Áp thuế Trung Quốc: gánh nặng đè vai dân Mỹ

Mai V. Phạm

15-5-2019

Một số người Việt xem chuyện Trump áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giống như chuyện Trump dùng tên lửa tầm xa tấn công Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, còn phía Mỹ không hề hấn gì. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ hết sức vớ vẩn và thiếu hiểu biết.

Thuế quan (tarrif) là gì?

Thuế quan là thuế hoặc phí phải trả trên hàng nhập khẩu. Thông thường, thuế được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá giao dịch mà người mua trả cho người bán nước ngoài. Giả sử mức thuế áp đặt của Hoa Kỳ là 6.5% cho các cây dù sản xuất tại Trung Quốc. Một nhà bán lẻ ở Mỹ muốn mua 100 cây dù từ Trung Quốc với giá 5$/cây, thì tổng chi phí trước thuế là 500$. Mức thuế 6,5% trên tổng giá giao dịch $500 sẽ là $32.5. Nghĩa là, nhà bán lẻ ở Mỹ phải trả $32.5 (6.5% x $500) thuế cho lô hàng 100 cây dù. Vì thế, tổng chi phí của lô hàng sẽ tăng từ $500 lên $532.50.

Tại Hoa Kỳ, thuế quan được thu bởi Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (Customs and Border Protection) tại 328 cảng nhập cảnh trên toàn quốc. Tiền thu được sẽ chuyển đến Ngân khố quốc gia.

Ai phải trả thuế?

Mặc dù thuế quan được áp dụng đối với hàng hóa đến từ mỗi quốc gia, nhưng KHÔNG phải quốc gia đó phải trả thuế. Thay vào đó sẽ là các nhà nhập khẩu, bao gồm các công ty và tập đoàn. Để đảm bảo lợi nhuận, các công ty thường chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí thuế cho người tiêu dùng, bằng cách nâng giá thành sản phẩm để bù thuế.

Một nghiên cứu vào tháng 3/2019 bởi các nhà kinh tế từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Đại học Columbia, và Đại học Princeton cho thấy, người tiêu dùng và các công ty Hoa Kỳ đã phải chi thêm 3 tỷ Mỹ kim vì thuế quan và phải gánh thêm 1,4 tỷ Mỹ kim chi phí gia tăng. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà kinh tế tại Đại học UCLA và Ngân hàng Thế giới (World Bank) kết luận rằng, các công ty và người tiêu dùng Mỹ đã mất 68.8 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái vì các mức thuế cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với ông Chris Wallace trên Fox News, cố vấn kinh tế hiện tại của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, khẳng định, chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chi trả cho các khoản thuế mà Trump áp đặt lên Trung Quốc. Ông Chris Wallace nói: “Thực tế Trung Quốc không phải là nước trả tiền thuế, mà là những hãng của Mỹ nhập khẩu hàng của Trung Quốc, các công ty của Mỹ. Việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng ở Mỹ”.

Đáp lời ông Chris Wallace, ông Kudlow nói: “Đúng vậy… Cả hai bên đều phải trả tiền thuế”. Phát biểu này của cố vấn kinh tế Kudlow tố cáo sự dối trá của Trump khi Trump tweet rằng, chính “Trung Quốc phải trả tiền thuế”. Phát biểu hàm hồ, sai sự thật này của Trump cũng y như tuyên bố dối trá trước đây của Trump: “Mexico sẽ trả tiền cho bức tường biên giới”.

Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nêu ra: “Tác động của đợt đánh thuế hồi năm 2018 đã bị đẩy qua cho người tiêu dùng Mỹ dưới hình thức giá cả hàng hóa cao hơn. Trung Quốc không lãnh gánh nặng của cuộc chiến thuế quan của Trump”.

Hầu hết các chuyên gia và Nobel kinh tế uy tín đều khẳng định, “trade war” không có người thắng, mà chỉ có người thua. Các nước tùy tiện áp thuế lên nhau sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tài chính của người tiêu dùng, cũng như giảm tăng trưởng toàn cầu.

Paul Krugman, Giáo sư Đại học Princeton và đoạt giải Nobel Kinh tế 2008, lên án chính sách áp thuế của Trump: “Chính sách thương mại của Trump nhanh chóng trở thành một bài học điển hình về cái giá của sự ngu dốt. Bằng cách từ chối tìm tòi nghiên cứu, đội ngũ của Trump đang đánh mất bạn bè, đồng minh trong khi sự thất bại sẽ gây ra ảnh hưởng tới mọi người”.

Esward Prasad, Giáo sư và chuyên gia thương mại nổi tiếng của Đại học Cornell, nhấn mạnh: “Trump là món quà từ Trời ban tặng cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã thao túng các qui tắc, nhưng cách đối phó của Trump là phản tác dụng… Cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho tất cả các bên: làm rối loạn kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng, cản trở xuất khẩu và gây thiệt hại cho sự tăng trưởng. Lần cuối cùng Hoa Kỳ áp đặt thuế quan rộng rãi là vào những năm 1930s và hậu quả là khiến cho cuộc Đại Suy Thoái kéo dài và tồi tệ hơn”.

Các Tổng thống trước Trump, gồm Ronald Reagan, Richard Nixon, George W. Bush đều đã từng áp thuế lên các nước khác nhau như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước đồng minh châu Âu. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian, tất cả đều phải chấm dứt kế hoạch áp thuế vì thiệt hại đáng kể lên kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.

Hiện tại, phần lớn các công ty Mỹ và các quốc gia khác đang có các cơ sở hạ tầng lớn và hiện đại hoạt động lâu năm tại Trung Quốc. Thêm vào đó, họ đã đào tạo và phát triển các lực lượng lao động lành nghề. Bởi thế, lập luận rằng các công ty Mỹ hãy lập tức hủy bỏ các cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động có tay nghề ở Trung Quốc, để xây dựng cơ sở ở các nước khác, là khó khăn và không thực tế.

Trung Quốc khốn đốn không có nghĩa Việt Nam thoát độc tài

Nhiều người Việt có lẽ quá cuồng Trump đến độ tưởng rằng chính sách áp thuế với Trung Quốc cũng y như việc Trump dùng vũ lực đối phó với Trung Quốc. Chớ quên, Trump không chỉ áp thuế với Trung Quốc, mà còn áp thuế với Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Mexico, Canada… Nạn nhân phải gánh chịu hệ lụy từ chính sách thuế của Trump chính là các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là nông dân.

Không có một bằng chứng nào chứng minh sụp đổ kinh tế sẽ mang đến dân chủ. Khối cộng sản Liên Xô sụp đổ không phải dựa duy nhất vào kinh tế suy yếu, mà còn các yếu tố khác. Một yếu tố hết sức quan trọng góp phần giải thể khối cộng sản Đông Âu chính là phương thức đấu tranh ôn hòa và có tổ chức của thành phần trí thức ở các nước Đông Âu.

Cũng đừng quên khi kinh tế của các nước độc tài gặp khó khăn, nạn nhân đối mặt với khó khăn và thiếu thốn chắc chắn không phải là cán bộ đảng viên, mà là vô số dân nghèo. Venezuala và Bắc Hàn là hai bài học thiết thực: chế độ độc tài càng bị dồn vào đường cùng sẽ càng gia tăng bóc lột và đàn áp dân chúng khốc liệt để tồn tại.

Nhiều người Việt để sự căm ghét (nhà cầm quyền) Trung Quốc và tôn sùng Trump bóp nghẹt sự thật về thuế quan. Thần thánh hóa lãnh tụ là một khối ung thư não rất độc hại. Nó bóp nát sự thật, tri thức và lý lẽ đúng đắn. Bởi thế, phải can đảm cắt bỏ nó để trở thành người tự do, có khả năng suy nghĩ độc lập, và tôn trọng facts.

Đối với những người dựa dẫm vào Trump, Trung Quốc suy sụp có lẽ là điều họ mong đợi nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn vì thuế quan của Trump ở Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ là sự lựa chọn thay thế vì địa điểm thuận lợi và có nguồn lao động rẻ. Khi đó, chế độ độc tài cộng sản Việt Nam lại được bồi dưỡng thêm sinh lực và tài lực. Có thể nói, việc Trump áp thuế với Trung Quốc sẽ tạo điều kiện kinh tế thuận lợi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Tóm lại: Khi Trump còn tiếp tục áp thuế với Trung Quốc, thì người dân Mỹ sẽ lãnh đủ thiệt hại và chế độ độc tài cộng sản Việt Nam sẽ còn ngang nhiên tồn tại trong thách thức.

_____

Biếm họa về cuộc chiến mậu dịch của Trump:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “trade war” không có người thắng, mà chỉ có người thua. Đúng như vậy nhưng ng thua ít là ng thắng đối với ng thua nhiều. Trump phải lập lại trật tự kinh tế thế giới vì TQ đã phá vỡ do cạnh tranh ko công bằng: tập trung tận dụng nguồn lực con ng, tài nguyên đất nc TQ để hổ trợ cho các DN nhà nc thống trị nền kinh tế thế giới với mục đích sau cùng phục vụ lợi ích của đảng CS TQ. Thế giới ko ai chơi với thể chế độc tài toàn trị như TQ

  2. Đây không phai cuộc chiến về thuế mà là cuộc chiến sống còn giữa hai cường quốc. Nếu Trung Quốc giữ vi trí sô 1 đó sẽ là thảm hoa của Nhân loại .

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây