Lại bàn về “Tôn sư trọng đạo”

Chu Mộng Long

19-5-2019

Mấy năm trước, mỗi lần đến 20.11, tôi hay bàn về “Tôn sư trọng đạo” và nhận vô số gạch đá xây chuồng bò. Sau nhiều lần quyết liệt nhốt đám bò nghêu ngao “Tôn sư trọng đạo” lại, tưởng là yên, lần này, sau sự kiện mấy “cô giáo quỳ”, lại tràn ngập trên mạng xã hội câu thần chú “Tôn sư trọng đạo” để trách cứ học trò, trách cứ phụ huynh đã dám gỡ tấm bùa ấy. Chuyện này đã bàn nhiều lần, nay bàn tiếp.

“Tôn sư trọng đạo” thực chất là cụ thể hóa tôn ti của Nho giáo: Quân, Sư, Phụ. Đối với Vua thì phải Trung thành. Đối với Thầy thì phải Tôn kính. Đối với Cha thì phải Hiếu nghĩa. Điều này đã thành cương thường, bất khả bất tuân. Vì bất khả bất tuân, cho nên một tên hôn quân vô đạo, một ông thầy ngu dốt, một người cha vũ phu cũng dùng nó như tấm bùa hộ mệnh. Đặc biệt ngày nay, nó càng được lợi dụng để khoe khoang như một “vẻ đẹp truyền thống” và quan trọng hơn, nó đang thành thứ hàng mã để những kẻ có quyền lực như ông vua, ông thầy, ông cha bắt kẻ dưới cúng tế mình như cúng tế thần linh.

Trong khi người ta đã tảng lờ hoặc không biết rằng, để quan hệ tôn ti trên được duy trì ổn định, bền vững, Nho giáo cũng đưa ra điều kiện tiên quyết: Vua cho ra Vua, Thầy cho ra Thầy, Cha cho ra Cha. Điều kiện ấy được thực hiện theo nguyên lý: “Nhất nhật khắc kỷ phục Lễ, thiên hạ quy nhân yên”. Một ngày bề trên tự mình nghiêm khắc giữ Lễ, thiên hạ tự về với điều Nhân. Nho giáo cũng cảnh báo: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Học trò hỏi Khổng Tử: Khương Tử Nha giết vua Trụ có bất trung không? Khổng Tử nói: Không phải Khương Tử Nha giết Vua mà giết một tên hôn quân vô đạo.

Nay nhiều Thầy không ra Thầy (kể cả Cha không ra Cha). Thầy vô đạo toàn diện, không chỉ ngu dốt mà còn tham lam, không chỉ tham lam mà còn lưu manh xảo trá, không chỉ lưu manh xảo trá mà còn ấu dâm, hiếp dâm, không chỉ ấu dâm, hiếp dâm mà còn hung hăng đánh đấm, hạ nhục học trò, coi học trò không bằng súc vật. Loại thầy đó nếu bị phụ huynh tấn công, bị học trò đấm vào mặt, đâm thủng bụng, liệu có bất tôn bất kính?

Ông Nguyễn Minh Thuyết, tham gia nhiều lần cải cách và lần này là Tổng chủ biên chương trình và sách giáo khoa, tức ông ta là người thiết kế, là “kỹ sư tâm hồn” của cả nền giáo dục, nhưng trong bài phỏng vấn, dù không ủng hộ bạo lực, nhưng “cái nhìn toàn diện” của ông là gì? Quanh đi quẩn lại, cuối bài phỏng vấn, ông đòi kiểm duyệt thông tin mạng để bịt miệng phụ huynh và dư luận, đổi tội phụ huynh, học sinh hiện nay bất tôn bất kính với thầy làm hỏng nền giáo dục do ông thiết kế. Nhìn như vậy là toàn diện ư? Giáo dục nát bét là từ bàn tay của ông và đồng sự đấy, ông Nguyễn Minh Thuyết ạ!

Chính trị tổ chức xã hội. Xã hội loạn là do người tổ chức tồi. Giáo dục thiết kế nhân cách để phục vụ cho tổ chức xã hội. Khi các ông chửi xã hội vô đạo, chửi học trò mất dạy là chửi ai vậy? Có phải bò giày phải mũi không?

Riêng bài phỏng vấn này tôi sẽ có một bài riêng khai sáng cho ông. Không thể làm anh thầy bói chễm chệ trên ngôi cao mà cải cách giáo dục được.

____

Bài liên quan: “Tôi không đồng tình việc thầy cô đánh học trò, nhưng phải nhìn một cách toàn diện” (Infonet).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mục đích của học tập là làm ra máy móc, của cải vật chất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh…. Cải cách giáo dục không nằm ngoài cái này. Đừng quanh co nữa, nếu có khả năng hãy trả lời làm thế nào để đạt được mục đích ,để rồi Vn cũng có thể nói với thế giới rằng :đem ý tưởng đến đây, chúng tôi sẽ đáp ứng được yêu cầu một cách mĩ mãn, và sản phẩm đó thế giới sẽ chấp nhận…. Đừng viển vông với những :vnen,triết lý giáo dục,cách mạng 4.0…hãy nhìn thẳng vào vấn đề ,nhưng nên nhớ phải hiểu mới làm được ,và ở tầng vĩ mô, nếu làm sai,hậu quả khôn lường….

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây