Bệnh tật ông Nguyễn Phú Trọng và cuộc chiến chống tham nhũng

World Politics Review

Tác giả: David Brown

Dịch giả: Song Phan

28-5-2019

Ở tuổi 76, Nguyễn Phú Trọng là một người đang vội vã tìm cách cứu đảng Cộng sản Việt Nam khỏi tham nhũng, tiêu cực và mất tính chính danh. Ý nghĩa đối với Việt Nam là quan trọng, vì Đảng Cộng sản khẳng định độc quyền về quyền lực chính trị, chủ yếu dựa trên việc họ tự cho mình có đạo đức cao cả.

Ông Trọng chính là một nhà lý luận mác-xít. Qua nhiều thập kỷ, ông đã cố sức trong bóng tối, chửi đổng về việc đánh mất chất Mác-Lênin của đảng viên và than van về sự xói mòn tính chính đáng cách mạng của đảng. Nhưng, ba năm trước đây, Trọng đã dàn xếp việc loại bỏ thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, là kẻ đáng ghét của ông. Hiện nay, ông vừa là Chủ tịch nước lẫn Tổng bí thư của đảng, một nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ và là tai họa cho quan chức cấp cao nào cấu kết với các doanh nhân vô đạo đức, sang đoạt của cải nhà nước.

Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 4, ông Trọng ngã bệnh trong chuyến đi kiểm tra tỉnh Kiên Giang. Truyền thông nhà nước được phép tường thuật rằng ông đã phải nhập viện, nhưng không cho phép biết lý do vì sao. Các bài báo trên mạng xã hội săm soi về những hậu quả gây mất ổn định nếu ông không đủ thể lực hoặc chết. Và rồi, đúng một tháng sau, truyền hình nhà nước đã phát một đoạn clip, cho thấy cảnh ông Trọng chủ toạ một cuộc họp được dàn cảnh cẩn thận với vài cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Trong khi thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và trợ lý chính của ông Trọng, ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí thư chăm chú lắng nghe, ông Trọng có vẻ khỏe mạnh và đã hứa “sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực với tinh thần kiên quyết và kiên định”.

Ông Trọng xuất hiện trở lại vào ngày 14/5/2019, đúng một tháng sau cơn đột quỵ. Photo Courtesy

Đối với giới chính trị Việt Nam, đó là tin tức được chào đón. Ông Trọng có thể không được ưa chuộng nhiều ở Việt Nam, nhưng sự liêm khiết và kiên trì của ông được tôn trọng.

Khi ông Trọng được bầu làm Tổng bí thư đảng năm 2011, có vẻ như một chiến thắng trống rỗng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thân hữu của ông trở nên quen với việc phớt lờ các chỉ thị của đảng không phù hợp với mục đích của họ. Nhưng, bốn năm sau, ngay trước Đại hội đảng 12, ông Trọng đã lật ngược bàn cờ chính trị Việt Nam. Khi 1.500 đại biểu tập trung về Hà Nội vào cuối năm 2015, một số lượng đông đảo – đã chán ngấy các mối quan hệ nồng ấm giữa “các nhóm lợi ích” và các quan chức chính phủ – đã quyết ủng hộ ông Trọng. Ông Dũng bị loại bỏ cùng với đa số các thân hữu của mình. Ông Trọng được bầu lại làm người đứng đầu đảng, lần này với đa số những người ủng hộ đáng tin cậy trong Bộ Chính trị 19 người. Gốc gác của họ báo hiệu sự thay đổi quan điểm: Năm uỷ viên từ Bộ Công an và năm người nữa từ Ban Bí thư Đảng.

Không thua các nước khác, người Việt đã quen với việc các chính trị gia hứa sẽ chống tham nhũng nhưng không làm. Tuy nhiên, Ông Trọng thì khác. Với sự giúp đỡ của Ông Vượng, ông đã biến cuộc sống của bè lũ quan chức tham nhũng và các đồng minh doanh nghiệp của họ thành địa ngục.

Ông Trọng và Vượng đã cuốn phăng mạng lưới ô dù đứng đầu bởi cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư nhà nước và một sự liên kết với cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải, là người trước đó là chủ tịch PetroVietnam, doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận cao nhất. Cả hai người đều thân cận với Dũng, nên những vụ bắt giữ này không có gì bất ngờ. Ấn tượng hơn với số công chúng hoài nghi là ông Trọng và ông Vượng đã truy bắt các mục tiêu khác, bất cứ chỗ nào mà họ tìm thấy.

Vào tháng 5 năm 2019, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, nhà nước đã “kết thúc điều tra 28 vụ, [sắp] khởi tố 24 vụ, đưa 29 vụ ra xét xử, xét xử phúc thẩm 7 bản án và xác minh 36 vụ án khác”. Trong đó có vụ truy tố hai cựu bộ trưởng thông tin và em trai Giám đốc điều hành của tập đoàn VinGroup, vì đã thông đồng sử dụng quỹ nhà nước để mua một công ty cung cấp truyền hình cáp nhỏ với giá cao hơn rất nhiều giá trị thật của nó.

Một số sĩ quan cao cấp của Bộ Công An đã bị bắt giữ vì tiếp tay, bao che cho việc tổ chức đánh bạc trên mạng và tạo điều kiện cho việc chiếm dụng đất nhà nước ở TP Đà nãng, vị trí rất phù hợp cho một số khách sạn sang trọng. Cáo buộc chống lại một cựu phó thủ tướng, chủ tịch và bí thư đảng bộ thành phố Hà Nội có vẻ đang được xem xét. Và thêm nữa, có khả năng là hậu quả lớn hơn hết, một loạt bắt giữ các quan chức và doanh nhân bất động sản đưa ra giả thuyết là thòng lọng của Trọng đang thắt chặt xung quanh Lê Thanh Hải, cựu bí thư lâu năm của đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc truy quét sâu rộng về tham nhũng không phải toàn tin tốt. Một chế độ mang ý định đè bẹp tham nhũng và cho thăng tiến sự nghiệp của một nhóm “cán bộ chiến lược” (dự tính của Ông Trọng xác định các đảng viên trung thực, năng động) cũng sẽ có một cái nhìn mờ nhạt về những lời chỉ trích từ bất kỳ phía nào. Do đó, kể từ Đại hội đảng lần 12, công an Việt Nam đã thực hiện uỷ nhiệm sâu rộng hơn nhiều để dập tắt những ý kiến bất đồng chính trị.

Ranh giới của phát biểu được khoan dung đã dãn ra đáng kể trong thập niên thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Trên Facebook và các mạng xã hội khác, những người độc lập tư tưởng có thể tham gia tranh luận sôi nổi về việc Việt Nam đang đi tới đâu, hoặc nên đi đâu.

Cuối năm 2014, trong cuộc họp nội các, một số bộ trưởng phàn nàn với Dũng rằng họ đang bị các blogger chỉ trích không công bằng. Được biết, Dũng đã bảo họ nên tự mở blog của chính mình. Lúc ấy, có thể tin rằng Việt Nam, dù tham nhũng tràn lan, có thể đang diễn tiến về phía một nền chính trị tự do hơn và đa dạng hóa, trong đó Đảng Cộng sản, không khác với công chúng, phải tuân theo luật pháp.

Các nhà quan sát chính trị Việt Nam và chế độ đảng Cộng sản vẫn chưa thống nhất được, liệu cá nhân ông Trọng có dành ưu tiên vào việc dập tắt những ý kiến bất đồng bên ngoài hàng ngũ đảng hay không. Cho đến khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hồi tháng 9 năm 2018, được cho rằng Quang là nhà lãnh đạo quan tâm và lo ngại hơn với phát ngôn nổi loạn. Chính ông Quang đã dẫn đầu ủng hộ việc thông qua luật an ninh mạng rất nghiêm ngặt, vốn hình sự hoá ngay cả việc chia sẻ những bài viết bị nhà cầm quyền coi là “độc hại”. Là kẻ, khi là đồng minh, khi là đối thủ của ông Trọng, ông Quang đã qua đời, nhưng so với thời ông Dũng, tình trạng người bất đồng chính kiến vẫn còn nguy hiểm hơn nhiều.

Ông Trọng dường như vẫn còn thể lực trong mong đợi của người có 76 tuổi, vấn đề ngắn hạn là ai, khi nào và bằng cách nào, một người nào đó – hay có nhiều khả năng là một vài người – sẽ đảm nhận các vai trò khác nhau của ông Trọng sau Đại hội 13. Chỉ còn khoảng 19 tháng nữa là khai mạc đại hội đó, hình như ông Trọng đang giữ kín suy nghĩ của mình. Trong khi đó, một nhóm người đang cố gắng tìm cách phô biến sự sẵn sàng của họ. Nhóm đó bao gồm ôngVượng và Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính, là người chịu trách nhiệm phát hiện cán bộ chiến lược và sắp xếp việc đề bạt họ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thường được nhắc đến như một người kế nhiệm; mặc dù ông không gần gũi với ông Trọng, nhưng ông là người đứng đầu chính phủ, trung thành và có thẩm quyền.

Cũng chưa rõ liệu ông Trọng có sẵn sàng bàn giao tất cả các chức vụ vào năm 2021 hay không. Rất có thể ông chọn ở lại trong vai trò chủ tịch nước, một chức vụ vốn không đòi hỏi cao. Chỉ có điều chắc chắn là, để mắt đến di sản của mình, ông Trọng sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với các quyết định về nhân sự này.

Quan trọng hơn và đáng lo ngại hơn cho Việt Nam, ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, thời ông Trọng có thể được nhớ đến như một thời cơ bị bỏ lỡ.

Được thúc đẩy bởi sự đầu tư quá lớn từ nước ngoài, cùng với lực lượng lao động còn non trẻ, nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Trong khi đó, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản thân hữu đã nảy sinh những vấn đề cấp bách, trong đó có sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng, suy thoái môi trường, và sa sút của cả hai hệ thống giáo dục và y tế công thiếu vốn đầu tư. Một chế độ không chịu lắng nghe dư luận và coi khinh những sáng kiến đổi mới xuất hiện từ cơ sở, thường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết những thách thức đó.

Ngoài ra, trong một hệ thống chính trị thiếu các cơ chế hạn chế khả năng lạm quyền của các quan chức, tham nhũng có hệ thống cũng sẽ không bị xóa sổ – bất kể có bao nhiêu “cán bộ chiến lược” mà ông Trọng và các đệ tử có thể triển khai.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nhận định về chính trị trong đó có vô số âm mưu và thủ đoạn mà
    chỉ luận bằng cách căn cứ vào những sự việc biểu kiến ở ngoài thì
    có chính xác không cơ chứ ? Cũng chỉ là “người mù sờ voi” !

Leave a Reply to Pham bon Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây