Tôi phê bình Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

LS Trần Vũ Hải

5-6-2019

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn hôm qua. Ảnh: quochoi.vn

Ngày hôm qua, 4/6/2019, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt hai câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều không cho Đại tướng Tô Lâm trả lời trước kỳ họp Quốc hội, được truyền hình công khai cả nước.

Chất vấn thứ nhất của ông nghị Vân là: “Vì sao số lượng tướng lĩnh ngành công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự nhiều vậy. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này?”.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tướng vi phạm hình sự cũng bị xử lý rồi, nên không có khoảng trống nào cho các vị tướng công an vi phạm.

“Còn trách nhiệm ai đề bạt thì Quốc hội chúng ta biết rồi. Các bước quy trình đề bạt một tướng lĩnh được Quốc hội ban hành. Khi bổ nhiệm thì người tốt nhưng sau khi bổ nhiệm người ta vi phạm thì đấy là chuyện rất bình thường. Tôi nghĩ câu này Bộ trưởng khỏi trả lời. Ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

ĐB Lê Thanh Vân cũng đặt câu hỏi về vụ phân bón Thuận Phong, hai khóa Quốc hội đã nhiều lần đặt câu hỏi, nhưng đến nay chưa xử lý.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là câu hỏi rất cụ thể, có trách nhiệm của cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Câu hỏi cũng không nằm trong chuyên đề này: “Tôi đề nghị những vấn đề cụ thể phải trả lời bằng văn bản. Vì sao chưa khởi tố, vấn đề này Quốc hội nhiều lần nêu ở đây, phải trả lời bằng văn bản cho đại biểu…”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo tôi, bà Ngân vừa xâm phạm đến quyền chất vấn của đại biểu Quốc hôi và quyền hạn lẫn trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của một thành viên Chính Phủ, nhưng đặc biệt là quyền của cử tri, quyền giám sát các đại biểu Quốc hội và các cơ quan công quyền, nhất là quyền được biết về hoạt động của những cơ quan đó, có đúng luật không và có vì dân không, nếu làm chưa tốt, ai chịu trách nhiệm và xử lý thế nào, kể cả cấp trên của những người vi phạm.

Bà Ngân nói “ai cũng biết rồi”, nhưng nhiều người dân, trong đó có tôi không biết, dù tôi cũng chịu khó theo dõi nghiên cứu thời sự chính trị nước nhà.

Vụ phân bón Thuận Phong, nhiều quan chức cao nhất và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ đã khẳng định, vụ này đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm về hành vi “sản xuất, buôn bán phân bón giả”, nhưng nhì nhằng mấy năm nay vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự.

Theo nhiều chuyên gia, vụ này nếu không xử lý kiên quyết, sẽ là tiền lệ xấu khiến tình trạng sản xuất buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục ngang nhiên lộng hành tại Việt nam, đặc biệt tại Nam Bộ, quê hương của chính bà Ngân, thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân Việt nam.

Lẽ ra người dân cần biết, những thế lực nào “mạnh” đến mức phủ định cả những ý kiến của những lãnh đạo Chính Phủ và kết luận của 6 bộ ngành về vụ phân bón giả này? Và trách nhiệm của Quốc hội đến đâu trong việc giám sát vụ nổi bật này?

Nhưng bà lại để cho Bộ Công an và Viện kiểm sát trả lời riêng cho ông Nghị Vân là không thoả đáng, không công khai, minh bạch. Biết đâu, có ngày Bộ công an trả lời cho ông Nghị Vân, rồi đánh dấu “bí mật” như thư trả lời ông Dương Trung Quốc về vụ bắt cụ Kình ở Đồng Tâm. Khi đó “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chỉ là khẩu hiệu đầu lưỡi của các vị thôi!

Vì vậy, với tư cách một cử tri, tôi phê bình sâu sắc bà Chủ tịch Quốc hội. Bạn nào đồng ý, xin share và bấm like! Nếu STT này có 10.000 like, chắc bà Ngân sẽ phải “suy nghĩ” và có cách thức điều chỉnh điều hành kỳ họp Quốc hội sau này.

Cách đây mấy năm, tôi đã từng phê bình tứ trụ trong đó có bà chưa quan tâm đến đồng bào bị lũ lụt nặng ở miền Trung, và bà Ngân đã điều chỉnh, sau đó lội nước đến thăm trực tiếp!

Bình Luận từ Facebook

12 BÌNH LUẬN

  1. Với tư cách chủ tịch quốc hội . Bà Ngân phải có trách nhiệm yêu cầu ngưói đứng đầu các cơ quan thẩm quyền có liên quan trả lời các câu hỏi bức xúc của người dân . Với viêc bác bỏ ý kiến của đại biểu quốc hội như vậy . Bà Ngân không xứng đáng ngồi ghế chủ tịch quốc hội

  2. Hoá ra cái gọi lả “Quốc hội” vẫn đưọc khá nhiều người đặt niềm tin và
    hy vọng.Chỉ 1 đại biểu qh.dám nói động đến công an là đã bị hạch hỏi
    rồi thì các đại biểu khác làm sao không “ngậm miệng ăn tiền” !
    Một đại biểu “vì dân vì nước”xứng đáng nhất là ông Trương Trọng Nghĩa
    mà còn bị báo chí lề đảng xúm vào chỉ trích như “bề hội đồng” là “Kẻ gây
    rối nghị trường’.Chính xác là đảng hội !

  3. „phủ bênh phủ, huyện bênh huyện“ hay „Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình, ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi“ cho thấy từ xưa quan chức bênh nhau trên cơ sở cùng hệ tư tưởng là „chuyện bình thường ở huyện“ và ngày nay cũng vẫn thế vì họ vẫn có đủ quyền lực làm điều đó, dù rằng lời nói bây giờ có khác ngày xưa như „cán bộ là đầy tớ (công bộc) của dân“, „Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất“ … – nhưng thực tế hầu hết các quan chức đều làm trái những điều tuyên bố 180 ° nên mới bị mất lòng tin như hôm nay!

  4. Đây không phải là chuyện bổ nhiệm một kẻ nào đó vốn dĩ là tốt rồi sau đó nó suy thoái mà là chuyện bọn kẻ cắp leo cao trèo sâu thông qua bổ nhiệm để trở thành kẻ cướp mang hàm lãnh tụ. Vậy thôi!!

  5. Hai hành động của bà Ngân có thể gọi là “thư lại hóa” quốc hội! Mọi thứ biến thành mớ giấy lộn khóa kín trong ngăn kéo hết, bất chấp mong ước của người dân muốn thấy chính quyền có hành động tự làm trong sạch bộ máy.

    Không khó để tưởng tượng rằng sau khi ông Trọng qua đời, những người như bà Ngân sẽ dễ dàng toa rập với nhau để bóp chết cuộc thanh trừng tham nhũng hiện nay.

    Chưa rõ bà Ngân hành động như vậy vì sự thúc ép của bè phái hay do đầu óc thiếu sáng suốt. Nhưng não trạng của bà Ngân không khác gì mấy với một đại biểu kiêm giám đốc công an mới đây lên tiếng hạch sách đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Tôi không tin là đảng cộng sản đang tiến hành một chiến dịch nhằm khóa miệng các đại biểu dám đòi hỏi minh bạch hóa mọi sai lầm của các quan chức. Mà chính các quan chức thúc ép nhau phải làm việc đó, vì họ đang ở trong tình trạng xấu hổ tập thể trước quốc dân.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây