 (khóa XI), rồi Nghị định 40 và 87 (2014). Nếu chỉ xem qua văn bản thì thấy rất đúng, rất hay, nhưng phân tích kỹ và nhìn vào thực tế thì mới phát hiện ra “nói dzậy mà không phải dzậy”.

Trong mục 3.2.2 (Một số hàm ý cho VN) Phạm Mạnh Hùng đưa ra một số điểm có vẻ hay ho, nhưng toàn là việc phụ và vụn vặt. Việc quan trọng và cấp thiết nhất để phát triển đất nước, trong đó có việc thu hút người Việt hải ngoại có trình độ cao là cải cách thể chế chính trị, để có được dân chủ tự do, tạo môi trường tốt cho sáng tạo và vận dụng khoa học, công nghệ.

Phạm Mạnh Hùng có nhận xét đúng, rằng Việt Kiều có một số phải bỏ nước ra đi vì không thể sống chung, không thể chấp nhận chế độ cộng sản. Họ bị CS xem là thù địch, là ngụy, là kẻ thuộc bên bại trận. Tuy rằng Đảng và Nhà nước kêu gọi hòa hợp và hòa giải dân tộc, nhưng sự kiêu ngạo cộng sản của kẻ thắng trận, đã ngăn cản sự hòa hợp rất cần đó. Vậy Đảng phải dẹp bỏ kiêu ngạo, thực tâm, chân thành, chủ động hòa giải mới mong thu hút được người tài trong Việt kiều.

Nếu xem sách đã dẫn của Phạm Mạnh Hùng là tài liệu tuyên truyền, là phụ họa cho đường lối và nghị quyết của Đảng thì không nói làm gì. Còn nếu xem nó là một công trình khoa học thì tôi thấy chưa xứng đáng. Làm nghiên cứu khoa học gì mà mới chỉ đụng đến bên ngoài, chưa chạm vào bản chất. Chưa chạm vào vì không thấy, hoặc thấy mà tránh. Nếu không thấy thì phạm lỗi kém trình độ, nếu thấy mà tránh thì phạm lỗi thiếu trung thực. Phạm vào một trong hai lỗi ấy thì không thể là công trình khoa học.

Vì muốn viết ngắn nên tôi đã bỏ qua nhiều điều, việc này có thể làm một số bạn chưa hài lòng. Bạn nào quan tâm, có nghi vấn hoặc không tán thành điều gì, xin đặt câu hỏi hoặc phản biện trở lại, tôi xin sẵn sàng và vui lòng trao đổi thôi tin. Số ĐT: 0389 578 620 hoặc 0942 552 973, Email: ndcong37@gmail.com

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Viet-studies của Tiến sĩ Trần Hữu Dũng là 1 địa chỉ khởi nghiệp khá popular với giới dư lợn viên cao cấp. Nguyễn Trung, Nguyễn Đình Cống, Lê Ngọc Thống, Trần Văn Chánh, Quách Hạo Nhiên, Phạm Hưng Quốc … nhiều người cũng từ đó mà ra . Thêm Phạm Mạnh Hùng nữa cũng chả làm ai ngạc nhiên .

  2. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cống , nguyên là người trong cuộc đã có bài này phản biện rất chí lý , sắc sảo , trung thực . Người Việt đang ở nước ngoài , có học , tài cao , nhiều đôla nên đọc kỹ bài này và thấm nhuần tấm gương , kết cục bi đát của Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình .

  3. Trong lĩnh vực công nghệ ,người Việt chỉ như những người “chạy theo “trong một đội bóng, vai trò dẫn dắt không bao giờ có, đó là một điều chắc chắn. Muốn thu hút, cứ trả tiền cao họ về ngay,vì ở nước ngoài cạnh tranh rất khốc liệt….

  4. Nói chung thì tui cũng nhất trí với bác Cống về ảnh hưởng của chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nước ngoài thu hút nhân lực Việt nam. Rời VIệt nam đâu phải chỉ là “kiều dân” tị nân, thuyền nhân như trong quá khứ, mà bây giờ có thêm đội quân sinh viên du học các cấp các ngành, học xong không trở lại phục vụ. Ngoài nguồn trí lực, tui cũng thấy nguồn vốn, tiền đầu tư cũng chảy ra nước ngoài, lén lút hay công khai, một phần không nhỏ là để đầu tư nhà cửa, chẳng thấy chảy về.

    Đất lành chim đậu, đó là chuyện đã biết từ lâu. Việt nam đi về đâu trong vòng tay đảng, thì tui để cho mỗi người tự suy diễn. Nhưng bây giờ tui thì muốn bàn một chút về khía cạnh tự do học thuật khoa học xã hội ở Việt nam.

    Cũng từ Việt nan nhưng từ Fulbright, bác có đọc thesis này chưa:

    http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenTrangNhung_DuBaoDacKhu.pdf
    http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenTrangNhung_Slides.pdf

    Nếu có, bác có suy nghĩ gì về tư do học thuật khoa học xã hội và phẩm chất sản phẩm ở Fulbright ?

Leave a Reply to Ha Dang Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây