Lựa chọn một thái độ

Nguyễn Đắc Kiên

21-5-2019

Trong tình huống khẩn cấp khi bị một con chó hung dữ tấn công thì khúc gỗ mục trong tay có thể là một vật hữu ích, nhưng khi đã đuổi được kẻ tấn công nguy hiểm đi rồi mà lại lầm tưởng rằng khúc gỗ mục ấy có thể cũng hữu dụng để đóng đồ thì đó lại là một sai lầm tai hại.

Giá trị của khúc gỗ mục trong tình huống trước nằm ngoài chức năng gỗ của nó, còn ở chức năng cốt yếu là gỗ, khúc gỗ mục chỉ là thứ hư hỏng, thứ buộc phải bị thải loại.

Tôi vẫn cho rằng, đất nước (tính chung cả hai miền Nam – Bắc) đang lần thứ hai đứng trước cơ hội hiện đại hóa, sau cơ hội đã bị vuột mất lần đầu tiên, giai đoạn 1930 – 1945.

Ở giai đoạn 1930 – 1945, chúng ta đã có cơ hội để hiện đại hóa văn hóa – giáo dục, đã có cơ hội để du nhập hình thức nhà nước dân chủ tự do hiện đại của phương Tây, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ.

Cơ hội bị vuột mất này, một ngày nào đó sẽ được các nhà nghiên cứu mang ra phân tích, mổ xẻ một cách tường minh và toàn diện, ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh nhỏ, đó là khía cạnh lựa chọn thái độ.

Cụ thể là thái độ của những người trí thức, những vị chính khách, những bậc yếu nhân có ảnh hưởng, hay thậm chí nắm giữ vai trò quyết định có thể thay đổi vận mệnh đất nước ở thời điểm đó.

Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu ở thời điểm đó những người sớm nhận ra hiểm họa cộng sản có một thái độ dứt khoát hơn, hành động kiên quyết hơn, có thể đất nước của chúng ta đã đi vào một con đường khác.

Tất nhiên, lịch sử không có chữ “nếu”, và tất nhiên đây cũng chỉ là cảm nhận chủ quan của tôi khi tiếp cận với những sử liệu (chắc chắn không đầy đủ) liên quan đến giai đoạn này.

Nhưng cũng chính vì không thể nói “nếu” với lịch sử, nên điều này lại càng ám ảnh tôi, nhất là ở thời điểm hiện nay, khi những khúc quanh của lịch sử một lần nữa dường như lại đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn một thái độ đúng đắn và dứt khoát.

Đó là thái độ dứt khoát đối với giới tư bản thân hữu đang ngày đêm thao túng, lũng đoạn và hủy hoại nền kinh tế nước nhà.

Đúng thế, tôi nhìn nhận, hiểm họa lớn nhất sẽ tàn phá lâu dài và toàn diện đất nước của chúng ta ở thời điểm này chính là hiểm họa từ giới tư bản thân hữu này.

Những tên trọc phú, những gã tài phiệt, vì mục tiêu lợi nhuận khôn cùng của chúng, chắc chắn sẽ không ngại ngần ra tay lũng đoạn chính sách – pháp luật, hủy hoại môi trường, hủy hoại mọi giá trị văn hóa – di sản, hủy hoại mọi chuẩn mực xã hội… miễn sao có lợi cho chúng.

Thế nên, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi bọn chúng, với sự tham tàn không giới hạn của mình, sẽ bắt tay với lũ tham quan ô lại làm nốt công việc hủy hoại cuối cùng để đến một ngày, khi cơn bão tham trọc của chúng đi qua, đất nước chúng ta chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát. (Như Venezuela hiện nay?)

Bây giờ trong các diễn ngôn của nhà nước, kinh tế tư nhân đã được đề cao, nhưng càng đề cao kinh tế tư nhân thì lại càng phải tìm cách loại bỏ, diệt trừ giới tài phiệt, thân hữu.

Những nguồn lực bị chiếm đoạt, những chính sách bị lèo lái theo ý đồ của giới tài phiệt, thân hữu sẽ gia cố thêm sợi dây thòng lọng đang siết vào cổ các doanh nghiệp non trẻ, các doanh nhân muốn làm ăn chân chính.

Những nguồn lực bị chiếm đoạt, những chính sách bị lèo lái cũng chính là liều thuốc độc hữu hiệu hủy diệt từ trứng nước những trái tim ấp ủ khát khao sáng tạo, khởi nghiệp.

Tất nhiên, tôi hiểu, vòi bạch tuộc của chúng bây giờ đã len lỏi khắp nơi, tác động rộng khắp đến mọi ngõ ngách của xã hội, diệt trừ, loại bỏ hay chỉ đơn giản là đòi hỏi một thái độ dứt khoát đối với chúng thôi cũng đã là khó rồi.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể, và khó mới đáng để nói, đáng để trở thành vấn đề cần được đặt ra, đúng không?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Khó mới đáng để làm, nhưng làm như thế nào, bắt đầu từ đâu…? Chỉ khi nào người Việt chúng ta hiểu rõ nét về giáo dục phương tây thì sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Ẩn sâu trong những trang sách của họ là một tư duy của những người nghĩ ra công nghiệp, mà điều này không dễ dàng nhận ra được. Chính những thứ đó, trải qua năm tháng đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành thói quen và được vận dụng trong mọi ngóc ngách của cuộc sống… bởi vậy họ phát triển và luôn đổi mới. Lịch sử đã chứng minh 36 mưu kế, binh pháp Tôn tử… không là gì so với cái này,Vn biết cách học thì sẽ không bao giờ có chữ nếu hoặc biết thế ….

  2. Trọc phú và tham quan tôi ví như bãi cứt và con giòi. Tứ trụ cộng với lũ cát cứ giòi bọ nhận bổng lộc từ lũ ma cô dollar này chè chén hai bên cùng hưởng lợi mặc dù biết rằng đó là của dân.

Leave a Reply to hòang tự minh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây