Học ngoại ngữ

Nguyễn Thông

16-6-2019

Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 7 vừa nhất trí cao việc không cần thiết coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở xứ này. Đối với họ, chỉ cần thông thạo tiếng Việt, sử dụng chuẩn tiếng Việt, đừng ngọng nghịu như ông Nhạ là đủ rồi, thêm ngôn ngữ nữa làm cho mắc mệt.

Nhưng những người cầm đầu chính thể cộng sản nước ta từ thời khởi thủy của nó tới nay đều luôn đề cao việc học ngoại ngữ. Họ nói rất hay, nào là ngoại ngữ là chìa khóa mở ra thế giới, nào là biết thêm một ngoại ngữ là thêm một cuộc đời, v.v… Họ ca tụng cụ Hồ biết tới 17 ngoại ngữ (gần bằng cụ Trương Vĩnh Ký), chưa kể nói được cả tiếng Tày, Nùng, xem đó là tấm gương sáng ngời để học tập, là vạn thế sư biểu về ngoại ngữ. Nói túm lại, ngoại ngữ chỉ quan trọng sau lý luận về chủ nghĩa xã hội.

Nghĩ thế, chủ trương thế nhưng làm thì ngược lại.

Thời Pháp thuộc, nền giáo dục của Pháp rất chú trọng tới thực chất nhưng lại khá toàn diện. Riêng về ngôn ngữ, những ai đã học trong nhà trường thời Pháp, dù ở thành thị hay nông thôn, dù là con nhà đại tư sản hoặc quan chức cao cấp của chính quyền hay con nhà nông dân, đều sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt, quốc ngữ) và tiếng Pháp. Học xong tiểu học là đã đọc, viết, nói tiếng Pháp như cháo chảy.

Kể đâu xa, thày (bố) tôi, chỉ học trường làng nhưng tiếng Pháp làu làu, hồi quân Pháp kéo về Hải Phòng tập kết 300 ngày chờ rút khỏi miền Bắc, chúng đóng ở đình làng Trà Phương quê tôi, chúng ra tiệm tạp hóa của bu tôi mua hàng, thày tôi trò chuyện với chúng, khỏi cần phiên dịch (hồi ấy bu tôi chưa đẻ tôi nhưng được nghe anh chị kể lại, phải nói rõ như vậy kẻo lại có dư luận viên căn vào đó bảo tôi nói phét). Sách tiếng Pháp đủ mục sử ký, địa lý, cách trí, văn chương… đầy các tủ, nhưng chỉ có thày tôi đọc bởi mấy chị em tôi đều được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhìn vô đó chỉ mù tịt. Đó là chưa nói thày tôi còn biết cả chữ nho, đọc sách chữ nho thạo như ta đọc truyện của nhà văn Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Hoàng Diệu… bây giờ.

Ai đã đọc cuốn “Đất rừng phương nam” của nhà văn Nam bộ Đoàn Giỏi (tương truyền có câu “Đoàn Giỏi giỏi mà ngu/Tào Ngu ngu mà giỏi”, chắc chỉ để cho vui, kiểu chơi chữ, chứ nhà văn họ Đoàn này là một tay cự phách, giỏi nhiều mặt, nhất về đề tài Nam bộ, nhiều nhà văn cả đời sáng tác cũng chỉ đáng xách dép cho ông) chắc còn nhớ cậu bé An chạy giặc bị lưu lạc, làm công cho quán rượu của dì Tư Béo.

Khi con mụ “vợ” Tư Mắm làm gián điệp đi dò la kháng chiến, vào quán dì Tư kêu rượu tây Macallan nhâm nhi, ngồi ghi chép những gì nó dò biết được, cẩn thận ghi bằng tiếng Pháp, nghĩ rằng ở nơi khỉ ho cò gáy này chẳng ai đọc nổi, nào ngờ thằng bé con gầy gò kia trông ngó vào hiểu hết khiến con mẻ bị lộ. Dì Tư còn vô tình hãnh diện khoe với nó rằng thằng bé trông vậy mà có bằng certificat, tiếng Pháp làu làu, khiến cu An suýt bị đám Tư Mắm giết chết.

Nói vậy để hiểu rằng người Pháp đã tổ chức việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường rất hiệu quả. Nền giáo dục của họ tạo nên những thế hệ trí thức tuyệt vời ở nước ta mà bây giờ nhắc tới những tên tuổi lẫy lừng ấy hậu sinh đều phải cúi đầu kính phục. Không thể kể ra đây được, chỉ bởi đơn giản là nhiều quá, nhiều cây đa cây đề, nhiều núi Thái Sơn sừng sững quá, phím đâu gõ cho xiết. Đó là những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà nông học, văn nghệ sĩ, nhà sử học, doanh nhân… lẫy lừng.

Thông thạo ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa) đối với họ là chuyện nhỏ, chuyện bình thường, hẳn nhiên phải thế. Tầng lớp này sau đó đóng góp rất nhiều công lao khi những người cộng sản nắm quyền cai trị xã hội miền Bắc. Cứ tưởng tượng, nếu không có họ, chế độ mới sẽ rất ì ạch vất vả trong việc vận hành xã hội sau cuộc chiến tranh điêu tàn.

Chưa đầy 100 năm, người Pháp đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đông nghẹt (đừng vội quy kết chế độ cũ đào tạo ra nhân tài để làm gì, phục vụ ai, kiểu lý luận ấy xưa rồi), và ta nhìn lại thử hệ thống giáo dục của người cộng sản hơn nửa thế kỷ xem, có mấy tên tuổi đáng được liệt kê, hay quanh đi quẩn lại cũng chỉ Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn (hai vị cuối ni thành danh cũng chả hẳn là sản phẩm của giáo dục xã hội chủ nghĩa)…

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đông như quân Nguyên nhưng số người lập bập được một ngoại ngữ cũng quá hiếm, chứ nói chi thông thạo. Tôi từng chứng kiến một ông thứ trưởng, hàm giáo sư, khi trò chuyện với mấy vị khách nước ngoài bên lề cuộc hội thảo cứ phải đợi đứa thông ngôn dịch xong mới có thể tiếp tục câu chuyện. Một phần ông ấy chỉ biết tiếng Nga (do học ở Liên Xô về), phần khác bởi mù tịt tiếng Anh tiếng Pháp.

Cũng từng nghe, sinh thời ông cố chủ tịch nước người Ninh Bình học hàm học vị giáo sư tiến sĩ nhưng không thể nào nói được câu tiếng Anh lưu loát. Tức là còn thua thày tôi hồi xưa chỉ có “học hàm học vị” certificat tiểu học trường làng. Đó là sự khác nhau rất rõ giữa nền giáo dục cùng một xứ nhưng hai giai đoạn, giữa thời học song song 2 ngôn ngữ với thời trần xì chỉ có tiếng mẹ đẻ.

Rất đáng tiếc, sau khi người Pháp rút đi, miền Bắc được giải phóng, cuộc sống mới được thiết lập, trong đó có giáo dục, thì chế độ mới đã cực đoan gần như xóa sạch tàn dư của thực dân phong kiến. Và họ đã làm gì, kể cả việc đào tạo ngoại ngữ?

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tiếng Anh, tiếng Pháp là ngôn ngữ của tư bản giãy chết, tư bản bóc lột,…Bây giờ chúng là phương tiện để hội nhập, cửa ngõ đi vào thế giới văn minh, giàu có, sung túc,… nhưng theo Các Mác, một bộ óc vĩ đại đã tiên đoán rằng khi CNTB phát triển đến đỉnh cao thì tất yếu chuyển sang CNXH và CNCS. CNTB sẽ bị tiêu diệt bởi một giai cấp tiên tiến nhất là giai cấp vô sản. Vậy thì chúng ta học tiếng Anh, tiếng Pháp làm gì ? Ai lại đi học ngôn ngữ của bọn giãy chết và học hai thứ tiếng trên, liệu có bị quần chúng vô sản kết tội theo đuôi đế quốc không một khi cách mạng vô sản nổ ra trên toàn thế giới ?

  2. Học sinh biết tiếng Anh, luyện tiếng Anh bằng nghe, đọc báo đài tư bản giãy chết: BBC, Washington Post, RFA, Reuters, ….là ko có lợi cho “Định hướng XHCN”. Quốc hội có 484 đại biểu, trong đó có 19 người ngoài Đảng (chiếm tỉ lệ 4%) và 465 đảng viên ĐCSVN nên QH đồng ý không cần thiết coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, là đúng rồi bác Thông ơi.

  3. Thôi đi các vị , đừng bày đặt ngoại ngữ với chả nội ngữ ! Nếu bắt buộc , tui e rằng dân tui coi tivi nghe đại biểu QH phát biểu bằng tiếng bồi nữa Ăng lê nữa Tàu khựa lại ngẩn tò te đếch hiểu chi mô răng rứa !

  4. Học ngoại ngữ mà làm gì? Từ “khai thiên lập địa” cái nước Nam XHCN, có anh Chủ tịch nước, có anh Thủ tướng nào biết tiếng Tây tiếng u gì đâu mà nước vẫn tiến lên 4.0, nay mai dẫn đầu thế giới về Khoa học kỹ thuất đó sao?
    Anh Thủ tướng Cờ Lờ Vờ vào nghe nhạc giao hưởng cầm tờ báo quạt phành phạch, có sao đâu? Bày đặt ngoại ngữ với chẳng nội ngữ.

Leave a Reply to Sóc trăng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây