Các dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc, dân Việt lãnh đủ!

BTV Tiếng Dân

31-5-2019

VietNamNet cập nhật tình hình đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Phía Trung Quốc chưa chuyển tài liệu chứng nhận an toàn. Bộ GTVT vừa gửi báo cáo đến Quốc hội về một số dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, trong đó có dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Theo báo cáo, dự án này đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, vật tư, thiết bị, đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong 2019.

Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận, dự án vẫn có nguy cơ kéo dài do tổng thầu chưa thực hiện công việc theo đúng cam kết, chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm: “Bộ Giao thông vận tải đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện”.

Báo Dân Việt có bài: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ, Bộ KHĐT trần tình về ODA Trung Quốc. Cử tri TP Hải Phòng lưu ý Quốc hội, nhiều năm qua, “phần lớn các dự án sử dụng vốn vay ODA từ Trung Quốc rơi vào tình trạng đình trệ, chậm tiến độ, đội vốn, thiết bị không đảm bảo chất lượng, làm tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư”.  Điều kiện vay vốn ODA từ Trung Quốc lại kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác, nhất là phải chỉ định thầu cho doanh nghiệp gốc Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền TP Hải Phòng muốn sớm xây dựng đường sắt cao tốc với Vân Nam, Trung Quốc, theo trang Đầu Tư Tài Chính VN. Đây là một trong các chủ đề được bàn trong buổi làm việc sáng 30/5 giữa Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành với Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Nguyễn Thành Phát.

Ông Lê Văn Thành mong muốn Hải Phòng và Vân Nam “sẽ hợp tác để mở chuyến bay giữa hai địa phương trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy xây dựng đường sắt cao tốc”. Ông Thành nhìn thấy cái gương đường sắt Cát Linh – Hà Đông, người dân ôm đống nợ, nhưng ông vẫn muốn Trung Quốc đầu tư làm đường sắt ở Hải Phòng?!

Trang Petro Times dẫn lời ĐBQH Trần Hoàng Ngân, giải thích hiện tượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt: “Cần hết sức bình tĩnh để tránh khủng hoảng”. Theo đó, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng số vốn Trung Quốc đăng ký lên tới 1,31 tỉ Mỹ kim (tăng gần 5,6 lần so cùng kỳ năm ngoái) và 116 triệu Mỹ kim vốn điều chỉnh tăng thêm. Nếu tính cả lượng vốn góp, mua cổ phần, có tới khoảng 6,44 tỉ Mỹ kim đã được các “nhà đầu tư” Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) đăng ký vào Việt Nam.

Trong khi những người nghị Ngân tìm mọi cách trấn an, đánh lạc hướng dân chúng, thì đa số người Việt hiểu rằng, tiền từ Trung Quốc vào Việt Nam là những “viên đạn bọc đường”, là sự xâm lăng bằng quyền lực mềm. Đi theo những dòng tiền đó là gánh nặng nợ nần, là ô nhiễm môi trường, là chuyện Bắc Kinh ngày càng có quyền thao túng Hà Nội, là từng đoàn “công nhân” Trung Quốc được triển khai ở các vị trí rất nhạy cảm của Việt Nam như Tây Nguyên, cảng Vũng Áng… là mất chủ quyền lãnh thổ!

_______

Mời đọc thêm: Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, gây lo ngại (NV). – Tiền Trung Quốc giảm giá, thủy sản Việt Nam chao đảo (PLTP). – Thủ tướng tiếp Tỉnh trưởng Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (VOV). – Lỡ hẹn 8 lần, Bộ GTVT lại hứa tiến độ đường sắt Cát Linh – Hà Đông (VNN). – Đại biểu Quốc hội “nóng ruột” khi dự án metro số 1 không được tăng vốn (VOV). – Trước phiên chất vấn, Bộ GTVT quy trách nhiệm cho loạt dự án đội vốn khủng (LĐ). – Trung Quốc dẫn đầu thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam (KTĐT). – Máy móc TQ tăng tốc vào Việt Nam: Tránh rác thế nào? (ĐV).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây