Thương chiến Mỹ – Trung

Bình Minh

24-5-2019

Biếm họa về thương chiến Mỹ – Trung của Ingram Pinn

Nền kinh tế Trung Quốc hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, mô hình kinh tế tư bản có đuôi XHCN. Có 3 loại doanh nghiệp:

– Doanh nghiệp quốc doanh: hễ mất vốn thì nhà nước bù vốn mới, là loại doanh nghiệp bất tử, cái đuôi kinh tế XHCN chính là doanh nghiệp quốc doanh, là ổ tham nhũng, là chỗ quan chức kiếm ăn nên cộng sản không bao giờ từ bỏ nó.

– Doanh nghiệp thân hữu: sân sau của quan chức, loại này được hưởng đặc quyền, đặc lợi và độc quyền kinh doanh nên phát triển mạnh chiếm ưu thế thị trường.

– Doanh nghiệp tư nhân: bị chèn ép từ mọi phía, bị o ép nên èo uột khó phát triển, để sinh tồn, sản xuất giá thành thấp, phù hợp với sức mua xã hội, doanh nghiệp buộc phải sản xuất hàng gian, giả, nháy, lậu, kém chất lượng, độc hại và bỏ qua tác hại môi trường để giảm chi phí, kinh doanh cỡ nào củng có lời.

Ở môi trường kinh tế này doanh nghiệp chân chính không có chỗ đứng. Quan chức hám dự án quốc gia, có dự án là có tiền bỏ túi, nên các công trình hoành tráng đua nhau mọc lên, bất chấp hiệu quả. Sự hào nhoáng của đô thị biểu thị cho bộ mặt tham nhũng của chế độ mà bên trong nó là sự nghèo khó, bất công của dân chúng. Đây là loại kinh tế không bền vững, tiềm ẩn hiểm họa từ bên trong.

Nền kinh tế Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông tan hoang như cái bóng xẹp sát đáy, đến thời Đặng Tiểu Bình từ mô hình kinh tế XHCN điêu tàn chuyển sang mô hình kinh tế thị trường TBCN, kinh tế Trung Quốc như cái bóng được bơm căng lên, dư địa tăng trưởng quá lớn, nên kinh tế phát triển nhanh một cách thần kỳ. Bóng đã căng đầy thì dừng, căng nửa thì vỡ.

Phát triển kinh tế và bão hòa: Môi trường nào thì nền kinh tế đó, phạm vi giới hạn của phát triển kinh tế phụ thuộc vào môi trường kinh tế của nó, khi nền kinh tế đó phát triển đến mức giới hạn của nó thì đạt đến mức bão hòa. Nếu phát triển thêm nữa thì rơi vào trạng thái thừa cung, thừa cung thì suy thoái kinh tế, điều tiết lại cung – cầu trở lại trạng thái cân bằng, đồng thời thanh lọc, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, phá sản cấu trúc lại nền kinh tế, do đó nền kinh tế luôn lành mạnh, bền vững.

Môi trường kinh tế phụ thuộc các định chế chính trị, xã hội, tôn giáo trói buộc kinh tế bằng sự cấm đoán. Do đó môi trường kinh tế càng ít bị trói buộc thì mức phát triển càng cao, đó là lý do người ta đề cao mô hình kinh tế tự do.

Kinh tế bão hòa, các nhà đầu tư có xu hướng lấp đầy mọi khoảng trống trong nền kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận và một chỗ đứng trong xã hội, khi mọi khoảng trống đã được lấp đầy thì bão hòa, nên không còn dư địa để tăng trưởng. Tuy nhiên do yếu tố cạnh tranh nên kinh tế thường phát triển quá đà, tạo ra thừa cung, phát sinh ra suy thoái kinh tế để xả van tăng trưởng, điều tiết lại cung cầu. Suy thoái kinh tế là một qui luật của tự nhiên rất cần thiết cho một quá trình phát triển kinh tế.

Các nền kinh tế đã bão hòa thường tăng trưởng rất thấp, xuất sắc thì tăng trưởng cỡ 3%/năm, giỏi cỡ 2-3%/năm, mức tăng trưởng này tương đương với 10% /năm của các nước đang phát triển, do đó khi nền kinh tế đã bão hòa thì đà phát triển kinh tế sẽ chựng lại.

Từ đó ta nhận thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã bão hòa, đà phát triển chựng lại vì đã hết dư địa tăng trưởng. Đây là yếu tố nội tại của nó, mọi tác động bên ngoài chỉ làm cho nó trì hoãn lâu hơn hay sụp đổ nhanh hơn nếu nó đã tới giai đoạn cần phải suy thoái kinh tế để điều tiết lại.

Từ năm 2008 đã có dấu hiệu suy thoái kinh tế nhưng Trung Quốc có chủ trương chống lại suy thoái kinh tế, tìm cách chống đỡ bằng trợ cấp tín dụng, với nguồn vốn dự trữ dồi dào của mình và đẻ ra sáng kiến Vành đai – con đường để duy trì tăng trưởng kinh tế. Bao giờ cạn tiền thì hết khả năng chống đỡ. Nợ nần chồng chất, nợ nuôi doanh nghiệp, nhiều xác sống chờ chết, nuôi dưỡng tăng trưởng, thừa cung càng nặng.

Khi suy thoái kinh tế vỡ ra sẽ rất trầm trọng, đổ vỡ lớn, khó phục hồi, lại bị Mỹ chặn con đường xuất siêu sang Mỹ bằng một cuộc thương chiến Mỹ-Trung, Trung Quốc càng khốn khó. Khi đàm phán bất thành, thương chiến nổ ra, là điểm nhấn cho kinh tế Trung Quốc chìm trong suy thoái.

Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm, làm cho kinh tế suy thoái đổ nhanh khi vừa mới thừa cung nên cũng hồi phục nhanh vì sự điều tiết kinh tế ít. Suy thoái kinh tế Mỹ chỉ sau 2-3 năm đã bắt đầu hồi phục và tăng trưởng trở lại, suy thoái kinh tế Mỹ thường lặp lại theo chu kỳ khoảng 10 năm một lần và người Mỹ coi đó là một sự điều hòa tự nhiên của quá trình phát triển kinh tế.

Trung Quốc đã sai khi đối phó với suy thoái kinh tế mà không biết tận dụng nó, bất chấp mô hình kinh tế nào, hễ có phát triển là phải có suy thoái để điều tiết lại và tự làm mới mình. Đó là lý do nền kinh tế Mỹ luôn phát triển bền vững.

Kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ đuổi kịp, thì mong gì vượt Mỹ. Nhật đã có một thời kỳ tăng trưởng mạnh, mọi người tưởng rằng với đà đó, kinh tế Nhật sẽ vượt Mỹ, nhưng điều đó lại không bao giờ xảy ra, vì Mỹ có yếu tố nội tại vượt trội thiên hạ và một chính sách cực kỳ khôn là thu hút mọi nhân tài trên thế giới tụ về nước mình, tạo cho nước Mỹ có một nền kinh tế tiên tiến bậc nhất, luôn dẫn đầu thế giới. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã bão hòa, phát triển chựng lại và lình bình như bao quốc gia khác (người ta thường gọi đó là bẫy thu nhập trung bình) trong một mô hình kinh tế tồi tệ, đâu có cửa vượt Mỹ.

Mỹ không lo nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ vì đó là hoang tưởng, mà Mỹ chỉ lo lắng mộng bá quyền của Trung Quốc gây hấn, xâm lấn, xung đột ở các nơi trên thế giới. Chiến lược an ninh của Mỹ là ngăn chặn xung đột từ xa, nên Mỹ đảm nhận vai trò cảnh sát quốc tế, chặn đứng mọi mưu toan Trung Quốc dùng vũ lực để thực hiện bá quyền, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với các nước, thì bắt buộc phải đối đầu xung đột với Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đều muốn tránh chiến tranh với nhau vì cả hai là siêu cường, chiến phí lớn, tương lai không biết về đâu và bên thắng không chột cũng què, do đó Trung Quốc chỉ còn một con đường là dùng quyền lực mềm để thực hiện mộng bá quyền, dùng tiền hoặc thật nhiều tiền và Mỹ cũng dùng quyền lực mềm của mình, cấm vận kinh tế hay thương chiến. Đối đầu quân sự chỉ để răn đe, Mỹ chỉ cần bóp cổ kinh tế Trung Quốc, hết tiền thì hết mộng.

Nếu Trung Quốc nhượng bộ thương chiến, chịu cải cách, thuận ý Mỹ. Trung Quốc chỉ bị giảm xuất siêu và duy trì hợp tác với Mỹ. Nếu Trung Quốc không nhượng bộ, thương chiến nổ ra, Trung Quốc mất thị trường Mỹ. Nếu Trung Quốc chọn thế đối đầu Mỹ, Trung Quốc sẽ bị cô lập vì Mỹ lãnh đạo thế giới. Trước kia cạnh tranh trong hợp tác, nay là cạnh tranh trong đối đầu, Trung Quốc không còn cơ hội trục lợi như trước kia.

Việt Nam rập khuôn mô hình Trung Quốc từ chính trị cho đến kinh tế, sở dĩ mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam kém xa Trung Quốc là do lãnh đạo VN thiếu tham vọng, an phận, ngu dốt, giỏi phá, dở làm và ăn bẩn.

Có người cho rằng, Trump đã hiểu sai về kinh tế khi tạo ra thương chiến, bác bỏ hiệp định kinh tế đa phương và dẫn dắt dư luận chống Trung Quốc. Trump có thể hiểu sai về kinh tế nếu nước Mỹ muốn trục lợi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc khi nền kinh tế Mỹ đang hùng mạnh, bất khả xâm hại. Còn đối với các nước khác như Việt Nam thì vô cùng tai hại, nền kinh tế nội địa VN bị triệt tiêu vì không cạnh tranh lại, nền kinh tế VN phải lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI để tồn tại, một nền kinh tế rỗng ruột, nếu FDI dời đi nơi khác.

Chủ thuyết thị trường kinh tế thế giới mở hoàn toàn tự do như mô hình kinh tế EU là hoàn toàn đúng, lý tưởng, nhưng khi thực hiện thì lại sai nên không thực tế. Thế giới phẳng khi nào các nước có cùng mô hình kinh tế, cùng một luật chơi và bị chế tài bởi cùng một pháp lý. Còn trong môi trường đa tạp, khác mô hình chính trị, kinh tế, mức độ phát triển không đồng đều, luật chơi phức tạp, không có pháp luật quốc tế chế tài, thỏa thuận chỉ dựa vào lời hứa, lòng tin thì ước mơ này không thực hiện được, tổ chức đó sẽ tan rã vì xung đột quyền lợi (thương chiến Mỹ-Trung). Trung Quốc thường vi phạm hiệp ước mà không nước nào dám trừng phạt vì lòng tham nuối tiếc mối lợi thị trường rộng lớn của Trung Quốc nên Trung Quốc lấy đó làm lợi thế chây ỳ. Trump gạt bỏ đa phương là hợp lý và chọn song phương là thực tế, tùy theo thế mạnh của mỗi nước mà trao đổi mậu dịch, hợp tác kinh tế, quyền lợi sát sườn.

Nếu Mỹ từ bỏ vai trò cảnh sát quốc tế, quay về sống trong vỏ ốc của mình, thì thế giới này sẽ hỗn loạn, đối mặt với Đệ Tam Thế Chiến. Nga với tham vọng thu hồi lại các quốc gia đã từng thuộc Liên Xô cũ sẽ xâm lấn châu Âu trong thế hổ phục, rình mồi. Trung Quốc chưa mạnh đã nuôi mộng bá quyền, muốn độc chiếm Biển Đông và Hoa Đông, thu hồi Đài Loan, xây dựng đế chế bằng Vành đai – Con đường.

Trung Quốc cần xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài để bảo vệ con đường tơ lụa và các lợi ích Trung Quốc trên thế giới, dùng quyền lực để o ép các nước, xâm lấn theo cách tằm ăn dâu. Bắc cực Trung Quốc còn mò tới, sự thèm muốn không có điểm dừng. Có Mỹ ngăn cản thì Trung Quốc dùng quyền lực mềm, không có Mỹ thì dùng quyền lực cứng. Lúc đó các nước sẽ chạy đua vũ trang để tự vệ, Mỹ và Nga sẽ giàu to vì bán được nhiều vũ khí. Nếu đế quốc Nga, đế quốc Trung Quốc đã hình thành thì chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ chạm đến nước Mỹ.

Trước kia Trung Quốc là hổ con nên dễ thương, nay con hổ đó đã trưởng thành, có thể gây họa cho Mỹ và các nước, nên Mỹ cần phải kìm chế, trói buộc để nó trở nên vô hại. Ngăn chặn sớm thì phí tổn nhỏ, ngăn chặn trễ thì phí tổn sẽ vô cùng lớn.

An ninh quan trọng hơn kinh tế vì mất an ninh là mất tất cả. Vì vậy thương chiến Mỹ – Trung lần này dù Trump có hiểu sai về kinh tế thì việc làm này vẫn đúng 100%. Trung Quốc hết tiền thì hết mộng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây