Mô hình nào để VN phát triển?

Trương Nhân Tuấn

6-5-2019

VN muốn phát triển như Nhật thì phải có một bản Hiến pháp “do người Mỹ” viết và một “Samurai da trắng” lãnh đạo. Còn muốn phát triển như TQ thì phải tức khắc từ bỏ tâm thức “lấy đất nước và dân tộc để xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Thật vậy, VN và Nhật giống nhau ở điểm là “tôn thờ bạo lực”. Lịch sử VN và lịch sử Nhật tương đồng ở chỗ nội chiến liên miên. Hai bên cùng có thói quen tôn thờ những vị tướng lẫy lừng nơi trận mạc.

Nhật, “nhờ” thua trận Thế chiến II nên “được” Mỹ áp đặt một bản Hiến pháp. Người ta thường nói đây là bản hiến pháp “hòa bình”. Nhưng điểm quan trọng khác của bản hiến pháp này là nền “dân chủ”, trong đó vai trò của hoàng đế chỉ có giá trị tiêu biểu về “đại diện”. Mọii quyền bính của ông vua bị tước đi và giao lại cho “toàn dân”. Quan chức nhà nước đều có trách nhiệm trước pháp luật như một công dân bình thường. Tức là mô hình thực chất là “Etat de Droit – Quốc gia pháp trị”.

Sau khi thua Thế chiến II lãnh thổ Nhật bị đặt dưới chế độ “quân quản” của Mỹ, do tướng McArthur cầm đầu. Có thể vì lo ngại dân Nhật ngả theo cộng sản chống lại “nền thực dân” của Mỹ, McArthur chủ trương cai trị bằng “bàn tay nhung” với nhiều sự dễ dãi dành cho hoàng gia cũng như đối với nhân viên hành chánh Nhật (mà điều này trái với ý chí của chính phủ Mỹ cũng như của các nước Đồng minh). McArthur thuyết phục chính phủ Mỹ thành lập một chương trình “xây dựng và khôi phục lại nước Nhật”, tương tự chương trình Marshall dành cho Châu Âu. Ông quan niệm rằng chỉ có cách này dân Nhật mới không theo cộng sản và nhà nước Nhật mới có khả năng trả nợ chiến tranh cho các quốc gia khác. Nhờ McArthur nước Nhật được hồi phục. Dân Nhật yêu mến và tôn thờ McArthur, gọi ông này là “Samurai da trắng”. Bây giờ Nhật không còn tôn thờ bạo lực như trước nữa, mặc dầu ngôi đền Yasukuni vãn còn thờ những bài vị của những vị tướng thời Đệ nhị Thế chiến (bị xếp vào tội phạm chiến tranh).

Người Việt mình hay ngưỡng mộ ý chí sắt đá của người Nhật mà quên đi rằng ý chí đó đã bị chuyển hướng sang hòa bình do bản Hiến pháp. Nước Nhật phát triển hôm nay không phải do tính hiếu sát hiếu thắng của người Nhật trước Thế chiến II mà do bản Hiến Pháp (dân chủ và hòa bình) của ông Samurai da trắng là tướng McArthur (và chương trình viện trợ của Mỹ).

Với bản Hiến pháp này Nhật chỉ mất 15 năm để trở thành cường quốc kinh tế.

Về phía TQ, VN từ (rất) lâu đã rập khuôn mô hình phát triển của TQ. TQ làm cái chi là VN làm cái đó. Thời Mao, miền Bắc VN là một bản sao TQ của Mao. Bây giờ VN là một bản sao TQ, bắt đâu từ thời Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề là VN lấy quyền lợi của đất nước và dân tộc để xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Vấn đề “thế nào là xã hội chủ nghĩa” ? Xây dựng XHCN là xây dựng cái gì ? Thời còn chiến tranh lạnh, việc này cụ thể qua câu nói của Lê Duẩn “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”.

Nhưng thời bây giờ, ông Trọng có thú nhận là 100 năm nữa không biết có thấy XHCN hay chưa. Tức là việc xây dựng “Xã hội chủ nghĩa” không thể định nghĩa được. Việc này khiến cho nguyên khí quốc gia bị tiêu hao. Tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Đạo đức, văn hóa xã hội suy đồi. Cán bộ đảng viên cộng sản nhập nhằng khái niệm, đục nước béo cò. Cán bộ đảng viên nào cũng giàu sụ trong khi người dân thì nghèo đói.

Trong khi TQ họ lấy xã hội chủ nghĩa để phục vụ cho quyền lợi và đất nước của họ. Quan điểm mới đây của Tập Cận Bình về đảng: “lý do duy nhứt cho sự hiện hữu của đảng CSTQ là phục vụ cho lợi ích của toàn dân”. Hôm kia tôi có nói sơ qua lý do vì sao TQ thành công trong công cuộc “dò đá qua sông”. Là vì họ đặt mục đích phục vụ quyền lợi của ngườ i dân.

Ta thấy tài phiệt (tư nhân) TQ bây giờ có ảnh hưởng đến toàn cầu. Hàng hóa của TQ bây giờ đang chinh phục cả thế giới. Ngay cả bây giờ Mỹ gây chiến tranh thương mại với TQ, việc này cũng không thể cản trở TQ lên hàng đầu thế giới.

TQ đã mất 40 năm để phát triển thành công, từ sau cuộc chiến biên giới với VN kết thúc 1979.

VN muốn tiếp tục theo mô hình TQ hay mô hình Nhật (như ý muốn một số đông trí thức VN) ?

Nếu đặt đúng mục tiêu phục vụ, VN theo mô hình TQ sẽ mất từ 60 năm đến 80 năm để phát triển tương tự như TQ bây giờ. Trong đó 20 năm phải mất để đào tạo các thế hệ hạt nhân lãnh đạo trong sạch, có thực tài.

Còn nếu theo mô hình của Nhật, với một bản hiến pháp (không cần hòa bình) mà chỉ giới hạn quyền lực của đảng CSVN, theo đúng mô hình xây dựng quốc gia trên nền tảng các hệ thống luật lệ (Etat de Droit – nhà nước pháp trị). Quan chức nhà nước làm gì cũng phải theo luật mà làm. Quan chức bình đẳng với dân chúng trước pháp luật.

Nếu áp dụng mô hình Nhật thì VN sẽ mất từ 15 đến 20 năm để phát triển (như Nam Hàn hay Đài loan bây giờ).

Còn nếu tiếp tục như hôm nay, thì cán bộ tiếp tục lạm dụng quyền lực để làm giàu. Dân cả nước sẽ sa vào vòng nô lệ, làm công cho tài phiệt nước ngoài.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong quá trình lịch sử, Hiến pháp Việt Nam luôn luôn là một bản sao của Nghị quyết Bộ Chính Trị. Đảng CSVN đứng trên và đứng ngoải Hiến pháp và luật pháp, nên việc thảo luận về một mô hình cho hiến pháp không thể đặt ra cho đến khi nào mà Đảng tuân thủ tinh thần trọng pháp: Một vấn đề chưa được và sẽ không thể giải quyết. Mô hình Hiến pháp của Nhật thởi hậu chiến hoàn toàn khác hẳn với hiện tình của Việt Nam năm 2019, khi thảm hoạ diệt vong là hiện thực. Hiện nay, không ai quan tâm đến việc soạn thảo hiến pháp cho Việt Nam, nên bàn chuyện đối chiếu với mô hình hiến pháp Nhật càng xa rời thực tế

Leave a Reply to Nguyễn thị Mương Lớn Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây