Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 1)

Quế Hương

12-6-2019

Cao Thị Xuân Phượng sinh ngày 10/11/1968 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Phượng tốt nghiệp ngành  Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 7/1990, Phượng về công tác tại Báo Công an Quảng nam- Đà nẵng với vai trò biên tập viên. Lúc này, Trương Duy Nhất đã là một phóng viên Chính trị – xã hội dày dạn. Phượng và Nhất quen nhau tại đây và kết hôn sau đó.

Đến tháng 8/1994, sau nhiều lần Trương Duy Nhất bị cơ quan phê bình, kiểm điểm và bị buộc phải rời báo Công An QNĐN, Trương Duy Nhất nghỉ báo CA QNĐN và Phượng cũng xin nghỉ theo chồng.

Nhất đầu quân cho báo Đại Đoàn Kết (cơ quan của MTTQ Trung ương). Còn Phượng thì xin đi dạy học lần lượt ở THCS, rồi THPT. Năm 2004, Phượng chuyển công tác về khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho đến nay. Năm 2011, Phượng lấy được bằng Tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam tại Viện Văn Học, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Những gì Trương Duy Nhất làm, Trương Duy Nhất viết, Phượng nắm rõ và tham gia tận tuỵ với chồng.

Năm 1997, Nguyễn Bá Thanh bắt đầu làm chủ tịch UBND TP, thì Trương Duy Nhất cùng Vũ “nhôm” và một số nhà báo cũng về phụng sự anh Bá một cách trung thành. Nhờ vậy mà cái tên Bá Thanh đã trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết: Nào là “dám nghĩ dám làm”, là “ngôi sao đang lên” trên chính trường VN…

Ảnh trên (trái) Trương Duy Nhất, (phải) Vũ “nhôm”. Ảnh dưới: Nguyễn Bá Thanh

Hơn 15 năm “hô mưa gọi gió” ở Đà Nẵng, Bá Thanh đã biến đất đai, công sản của thành phố này trở thành tài sản “hương hoả” của cha ông mình để lại. Vì thế, Bá Thanh tự cho mình cái quyền ban phát tùy ý, vô tội vạ. Cấp trên ư? Tuỳ theo vai trò và vị trí quyền lực, sẽ được Bá Thanh xếp cho các lô biệt thự ven biển, các trục đường lớn… mà giá thành hiện nay lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ.

Danh sách được duyệt đất có đầy đủ các thành phần: chính trị gia, tướng lĩnh đương chức, bạn bè-đồng liêu của Bá Thanh, lẫn những quan chức đàn anh và các trí thức tên tuổi “vua biết mặt, chúa biết tên”. Điều này lý giải vì sao các đơn kiện tụng, tố cáo Bá Thanh gởi về Trung ương đều rơi vào quên lãng.

Còn tại thành phố, Bá Thanh biếu không cho CLB Thái Phiên (CLB hưu trí cán bộ cao cấp) hàng chục tỷ đồng mỗi năm để… sinh hoạt (!)

Các đàn anh của Bá Thanh thấy vậy, cũng lập ra cái gọi là “Hôi cựu cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng”. Và tất nhiên, Bá Thanh duyệt cho Sở Tài chính chi “ủng hộ hội” lên đến hàng tỷ đồng.

Có lần mẹ Bá Thanh nhập viện cấp cứu vì tim mạch. Bà được chăm sóc và khoẻ mạnh. Thế là mỗi bác sĩ tham gia ca cấp cứu hôm đó được duyệt cho mua… một lô đất giá rẻ! Có bác sĩ trong khoa Hồi sức Cấp cứu đã phải “ôm đầu” tiếc nuối, vì ngày đó đang bận đi công tác.

Trong bối cảnh đó, các nhà báo đứng chân trên địa bàn Đà Nẵng đều không bỏ lỡ cơ hội xin đất. Có rất nhiều vụ được ban “ân huệ” và những tên bồi bút đã tôn vinh, ru ngủ dư luận và không ngại phong “thánh” cho Bá Thanh.

Từ những năm 2000, Vũ “nhôm” và Trương Duy Nhất đã trở thành “đệ ruột” của Bá Thanh. Vũ “nhôm” làm kinh tài cho Bá, còn Trương Duy Nhất là “tuỳ viên báo chí” và là quân sư cho Bá.

Núp bóng chồng, Cao Thị Xuân Phượng đương nhiên có “Đơn xin mua đất” và được Bá Thanh duyệt cấp đất bằng chiêu thức “Chuyển” (Kính chuyển), “Gửi” (Kính gửi). Ở Đà Nẵng, khi cơ quan ban ngành nhận đơn có bút phê “chuyển” của Bá Thanh, được xem như đó đã là mệnh lệnh phải thi hành.

Ảnh: Đơn xin mua đất của Cao Thị Xuân Phượng và bút phê của Bá Thanh. Nguồn: Tiếng Dân

Trương Duy Nhất thì có cổ phần khi thành lập Cty I.V.C, kinh doanh bất động sản với Vũ “nhôm”. Còn Phượng thì xin khéo đất đai giả rẻ rồi bán lại kiếm lời. Họ không giàu mới là lạ.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây