Chừng nào dân cử?

Mai Quốc Ấn

23-5-2019

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Soha

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đưa ra một đề xuất thú vị: Ông sẽ đứng ra vận động để làm Luật Biểu tình.

Sự thú vị mang màu sắc xã hội hóa đúng nghĩa. Cụ thể: “Tôi có thể vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp. Thời gian dự kiến có thể trong khoảng từ 3 – 6 tháng“, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa nêu thực trạng hiện tại lại không đơn giản bởi “nếu tuân thủ theo đúng quy trình thì tôi sẽ phải nộp báo cáo đề cương, rồi tham gia đi điều tra khảo sát đánh giá tác động của việc trước khi/sau khi thông qua dự án luật này. Mà tiến hành điều tra khảo sát này là vượt quá tầm cá nhân 1 đại biểu“.

Thực trạng cũng cho thấy Quốc hội nợ nhân dân Luật Biểu tình (chưa có), Luật Trưng cầu dân ý (có rồi, chưa thực hiện).

Vậy một quốc gia luôn nói về do dân, vì dân sao không để nhân dân đang hành nghề luật (luật sư, luật gia) có thể tham gia soạn thảo luật. Nó đúng với tinh thần xã hội hóa thực sự và câu “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Nhìn rộng hơn, người dân trong lĩnh vực am hiểu của mình cũng có quyền tham gia chính trị để bàn và soạn thảo những luật khác trên tinh thần đó.

Chứ không phải chỉ những Đại biểu Quốc hội khoác áo ngành, ăn lương từ thuế dân mà nợ dân những bộ luật cần thiết bấy lâu nay. Hay tệ hơn, biến tranh luận nghị trường thành diễn đàn bảo vệ ngành mình trước sự phê bình của câc Đại biểu Quốc hội khác.

Và càng không phải những đạo luật được xây dựng và thông qua thần tốc như Luật An ninh mạng trong khi các luật khác bàn lâu mà chẳng thấy ra. Và càng không thể là Luật Đặc khu đã chạm vào “cảm xúc thâm căn” của nhân dân với mệnh lệnh “Bộ Chính trị đã kết luận rồi… Phải bàn cho ra luật…”

Bộ Chính trị có thể quản về vai trò Đảng viên của Quốc hội nhưng Bộ Chính trị không chính danh là cơ quan lập pháp, là cơ quan quyền lực nhất: Quốc hội.

Hãy để các cá nhân tham gia Quốc hội và cả Chính phủ về đúng vai trò dân cử, dân bầu!

Câu hỏi là chừng nào điều đó diễn ra? Và sao không phải bắt đầu từ đề xuất tâm huyết của một Đại biểu vì dân như ông Trương Trọng Nghĩa?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Việt Nam có rất nhiều điều khác lạ so có thể nói so hầu hết các nước văn minh, và ở đây câu chuyện không phải Hiến pháp (Hiến pháp chủ yếu chỉ nhắc tới quyền này) mà Luật biểu tình mới toàn quyền trong việc cho người dân được biểu tình cũng là điều lạ không hiểu có quốc gia thứ 2 (Trung Quốc cũng không có quy định trong Hiến pháp là thực hiện việc biểu tình theo quy định của pháp luật) nào lạ như vậy không!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây