Ngẫu hứng âm nhạc

Phạm Toàn

26-5-2019

Lời dẫn của PGS TS Mạc Văn Trang: Nhà giáo Phạm Toàn bước sang tuổi 88, đang nằm trị bệnh. Không hiểu sức mạnh từ đâu khiến ông ngồi “gõ” được bài dài thế này! Mà sao, ký ức và tư duy lang bang, khoáng đạt, với bao nhiêu sự kiện nghệ thuật, để chốt lại điều gì?

Có lẽ điều ông muốn căn dặn, đó chính là phải làm lại từ đầu, như ông đã làm thành công môn Tiếng Việt và môn Văn với học sinh Tiểu học ở cơ sở áp dụng sách Cánh Buồm. Nghĩa là, phải từng bước hình thành => phát triển => ổn định ở học sinh từ lớp Một đến lớp Năm năng lực cảm thụ và làm ra các sản phẩm nghệ thuật. Đó là nền móng cho sự phát triển vững bền… Đó cũng trùng hợp với quan niệm của Hồ Ngọc Đại “Trẻ em là cứu tinh của dân tộc”!

Ảnh: Nhà giáo Phạm Toàn với học sinh sau tiết dạy năm 2016

***

Chắc chắn ý tưởng bài viết này nảy sinh lúc mười giờ sáng hôm qua (ngày 23/5/2019) khi Phạm Xuân Nguyên đọc cho chúng tôi nghe diễn từ nhậm chức thật đẹp của vị Tổng thống mới nước Ukraina.

Tôi nhớ mình mấy lần kéo cánh tay áo cộc lau mắt. Mấy lần? Chắc không phải hai lần. Nhưng chắc không phải trên ba lần. Vì ba lần là vừa đủ.

Điều khác lạ khi viết những dòng này là người viết đã không theo chỉ dẫn của thầy giáo mình, ba Trần Văn Khang. Những lời dạy hồi đầu những năm 50 khi chàng trai này tròn 20 tuổi. Ba dạy chúng tôi “Viết văn sao lại cứ phải nháp!?”. Ba nói, viết văn như người ta đi chơi ấy, cốt tư tưởng không sai, cốt định hướng trong sáng, sau đó cứ thế mà viết. Không, còn không thể thiếu một điều, không được thừa hoặc thiếu ý.
Hễ chú có ba ý, chắc là đủ. Hễ có hai ý, chắc là thiếu. Hễ có bốn ý, chắc là trùng, cứ thế mà làm. Người ta đăng hay không là chuyện khác…”.

I

Không phải tối nào cũng vậy, nhưng rất nhiều tối trước khi đi ngủ tôi lại thoáng nghĩ đến Lộc Vàng (Hà Nội). Tôi cứ băn khoăn năm năm nữa, mười năm nữa, chú ấy sẽ sống như thế nào. Giọng bắt đầu già, người hâm mộ vắng đi hay đông dần lên? Nhưng trong cuộc sống hằng ngày gần như ít người thảo luận về dòng nhạc “vàng” và dòng nhạc “thượng vàng”…

Thực chất, chẳng phải người ta tranh cãi về giá trị đích thực của âm nhạc, mà tranh cãi về quyền dẫn đầu âm nhạc trong cuộc đời. Ông Tổng thống mới của Ukraina còn ung dung, tự tại nói đến việc bán vé để tạo cho mọi người những nụ cười. Lộc Vàng đã phải mua giấy thông hành vào đời bằng hơn chục năm tù tội. Khi anh ra tù, anh ở độ tuổi hôm nay bạn đồng nghiệp của mình đọc diễn từ nhậm chức Tổng thống.

Vì vậy, tư duy, lập luận mà ba Khang dạy chắc tôi không thực hiện đầy đủ. Tôi sẽ viết dài dòng theo những gì mình biết, theo những gì mình nhớ, theo những gì mình ghi lại được. Thế thôi…

II

Chuyện tranh giành ngôi đầu bảng giữa “vàng” và “thượng vàng” bắt đầu từ lâu lắm rồi.

Người thành thị Việt Nam khi gặp những câu thơ của Nguyễn Bính … “em ở lại nhà/ vườn dâu em đốn, mẹ già em thương…“, thì nhún mình coi đó là thơ máy nước, để làm gì?, để đòi quyền dẫn đầu cho những dòng thơ không máy nước.

Giá trị nghệ thuật thời nào cũng vậy, cứ như những nàng tiên ngủ trong rừng. Công lao các nhà khảo cổ đã tìm ra các bức tranh, các gam mầu được thiên nhiên giúp loài giữ gìn tại các hang động, cho thấy ý nghĩa của khái niệm giá trị nghệ thuật.

Thơ cũng vậy thôi. Năm 1990, tôi đến bảo Hoàng Cầm đưa cho tôi sáu bài trong tập Kinh Bắc để tôi in trong cuốn Nghề dạy văn. Tôi rụt rè xuất bản ở Sở giáo dục Thừa Thiên Huế. Sau đó mọi việc ai cũng rõ, tức là ai đi tù vì cái gì và ai được thưởng cũng vì cái gì thì ai cũng rõ.

Những năm 1960, bọn “đọc văn chui” ở Hà Nội chúng tôi đã nhận rõ chân tướng văn hóa của một người được một thời mình yêu mến, ông Nikita Khrushov. Vị Tổng Bí thư đầu trọc ngoạn mục này đã định nghĩa hội họa siêu thực như là cách dùng đuôi ngựa nhúng vào các loại màu và quật lên những tấm toan. May mắn thay, chúng tôi đã thoát được cơn mơ mộng hão huyền.

Nhưng vẫn chưa hết. Chúng tôi vẫn còn mê Fidel Castro. Vị Tổng Bí thư nhiều tư liệu dưới ngăn bàn này đã xì cho chúng tôi đọc để hiểu về Bắc Phi, về Đông Âu, về Trung Âu, về Nam Tư, về Liên Xô… nhiều hơn cơ quan của anh Hoàng Tùng cung cấp.

May mắn thay, hôm nay, một vị tổng thống mới đã cải chính một cách không gì chính đáng hơn về một người mà thực ra chúng tôi cũng không tin cậy từ lâu rồi.

III

Bên phía âm nhạc cũng thế thôi. Chẳng phải khi nào người ta cũng nhất trí đánh giá về những dòng véo von mà chỉ đến với mình một cách loạc choạc.

Trong khi bên thơ và văn chương ngôn từ, người ta đang phân biệt giữa thơ mấy nước và văn Lá ngọc cành vàng, thì bên nghệ thuật âm thanh người ta diễu cợt bài ca “bánh dày bánh giò” – nếu như bản tiếng Pháp do Tino Rossi hát “Tôi có hai mối tình lớn, Tổ quốc tôi và Paris”, thì đã được bên diễu nhại biến thành “zzzò này zzzò nóng, ai có mua thì zzza mua…”.

Nỗi đau khổ của người Việt Nam vào nhiều thời là không phát triển được văn hóa và âm nhạc bản địa, trong khi lại quá vồ vập với những vẻ đẹp hào nhoáng mà mình không nằm trong chính sự phát triển của nó.

Người ta gặp vào những năm 30 những máy hát, đĩa than. Sang những năm 60 đó đã thành những chồng đĩa 33 tua hoặc 78 tua. Vào những năm 60, nhà văn Nguyễn Thành Long mượn của bạn thân là nhà đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thông, rồi mang cả máy phát nhạc đến nhà tôi để nghe cậu bé Robertino Loretti hát đi hát lại Mama, rồi O Sole Mio… Tội nghiệp, có Phó Tiến sĩ Ngữ văn còn trách móc nhà văn không mượn thêm bản giao hưởng Phiên chợ “số 34”

Tầm Âm nhạc học đã dẫn Lộc Vàng vào tù vẫn chỉ ở trình độ những bài nhạc vàng thời tạm chiếm cộng thêm vài bài mới, cao siêu gì đâu. Ấy thế nhưng trong cuộc sống diễn ra đầy những điều cao cả và sâu sắc đã nổ ra cả một cuộc hành binh giữa hai trận địa tư tưởng!

IV

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi… phải dỡ ra làm lại từ đầu như Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng đề nghị vào cuối những năm 70. Nhưng dỡ từ đầu là dỡ từ đâu? Tiếc rằng Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã hơi vội vã nên để mình bị hiểu nhầm.

Phụ trách môn Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hội đồng Khoa học và Sư phạm nói với tôi: “Phải hết sức kiên nhẫn, chữa từ cái gốc kiến thức cho người giáo viên tiểu học, chứ không phải làm vội vàng từ những bậc cao với những tiểu luận không biết nằm vào mảng hệ thống nào”. Chúng tôi đã thử và thấy là khả thi:

1/ Đơn giản hóa các kiến thức cơ bản rất khó về tiếng Việt và nghệ thuật để chữa dần và rất nhanh, và là chữa trong hành vi dạy học của từng giáo viên tiểu học.

2/ Về tiếng Việt: Hãy làm cho giáo viên tiểu học hành động đúng khi tạo ra những trẻ em giỏi tiếng Việt ngay từ lớp 1, với các mức độ: Ổn định ngữ âm học tiếng Việt (lớp 1); Ổn định trật tự tạo thành và củng cố từ vựng (lớp 2); Ổn định năng lực logic của cú pháp (lớp 3); Ổn định năng lực viết văn bản lập luận (lớp 4); Ổn định năng lực sử dụng ngôn ngữ học hành dụng (lớp 5).

3/ Về nghệ thuật, với mẫu là môn Văn: Ổn định năng lực tự tạo cảm xúc với các tác phẩm nghệ thuật nói chung (lớp 1); Ổn định năng lực tưởng tượng để tự tạo ra những hình ảnh nghệ thuật (lớp 2); Ổn định năng lực liên tưởng để tự tạo ra những hình ảnh nghệ thuật có ý nghĩa (lớp 3); Ổn định năng lực bố cục một tác phẩm để không vật liệu – ngôn từ, vần điệu, mầu sắc, hình khối… – nào bị lãng phí (lớp 4); Ổn định năng lực tự khám phá vào các loại hình nghệ thuật có chung mẫu hoạt động nghệ thuật trong tâm lý con người – như môn văn (lớp 5).

Hãy cùng nhau làm thử như vậy đi!

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Lớp học của các vị phí cao ngất, chỉ giành cho bọn nhiều tiền mà bọn lắm tiền ở xứ này là ai thì ai chẳng biết. Chẳng cần nói nhiều thì các vị cũng hiểu tại sao chế độ ưu ái các vị như vậy, nhưng tuyệt nhiên không cho đại trà. Dỡ ra làm lại từ đầu biết đâu lại là độc quyền ăn cắp rồi nhận vơ của mình?????

  2. “về một người mà thực ra chúng tôi cũng không tin cậy từ lâu rồi”

    Théc méc nho nhỏ, có phải “một người” này là “Người” mà nhà giáo Phạm Toàn đã từng tiên bố (rất) gần đây rằng thì là mà tất cả những gì từ miệng “Người” phun ra đều là “chân lý”, và gs Tương Lai bổ sung “chân lý cụ thể”?

    “Nỗi đau khổ của người Việt Nam vào nhiều thời là không phát triển được văn hóa và âm nhạc bản địa”

    Well, “những người Việt Nam khác” thì lại 1 thời “đau khổ” vì văn hóa & âm nhạc bản địa . Just kidding! Well, vô ý của câu này, ta có thể đổ thừa cho “đổi mới” làm “văn hóa và âm nhạc bản địa” (xã hội chủ nghĩa) mất giá trong vòng 1 sớm 1 chiều . Vẫn còn có những văn nghệ sĩ sáng tác cho nền “văn hóa và âm nhạc bản địa” (xã hội chủ nghĩa), nhưng chỉ được công bố trong các buổi “chuyên đề” theo kiểu cúng cụ, sau đó là dẹp . Quan tâm của nhà giáo nhân dân Phạm Toàn là đúng đắn/lúc . Róng lên 1 hồi chuông cảnh báo cho nền văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa bản địa .

    “Tiếc rằng Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã hơi vội vã nên để mình bị hiểu nhầm”

    Khi tớ nhìn tấm hình phỏng vấn gs Hồ Ngọc Đại với bức tượng của “chân lý cụ thể” ở chỗ trân trọng nhất, tớ nghĩ mình không hiểu lầm gs Hồ Ngọc Đại .

    “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…”

    Tớ nghĩ với những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa, -nếu tớ không lầm, bác kể về việc biên soạn sách giáo khoa cho miền Nam sau ngày giải phóng- nhà giáo đáng kính Phạm Toàn có thể ngẩng cao đầu về những thành tích cống hiến của mình .

    Riêng về ý “phải dỡ ra làm lại từ đầu như Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng đề nghị vào cuối những năm 70”, đây là 2 hào của tớ

    Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa cao quý của chúng nó là do những trí thức lớn như gs Hoàng Tụy của chúng nó xây dựng nền móng . Ngay từ đầu đã sản sinh ra những trí thức lớn của chúng nó như Tạ Quang Bửu, đến ô Trần Hữu Dũng của viet-studies cũng phải trân trọng . Nhờ nguyên tắc chọn lựa lý lịch xong mới thi tuyển, ô Tạ Quang Bửu đã tạo ra 1 thế hệ trí thức mới lớn của chúng nó như Phan Đình Diệu, gs Tương Lai, ts Nguyễn Quang A … Những người này đã trưởng thành trong kháng chiến, số khác thì chuồn qua các Đông Âu vì là COCC . Tuy vậy, họ đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương cho cuộc kháng chiến giải phóng nước nhà khỏi sự đô hộ của tư bẩn . Và đến phiên mình, họ đã đào tạo ra giới học trò đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội như chủ tịch viện Khổng Tử ở Việt Nam . Với 1 truyền thống hào hùng & quang vinh như vậy của nền giáo dục xã hội của chúng nó, 1 đề nghị “dỡ ra & làm lại” có nên xem là quá nhẫn tâm ?

    Đúng là “chọn mặt gửi vàng”, chuyện “dỡ ra & làm lại” được giao vào tay của gs Hồ Ngọc Đại, 1 người theo chủ nghĩa Mác & tôn kính nhất mực Bác Hồ, và kết quả là giải thưởng Phan Chu Trinh & thiên hạ làm ầm ĩ lên, làm nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng nó đã nát càng thêm bầy hầy . Quan ngại to nhớn của tớ là, nhỡ 1 ai đó không đủ tâm & tầm lại nghe lời xúi dại “dỡ ra & làm lại từ đầu”, quáng gà mê mẩn nền giáo dục của bọn tư bẩn mà Việt Nam Cộng Hòa, bọn cờ vàng áp dụng ngày xưa ??? Tuy chưa xảy ra, nhưng nếu xảy ra … có phải là 1 hành động đốt đền, báng bổ những thế hệ trí thức kính yêu của chúng nó không ? Có nhẫn tâm quá không ? Có “dựng lại cờ vàng” quá không ?

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây