Quỳ hay không quỳ?

Lê Nguyên Phương

15-5-2019

Lại một lần nữa rộ chuyện trong ngành giáo dục. Lần này là mâu thuẫn giữa phương pháp kỷ luật giữa gia đình và cô giáo. Cô giáo lần này bắt quỳ chứ không xử con kiểu “231.” Và bà mẹ thì phản đối chuyện cô giáo bắt con quỳ.

Xem qua những tranh luận giữa hai phe thủ cựu [conservative] và phe cấp tiến [progressive] trên mạng về “to kneel or not to kneel” tôi lại thấy mừng. Vì mâu thuẫn là tiền đề của sự chuyển hóa. Tuy nhiên lý luận của phe thủ cựu để lộ quá nhiều lỗi ngụy biện [informal fallacies] mà tôi sẽ phân tích ở một post sau. Điều này cũng tốt, giúp cho mọi người thực tập tư duy phản biện/phê phán [critical thinking]. Tư duy phản biện là học phần đầu tiên ở năm đầu đại học tại Mỹ mà sinh viên phải học.

Để góp phần thảo luận cho vui đầu tiên, tôi xin gởi phần trích đoạn trong chương Dạy Con Lối Nào trong cuốn Day Con Trong Hoang Mang I của tôi, nói về hậu quả của việc dạy con theo lối độc đoán, một lối dạy con mà phe thủ cựu thường sử dụng và nhục hình được xem như biện pháp kỷ luật hữu hiệu. . .

“Yếu tố đầu tiên có ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập và hình thành nhân cách của một đứa trẻ là gia đình. Khi nói về gia đình, chúng ta nói về nhiều khía cạnh khác nhau. Từ (a) cấu trúc của gia đình như “gia đình cơ bản” chỉ có cha mẹ con cái, “đại gia đình” với ông bà cô dì, (b) chức năng của các thành viên trong gia đình, cho đến (c) tập quán giáo dục con cái của cha mẹ. Tập quán giáo dục con cái rất quan trọng trong gia đình đối với sự trưởng thành và thành công của con cái. Chúng ta có thể gọi đơn giản là “lối dạy con”.

Theo nghiên cứu của Giáo sự Tâm lý Lâm sàng và Phát triển Diana Baumrind, thì có 4 yếu tố cần chú ý khi nghiên cứu về lối dạy con, thứ nhất là kỷ luật [discipline], thứ hai là truyền đạt [communication], thứ ba là sự hỗ trợ [support] tinh thần và sinh hoạt của con cái, và cuối cùng là kỳ vọng [expectations] về mức độ trưởng thành và vâng lời của con cái. Quan trọng nhất trong 4 yếu tố này là 2 yếu tố kỳ vọng và sự hỗ trợ của cha mẹ. Dựa trên những yếu tố này Baumrind cho rằng chúng ta có thể có 4 lối dạy con.

Loại thứ nhất tạm dịch là lối độc đoán [authoritarian]. Trên ma trận 4 yếu tố của Baumrind thì trong lối dạy này, cha mẹ đòi hỏi con cái rất cao nhưng sự hỗ trợ hay đáp ứng tinh thần thì thấp, cả trong chuyện học hành lẫn những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần khác của trẻ. Với cách này, con cái phải tuân theo tất cả luật lệ đặt ra bởi cha mẹ và bị trừng phạt nếu vi phạm.

Cha mẹ dạy con theo lối này ít khi giải thích lý do về những lề luật hay mệnh lệnh của mình. Thường những lề luật này được đưa ra bởi “ông bà thời xưa làm sao thì mình làm vậy,” từ những kinh nghiệm riêng tư và có thể rất đặc thù của cha mẹ, hay thậm chí là một ngẫu hứng, ba phải, bốc đồng nào đó. Thông thường khi trẻ hỏi lý do tại sao có những mệnh lệnh đó thì cha mẹ chỉ trả lời là “Tao bảo thì mày cứ làm,” “Tại tao là cha/mẹ,” “Tại tao bảo vậy thì phải vậy.” Vâng lời và phục tùng là đòi hỏi chính yếu nhất của các bậc cha mẹ này.

Xét về động lực tâm lý, việc vâng lời của con cái giúp củng cố bản ngã và và tín điều của loại cha mẹ này. Vì vậy, khi con cái không vâng lời, họ cảm thấy bị tức giận, mất mặt, phản bội, và thất bại trong chuyện làm cha mẹ. Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn họ đến những hành động bạo hành thể xác hay tinh thần của con cái. Sự yếu kém tri thức về sự phát triển tinh thần của trẻ em khiến một số phụ huynh bất chấp nhu cầu suy nghĩ, tình cảm, và hành xử độc lập và tự do của con cái. Đối với họ, sự ổn định và trật tự về hình thức trong gia đình quan trọng hơn sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của đứa trẻ.

Lối dạy con theo kiểu độc đoán có thể xây dựng nên những đứa con biết lễ phép và vâng lời trong gia đình, có thể học tập tốt và kỷ luật ở trường, và công dân phục tùng ngoài xã hội.

Nhưng lợi không bù hại.

Hậu quả tiêu cực mà chúng ta có thể thấy ngay là sự tức giận, bất mãn, và uất ức của con cái khi chúng bị áp lực hay thậm chí đàn áp để tuân phục những mệnh lệnh lề luật trong gia đình có khi rất tùy hứng và chủ quan của cha mẹ, như đã nói ở trên.

Về cảm xúc, chúng thường tự ti, bất hạnh, giận dữ hay yếu đuối, thiếu tình nhân ái; về trí tuệ, chúng kém óc sáng tạo và tư duy độc lập.

Trong xã hội, chúng kém khả năng ứng xử giao tiếp. Khi lãnh đạo trong công ty hãng xưởng, chúng chỉ lập lại mô hình “cai trị” của cha mẹ chúng đối với nhân viên: đòi hỏi rất nhiều nhưng hỗ trợ không bao nhiêu, thích nhân viên phục tùng không thắc mắc, và kiếm lỗi để trừng phạt nhiều hơn là kiếm công để khen thưởng.

Nếu là cấp dưới, những đứa trẻ này khi lớn lên luôn sống trong sự sợ hãi sẽ thất bại, một mặt luôn muốn làm vui lòng nhưng lại ngấm ngầm bất mãn căm tức cấp trên.

Chúng không biết làm việc trong quan hệ bình đẳng mà chỉ thích hợp trong những tổ chức có mô hình đẳng cấp phân biệt cứng nhắc.”…

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Các thầy cô giáo quan niệm một cách độc quyền rằng ” mấy người đem con tới cho tụi tôi dạy thì phải để cho tụi tôi dạy kiểu gì cũng ráng chịu. Nếu không muốn thì mang con về nhà tự dạy đi”
    Giống như xe đò độc chiếc. “Xe chật thế ai không muốn đi thì ráng đi bộ.”
    Rõ ràng Giáo dục của ta ngày càng không đáp ứng được mục đích của giáo dục.
    NHớ thuở cách đây hơn 60 năm. Thầy giáo rất nghèo và trình độ của thầy cũng chẳng cao nhưng thầy bước vào lớp là học trò sợ lắm. Sợ mà thương mà kính thầy.
    Vậy tại sao bây giờ học trò nhơn nhơn không sợ thầy cô.
    Theo tôi chúng biết cha mẹ chúng là con bò sữa cho nhà trường vắt kiệt, cho lớp dạy thêm bòn rút. cho bộ bán sách giáo khoa thu tiền tỷ.
    Muốn cho học trò sợ thầy cô, yêu mến sân trường, học hành chăm ngoan thì đừng làm cho học trò có cảm giác mình chỉ là con gà công nghiệp được nuôi bằng thức ăn dở ẹt, nhốt trong chuồng và chuẩn bị đem vặt lông. Khốn khổ đau lòng cho phụ huynh, không lẽ để con ở nhà mà đem tới trường thì không tin tưởng.

Leave a Reply to MI Lan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây