Chuyện kể về một tội ác (Phần 2)

Lê Liêu Minh – Tam Ân

13-6-2019

Tiếp theo phần 1

III. Đến tính mạng con người

1. Thị xã Đức Phổ

Đức Phổ là một huyện nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi Quảng Ngãi có chủ trương đưa Đức Phổ từ huyện lên thị xã, giao thông được đầu tư trước nhất. Đức Phổ là quê hương của “chị Hồng”, tức Cao Thị Hồng, vợ của Lê Viết Chữ, từ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải lên Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.

Anh em trong gia đình “chị Hồng” nổi lên như một thế lực phía nam của tỉnh. Các dự án đầu tư công, xây dựng khu dân cư, liên quan đến đất đai, … thông qua được anh em rồi đến “chị Hồng” là đã thành công.

Chính vì vậy “khu nhà gia đình chị Hồng” được xây dựng như một đế chế, để nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân Đức Phổ biết rằng: đây là nhà của bố mẹ vợ Bí thư Lê Viết Chữ. Cần gì thì cứ gặp “chị Hồng”, có “chị Hồng” giúp là xong!

2. Chuyện tranh chấp đất đai

Quay ngược thời gian vào giai đoạn hợp tác xã nông nghiệp, lúc đó đất đai thuộc chính quyền cấp xã và hợp tác xã nông nghiệp quản lý.

– Năm 1972: Bà Phạm Thị Lê thừa kế từ ông nội mảnh đất vườn hơn 5.000m2.

– Ngày 30/7/1979: Theo yêu cầu của Ban quản trị HTX Phổ Nhơn 1 và Ủy ban xã Phổ Nhơn xác nhận, bà Lê đổi cho bà Phan Thị Mễ 0,2 sào để bà Mễ làm nhà ở (Ghi chú: đơn vị “sào” Trung bộ, mỗi sào 500 m2).

– Năm 1989, bà Mễ viết giấy bán nhà cho ông Thạch Cảnh Phổ, trong giấy bán không ghi rõ diện tích nhưng có kèm theo giấy đổi đất.

– Năm 1993, chia đất theo Nghị định 64/CP và nộp thuế thì bà Lê có diện tích 3.700m2; ông Phổ có diện tích là 1.150m2. Bà Lê cho rằng ông Phổ lấn chiếm và từ đó phát sinh mâu thuẫn.

– Năm 2008, bà Lê tranh chấp đất với vợ chồng ông Phổ và khiếu nại, đo đạc thực tế thì vợ chồng ông Phổ sử dụng 1.075m2, bà Lê sử dụng thực tế là 3.936m2.

– Ngày 11/12/2008, Ủy ban xã Phổ Nhơn phát hành công văn số 68/UBND về việc trả lời đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai của bà Lê: “Về nguồn gốc đất của bà Phan Thị Mễ, bà Mễ có đơn xin đất làm nhà gửi Ban quản trị HTX và Ủy ban xã Phổ Nhơn ngày 11/7/1979, được HTX Phổ Nhơn 1 và Ủy ban xã Phổ Nhơn thống nhất cho bà Mễ được đổi vườn cũ đất thịt là 0,2 sào để lấy 0,2 sào đất vào ngày 30/7/1979. Bà Mễ sử dụng đất và làm nhà sinh sống từ mảnh đất đổi này cho đến năm 1989 thì bán lại cho vợ chồng ông Phổ.

Vụ việc đến đây là đã quá rõ ràng: bà Lê đổi cho bà Mễ 0,2 sào (100 m2) đất; sau đó bà Mễ bán cho ông Phổ; ông Phổ ở và lấn chiếm dần với diện tích lên đến 1.075m2 (kê khai nộp thuế là 1.150m2).

3. Thể hiện quyền lực

Bà Lê vốn là một nông dân nghèo, ít học, chất phát; vì quá bức xúc nên đã phải khiếu nại dây dưa kéo dài nhiều năm, nhưng ông Phổ vẫn không giao trả đất lấn chiếm và chính quyền cũng không giải quyết; chỉ vì ông Phổ là cán bộ xã Phổ Nhơn và bố vợ ông Phổ là cựu Chủ tịch UBND huyện Đỗ X. Xã bao che không giải quyết, bà Lê khiếu nại lên huyện.

Ngày 23/8/2013, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ ban hành Quyết định không công nhận nội dung đơn của bà Lê, đồng thời công nhận hiện trạng sử dụng đất của ông Phổ 1.075m2. Huyện Đức Phổ chủ quan, cứ nghĩ bà Lê là nông dân thấp cổ bé miệng, đến đây sẽ dừng lại. Không ngờ bà Lê tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh.

Bây giờ vụ việc vượt ra ngoài huyện Đức Phổ nên ông Thạch Cảnh Phổ phải chạy.

Qua sự giới thiệu và quan hệ bắt cầu, ông Phổ và một vài cán bộ huyện gặp được “chị Hồng” để trình bày nguyện vọng. Ông Phổ may mắn được “chị Hồng” tiếp đón vui vẻ, đồng ý giúp đỡ nhiệt tình. Lúc này Lê Viết Chữ vừa nhận chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Nói thêm: Mảnh đất tranh chấp của ông Phổ là đất vườn ở nông thôn, giá trị không cao, không đáng để “chị Hồng” quan tâm. Giúp ông Phổ “chị Hồng” không được lợi ích vật chất đáng kể. Nhưng giúp ông Phổ cũng là giúp huyện Đức Phổ, tức là giúp đỡ quê hương (!). Quan trọng hơn nữa là “chị Hồng” muốn thể hiện quyền lực của một “đệ nhất phu nhân”, thiết lập quan hệ tốt để “cùng tham gia phát triển huyện nhà”, với nhiều dự án đầu tư kinh tế, đô thị hóa, để chuyển huyện lên thành thị xã.

Vậy là “chị Hồng” lệnh cho đồng chí chồng là Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phải giải quyết; mặt khác “chị Hồng” cũng gặp một số “chuyên gia tư vấn” để tìm hướng xử lý.

4. Công lý thuộc về kẻ mạnh

Phải nói là Lê Viết Chữ khá đau đầu về vụ này. Chữ đang có cơ hội lên nữa và tham vọng “ra Trung ương”, điều Chữ cần lúc này là uy tín chính trị ở địa phương, khoản tài chính lớn để đầu tư cho tương lai, chứ không phải những vụ tranh chấp đất đai vặt vãnh của dân đen.

Đến lúc buộc phải chọn lựa giữa một bên là công lý, đạo đức và một bên là vợ, bên vợ, gia đình. Cuối cùng Lê Viết Chữ chọn “nhà nước” (theo cách gọi của quan chức đảng viên lúc đó, tức là chọn “nhà trước – nước sau”, khác với cách gọi “quốc gia” dưới thời Việt Nam Cộng hòa). Gia đình vẫn là số 1.

Lê Viết Chữ đồng ý giúp ông Phổ, giúp huyện Đức Phổ, nhưng giúp như thế nào để từ 100 m2 đất biến thành 1.075m2 thì cả “hệ thống chính trị” cánh hẩu của Chữ vào cuộc.

Sau nhiều tháng trời nghiên cứu, với sự sáng tạo của một tài năng trẻ có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản trị và Chính sách công Đại học Queensland (Australia) đã chủ trì nghiên cứu soạn thảo văn bản để giải trình được bài toán:

1 sào = 500m2 => 0,2 sào = 1.000m2“.

Còn diện tích đất tăng từ 1.000m2 lên 1.075m2 thì được nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Tăng Bính đạo diễn, việc này đơn giản hơn, vì vốn là nghề của các quan chức địa chính.

Cuối cùng thì cũng có đầy đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 02/04/2015 (1). Quyết định này công nhận huyện Đức Phổ đúng, đồng nghĩa chấp nhận cho ông Thạch Cảnh Phổ thắng, lấy được 975m2 đất của bà Phạm Thị Lê.

5. Về Quyết định 436/QĐ-UBND

Quyết định 436 của Chủ tịch tỉnh Lê Viết Chữ đã để lại nhiều hệ lụy và tác động đến nhiều số phận.

a) Cho phép chính quyền huyện Đức Phổ thực hiện cưỡng chế cướp đất của dân một cách độc ác. Từ đó chính quyền mang ơn và thuần phục vợ chồng “Chữ-Hồng“.

b) Nguyễn Tăng Bính, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, đã ngụy biện lấy được để tham mưu cho Văn phòng UBND tỉnh ban hành Quyết định.

Nguyễn Tăng Bính, quê cũng ở huyện Đức Phổ, nên giúp cho cán bộ huyện nhà là tất yếu. Hiện nay Nguyễn Tăng Bính được Lê Viết Chữ đưa lên làm Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi.

c) Điều đáng nói là cán bộ trẻ của Phó phòng thuộc Văn phòng UBND tỉnh chủ trì soạn thảo Quyết định được đánh giá là một tài năng của Tỉnh. Khi lên Bí thư tỉnh ủy, Chữ chuyển cán bộ này qua làm Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy và sau đó đưa lên làm Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy năm 33 tuổi (2) được báo chí lề phải ca ngợi.

Nói thêm, Nguyễn Viết Vy là một trong những đệ tử được Lê Viết Chữ chọn nhờ đáp ứng các điều kiện:

– Được đào tạo chính quy, bài bản, trẻ (để đối phó với dư luận).

– Cùng quê hương Nghĩa Hành với Chữ.

– Không có thân thế nào thì càng tốt, quan trọng là phải trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào Chữ giao. Chẳng hạn như tham mưu ban hành Quyết định 436 là một minh chứng.

Chọn Nguyễn Viết Vy vào vị trí này là nằm trong chiến lược nhân sự của Lê Viết Chữ. Cũng từ vị trí Bí thư huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn mà bà Bùi Thị Quỳnh Vân được đồng chí ở trung ương “nâng đỡ trong sáng” để cơ cấu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

d) Quá trình soạn thảo, ban hành Quyết định 436 cũng tạo ra nhiều bất đồng và gây chia rẽ trong những cán bộ tham mưu liên quan.

Lẽ ra, với tư cách cơ quan cấp trên xử lý khiếu nại, cấp dưới cần phải độc lập, khách quan phân tích trên cơ sở khoa học, hiện trạng đất đai và căn cứ pháp lý từng giai đoạn lịch sử. Nhưng Nguyễn Viết Vy tham mưu: Tôn trọng ý kiến cấp cơ sở, lấy ý kiến của ông Nguyễn Tiến Thinh, cựu Chủ tịch xã, ngày 11/07/1979, là người xác nhận “Đơn xin đất làm nhà” của bà Mễ trước kia. Đến thời điểm này ông Thinh đã nghỉ hưu, già yếu, không còn chịu trách nhiệm dân sự nữa, xác nhận: “0,2 sào có nghĩa là không mẫu hai sào chứ không phải là 0,2 sào (tương đương 100m2)” (xem ảnh bên dưới) theo gợi ý của cơ quan thanh tra (hình 3). Từ đó Nguyễn Viết Vy có cơ sở xác định: 0,2 sào = 0 mẫu 2 sào = 500m2 x 2 = 1.000m2. Còn 75m2 do biến động đất đai và sai số qua các lần đo đạt.

Trích trang 4 Quyết định 4360,2 sào = 1.000m2

Vậy là từ văn bản đổi đất 0,2 sào trở thành 1.075m2 rất có cơ sở khoa học và pháp lý.

***

Vụ 0,2 sào = 1.000m2, không phải tất cả chuyên viên đều chấp nhận diễn giải này, trên cơ sở như sau:

– Thứ nhất, sau năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đo đạt đất đai để tính thuế nông nghiệp và vào hợp tác xã, đều sử dụng đơn vị đo là mét vuông và sử dụng dấu phẩy (,) là số lẻ thập phân cho đơn vị đo. Mọi người có thể kiểm chứng sổ sách lưu trữ thời đó một cách dễ dàng.

Một số trường hợp người dân dùng đơn vị cũ là “sào” thì “sào” là đơn vị tính và kèm theo số lẻ của sào theo hệ thập phân (ví dụ: nửa sào, một phần ba sào, …)

– Thứ hai, là tính logic của thực tế giai đoạn lịch sử, việc xin đất làm nhà vào thời điểm quốc hữu hóa đất đai cho hợp tác xã nông nghiệp, nếu đất tư nhân thì cho làm nền nhà 50-100m2, còn đất hợp tác xã thì cấp tối đa 200-300m2. Hoàn toàn không có chuyện giao đến hàng ngàn mét vuông đất ở như ông Nguyễn Tiến Thinh xác nhận.

– Thứ ba, nếu quy đổi đơn vị đo từ “sào” sang “m2” khó khăn thì chỉ cần làm văn bản gởi các cơ quan khoa học; hoặc chỉ cần ông Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo Trung tâm thông tin lưu trữ đối chiếu cách ghi đơn vị đất đai từ đơn vị “sào” trước đó trong các giấy tờ như Trích lục của Đại Nam Trung kỳ Chính phủ. Xem ảnh:

Trích lục Đại Nam Trung Kỳ chính phủ

Mặc dù thời Pháp đã sử dụng dấu số lẻ thập phân, nhưng nếu sử dụng đơn vị đo cũ của Việt Nam vẫn ghi rõ “mẫu, sào, thước, tấc” chứ không dùng dấy phẩy (,).

Tất cả các ý kiến đều không dám công khai. Ai cũng hiểu, nói ra sẽ mất vị trí làm việc đầy quyền lực và béo bở. Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện để tự trào.

Ví dụ: Sếp trong phòng giao việc cho nhân viên, hỏi chừng nào có kết quả, nhân viên trả lời: nửa giờ. Gần một tiếng sau sếp hỏi xong chưa, nhân viên nói chưa xong. Sếp hỏi: sao nói nửa giờ mà gần tiếng rồi chưa xong. Nhân viên nói: Nửa giờ = 0,5 giờ = nghĩa không ngày năm giờ = 5 giờ, do đó nửa giờ không phải là 30 phút!

6. Đường cùng

Từ một người cho đất thành một người mất đất. Từ một người khiếu nại tìm công lý lại trở thành nạn nhân của cường quyền.

Chưa có Quyết định 436 thì đất đai ở tình trạng tranh chấp; nhưng Quyết định 436 của Chủ tịch tỉnh Lê Viết Chữ đã cho phép huyện Đức Phổ được quyền cưỡng chế, chính thức lấy đất đai của bà Phạm Thị Lê giao cho ông Thạch Cảnh Phổ.

Sáng ngày 12/8/2015, chính quyền địa phương đã huy động hơn 20 công an, cán bộ kéo đến cưỡng chế để bảo vệ cho ông Phổ xây dựng. Quá uất ức bà Phạm Thị Lê đã tự thiêu (3).

Lửa được dập tắt kịp thời, bà Lê được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cấp cứu, đến 11 giờ trưa chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu với mức độ bỏng hơn 40% cơ thể. Đến ngày 13/2, vì bỏng nặng nên bà Lê được chuyển ra Hà Nội điều trị trong tình trạng nguy kịch. May mắn là cộng đồng ở Hà Nội giúp đỡ nên bà Lê qua cơn nguy kịch (các bạn ở Hà Nội đọc bài viết này vui lòng bổ sung thêm).

Trong giai đoạn bà Lê điều trị bỏng ở Hà Nội, chính quyền vẫn tiếp tục cưỡng chế, ông Phổ hoàn thành việc chiếm đất một cách hợp pháp. Kết quả đối với bà Lê: mất đất, tàn tật suốt đời.

Bà Phạm Thị Lê trước khi tự thiêu. Ảnh: Tác giả gửi tới Tiếng Dân
Bà Phạm Thị Lê sau khi tự thiêu. Ảnh: Tác giả gửi tới Tiếng Dân

Mời xem clip nhà hoạt động Trần Thị Nga phỏng vấn bà Phạm Thị Lê, qua kênh Hồ sơ Dân Oan:

© Copyright Tiếng Dân – Các trang đăng lại xin ghi rõ nguồn

_________

Chú thích:

(1) Quyết định số 436/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ ký ngày 02/04/2015, Về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Phạm Thị Lê với ông Thạch Cảnh Phổ, cùng thường trú tại thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

(2) Lý Sơn có Bí thư huyện ủy 33 tuổi Nguyễn Viết Vy (TN).

(3) Clip bà Phạm Thị Lê tự thiêu (DLB).

_______

Ảnh 1-5: Quyết định vụ án dân oan Phạm Thị Lê, do Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi ký, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Lê Viết Chữ. Ảnh của tác giả gửi tới.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Theo Lê Nguyễn Duy Hậu, những “evils” này là “necessary”. Đồng thời cho tớ được phép cực lực lên án hành động “vô học & cực đoan”, đào bới “quá khứ”, làm hại tới “hòa hợp hòa giải” ô Nguyễn Quang Duy vừa kiu gọi, đi ngược lại chủ trương “ôn hòa & có học” của nữ anh (k)hùng Phạm Đoan Trang, đi ngược lại tinh thần “cứu Đảng là cứu nước” trong các kiến nghị/đề nghị/thư ngỏ/tâm thư hay những của khỉ như vậy từ những trí thức trí tuệ, dũng cảm, kiến thức sâu rộng & có trách nhiệm với đất nước .

    Mong những người như bà Phạm Thị Lê không mang trong lòng mối hận thù chế độ, hãy quên đi mọi bất công để cùng góp công, góp sức xây dựng niềm tin của dân đ/v Đảng, để xây dựng cuộc sống & xã hội ngày càng xứng đáng với lý tưởng Cộng Sản Bác Hồ đã lựa chọn cho đất nước & dân tộc .

  2. Thật là ác hơn dưới chế độ quân chủ hay thực dân.
    Ưu việt của chủ nghĩa cộng sản là đây???

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây